Mục đích của cuộc sống là gì?

http://1280.com/file/pic/blog/18319.jpgĐể biết được mục đích của cuộc sống, trước hết chúng ta sẽ phải tìm hiểu vấn đề này thông qua kinh nghiệm và sự thấu hiểu của bản thân. Sau đó, tự nhiên bạn sẽ khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống. Người ta có thể đưa ra những lời chỉ dẫn, nhưng chính bạn phải tạo ra những điều kiện cần thiết để giúp cho việc hiểu rõ bản thân mình.

Có một vài điều kiện tiên quyết cần cho việc khám phá mục đích của cuộc sống. Trước hết, chúng ta phải hiểu bản chất của con người và bản chất của cuộc sống. Tiếp đó, chúng ta phải giữ cho tâm được điềm tĩnh và an lạc thông qua việc tiếp nhận một tôn giáo. Khi những điều kiện này đã hội đủ, câu trả lời mà chúng ta tìm kiếm sẽ tự nhiên đến, như là chúng ta đang đi dưới trời mưa phùn vậy.

Hiểu biết về bản chất của con người

Con người có thể đủ thông minh để đáp lên mặt trăng và khám phá những điều kỳ diệu trong vũ trụ, nhưng người ta chưa tìm tòi vào những diễn biến trong nội tâm của chính mình. Người ta chưa tìm hiểu làm thế nào để cho tâm của họ có thể được phát triển đến mức hoàn hảo nhất về những tiềm năng của nó, để cho bản chất đích thực của nó được hiển hiện.

Cho đến bây giờ, con người vẫn bị bao bọc trong lớp vỏ vô minh. Người ta không biết họ thực sự là ai và họ đang mong muốn điều gì. Như là một hệ quả, người ta hiểu sai mọi thứ và hành động theo sự hiểu biết sai lầm ấy. Một điều không thể hiểu nổi là toàn bộ nền văn minh của chúng ta lại được xây dựng trên nền tảng của sự vô minh này. Việc hiểu nhầm về sự hiện hữu của cá nhân dẫn chúng ta đến việc nhận định sai lầm về cái bản ngã tự cao, tự lợi, và ngụy tạo những điều bản thân mình không có, hoặc không thể làm được.

Con người cần phải nỗ lực để vượt qua được sự vô minh này nhằm đạt được sự thực chứng và giác ngộ. Tất cả những bậc vĩ nhân đều được sinh ra từ bào thai như một con người bình thường, nhưng họ đã biết sống để trở thành người vĩ đại. Sự thực chứng và giác ngộ không thể nào rót vào tâm người khác như việc rót nước vào bể chứa được. Ngay đức Phật cũng đã phải rèn luyện tâm Ngài để thấu hiểu được bản chất đích thực của con người.

Con người có thể trở thành bậc giác ngộ, thành Phật, nếu vị ấy thức tỉnh khỏi giấc mộng được tạo nên bởi tâm vô minh của bản thân, và trở nên tỉnh thức hoàn toàn. Chúng ta phải ý thức được rằng những gì chúng ta có hôm nay là kết quả của vô số tư tưởng và hành vi được lặp đi lặp lại trong quá khứ. Người ta không phải là con người được tạo lập sẵn, mà là đang trong quá trình chuyển biến liên tục và luôn luôn thay đổi. Và nhờ vào đặc điểm của sự thay đổi này mà tương lai của chúng ta được thiết lập, điều này có nghĩa rằng chúng ta có thể tạo lập nhân cách và số phận của mình thông qua sự lựa chọn những hành động, lời nói và tư tưởng của bản thân. Thật ra, con người được phản ánh qua những tư tưởng, hành động mà vị ấy chọn để thể hiện. Con người là hoa trái cao nhất trong nấc thang của cây tiến hóa. Đấy là yếu tố giúp cho con người có thể hiểu được vị thế của mình ở trong tự nhiên và hiểu ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Hiểu biết về bản chất của cuộc sống

