TÀM ÚY

http://www.donghanh.org/main/photo/reflections/hoa-sen.jpg

Tàm úy là một trong những hạnh tu của Đức Phật. Theo Thế Thân Bồ tát, tàm úy là một trong 11 thiện tâm sở. Trong Duy Thức học, ngài Thế Thân chia tâm của con người thành 100 pháp và ngài viết bộ Đại thừa Bách Pháp Minh luận để lý giải về các dạng thức của tâm và sự linh hoạt của nó. Ngài chia chẻ tâm chúng ta thành 100 phần và con số 100 tính theo cấp số nhân thành vô số, nhưng gom lại thì có 100 để phân biệt trong tâm, cái nào tốt thì phát triển, cái xấu thì đoạn trừ. Đức Phật cũng đã thể nghiệm điều này một cách trọn vẹn, nên Ngài trở thành Đấng Đạo sư hoàn thiện.

Tàm úy là thiện tâm sở; vô tàm úy là ác tâm sở. Trong tâm của con người có thiện ác lẫn lộn. Người biết tàm úy gọi là người thiện; người không biết tàm úy là người ác. Tàm úy hiểu thông thường là xấu hổ, hổ thẹn. Người biết hổ thẹn với lương tâm mình khi làm điều sai trái là người có hạnh tàm úy. Còn làm sai trái, nói sai trái, nghĩ sai trái mà không xấu hổ là người không biết xấu hổ.

Tàm úy hay vô tàm úy là thiện ác từ trong tâm chúng ta. Đức Phật dạy rằng tâm rất quan trọng; theo kinh Hoa Nghiêm, tâm sinh ra vạn pháp, tức sinh ra muôn pháp lành hay muôn pháp ác. Vì vậy, từ tâm không biết xấu hổ, người ta dễ dàng buông ra lời nói xấu ác và hành động ngông cuồng, việc làm sai quấy, mà họ vẫn xem thường; nhưng họ chỉ lừa dối được một số người, chứ không thể lừa dối tất cả mọi người, lừa dối được một lúc, chứ không thể lừa dối được trọn đời. Đức Phật nói ác ma khác với Ngài ở điểm họ chuyên môn lừa dối và không bao giờ biết xấu hổ với hành động sai quấy. Còn Phật thì ngược lại, Ngài luôn sống với hạnh tàm úy, nghĩa là Ngài luôn gạn lọc, cân nhắc, sửa đổi từ ý nghĩ, việc làm, cho đến lời nói.

Khi biết tàm úy, nếu bị người xem thường, chúng ta sẽ nghĩ lại xem mình đã làm gì, nói gì khiến cho người ta xem thường mình. Ví dụ trong lớp học có người không biết tàm úy, tức họ không biết nhìn xem thái độ của người xung quanh đối với mình như thế nào để tự sửa mình, mà cứ nghĩ mình tốt, mình giỏi. Người như vậy vào đạo tràng tìm chỗ tốt mà đứng, không biết nhìn trước nhìn sau coi mình là ai. Nếu lỡ đứng trước người được kính trọng thì không biết tàm úy, lại còn hãnh diện được đứng trước. Nhưng người biết tàm úy thì sợ tổn phúc vì đứng trước người tuổi tác lớn, đạo đức hơn mình. Không biết tàm úy thì người xung quanh liếc mắt với mình, ý nói mình phải lùi phía sau để nhường cho người lớn tuổi, mà mình cũng chưa xấu hổ, không chịu nhường, đến khi người giữ trật tự đến kéo mình lại phía sau, mình cũng chưa chấp nhận, còn đứng lại cãi.

