Tứ Thánh Chủng

http://phusaonline.free.fr/images/HoaSen.jpgPhàm là một sinh vật ở đời ắt đều phải được nuôi lớn và duy trì sự sống, những phương tiện để duy trì sự sống đó là những nhu yếu cần thiết nhất của sinh vật, từ những động vật cấp thấp như vật nuôi, cầm thú, đến những động vật cấp cao như con người đều có chung một nhu cầu lo cho cái ăn cái ở, chỉ khác chăng là cấp độ của nhu cầu tùy thuộc vào cấp độ của chúng sinh.

Những nhu yếu đó, suốt cuộc đời cất công tìm kiếm và xây dựng, sẽ còn lại gì sau khi thoát kiếp hình hài? Thân tứ đại trở về với tứ đại, những gì đem theo là hành nghiệp thiện ác của mình. Loài người hơn hẳn động vật ở chỗ nhìn nhận được điều đó, ngoài việc kiếm cái ăn, cái mặc, cái ở, cái yên thân con người còn có tầm nhìn xa hơn để lo cho hạnh phúc mai sau, lo cho đời sống ngoài đời sống vật chất, đời sống tâm linh của mình.

Tuy nhiên, vì tập khí tham sân si nhiều đời, con người đối với các nhu yếu thường trở nên vô độ, luôn mong cầu và biến nó thành mục đích bắt buộc đời mình luôn hướng đến. Người ta xem những yêu cầu đó là hạnh phúc mà mình phải nắm bắt và bằng mọi cách phải có được trong cuộc đời. Con người vì thế đã biến phương tiện thành mục đích và dần dần trôi lăn mãi theo đà khát vọng, bởi lòng tham muốn thì vốn không có chỗ dừng.

Người xuất gia sống đời nghịch lưu, dứt hẳn thói thường của thế tục để cất bước lên phương trời cao rộng. Lấy mục đích cuối cùng là sự cần cầu quả bồ-đề vô thượng, và để đạt được quả vị này, một tiến trình tu tập nhất định phải trải qua, một cách miên viễn và không gián đoạn bởi một lý do gì, và đương nhiên thái độ đối với nhu cầu vật chất không gì khác ngoài phương pháp thiểu dục tri túc. Đời sống tiết độ vì vậy là đặc trưng cơ bản nhất của người xuất gia. Đối với bốn nhu cầu của đời sống thức ăn, quần áo, chỗ ở và thuốc men, người xuất gia thọ dụng để duy trì sự sống làm phương tiện tu tập cầu mong mục đích giải thoát, ý thức những thứ vật chất đó là phương tiện nên chỉ thọ dụng trong phạm vi vừa đủ nuôi thân, không đắm tâm nhiễm trước, mãi mê theo đuổi mà quên mất mục đích chính của mình. Đối với bốn món nhu dụng đó, đức Thế tôn đã hạn định cho các tỳ-kheo phải nên như thế nào rõ ràng trong luật tạng, và chúng ta thường bắt gặp phạm trù này qua thuật ngữ tứ thánh chủng hay tứ y.

Tứ thánh chủng, tiếng Phạn là catvāra ārya-vaṃśāḥ (P. cattāro ariya-vaṃsā). Bao gồm Y phục hỷ túc thánh chủng, ẩm thực hỷ túc thánh chủng, ngọa cụ hỷ túc thánh chủng, nhạo đoạn nhạo tu thánh chủng hay có nơi gọi là y dược hỷ túc thánh chủng. Sở dĩ gọi bốn món này là thánh chủng bởi vì thọ dụng bốn thứ này theo mục đích cần cầu vô thượng sẽ nảy sinh hạt giống của các bậc thánh . Đồng là y phục, thức ăn, chỗ ngủ và thuốc men nhưng thái độ của người thọ dụng xem nó là phương tiện để tu tập thánh đạo thì chỉ cần hoan hỷ và biết đủ chứ không mãi mê tham đắm, dùng nó làm phương tiện duy trì mạng sống để hướng về mục đích đạo vô thượng, chính phương tiện đó đã làm hạt giống nuôi dưỡng thánh thai để một ngày sau trổ sanh thánh vị, vì vậy mà bốn nhu dụng này có tên gọi là thánh chủng. Ba loại đầu tức cơm ăn, áo mặc, chỗ nghỉ, thuộc về nhu dụng của thân và các phiên bản không có sai khác gì, riêng về thánh chủng cuối cùng vốn thường thấy là y dược, nhưng một số dị bản ghi “nhạo đoạn nhạo tu thánh chủng”, vốn xuất phát từ nhu cần an lạc thân tâm. Y dược chữa lành bệnh cho cơ thể trong khi dị bản giải thích thứ thánh chủng này là pháp tu, hoan hỷ đoạn trừ phiền não và vui vẻ tu tập thánh đạo, chính nhờ việc đoạn phiền não và tu thánh đạo này là phương thuốc thần kỳ diệt trừ căn bệnh của thân tâm, bởi mọi chướng ngại của thân tâm đều bắt nguồn từ nghiệp lực của phiền não.

