Thêm Muà Trẫy Lá

http://www.ctu.edu.vn/departments/inter-coo/photogallery/Hoa%20Mai%20-%20giai%20dong%202_tn.jpgVườn mai vừa thức giấc bởi những bước chân lao xao. Lá đã chớm khô chờ những bàn tay trẩy lá cho kịp sang xuân hé nụ.

Sau khi hoa đã tàn hết, vườn mai chỉ còn làm cỏ mùa mưa, tưới đôi chút vào mùa khô. Rồi cũng ít bước chân ai qua. Nó hiện diện đó, nhưng cũng dường như không ở trong tầm mắt ai hết.

Nhưng thời điểm này thì vườn mai nằm trong tầm mắt của tất cả. Ban hương đăng ngắm nghía chọn cành để cắt vào chưng trên chánh điện cho ra vẻ tết. Ban nhiếp ảnh canh chụp để làm ảnh tư liệu. Những ai không trách nhiệm đi ngang cũng ghé mắt qua nhìn.

Có năm tôi được tặng một bức thư pháp, vô tình nhưng lại vô cùng ưng ý với bài thơ của Quách Tấn. Nét thư pháp cũng khá ăn nhịp với cành mai vàng:

Trước Tết Mai là hoa

Sau tết Mai là củi

Trước bao nhiêu nâng niu

Sau bấy nhiêu hất hủi

Nâng niu Mai chẳng mừng

Hất hủi Mai không tủi.

Nghìn trước ngẫm nghìn sau

Khe trong lồng bóng núi.

Treo bức thư pháp ngắm đi ngắm lại, chỉ mong  được như cành mai kia lòng an bình với những biến động trong đời. Sau Tết những khi chụm củi nhằm cành mai khô, cuối cùng cũng vẫn là một đóng góp cho đời, thành ngọn lửa hồng kia, thành làn khói lam kia và thành chút tro lạnh nằm dưới gốc cây, thêm sức cho những cành còn xanh lá.

Sự đóng góp cho đời chỉ là vô tâm mà góp mặt, đủ nhân đủ duyên, mai nở vào sáng mùng một, thiếu một chút duyên gì đó mai sẽ nở sớm hơn, để bao nhiêu người tiếc rẻ: “Uổng quá, nở sớm hết rồi!”, cũng thiếu một chút duyên nào đó, hoa nở muộn, ngày đầu năm, cây còn đầy nụ xanh hứa hẹn.

Vô tâm mà góp mặt cho đời. Nhưng đời thì hữu tâm phân ra nghìn lối.

Có một năm, về phố thị, một em Phật tử nhiệt tình, “để con chở Sư đi ngắm chợ hoa”. Qua hàng mai vàng rực rỡ, đến hàng đào, thì choáng váng cả một trời xuân. Em hỏi tôi, “đào ngó sang hơn phải không Sư”.

Tôi cũng thầm công nhận. Rừng đào đẹp một cách kiêu kỳ quý phái, khó mà diễn tả, đến nỗi tôi chao lòng muốn chọn một cành đào về chưng trên chánh điện.

Nhưng rừng mai vàng đã quen thuộc trong ký ức mùa xuân. Nó trộn lẫn giữa thực tế và những mùa xuân tuổi thơ hun đúc nên con người.

Sự chọn lựa còn nằm trong tâm thức. Có lẽ nhờ vậy mọi sắc màu đều có chỗ đứng nơi thế gian này. Nó không đơn thuần là cảnh vật mà cảnh và tâm lẫn vào nhau, nên khó rạch ròi trong ý thích khi chọn lựa. Cái giá trị thật ở đâu không ai đánh giá được, nếu nói nơi viên kim cương kia, thì với những người coi nhẹ vật chất, thì dù viên kim cương cũng khó mua được cái gật đầu của họ.

Thêm một lần trẩy lá mai, tháng ngày dần qua, lúc trẻ bắc thang cao, trẩy những lá tận trên ngọn, rồi dần đứng trên ghế, và bây giờ chỉ có thể đứng nơi đất, để khi đứng lâu mỏi chân bởi cội mai quá nhiều lá, có thể ngồi trên chiếc ghế đẩu để gần bên.

Những cội mai kia già theo năm tháng, nhân chứng đời dầy thêm trên gốc, chắc hẳn mai cũng đã nghe nhiều tâm sự không biết ngỏ cùng ai, biết đâu cũng nhiều giọt nước mắt rơi thấm trên đất này, cội mai chỉ biết lắng nghe và lắng nghe, im lặng và im lặng, chờ xuân sang trổ đóa hoa vàng.

Cội mai già được trân quí do năm tháng có mặt của nó, người ta trầm trồ khi nghe số tuổi của mai, cũng như trầm trồ khi biết có những bậc trưởng lão, ngày đầu xuân mừng được cửu tuần, trân quý với số năm ở chùa còn nhiều hơn năm tháng ở đời.

Quán Không