Người tu biết xấu hổ, vào đạo tràng, biết mình đứng chỗ nào. Đứng đúng chỗ, nói đúng chỗ, ngồi đúng chỗ, mọi người chấp nhận dễ, không có vấn đề gì xảy ra, thì đạo tràng được thanh tịnh. Tâm chúng ta phải nhận biết như vậy. Lỡ đứng trước người lớn tuổi, nếu có tâm tàm úy, phải quay lại xin lỗi họ; đó là biết tàm úy đối với mọi người, đối với xã hội. Tuy nhiên, cái biết tàm úy này cũng chưa đủ, còn phải biết tàm úy với lương tâm mình, vì sự phán xét của xã hội có lúc đúng lúc sai; trong khi cái biết của lương tâm luôn luôn đúng. Lương tâm là tâm lương thiện, là tâm tốt lành; nhưng vì người chưa phát hiện được tâm thiện này, cho nên họ phạm nhiều sai trái. Vì vậy, hạnh xấu hổ với lương tâm mới quan trọng. Từ thuở nhỏ tôi đã cố gắng thực hiện hạnh tàm úy đối với lương tâm mình. Thật vậy, khi mặc áo tu, gặp người lớn tuổi hay bằng tuổi tôi mà họ chắp tay xá chào tôi và nói thưa Thầy, thì lúc đó tòa án lương tâm tự xét lại coi mình có phải là Thầy người ta hay không, mà Thầy ở chỗ nào. Quán sát như vậy, tự thấy xấu hổ với lòng mình, vì thấy không xứng đáng là Thầy người ta mà họ lại cung kính mình là Thầy. Trong các buổi sinh hoạt xã hội, với người gọi tôi bằng Thầy, tôi thường suy nghĩ điều này, hoặc gặp bạn đồng học gọi tôi là anh, tôi thấy bình thường, vì cùng học một lớp thì làm sao làm Thầy họ được. Có những người bạn không biết xấu hổ, lúc nào cũng nghĩ họ là Thầy của thiên hạ; đối với người có tuổi tác đáng là anh, là cha mẹ, là ông bà, mà họ cũng dám xưng Thầy. Tôi lỡ xưng Thầy với ai thì thấy xấu hổ.

Vì vậy, khi người đối xử không tốt với ta, xem thường ta thì quý vị nghĩ thế nào. Theo tôi, khi đó họ thấy con người thật của mình không phải là Thầy, nhưng mình cứ lầm tưởng mình là Thầy, nghĩa là mình không dạy được điều gì cho họ, không làm gương tốt cho họ, mà đòi hỏi họ cung kính mình, là sai lầm lớn. Biết như vậy, mình phải tự xấu hổ với mình. Hoặc ta lớn tuổi, tu lâu, hay vào đạo tràng lâu, mà người mới vào đạo tràng, người nhỏ tuổi hơn cũng không kính trọng mình được. Nếu ta tự ái, nghĩ mình lớn tuổi, tu lâu là chắc chắn ta rơi vô ngã mạn, tăng thượng mạn thuộc phiền não; cho nên ta đi theo con đường này sẽ bị phiền não dẫn vào lưới ác ma và trở thành ác ma. Nếu gặp tình huống như vậy, chúng ta phải tự giựt mình, suy nghĩ tại sao ta lu lâu, tuổi lớn hơn, nhưng không bằng người mới tu, không bằng người nhỏ tuổi hơn mình. Khi nhận ra rằng tuy tuổi lớn, nhưng hạnh ta chưa lớn, ý ta chưa lớn, đức ta còn nhỏ, cho nên ta cảm thấy tự xấu hổ và nỗ lực vươn lên. Biết tàm úy và biết khắc phục, sửa đổi lời nói, hành động, việc làm cho tốt thì có thể thăng tiến trên con đường đạo hạnh. Và từ đó, chúng ta mới phát hiện điều mới theo tinh thần Đại thừa không căn cứ trên tuổi tác, không căn cứ trên thời gian tu trước hay sau, nhưng căn cứ trên chỗ ngộ.

Người ngộ tánh là nhận ra tánh sáng suốt của mình, tu hành hơn nhau ở điểm này. Đối với người có tuổi đời tuổi đạo nhỏ hơn ta, tuy họ mới tu, nhưng có đạo đức lớn hơn ta, có trí tuệ thẩm sâu hơn ta và họ ngộ tánh, ta nên sanh tâm kính trọng họ. Theo tinh thần Pháp Hoa, trên dòng sinh mệnh tương tục, người ngộ tánh hay đã có quá trình tu hành nhiều đời, cho nên đời này còn nhỏ tuổi, mà họ rất thông minh, đạo đức cao và nhận thức sáng suốt. Các Lạt ma Tây Tạng tu Kim Cang thừa thường căn cứ vào chỗ ngộ tánh sáng suốt và có đạo hạnh cao, vượt hơn người, còn tuổi lớn nhỏ không quan trọng. Khi tôi sang dự diễn đàn Phật giáo ở Trung Quốc, gặp vị Lạt ma Tây Tạng được nhân dân Tây Tạng kính trọng dù tuổi đời mới ngoài 20 và các vị trưởng lão tôn túc 60, 70 tuổi cũng kính trọng vị Lạt ma rất trẻ này; đây là việc vô cùng quan trọng trên bước đường tu. Tôi hỏi tại sao các vị lại kính trọng vị nhỏ tuổi này. Họ trả lời rằng tu Kim Cang thừa không căn cứ trên tuổi lớn nhỏ, nhưng quan trọng ở trí tuệ, nghĩa là làm Thầy trí tuệ của chúng ta, có khả năng khai ngộ chúng ta, có khả năng truyền đạt trí tuệ của Phật cho chúng ta.