Hầu hết mọi người đều không thích những sự thật của cuộc sống và thích ru ngủ bản thân họ trong ý nghĩa sai lầm của sự an toàn bởi những giấc mơ và những sự tưởng tượng ngọt ngào. Họ nhận lầm cái bóng làm hình chất. Họ hiểu sai rằng cuộc sống là không chắc thật, còn sự chết mới là chắc thật. Một cách hiểu về cuộc sống là đối mặt, và hiểu cái chết không gì hơn là một cái đích tạm bợ đối với sự tồn tại tạm bợ. Tuy nhiên, nhiều người không muốn nghe ngay cả cái chữ ‘chết’. Họ quên rằng sự chết sẽ đến, dù cho họ thích hay là không thích nó. Những suy tư về sự chết với một thái độ tâm lý đúng đắn có thể đem đến cho người ta sự khích lệ và bình tĩnh cũng như sự thấu hiểu về bản chất của hiện thực.

Bên cạnh hiểu biết về cái chết, chúng ta cần có một sự hiểu biết đầy đủ hơn về cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đang sống một cuộc sống mà nó không diễn tiến một cách êm ả như chúng ta mong muốn. Chúng ta thường phải đối diện những khó khăn, trở ngại. Chúng ta không nên lo ngại về chúng bởi vì sự trải nghiệm về bản chất thật của những khó khăn, trở ngại ấy có thể sẽ đem đến cho chúng ta sự thấu hiểu sâu sắc hơn về sự sống. Hạnh phúc trần thế với sự giàu sang, xa hoa, và những địa vị đáng kính trong xã hội mà hầu hết mọi người tìm cầu chỉ là ảo ảnh. Sự thật về việc bán những liều thuốc ngủ, thuốc an thần, những phiếu đăng ký vào các bệnh viện tâm thần và tỷ lệ tự tử đã và đang tăng lên cùng với sự tiến bộ của vật chất hiện đại là minh chứng đủ mạnh để cho chúng ta cần phải vượt lên trên niềm vui vật chất trần tục và tìm đến niềm hạnh phúc thật sự.

Nhu cầu về tôn giáo

Để hiểu mục đích thật sự của cuộc sống, chúng ta nên chọn và tuân theo một hệ thống đạo đức để nhờ đó mà nó kiềm chế chúng ta khỏi làm những hành vi xấu, khuyến khích chúng ta làm điều thiện và cho phép chúng ta thanh lọc tâm của mình. Để cho đơn giản, chúng ta sẽ gọi hệ thống này là ‘tôn giáo’.

Tôn giáo là sự miêu tả về con người phấn đấu vươn lên: đấy là sức mạnh vĩ đại nhất dẫn con người đến sự hoàn thiện bản thân. Nó có sức mạnh giúp chuyển hóa con người với những phẩm chất tiêu cực thành những người có những phẩm chất tốt. Nó chuyển sự thấp hèn thành cao quý, sự ích kỷ thành không ích kỷ, tự hào thành khiêm tốn, kiêu căng thành nhẫn nại, tham lam thành rộng lượng, thô lỗ thành tế nhị, chủ quan thành khách quan. Nói theo nghĩa tương đối, mọi tôn giáo đều hướng đến một bình diện cao hơn của sự sống. Từ thời xa xưa nhất, tôn giáo đã là nguồn cảm hứng nghệ thuật và văn hóa của nhân loại. Mặc dầu có nhiều hình thức tôn giáo đã có mặt trong cuộc đời trong suốt chiều dài của lịch sử, nay chúng đã không còn và bị quên lãng, trong thời gian hiện hữu của nó mỗi tôn giáo đã đóng góp một vài thứ hướng đến tổng thể về sự tiến bộ của nhân loại. Thiên Chúa giáo đã đóng góp vào nền văn minh của phương Tây, và sự yếu đi trong sức ảnh hưởng của nó đã đánh dấu xu hướng sụt giảm về tinh thần phương Tây. Phật giáo, tôn giáo đã văn minh hóa một bộ phận lớn hơn của phương Đông trước Thiên Chúa giáo khá lâu, vẫn là một nguồn lực quan trọng, và trong thời đại tri thức khoa học này, Phật giáo chắc chắn mở rộng và càng mạnh thêm sức ảnh hưởng của nó. Dù xét ở khía cạnh nào đi nữa, Phật giáo cũng không hề mâu thuẫn với tri thức hiện đại, ngược lại còn bao hàm và vượt trội hơn tất cả những tri thức hiện đại với một cách thức mà không một hệ thống tư tưởng nào khác có thể làm được trong quá khứ cũng như trong tương lai. Người phương Tây tìm cách để chinh phục vũ trụ bởi những mục đích vật chất. Phật giáo và Triết học phương Đông cố gắng để đạt đến sự hài hòa với tự nhiên hay là sự thỏa mãn tâm linh.

