Dị hợm vàng mã

Việc “đốt tiền” điên đến mức trong dịp trả lễ bà Chúa kho vừa rồi, một nữ doanh nhân đã thuê xe tải chở đủ 5 tỉ đồng tiền “polyme âm phủ” đến để trả lễ cho 2 tỉ “vay miệng”.

Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư. Năm 970, nhà vua đặt niên hiệu là Thái Bình, cho đúc tiền đồng, gọi là Thái Bình hưng bảo, đồng tiền đầu tiên ở Việt Nam, mở đầu cho việc đúc tiền của hầu hết 70 triều vua sau đó.

Tiền giấy xuất hiện ở Việt Nam rất sớm. Từ năm 1396, Hồ Quý Ly đã lần đầu tiên phát hành tiền giấy, gọi là Thông bảo hội sao, theo thể thức: Giấy 10 đồng vẽ rong; 30 đồng vẽ sóng; 1 tiền vẽ mây; 2 tiền vẽ rùa; 3 tiền vẽ lân; 5 tiền vẽ phượng; 1 quan vẽ rồng. Sau khi phát hành, đã có quy định: Ai làm giả phải tội chết, tịch thu điền sản vào nhà nước.

Ảnh: Quốc Anh

Tại Mỹ, dưới thời Tổng thống Franklin, trên tất cả các tờ dollar đều có in dòng chữ “Kẻ nào làm giả sẽ bị tử hình”. Việc phạt nặng như vậy bởi làm tiền giả chẳng những là phạm trọng tội đối với quốc gia mà còn là sự “tuyên chiến” với nhà cầm quyền.

Thế mà trong những năm 2010 này, nạn tiền polyme vàng mã, thực chất cũng là hành vi làm tiền giả, lại đang trở nên phổ biến. Tờ tiền âm phủ, với công nghệ in siêu hạng trên giấy láng, cũng có số sê-ri, cũng có các ký hiệu, hoa văn, mệnh giá giống y như tờ tiền polyme thật, chỉ khác dòng chữ “Ngân hàng địa phủ”.

Về vấn đề tiền âm phủ giống hệt tờ tiền polyme, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dù muộn, cũng đã chính thức có ý kiến: Việc in ấn, bày bán công khai các ấn phẩm sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam là trái với Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30-6-2003 về việc bảo vệ đồng tiền Việt Nam; có thể gây nhầm lẫn tiền thật-tiền giả, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Việc sản xuất, mua bán và sử dụng các loại tiền âm phủ có hình ảnh như tiền thật phải được coi là việc sản xuất, mua bán và sử dụng hàng hoá, sản phẩm không đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, đến mức trở thành một “nghi thức” trong xã hội là rất đáng ngại. Cách đây 7 năm, Bộ Văn Hoá Thông Tin đưa ra con số khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm. Riêng tại Hà Nội, 400 tỷ đồng mỗi năm được tiêu tốn cho việc đốt vàng mã. Có nghĩa, chỉ vì hủ tục, người dân đã tiêu hàng tỷ đồng tiền thật mỗi năm cho việc đốt vàng mã, tiền giả. Việc “đốt tiền” điên đến mức trong dịp trả lễ bà Chúa kho vừa rồi, một nữ doanh nhân đã thuê xe tải chở đủ 5 tỷ đồng tiền “polyme âm phủ” đến để trả lễ cho 2 tỷ “vay miệng”. Việc đốt 5 tỷ đồng này đã phải thuê tới 6 thanh niên “chuyên nghiệp mang vác, cầm cời”.

Việc đốt “tiền giống y như thật”, kỳ lạ là đã trở thành “mốt” trong vài tháng gần đây, trong đó, vị trí tờ polyme vàng mã đã được ưa chuộng còn hơn là tờ dollar, hay tờ euro âm phủ.

Tục đốt vàng mã được ghi nhận từ thời nhà Hán. Đến năm Khai Nguyên thứ 26 ( năm 738), vua Đường Huyền Tông ra sắc dụ cho phép dùng tiền giấy thay cho tiền thật trong việc cúng tế cầu siêu. Việc sử dụng vàng mã chính thức bắt đầu từ đấy và quan Thái thường bác sĩ Vương Dũ được coi như ông tổ của nghề vàng mã.

Ngày nay, tâm lý “trần sao âm vậy”, nghĩa là ở “trần” có thứ gì thì “người trần” nghĩ sẽ phải đốt thứ đó, mà đỉnh điểm của sự biến thái là việc đốt “tiền mã polyme”,  đốt cả tì thiếp giấy, bao cao su giấy, thật báng bổ người đã khuất.

Năm 1952, Hòa Thượng Tố Liên đã lên tiếng: “Vàng mã ở kinh sách nào? Nếu các ngài tìm thấy, bần tăng này xin cam tâm vào địa ngục để chịu lấy tội vong hữu. Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giáo truyền dạy, một lần nữa bần tăng thiết tha yêu cầu các ngài khuyến hoá dân chúng bỏ tục đốt vàng mã đi. Cùng nhau triệt để bài trừ mê tín tục đốt vàng mã, quyết nhiên giữa dân tộc Việt Nam này để dành cho chúng ta viên thành một công nghiệp kiến quốc vậy”.

Sách Trang Tử chép rằng: Vua Mục vương nhà Chu (1001 trước Tây lịch) có người tên là Yến Sư chế ra người cỏ để chôn theo người chết. Đức Khổng Tử đọc đến chuyện này liền nổi lòng phẫn uất mà thống mạ rằng: “Kẻ nào sinh ra tục chôn người gỗ theo với người chết là bất nhân”.

Các bậc hiền giả đó còn sống đến thời nay có lẽ không đủ nhẫn để nhìn những thứ mà con cháu đời nay gửi cho người đã khuất.

Đào Tuấn (daidoanket.vn)