Kim Cang thừa thuộc Mật tông nhắm vô tam mật gia trì là chính, nghĩa là thân khẩu ý của chúng ta đều là Mật, không phải chỉ bắt ấn khuyết theo hình thức mới là Mật. Ấn khuyết thực chất là dụng của Tỳ Lô Giá Na, dụng của trí tuệ. Nếu bắt ấn mà không có dụng thì chỉ là hình thức mà thôi. Bắt ấn của hành giả phải phát xuất từ Pháp thân Tỳ Lô Giá Na, hay từ tánh sáng suốt bên trong và tạo thành ấn khuyết bên ngoài, gọi là thể và dụng tương ưng. Dụng có từ thể, thể là nguồn gốc phát ra dụng. Ví như máy phát điện nổ mới có dòng điện. Vì vậy, tu Kim Cang thật khác với tu hình thức.

Đầu tiên phải ngộ Tỳ Lô tánh, tức bản tánh sáng suốt của con người. Ai ngộ tánh này là Thầy, là Phật. Tuy Phật, chúng sinh và tánh là một, nhưng khác nhau ở ngộ hay không ngộ. Giờ trước chưa ngộ tánh Tỳ Lô là chúng sinh, như Phật Thích Ca khi chưa ngộ tánh là Sa môn Cù Đàm, đến khi Ngài ngộ tánh Tỳ Lô Giá Na thì Ngài hiện thân là Thích Ca Như Lai. Lúc Phật chưa ngộ, năm anh em Kiều Trần Như không kính trọng Ngài như bậc Thầy của họ; nhưng Ngài thành Phật, tức ngộ được chơn tánh thì năm người này trông thấy Ngài, tự động họ kính lễ. Như vậy, “Ngộ” nằm trong sự chuyển hóa, chuyển vật của Như Lai, là dụng của Tỳ Lô tánh.

Ấn khuyết phát xuất từ tánh bên trong. Hãy hình dung những gì hiện hữu chung quanh tánh sáng suốt này, mà kinh thường gọi là Mạn Đà La, trong đó Pháp thân là Trí, hiện ra Báo thân viên mãn, nghĩa là từ Tỳ Lô tánh hiện ra Tỳ Lô thân là Báo thân viên mãn được kết hợp bằng phước đức trí tuệ vẹn toàn. Nhưng do đâu mà có phước đức và trí tuệ viên mãn. Phước đức trí tuệ này do quá trình thể nghiệm hạnh Bồ tát trải qua nhiều đời; nhờ vậy mà tạo thành quyến thuộc tài giỏi. Nói cách khác, ta từng cưu mang, giúp đỡ, dạy dỗ bao thế hệ thì có bấy nhiêu người tài đức hiện hữu chung quanh mình, mà chúng ta ngộ được Tỳ Lô tánh mới thấy được người tài đức ở xung quanh mình. Và ứng Tỳ Lô dụng là ấn khuyết, nghĩa là ta chỉ dạy cho mọi người làm theo ý mình. Còn người tu bắt chước, cũng bắt ấn chỉ bốn phương tám hướng, nhưng chung quanh họ không có người tài đức hỗ trợ thì cũng không có tác dụng gì. Ví dụ Hòa thượng Trí Tịnh ở trong Thiền thất, không thuyết pháp giảng kinh, nhưng ngài chỉ định mỗi Thầy làm một việc và tất cả các Hòa thượng, Thượng tọa nhận giáo chỉ của ngài mà làm thì mọi việc đều thành công.

Ngộ Tỳ Lô tánh, hiện Tỳ Lô thân, ứng Tỳ Lô dụng, tạo thành trí giác và uy đức lãnh đạo được đại chúng; cho nên không căn cứ trên tuổi tác và thời gian tu lâu mau.

Trở lại hạnh tàm úy, biết tự sửa đổi sai lầm của mình cho đến khi người khác chấp nhận mình, thì từng bước thăng hoa được. Riêng tôi, mỗi lần gặp việc không giải quyết được, tự thấy xấu hổ rằng mình chưa đủ tài đức, cần phải nỗ lực tiến tu, ngày nay chưa được thì ngày mai phải được. Nỗ lực tu hành là tạo thành người đức hạnh và có cái nhìn chính xác, thì các Thầy không chống đối nữa, mà phải chấp nhận tôi. Trái lại, không biết xấu hổ, mà muốn áp đặt, buộc người nghe theo mình, chắc chắn không thể làm đạo lâu dài.