Bốn thứ này, bên cạnh thuật ngữ tứ thánh chủng, người học còn được biết được dưới tên gọi khác là tứ y, hay tứ y pháp  (S. catvāro niśrayāḥ,P.  cattāro nissayā). Giải thích của luật tạng ghi rõ cụ thể như sau:

1.    Mặc y phấn tảo
2.    Thường đi khất thực
3.    Ở dưới gốc cây
4.    Uống thuốc vỏ cây và lá cây

Đó là bốn tiêu chuẩn cho các tỳ-kheo thọ dụng nhu cầu vật chất trong đời sống, những món vật chất này sẽ làm phương tiện, nhờ thọ dụng chúng và nhờ thọ dụng với thái độ như thế mà tu tập phát sinh thánh hạnh và đạt thánh đạo cuối cùng, chính vì vậy mà nó được gọi là tứ y.

Trải qua thời gian và không gian, đời sống và phong tục của con người hoàn toàn thay đổi, bốn pháp này đã không còn được hiểu như nguyên văn. Thế nhưng, hẳn là người học đã nhận được mật ý của đức Thế tôn khi ngài dạy chúng ta thái độ thọ dụng vật thực và nhu dụng cho đời sống vật chất như thế nào. Đối với những tỳ-kheo xuất gia cần cầu pháp giải thoát tối thượng, mục đích đạt được là sự an lành và giải thoát nội tâm,  thoát ly những phiền não hệ lụy của vướng mắc ngã chấp và pháp chấp. những nhu cầu về đời sống vật chất chỉ là thứ phương tiện để di dưỡng thân tâm hướng về thánh đạo. Bởi những người con phật đã được dạy rằng, vật chất và huyễn thân sẽ để lại với cát bụi này sau một trăm năm làm khách nơi trần thế.
Như một cán cân tất yếu, yêu cầu của đời sống vật chất cao thì đời sống tâm linh giảm, bởi cái gì cần có được trên đời này ta đều giải gia tâm cần cầu tìm kiếm mới có được. Theo đà ham muốn của phàm phu, nhu cầu vật chất đi với tâm tham thì không hề thấy đủ, có rồi cầu hoàn hảo, đủ rồi cầu dư, con người phải dành nhiều thời gian và công sức cố mà đạt được, và như vậy vô tình ta đã đặt mục đích cho đời sống vật chất và chạy theo để đáp ứng đúng nhu cầu, chính vì thế mà lãng quên đời sống tâm linh, Và dĩ nhiên cán cân của đời sống tâm linh không được đầu tư thời gian và công sức, ắt hẳn là xảy ra sự chênh lệch.

Một câu kinh đặc trưng thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong lời Phật dạy cho các đệ tử xuất gia của mình là “tiết độ trong thọ dụng và phòng hộ các căn môn”. Người đệ tử Phật ý thức được sự thọ dụng vật chất là nhu cầu cần thiết cho đời sống nên rất quý trọng công ơn đàn việt, thế nhưng vì nhu cầu vật chất là phương tiện để nuôi thân, không phải là mục đích của đời sống đối với người cầu giải thoát nên chỉ thọ dụng trong sự vừa đủ, và một điều quan trọng hơn, những nhu cầu vật chất đó thuộc pháp hữu lậu của dục lạc thế gian, và vị ngọt của nó khiến con người thiếu trí tuệ thích tham cầu, chính vì đó mà đức Thế tôn thường lặp đi lặp lại ý dạy này trong các kinh nhắc nhở các tỳ-kheo sống tiết độ và phòng hộ các căn môn miên mật và hướng mục tiêu mình cầu quả vị bồ đề tối thượng.

Khoảng cách thời gian và không gian tuy biến đổi, cách thức dụng ngôn tuy có khác nhau, nhưng mục đích trong ý hướng của đức Thế tôn thì không có gì sai khác. Bởi vì, một chúng sanh dù ở thời đại nào, nếu hướng tâm xuất gia cầu chứng thánh đạo, mục đích xuất gia ấy là cái không khác nhau, vượt ngoài khoảng cách của thời và xứ, và ý hướng của đức Thế tôn là làm thế nào để gạt bỏ mọi chướng duyên, trực hướng một mục đích bồ-đề giải thoát, để phương tiện chỉ là thuyền bè khi ta còn lặn hụp trên sông.