Tôn giáo dạy con người làm sao để an tịnh các giác quan và làm cho trái tim và tâm thức của mình được an lạc. Chủ đích của việc an tịnh các giác quan là để làm vơi bớt những nguyên nhân đem lại phiền toái cho chúng ta. Có được sự mãn nguyện là điều quan trọng đối với con người. Người nào càng tham muốn về tài sản thì người đó càng chịu đau khổ. Tài sản không đem hạnh phúc đến cho con người. Hầu hết những người giàu trên thế giới ngày nay đều đang chịu khổ đau bởi vô số những vấn đề tâm sinh lý của họ. Với tất cả số tiền họ có được, họ vẫn không thể nào mua được một giải pháp cho những khó khăn của bản thân. Tuy nhiên, những người nghèo nhất, nếu họ học được cách để tạo dựng niềm an lạc thì họ vẫn có thể tận hưởng cuộc sống của họ còn hơn cả những người giàu có nhất. Như bài kệ sau:

Ai kia đã có nhiều
Lòng vẫn đầy ham muốn,
Tôi đây tuy có ít
Nhưng lòng không mong cầu,

Dù có nhiều hơn nữa
Họ vẫn mãi nghèo thiếu,
Với một ít tài sản
Tôi vẫn thấy giàu sang,

Họ nghèo tôi giàu có,
Họ xin tôi bố thí,
Họ túng thiếu, tôi đủ
Họ héo mòn, tôi sống.

Kiếm tìm một mục đích trong cuộc đời

Mục đích trong cuộc đời nó thay đổi tùy theo mỗi cá nhân. Một họa sĩ có thể nhắm đến mục đích vẽ được một kiệt tác sống mãi với đời sau khi anh ta đã qua đời. Một nhà khoa học có thể mong muốn khám phá một vài quy luật, xây dựng một học thuyết mới, hoặc phát minh ra một loại máy móc mới. Một chính trị gia có thể ước muốn trở thành một vị chủ tịch nước hay tổng thống. Một nhà quản trị trẻ có thể nhắm đến việc trở thành một vị chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, khi bạn hỏi họa sĩ, nhà khoa học, chính trị gia và nhà quản trị trẻ là tại sao họ lại nhắm đến những điều đó, họ sẽ đáp rằng, những thành tựu ấy sẽ đem đến cho họ một mục đích trong cuộc sống và làm cho họ hạnh phúc. Mọi người đều nhắm đến niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng sự đạt được nó thật là quá mong manh.