Hạnh tàm úy là thiện tâm sở rất quan trọng; vì không có hạnh này, người ta dễ tạo tội lỗi và đi vào thế giới ác ma. Cảm thấy xấu hổ khi người xem thường mình, cảm thấy xấu hổ khi được người kính trọng, nhưng thực sự mình không đáng kính trọng. Biết xấu hổ thì tiến tu được. Dẹp được tâm vô tàm vô úy, trí tuệ chúng ta sáng lần, thấy được việc chính xác hơn; với tâm trung thực, chúng ta mới nhận ra sai lầm của mình trước kia. Trên bước đường hành đạo, có lúc tôi gặp những điều không bằng lòng, chán nản cũng muốn bỏ cuộc. Tâm trạng này tôi đã có 40 năm trước, nhưng nhờ chán nản này, tôi mới sang Nhật tu học và khi bình tĩnh lại, học được, nhìn lại thấy thời đó mình còn quá nông nổi. May nhờ Phật cứu, tôi tìm đường đi tới còn được; trong khi những người bất mãn bỏ cuộc thì cuộc đời trở thành mai một.

Từ đó về sau, tôi luôn cân nhắc, xem người đối xử với mình mà tự thấy xấu hổ và tự sửa đổi. Tự sửa đổi bằng cách nào ? Khi bị người chê, mà ta nói xấu lại, thì phải thấy mình có lỗi và tự sửa đổi; làm như vậy; từ từ bạn sẽ tốt lại với mình. Tôi thấy hạnh xấu hổ giúp mình tiến bộ. Còn được người tin tưởng, đề cao, nếu ta hãnh diện, sung sướng, sẽ rơi vào ngã mạn, tăng thượng mạn là phiền não. Tổ Phi Lai dù đã ngộ tánh, biết rất nhiều việc, nhưng người ta kính trọng ngài là người hiểu biết rộng, ngài cũng từ chối, nói “không dám”. Người ta đề cao, ngài vẫn khiêm tốn. Những điều ngài tiên đoán như thần, nhưng ngài nói rằng đó là nhờ Hộ pháp mách bảo trong giấc mơ, không dám tự nhận mình biết. Vì vậy, hạnh khiêm tốn giúp cho hạnh tàm úy dễ dàng thực hiện tốt hơn, làm cho chúng ta dễ thương hơn, dễ được xã hội chấp nhận và có thể tiến tu dài lâu.

Trong 11 thiện tâm sở, khởi đầu là Tín, tức là niềm tin rất quan trọng; nhưng chỉ có niềm tin thì cũng nguy hiểm, mà không có niềm tin thì cũng không tu được. Riêng tôi, nhờ niềm tin mãnh liệt với Bồ tát Quan Am, đến đâu, làm gì, tôi cũng cảm giác Quan Am hướng tôi đi trên lộ trình đúng đắn, giúp tôi làm được.

Chúng ta cũng thấy từ niềm tin mà hàng vạn Phật tử đã đến chiêm bái tượng Phật ngọc. Chúng ta chưa vượt ngũ ấm thân, nên không thể thấy siêu hình, không thấy các Bồ tát vô hình, không thấy bề trái của cuộc đời, không thấy bề trong của sự vật; nhưng vị Lạt Ma Tây Tạng sống với bản tâm thanh tịnh, nên nhìn khối đá mà thấy Phật hiện hữu bên trong. Người bình thường thấy đá là đá, thấy gỗ là gỗ. Còn người phi thường thấy trong đá có Phật, trong gỗ có Phật; nhưng không phải đá nào, gỗ nào cũng tạc tượng Phật được, có đá tạc tượng Phật mà không ai thờ cúng. Trong khối đá, hay trong khối gỗ có Phật, gọi là khối đá thiêng, cây gỗ thiêng để tạc tượng. Chúng ta nhớ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, có năm ngôi chùa là Pháp Vân, Pháp Vũ, v.v… Nhà sư Khuông Đà La đã chọn được gỗ thiêng để chạm các pho tượng Phật ở những chùa này; không phải cả rừng đều là gỗ thiêng. Dùng gỗ thiêng chạm tượng Phật an trí chỗ nào thì chỗ đó được bình an, người ta cầu nguyện được như ý. Xưa kia, các vị Thiền sư ngộ đạo thường tìm vùng đất thiêng để cất chùa, có thể tấn xuất nhân tài, gọi là địa linh nhân kiệt. Tuy thực tế thấy có nơi tầm thường, nhưng dựng chùa ở đó thì dân chúng được bình an và nhân tài xuất thân từ đây. Nhưng ngày nay, cũng đừng quá tin vào điều này, sẽ bị người xấu lợi dụng, chắc chắn họ không có mắt thiêng mà có thể chỉ được đâu là vùng đất thiêng.

