Những “đại ca” trước cổng chùa

Chùa Hương Tích (thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” và đã được công nhận là di tích văn hoá cấp quốc gia. Trong những dịp lễ hội đầu năm, hằng ngày có hàng chục ngàn người kéo về đây dâng hương cúng vái cầu may. Vậy nhưng, khi đến đây, khách hành hương phải chịu cảnh buôn bán “chặt chém” và những phiền toái xung quanh. Không những thế, khi gửi xe máy giá 3 ngàn đồng, nhưng lấy xe ra nhân viên tự ý đòi thêm 5 ngàn đồng… giữ mũ bảo hiểm. Nhiều người bỏ mũ trong cốp xe nên phản ứng lại, liền bị những “đại ca” giữ xe này đánh toác đầu, gãy tay…


Rồng rắn về dâng hương

SÒNG BẠC TRƯỚC CỬA CHÙA
Sau rằm tháng Giêng, chúng tôi theo chân một đoàn hành hương lên chùa Hương Tích dâng hương. Vài năm trở lại đây, số lượng người lên chùa này dâng hương vào dịp đầu xuân lên đến hàng chục ngàn người mỗi ngày nên đoàn chúng tôi phải xuất phát vào buổi chiều, sau đó nghỉ lại qua đêm dưới chân chùa để sớm mai đỡ phải chen chúc lúc đặt lễ.

Để được lên chùa dâng hương, mỗi khách hành hương phải mua vé vào cổng với giá 10 ngàn đồng một người. Ngoài ra, nếu có xe máy phải mua thêm vé gửi xe 3 ngàn đồng. Sau khi làm xong thủ tục vào cổng, chúng tôi bắt đầu lên chùa.

Đường lên Hương Tích tự có hai hướng. Nếu đi bộ khách hành hương phải leo đường dốc núi 6 cây số, còn đi thuyền sẽ tiết kiệm sức được 2 cây số, nhưng phải trả tiền vé mỗi người 5 ngàn đồng.

Đoàn chúng tôi có nhiều phụ nữ lớn tuổi nên chọn phương án đi thuyền. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, lượng khách vẫn còn rất đông nên những con thuyền có sức chở 12 người được các tài công “nhét” lên đến hơn 30 người. Cứ thế, những chiếc thuyền yếu ớt này oằn mình chở quá tải trọng gấp 3 lần theo quy định, luân phiên nhau trên một chặng gần 2 cây số đường sông.

Khi thuyền cập bến, đoàn hành hương chúng tôi bắt đầu “chinh phục” đoạn đường 4 cây số đường dốc núi dựng đứng. Dọc hai bên đường, người dân chen chúc nhau đứng bán đủ thứ như nước ngọt, tăm, đồ ăn nhẹ và cả rau, củ. Xen kẽ vào đó là hàng chục đứa trẻ ăn xin ngồi la liệt, mắt lim dim giơ nón xin tiền. Nhiều đứa mới khoảng hai tuổi đã bị mẹ bồng lên đây, đặt ngồi bệt dưới đất để lay động lòng trắc ẩn của khách hành hương.

Bà Trần Thị Thành (trú phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), một khách hành hương đi cùng chúng tôi ngao ngán kể: “Những năm trước tôi lên đây dâng hương không phải mua vé vào cổng và cũng không hề có cảnh người buôn bán, kẻ xin tiền ở tận trên đỉnh núi như thế này. Bây giờ lên đây dâng hương vừa tốn tiền mà còn gặp nhiều phiền toái”.


Trẻ em ngồi vật vờ xin tiền khách hành hương

Gần một tiếng đồng hồ len lỏi trong dòng người, đoàn chúng tôi cũng lên đến nơi. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người là những lán, sạp được phủ kín dưới chân chùa như một chợ quê. Các mặt hàng buôn bán trong các lán sạp này là bùa chú, hương vàng, đồ mã, quà lưu niệm và thức ăn đồ uống... Giá các mặt hàng ở đây so với dưới xuôi đắt hơn gấp 3 lần.

Do ở lại qua đêm nên chúng tôi ghé vào một cái lán rộng chừng 80m2 để ăn uống và thuê chỗ ngủ. Chị chủ lán đồng ý với giá ngủ lại qua đêm mỗi người 15 ngàn đồng, mỳ ăn liền 30 ngàn đồng/tô và nước suối 30 ngàn đồng/chai. Lúc này, cộng với 15 người trong đoàn chúng tôi nữa là trong lán có khoảng 80 người chen chúc nhau.