Sự hiện thực hóa

Một khi chúng ta đã nhận ra được bản chất của cuộc sống (được đặc tả bởi những sự bất mãn, thay đổi và không có tự thể) cũng như bản chất về lòng tham muốn của con người và những phương tiện để thỏa mãn lòng tham muốn ấy, thì chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao niềm hạnh phúc mà nhiều người tìm kiếm một cách rất cuồng dại là quá ư mong manh, nó giống như việc nắm bắt ánh trăng trong tay họ. Họ cố gắng tạo dựng hạnh phúc bằng cách tích lũy. Khi họ không thành công trong tích lũy tài sản, giành lấy địa vị, quyền lực, danh dự, và trong sự tìm kiếm thú vui từ việc thỏa mãn xúc giác, họ sẽ bị héo mòn, đau khổ, và ghen tỵ với những người thành công trong các thứ đó. Tuy nhiên, dù cho họ có thành công trong việc đạt được những thứ ấy, họ cũng vẫn khổ đau vì lúc ấy họ lại lo sợ bị mất đi những gì họ đã chiếm lĩnh được, hoặc là họ lại mong muốn được giàu có hơn nữa, địa vị cao hơn nữa, nhiều quyền lực hơn nữa, nhiều khoái lạc hơn nữa. Những mong muốn của họ có thể không bao giờ dừng lại hẳn. Đây là lý do tại sao sự hiểu biết về cuộc sống lại quan trọng và nhờ vậy mà chúng ta không lãng phí quá nhiều thời gian cho những thứ viễn vong.

Đây chính là lúc mà sự tiếp nhận một tôn giáo trở nên quan trọng, tại vì nó đề cao sự mãn nguyện và thúc đẩy người ta hướng lên bên trên những nhu cầu về xác thịt và bản ngã của họ. Trong một tôn giáo như Phật giáo, người ta được nhắc nhở rằng họ là kẻ thừa tự những nghiệp nhân của bản thân, và là người quyết định vận mệnh của họ. Để đạt được niềm hạnh phúc lớn hơn, chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ những thú vui tạm bợ. Đối với một người không tin vào sự sống sau khi chết, thì đạo Phật vẫn có thể hướng vị ấy đến một cuộc sống tốt đẹp và cao thượng trên thế gian này, tận hưởng niềm an bình và hạnh phúc của cuộc sống ngay bây giờ và ở đây, và còn hướng vị ấy đến việc thực hiện những hành động đem lại hạnh phúc và ích lợi cho người khác. Hướng đến đời sống tích cực và lành mạnh như thế trong thế giới này và tạo dựng hạnh phúc cho mình và người là điều tốt hơn nhiều so với một đời sống vị kỷ, chỉ cốt để thỏa mãn những tham muốn và bản ngã của mình.

Tuy nhiên, nếu một người tin vào đời sống sau khi chết, thì theo luật nghiệp báo, sự tái sinh sẽ diễn ra tùy thuộc vào phẩm chất của những hành vi của cá nhân. Một người đã từng làm nhiều việc thiện thì có thể sẽ được sinh vào những nơi thuận tiện, nơi đó vị ấy tận hưởng sự giàu có và thành công, đẹp đẽ và khỏe mạnh, và gặp được những vị thiện hữu tri thức cùng những vị thầy giỏi. Những hành vi lành mạnh cũng có thể đưa đến sự tái sanh ở những cõi trời và những cảnh giới tốt đẹp, trong khi đó những hành vi không lành mạnh sẽ dẫn đến việc tái sinh vào những cảnh giới đau khổ. Khi một người đã hiểu luật nghiệp báo, người ấy sẽ cố gắng kiềm chế việc thực hiện những hành động xấu, và cố gắng trau dồi những điều thiện. Nhờ làm việc này mà người ấy đạt được những lợi ích không chỉ trong kiếp này mà còn trong nhiều kiếp sống về sau nữa.

