Những điều ước độc đáo ở ngôi chùa thiêng

Tết Nguyên Tiêu hay Rằm Tháng Giêng là ngày lễ thiêng vào đầu năm mới, nhiều người đã tìm đến chốn linh thiêng phật tử để cầu hạnh phúc và bình an cho các thành viên trong gia đình. Trong ngày lễ lớn này, nhiều người đã cầu ước cho mình những rất điều độc đáo…

Phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy nơi có ngôi chùa Hà nổi tiếng ngự trị, trong ngày lễ Rằm lớn đầu tiên của năm Canh Dần đã có rất đông người dân đổ về đây để thành kính dâng lễ và cầu ước đầu năm. Trong chùa dòng người nối nhau tấp nập, tay bưng nào lễ, sớ và hương chờ đến lượt mình, để cầu mong mọi điều ước trở thành hiện thực.

alt
Dòng người xếp hàng dâng lễ vào Chùa Hà trong ngày Rằm Tháng Riêng.

Bác Lê Trần Thị Thái ở khu tập thể Nhạc viện Quốc Gia, Đê La Thành đã phải nhanh chân tìm cho mình một chỗ ngồi nghỉ để “xả hơi” sau khi vất vả len ra khỏi đám đông người dâng lễ và khói hương nghi ngút trong chùa. Tâm sự với chúng tôi, bác Thái cho biết, năm nào cũng vậy đến Rằm Tháng Giêng là bác cũng đều đến Chùa Hà để cầu ước vì nơi đây không những chỉ nổi tiếng từ xưa mà còn rất thiêng.

Bác Thái hồ hởi kể tiếp: “Năm ngoái bác đến đây để cầu cho cậu con trai thứ đã ngoài 35 sớm có người yêu và lập gia đình, không thì quá tuổi… già mất. Đức phật dường như nghe được lời cầu ước của bác mà trong năm vừa rồi nó đưa người yêu về ra mắt thật, hai đứa quấn quít nhau lắm và cả gia đình bác đều ưng, nhưng giờ vẫn chưa thấy chúng nó tính gì đến chuyện hôn nhân. Năm nay, cũng đúng ngày này bác lại đến đây để cầu xin đức phật sớm cho hai đứa thành hôn. Các cụ bảo để lâu hoa đẹp cũng phải héo mà!”

Không cầu vợ cho con như bác Thái, vợ chồng chú Nguyễn Thành Huy ở Trung Hòa, Cầu Giấy lại mong muốn cầu cho cậu con trai cả và cũng là cháu đích tôn của gia đình đã gần 3 tuổi mà đứng còn chưa vững, nói thì bập bẹ không nhanh như những đứa trẻ bằng tuổi khác sớm được trưởng thành, đi vững nói sõi để cho gia đình và ông bà được vui mừng trong năm mới.

alt
Những lời cầu ước ghi trong sớ cũng được đem hóa cùng vàng mã để gửi tới đức phật chứng dám và phù hộ độ trì, cầu được ước thấy.

Hoàn cảnh khác nhau lời cầu ước cũng "độc đáo” theo từng cung bậc khác nhau. Anh Duy Hải, công nhân làm việc tại công trường xây dựng tòa nhà KeangNam, thì chỉ mong ước cho mình không bị… “dính” vào chuỗi tai nạn liên tiếp xảy ra tại công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam!

“Độc” hơn nữa là hai bạn trẻ Thành Long và Ma Tân, sinh viên Đại học Thương Mại lại cầu ước cho mình không bị “bật ca” phải học lại cùng khóa dưới vào năm sau, vì theo hai bạn trẻ này năm cũ là một năm học vô cùng bết bát và rất kém may mắn đối với họ.

Nhưng lại cũng có những lời cầu ước vô cùng “ngây thơ” của một cậu học sinh lớp 10, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ước cho cô bạn gái sớm bỏ bạn trai để yêu mình... (!?)

Dòng người vẫn nườm nượp và nhộn nhịp vào dâng lễ trong Chùa Hà, ai cũng khấn vái và cầu ước cho mình được “vạn sự như ý” trong năm mới, và cũng có thể sẽ còn có những lời ước “độc” hơn những lời ước trên mà phóng viên VTC News ghi nhận được.

Nhưng qua những lời cầu ước từ người già cho đến người trẻ, họ đều mang trong mình những quan điểm “bất thành văn” để gửi gắm nơi cửa phật linh thiêng và liệu hay chăng, những lời ước đó có thành hiện thực hay không thì việc người dân đi lễ chùa chùa vẫn luôn là nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời nay.
Dương Lãng Hoàng (VTC News)