Đốt vàng mã đầu năm: Hãy dành tiền đó để giúp đỡ người nghèo..

Việc đốt vàng mã trong dịp lễ Tết năm nay không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Một chủ hiệu bán đồ vàng mã trên phố Hàng Mã (HN) cho biết, dịp Tết vừa qua và nhất là chuẩn bị cho Rằm tháng Giêng sắp tới, những tập tiền mã với các mệnh giá nhái tiền polymer thật đã “cháy” hàng.

Nạn đốt vàng mã ngày càng có những biến tướng phức tạp . Ảnh: Mai Loan

“Gửi” cả trăm triệu xuống cõi âm (!)

Từ trước Tết cho đến Rằm Tháng Giêng là thời điểm tiêu thụ mạnh nhất mặt hàng vàng mã. Không chỉ tấp nập kẻ bán người mua trên các tuyến phố chuyên bán mặt hàng này như Hàng Mã, chợ Đồng Xuân... mà các gánh hàng rong bán vàng, mã thời gian này cũng luôn đắt khách.

Ông Nguyễn Văn Bình, chủ cửa hiệu bán vàng, mã khu vực chợ Đồng Xuân cho hay, những năm gần đây, nhu cầu đốt đồ vàng mã không còn dừng ở  việc mua một ít tiền vàng tượng trưng để hóa cho ông bà, tổ tiên. Người dân thi nhau mua sắm các đồ hàng mã tượng trưng cho các vật dụng, đồ dùng trên trần gian để gửi tới “người âm” như nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, máy giặt, thậm chí cả thẻ tín dụng, hộ chiếu...

Đặc biệt, năm nay xuất hiện mặt hàng tiền polymer “mã” với đủ các mệnh giá và mặt hàng này  được sản xuất khá giống thật nên đã trở thành lựa chọn của người dân. “Nhẹ nhàng thì một vài tập, khá giả hay các “đại gia” thì mua nhiều vô số, cá biệt có hộ gia đình còn tiêu đến hàng chục triệu  đồng để mua đồ mã, trong đó chỉ riêng “tiền mặt” để “gửi” xuống cõi âm nếu là tiền thật thì phải lên tới vài trăm triệu...”- ông Bình nói.

Qua tìm hiểu được biết, riêng trong khu vực nội thành Hà Nội đã có trên 30 xưởng chuyên sản xuất, in tiền mã với đủ các mệnh giá từ 10 ngàn đến 500 ngàn đồng. Làng tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng có nhiều gia đình chuyển nghề chuyên sản xuất đồ vàng mã. Có những ngày, mỗi xưởng in  sản xuất tới hàng tấn sản phẩm vàng mã nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Trước vấn đề này, nhiều nhà quản lý văn hóa bày tỏ sự quan ngại. Bởi không đơn giản trong ngày một, ngày hai có thể dẹp bỏ hoặc hạn chế một thói quen mang tính tập tục đã tồn tại lâu nay trong đời sống của người dân.

Một cán bộ quản lý của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho rằng, trước khi có được biện pháp quản lý phù hợp đối với việc sản xuất, in và sử dụng vàng mã thì cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng. Vì nó không chỉ gây lãng phí mà vấn nạn đốt vàng mã đã và đang khiến cho nét đẹp truyền thống của văn hóa giảm đi ít nhiều.

Tại buổi giao lưu các tấm gương điển hình toàn quốc trong thực hiện cuộc vận động vừa qua đã có vị cao tăng lên tiếng cho rằng, thiết thực và có ý nghĩa hơn việc dùng quá nhiều tiền để mua vàng mã cúng tiến  thì hãy dành số tiền đó để giúp cho những học sinh nghèo gặp nhiều khó khăn.

Nỗi lo khi  những lò hóa vàng luôn đỏ lửa

Những ngày này tại các đình, đền, chùa, Phủ..., các lò hóa vàng luôn trong tình trạng quá tải. Ông Đặng Văn Chi (Phố Hàng Chai, Hà Nội) thường dành rất nhiều thời gian đầu năm để đi lễ cầu may, cho hay, nhiều khi để “đến lượt” hóa vàng tại các điểm di tích đông người đến lễ bái như Chùa Hương, Yên Tử, Đền Bà Chúa Kho... phải chờ đến vài chục phút.

Nhiều gia đình sắm sửa hàng mâm đồ lễ ngồn ngộn đồ vàng mã để... mang đi đốt. Thử nhẩm tính, chỉ riêng ở Phủ Tây Hồ, nếu mỗi ngày có khoảng 500-700 người tới lễ và mỗi người đốt khoảng 30-50 ngàn đồng tiền vàng mã thì số tiền “bị đốt” cũng đã lên tới vài chục triệu đồng. Trong khi đó, cả nước có đến hàng vạn đình, đền , chùa..., sự lãng phí  là con số không hề nhỏ.

Cũng theo tìm hiểu, trong những ngày cao điểm dịp lễ Tết, mỗi ngày có đến hàng tấn đồ vàng mã được đem đi đốt, tương ứng với đó là hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền thật. Sự lãng phí khó hiểu này cũng đã bị không ít cơ quan chức năng và người dân lên tiếng song vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp.

Được biết từ vài năm nay, các tăng ni ở Chùa Hương đã không nhận lễ dâng bằng vàng mã. Nhiều vị sư trụ trì tại các ngôi chùa lớn cũng cho rằng không nên duy trì một tập tục gây lãng phí, nhất là khi tập tục đó đang tạo nên nhiều biến tướng và bị lạm dụng trong cơ chế thị trường.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Rằm tháng Giêng, ngày mà hàng triệu người dân lại tiếp tục thi nhau “đốt tiền”. Bức xúc đấy nhưng để giải tỏa vấn nạn này lại là một bài toán khó.

Theo thông tin có được từ  Ngân hàng Nhà nước VN, việc in ấn, bày bán công khai các ấn phẩm sử dụng hình ảnh đồng tiền VN (tiền vàng mã, tiền âm phủ) là trái với Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30.6.2003 về việc  bảo vệ đồng tiền VN. Việc làm tiền âm phủ gần giống với tiền VN có thể gây nhầm lẫn giữa tiền thật và tiền giả, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh đồng tiền VN. Tiền vàng mã, tiền âm phủ được sản xuất giống đồng tiền VN về hình ảnh, hoa văn, màu sắc là vi phạm bản quyền. Việc sản xuất, mua bán và sử dụng các loại tiền âm phủ có hình ảnh  như tiền thật phải được coi là việc sản xuất, mua bán và sử dụng hàng hoá, sản phẩm không đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ và cơ quan liên quan để có văn bản quy định xử lý những hành vi trái luật này.

Hà Phương (VH)