Khách sang sông lễ chùa tại TP HCM: Đối mặt với tai nạn sông nước

Để được dâng hương, thiện nam tín nữ rồng rắn chen chúc, xô đẩy tạo nên hỗn cảnh bát nháo, mất trật tự. Và để kịp chạy "sô", chủ tàu liên tục bốc khách, chạy hết tốc lực, không yêu cầu khách mặc áo phao, phớt lờ quy định an toàn giao thông đường thủy…

Muốn sang sông phải lụy đò

Sáng 21/2, hòa cùng dòng người hành hương, qua cầu Giồng Ông Tố, qua vườn cò quận 9 rồi bám theo con đường Nguyễn Văn Tăng, sau hơn 30km lăn bánh, chúng tôi rẽ vào con đường đất đỏ bụi mịt mù và đặt chân tại bến đò Thủy Sơn. Lúc này chưa đầy 8h sáng nhưng có cả ngàn con người đang xô lấn, chen chúc mua vé để sang bờ bên kia, nơi có chùa Phước Long nằm giữa một cù lao trên sông Đồng Nai, thuộc địa phận phường Long Bình, quận 9. Lúc đứng đợi đò, một phật tử tên Loan bỏ nhỏ: "Chùa Phước Long còn có tên chùa Châu Đốc 3. Chùa nằm trên cù lao tách biệt với đất liền, thu hút đông người đến viếng vì có rừng tượng đặc sắc với nhiều loài mãnh thú như cọp, rắn, rồng, thần ưng…". Bà Loan thúc giục: "Từ đây muốn qua được bên đó chỉ có cách duy nhất là đi đò ngang. Chú muốn đi sớm phải tranh thủ mua vé, bằng không chờ dài cổ".

Cảnh lộn xộn ở bến đò.

Vừa nói bà Loan vừa đảo mắt về phía đám đông lố nhố đang chen lấn chìa tiền vào quầy bán vé để mua được miếng giấy thông hành. Do ai cũng muốn rời bến nên sự xô đẩy rất khốc liệt. Nhiều phụ nữ, cụ già bị mấy chàng trai, cô gái đẩy bật khỏi hàng, người làu bàu mắng nhiếc, kẻ chửi rủa không tiếc lời. Biết sức mình khó chen chân, một bà cụ tóc bạc trắng gửi một anh niên mua giúp hai chiếc vé cho hai bà cháu. Anh này hồ hởi nhận tiền rồi biến mất trong sự chán chường, thất vọng của bà cụ. Quyết định quay về, cụ bà giọng cám cảnh: "Muốn qua sông thì phải lụy đò. Người đông mà đò ít vầy chỉ mấy cô mấy cậu có sức mới tranh nổi"...

Nín thở sang sông

Để tận tường cảm giác du xuân rùng rợn, chen lấn một hồi rồi chúng tôi cũng mua được vé thông hành với giá 10.000 đồng cho chuyến đi khứ hồi. Mua được vé đã khổ, để bước lên đò cũng khổ bội phần. Chỉ đám đông tay cầm vé chờ đến lượt xuất hành với mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn chưa được toại ý, người đàn ông đứng cạnh ta thán: "Nãy giờ tui thấy có mấy người suýt rớt xuống sông. Đơn giản bởi đò vừa cập bến, lớp khách lên, lớp túa xuống, hai bên đụng nhau thấy dễ chết quá!".

Chờ đợi dài cổ rồi chúng tôi cũng được bước lên đò. Để tránh bị bỏ rơi, nhiều khách bạo gan bước ra khu vực cấm, nhảy thẳng lên mạn đò. Tiếng càm ràm, chửi rủa, la mắng của khách lẫn đám thợ thuyền khiến không gian gần như loạn. Khi con đò đủ người, anh lái đò quyết định cho rẽ sóng. Một hành khách chỉ vào mấy chiếc áo phao được nhét trên trần hỏi: "Có mặc áo phao không?" thì nhận cú lắc đầu thẳng thừng của anh chàng soát vé. Ông khách ôm hai đứa con miệng làu bàu: "Chủ quan vầy dễ chết lắm. Khi va chạm thì mỗi người văng mỗi nơi, lúc đó có áo phao cũng bằng thừa".

Con đò mỗi lúc một tăng tốc khiến nước văng tung tóe. Lắm lúc anh lái đò làm vài cú cua lượn tránh mấy chiếc đò khác khiến nhiều khách sợ hãi thốt lên mấy tiếng "nam-mô". Chỉ sau khoảng 10 phút, đò cập bến. Trước hàng trăm con người sau khi lễ Phật đang chen lấn để đi lượt về, nhiều hành khách trên đò băn khoăn không biết phải lên bờ ra sao. Run rẩy nhờ hai thanh niên kè hai bên đưa lên bờ, một bà cụ giọng lập cập: "Bình thường đò chạy khoảng 20 phút nhưng hôm nay đông khách quá nên họ rút ngắn đến phân nửa thời gian. Lâu lắm rồi thím mới có cảm giác nín thở qua sông đó!".

Chuyến sang sông lễ Phật hôm ấy đã để lại nhiều cảm giác rùng rợn với những thiện nam tín nữ. Sau chuyến đi, nhiều người bày tỏ "cạch tới già, có cho tiền cũng không dám mạo hiểm". Ông Bình, một cán bộ hưu trí, chia sẻ: "Những chuyến đò bão táp này một phần do khách mà ra. Nếu như năng lực của nhà đò có hạn thì khách phải biết tùy cơ ứng biến, hoặc để lần khác sang sông, hoặc phải xếp hàng trật tự. Đằng này…"


Thành Dũng

Theo CAND