19. THỪA TỰ PHÁP

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthpindika, Thế Tôn gọi các Tỳ kheo và thuyết giảng:

"Này các Tỳ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật". Ta có lòng thương tưởng các Thầy và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?". Và này các Tỳ kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự tài vật của Ta, không là những người thừa tự pháp, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: "Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp".

Này các Tỳ kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: "Cả Thầy và trò là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật".

Do vậy, "Này các Tỳ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật".

Đức Phật kể câu chuyện:

- Có hai vị Tỳ kheo đến chỗ Thế Tôn, sau khi Ngài dùng cơm đã xong, một vị Tỳ kheo nghĩ: "Nay Thế Tôn ăn đã xong và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn đáng lẽ được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay bỏ trong chỗ nước không có chúng sinh". Nhưng Thế Tôn có dạy "Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật". Sau khi suy nghĩ, vị ấy không ăn loại đồ ăn này, trải qua ngày đêm ấy, đói lả và kiệt sức.

Vị Tỳ kheo thứ hai nghĩ: "Nay Thế Tôn ăn xong và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay bỏ trong chỗ nước không có chúng sinh. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này trừ bỏ đói lả và kiệt sức". Do vậy, vị ấy ăn loại đồ ăn ấy.

Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, dù cho Tỳ kheo này sau khi ăn loại đồ ăn để trừ bỏ đói lả và kiệt sức, nhưng đối với Ta, vị Tỳ kheo đầu tiên đáng được nể hơn, đáng được tán thán hơn. Vì sao? Vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỳ kheo ấy trong một thời gian lâu ngày ít dục, biết đủ, kham khổ, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật".

Thế Tôn thuyết giảng xong và đi vào Tinh xá.

Lúc ấy, Tôn giả Sàriputta liền gọi Tỳ kheo và nói: "Này các Hiền giả, như thế nào là vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly?" Các Tỳ kheo mong được Tôn giả Sàriputta thuyết giảng, Tôn giả thuyết giảng như sau:

- Ở đây vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly nghĩa là những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy không được các đệ tử từ bỏ. Vì những pháp ấy không được các đệ tử từ bỏ, các vị ấy sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Này chư Hiền, có ba trường hợp đáng bị quở trách:

1) Vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly.

2) Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các vị ấy không từ bỏ.

3) Các vị ấy sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Đó là ba trường hợp đáng bị quở trách bởi Thượng tọa Tỳ kheo, Trung tọa Tỳ kheo và tân học Tỳ kheo.

- Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly? Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp các vị ấy từ bỏ, các vị ấy không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Này chư Hiền, có ba trường hợp đáng được tán thán:

1) Vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly.

2) Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các vị ấy từ bỏ.

3) Các vị ấy không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Đó là ba trường hợp đáng được tán thán đối với các bậc Thượng tọa, Trung tọa và tân học Tỳ kheo.

Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham sân, khiến tịnh nhãn sanh, trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng tri, giác ngộ, Niết bàn. Con đường Trung đạo ấy tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.