Khối ngọc do vị Lạt Ma phát hiện trong Thiền định có thể tạc tượng Phật được, thì trước tiên vị Lạt Ma phải đưa tâm mình vô khối ngọc làm cho khối đá này tỏa sáng và cũng nhờ vào lực gia trì của Lạt Ma làm cho người thợ tạc nên pho tượng Phật có sức sống. Không phải thợ nào cũng tạc được và không phải lúc nào cũng tạc tượng Phật được.

Cũng vậy, tượng Phật chùa Ấn Quang hình thành do Hòa thượng Trí Hữu tụng kinh Pháp Hoa cầu nguyện và tạo lực gia trì cho nghệ nhân tạc tượng. Đồng thời nghệ nhân vừa tạc tượng vừa lạy Phật, bộ kinh Pháp Hoa có hơn 60.000 chữ thì vị này lạy hơn 60.000 lạy là tạc xong pho tượng Phật. Còn Hòa thượng Trí Hữu thì đốt liều hương trên đầu để cúng dường Phật và khi trên đầu không còn chỗ để đốt hương, ngài đốt hương trên cánh tay, thậm chí đốt rụng cả ngón tay mà không cảm thấy nóng. Sợ nóng và thấy nóng thì không thể đốt được vì niềm tin chưa có. Niềm tin mãnh liệt như Hòa thượng Quảng Đức thì đốt cháy cả toàn thân mà vẫn ngồi an nhiên tự tại trong lửa.

11 thiện tâm sở gồm có Tín, Tàm, Úy, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại, trong đó niềm tin khởi đầu. Và niềm tin trong sáng, cao quý được đặt vào tượng Phật. Ngọc đã quý và đưa thêm lòng thành của Lạt Ma Tây Tạng và nhà sư Thái Lan vào khối ngọc tạo thành sức thu hút hàng vạn người đến đảnh lễ tượng Phật này. Kinh Hoa Nghiêm nói niềm tin là mẹ sinh ra các công đức lành. Và niềm tin dẫn đi xa hơn theo chiều hướng của 11 thiện tâm sở, thì Tín phải kèm theo tâm tàm úy, tức biết xấu hổ với người và với lương tâm mình, mới thấy được con người thật của mình. Qua sự đánh giá của xã hội mà chúng ta nhận ra được con người thật của mình, xã hội đánh giá mình như thế nào thì mình là như vậy. Xã hội đánh giá mình không giỏi, thì phải phấn đấu tu học để trở thành giỏi. Còn người đánh giá mình tốt mà liền chấp nhận, thỏa mãn là đã ngã mạn; nói cách khác, là phủ lớp sơn giả lên mình rồi.

Vì có tâm tàm úy sẽ đi đến tâm vô tham, vô sân; vì biết rõ mình thì không còn ham muốn. Đối với người thế gian, ham muốn chính yếu là ham tình ái, ham danh lợi và ham ăn ngủ. Khi đã thành tựu tâm vô tham, vô si thì càng được quý trọng bao nhiêu, chúng ta càng tinh tấn bấy nhiêu. Tinh tấn làm nhiều việc phước đức mà không biết chán nản, không mệt mỏi; cho nên tâm ta luôn được khinh an, tức nhẹ nhàng, thoải mái, thanh thản, không bị áp lực công việc. Kế đến, trang nghiêm tâm bất hại là nhớ đừng làm mất lòng người và cuối cùng là tâm hành xả, việc gì qua rồi thì mình cho nó nhẹ nhàng trôi qua.

Nuôi dưỡng được tâm tàm úy và cả 11 thiện tâm sở như vậy, chắc chắn chúng ta thăng hoa trên con đường tu tạo phước đức trí tuệ của chính mình và mang lại an lạc hạnh phúc cho gia đình, cho xã hội.

 

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc tại chùa Phổ Quang)

HT Thích Trí Quảng