Đối với hàng Phật tử, có hình ảnh nào nên thơ bằng hình ảnh của một tỳ-kheo trước y phấn tảo, với dung nghi điềm đạm hằng ngày ôm bát vào làng khất thực để phương tiện nuôi thân, hình ảnh ấy gợi nhớ trong lòng người con Phật về tôn dung đức Thế tôn và chúng tăng thời kì chánh pháp hưng thịnh. Trải qua sự biến thiên của thời gian và xứ sở, hình ảnh đó chỉ còn trong ý nghĩa tâm niệm rằng, các thầy tỳ-kheo chỉ sống cuộc đời phạm hạnh “nhất bát thiên gia phạn”, nuôi thân này bằng bát cơm cúng thí của đàn na, hình thức ôm bát khất thực vì thời gian, không gian không khế hợp nên có xây dựng lại cũng trở thành khiên cưỡng. Thay vào đó, hàng tu sỹ của thời đại ngày nay, thời đại mà sự dư thừa của vật chất tràn ngập từ trong làng ra ngoài phố, hàng đệ tử xuất gia của Phật vẫn giữ lề lối của mình, tiết độ và biết đủ trong thọ dụng, ngày hai bữa thanh đạm tương rau, bởi lẽ, thức ăn chỉ để nuôi thân này và đủ nuôi thôi là đủ, không phải là để thỏa mãn và xứng ý tham cầu. Để Tiết độ trong y phục, trong muôn ngàn kiểu dáng thời trang kim cổ đông tây của thời đại, hàng xuất gia giữ vững truyền thống của áo nâu sồng và màu lam hoại sắc. Để tiết độ trong chỗ nghỉ, nên chùa có cao, tượng có lớn, tỳ-kheo chỉ có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ, và bản thân chỉ dùng một chỗ nằm dài hai mét rộng tám phân. Để tiết độ trong thuốc thang y dược, giữa muôn ngàn thuốc men mỹ phẩm để làm khỏe đẹp thân này, hàng tỳ kheo chỉ thọ dụng thuốc men để trị lành bệnh tật,  khỏe mạnh thân tâm ngõ hầu tinh chuyên tu tập thánh đạo. Thọ dụng như thế, chỉ cần đủ thôi, đủ để trang bị cho nhu dụng đời sống này, và như thế là hàng tỳ-kheo đã giữ gìn được ý hướng của đức Thế tôn.

Dù cách xa nhau về thời gian và xứ sở, giữa muôn ngàn cái khó khăn của cuộc đời, dứt bỏ đời sống gia đình để phát nguyện sống đời không gia đình, cái khó ấy xưa so với ngày nay không có gì khác. Lìa bỏ mẹ cha anh chị em và những người thân yêu trong gia đình để đi tìm một đời sống không gia đình, không tình yêu thương của người thân. Lìa bỏ mái đầu xanh khi toàn xã hội tôn vinh và chăm sóc cho làn tóc óng mượt, làn da mịn màng. Lìa bỏ những vòng vàng trang sức, những quần áo váy đầm thời trang, những sân chơi vũ hội, lìa bỏ tất cả để xuống tóc xuất gia, mặc áo hoại sắc, sớm chiều theo lời kinh câu kệ… khép mình trong quy cũ của thiền môn, trong sự chế định của giới luật, sự lựa chọn đó ắt hẳn đánh đổi cái gì đó không phải là tầm thường mà dĩ nhiên là muốn cần cầu một cái gì cao tột, quý báu hơn. Cái đó chính là sự đoạn tận phiền não, sự chấm dứt khổ đau do tham ái, do dục lạc thế gian tạo thành. Cái đó chính là quả vị Niết-bàn vô thượng.

Cũng cơm ăn, cũng áo mặc cũng chỗ ở, cũng thuốc men nhu dụng cho đời sống này, thái độ thọ dụng của một người mang trong mình mục đích của bậc thánh chỉ xem nó là phương tiện độ thân, nương nhờ những thứ này để an ổn thân tâm, để dồn công phu vào cho mục đích thánh vị nên nó được gọi là tứ y. Nó làm phương thiện để hành giả tu tập di dưỡng thánh thai chờ ngày trổ sanh thánh quả cho nên được tên gọi là thánh chủng. tứ thánh chủng hay tứ y, chỉ cho những món vật chất nhu dụng của đời sống này ắt hẳn chỉ được đặt tên khi dựa vào thái độ của người thọ dụng, người thọ dụng đó là hàng đệ tử của đức Như lai, những tỳ-kheo xuất gia vì một mục đích cao tột.

 

Khải Tuệ