Khi một người hiểu về bản chất của con người, vị ấy sẽ có những nhận thức quan trọng. Vị ấy nhận thấy được rằng, không giống như viên đá hay tảng đá, con người sở hữu tiềm năng bẩm sinh để trưởng dưỡng trí tuệ, từ bi và sự tỉnh thức - và được chuyển hóa bởi sự tự phát triển và trưởng thành này. Vị ấy cũng hiểu được rằng được sinh làm thân người là điều không phải dễ, đặc biệt là những người có cơ hội để nghe Phật pháp. Hơn nữa, vị ấy cũng ý thức rõ rằng cuộc sống của bản thân là vô thường, và vì thế anh ta nên cố gắng thực hành theo Chánh pháp trong khi anh ta còn có đủ điều kiện để làm việc đó. Người ấy cũng nhận thấy được rằng sự thực hành Chánh pháp là một tiến trình giáo dục lâu dài và nhờ vậy mà anh ta có thể khai mở những tiềm năng đích thực của bản thân vốn bị trói buộc bởi vô minh và tham dục ở trong tâm.

Dựa vào những sự thực hành và hiểu biết này, vị ấy sẽ cố gắng để ý thức nhiều hơn nữa về những gì anh ta đang suy nghĩ, nói năng, hành động và cách anh ta tư duy, nói năng, hành động.Người ấy sẽ cân nhắc xem những tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của mình có hữu ích hay không, có được thực hiện bởi tâm từ bi và đem lại ảnh hưởng tích cực cho tự thân và cho tha nhân hay không. Vị ấy sẽ nhận ra được giá trị đích thực của việc tu tập theo phương pháp chuyển hóa tự ngã một cách triệt để, nó được biết đến bởi những người Phật tử như là Bát chánh đạo. Con đường này có thể giúp con người phát triển sức mạnh đạo đức của bản thân (giới) thông qua việc hạn chế những hành vi tiêu cực và sự rèn luyện phẩm chất tích cực, có lợi cho sự trưởng thành của cá nhân, tâm thức và tâm linh. Thêm vào đó, nó bao hàm nhiều kỹ thuật mà chúng ta có thể áp dụng vào việc tịnh hóa tư tưởng, mở rộng năng lực của tâm, và đem đến sự thay đổi hoàn toàn, hướng đến một nhân cách lành mạnh. Sự trau dồi tâm thức này có thể mở rộng và đào sâu vào tâm thức nhằm hướng đến tất cả sự trải nghiệm của con người, cũng như bản chất và những đặc tính của những hiện tượng, của sự sống và của vũ trụ. Nói một cách ngắn gọn, điều này dẫn đến sự trau dồi trí tuệ. Khi trí tuệ của con người phát triển thì tình thương yêu, lòng bi mẫn, thiện tâm, và niềm vui của họ cũng được tăng trưởng. Người ta sẽ có sự tỉnh thức nhiều hơn đối với tất cả mọi hình thức của cuộc sống và hiểu rõ hơn về những tư tưởng, cảm xúc và động cơ của bản thân.

Trong tiến trình của sự tự chuyển hóa, người ta sẽ không còn khao khát được sinh ra ở thiên giới như là một mục đích tối hậu trong cuộc sống của họ nữa. Mà vị ấy sẽ đặt ra những mục đích cao hơn, và noi theo gương của đức Phật, người đã đạt đến đỉnh cao về sự hoàn hảo của con người và đạt được trạng thái không thể diễn tả được mà chúng ta gọi nó là sự Giác ngộ hay Niết-bàn. Ở đây, người ấy có được sự tin tưởng sâu sắc vào ba ngôi Tam bảo và chấp nhận đức Phật như là mô hình tâm linh lý tưởng của mình. Vị ấy sẽ cố gắng để diệt trừ tham dục, phát triển trí tuệ và từ bi, và để được tự do hoàn toàn khỏi sự trói buộc của luân hồi sinh tử.

K. Sri Dhammananda

(Trích dịch từ sách What Buddhists believe, của ngài K. Sri Dhammananda, do The Corporate Body of the Buddha educational foundation xuất bản, tái bản lần thứ 5, năm 1993).

Quảng Trí