Đêm xuống, nhiệt độ trên núi lạnh buốt xương. Ăn vội tô mỳ xong, chúng tôi chen nhau nằm xuống ngủ. Một số người khác kéo ra góc lán gầy sòng sát phạt với đám cửu vạn (những người làm nghề gánh đồ thuê lên chùa) bằng hình thức xóc đĩa. Trò đánh bạc càng lúc càng thu hút mọi người. Theo đó, tiếng la hét, cãi nhau giữa các lán vang ầm khắp chốn thanh tịnh này. Cờ gian bạc lận, lâu lâu tiếng chửi thề rồi thách thức đánh nhau lại bùng lên làm mọi người xung quanh phải xông vào can ngăn. Trời càng về khuya, cảnh đánh bạc ở đây càng huyên náo. Trăn trở mãi, chúng tôi cũng cố gắng ngủ được vài tiếng để chuẩn bị cho buổi lễ dâng hương ngày mai.

Trưa hôm sau, dâng lễ, thắp hương xong, đoàn chúng tôi lại len lỏi xuống núi. Dọc đường, những cảnh bát nháo như chiều hôm qua vẫn tái diễn.

HAI LẦN TRẢ TIỀN CHO MỘT LẦN GỬI XE
Xuống đến bãi gửi xe, mọi người ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, một chuyện ngược đời đã xảy ra ngay tại đây.

Chuyện là khi chúng tôi mua vé vào cổng đã phải mua luôn vé gửi xe (dạng đóng thành tệp, có cuống vé lưu lại và được sử dụng cho một lần) với giá 6 ngàn đồng gửi qua đêm. Vậy nhưng khi chúng tôi giao vé để dắt xe ra thì nhân viên giữ xe chặn lại giơ ra một loại vé giữ xe khác màu đỏ, bên ngoài ép nhựa, hỏi: “Không có vé đỏ này à? Vậy thì đưa xe sang một bên để xử lý sau”.

Chúng tôi giải thích rằng hôm qua lúc mua vé gửi xe, chúng tôi chỉ được đưa cho một tấm vé mà vừa giao cho anh ta. Bất ngờ nhân viên này lớn tiếng nạt nộ: “Đó là vé để cho xe vào cổng, còn vé giữ xe là vé màu đỏ này”.

Nghe tiếng ồn ào, hai công an viên đứng gần đó lại hỏi nguyên nhân. Sau khi nghe chúng tôi giải thích, các công an viên bảo chúng tôi đối chiếu cà vẹt xe với biển kiểm soát, thấy đúng liền bảo chúng tôi đi. Tuy nhiên, nhân viên giữ xe này tiếp tục xông đến nằng nặc đòi thêm mỗi xe 5 ngàn đồng.


Anh Tuấn và cánh tay bó bột đang trình bày với phóng viên

THÍCH LÀ... ĐÁNH NGƯỜI
Tiếp chúng tôi với cánh tay phải bó bột, anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1976, trú khối 11, phường Hồng Sơn, TP. Vinh, Nghệ An) chưa hết bàng hoàng kể lại: Chiều 20-2-2010, sau một ngày đi trẩy hội ở chùa Hương Tích, anh cùng nhóm bạn 13 người xuống lấy xe ở bãi giữ trước cổng ban quản lý. Lúc dắt xe ra thì một nhân viên giữ xe yêu cầu phải trả thêm 5 ngàn đồng tiền giữ mũ bảo hiểm. Vì mũ bảo hiểm bỏ trong cốp xe nên anh không đồng ý trả tiền. Mặc dù nhiều nhân viên trông xe khác cũng công nhận điều đó và trên yên xe còn ghi rõ dòng chữ “những người này không phải trả tiền mũ bảo hiểm” nhưng người thanh niên kia nhất quyết không cho anh Tuấn dắt xe ra mà còn chửi bới bằng những lời lẽ tục tĩu. Thấy thái độ vô lý của nhân viên giữ xe này, bạn gái anh Tuấn đã lên tiếng: “Các anh phục vụ trước cổng chùa mà sao bắt ép, cưỡng đoạt trắng trợn của người dân như vậy?”. Bất ngờ đối tượng này xông vào đòi đánh cô gái nên anh Tuấn liền đứng ra can ngăn. Không dừng lại đó, gã chạy đi lấy một cây gậy rồi lao vào đánh tới tấp vào hai người.
Thấy tình hình nguy hiểm, nhóm bạn cùng đi dâng hương với anh Tuấn đến can ngăn thì bị những nhân viên trông xe đứng xung quanh đó cầm gậy, ghế xông đến đánh túi bụi vào cả nhóm. Bị nhóm người kia dùng ghế, gậy phang thẳng vào đầu, anh Tuấn đưa tay lên đỡ nên tay phải của anh bị gãy. Chỉ đến khi một người trong nhóm khách hành hương tên Dũng cầm khẩu súng đồ chơi lên doạ: “Nếu còn đánh nữa tôi sẽ bắn”. Khi biết đây là súng giả thì nhóm nhân viên giữ xe tập trung vào rượt đánh anh Dũng nên mọi người mới có cơ hội tìm đường bỏ trốn.

“Tuy chúng tôi đã bỏ trốn nhưng nhóm người trên còn huy động thêm nhiều người nữa để truy sát chúng tôi. Cho đến khuya cùng ngày tôi mới dám lần tìm ra Quốc lộ 1A, điện thoại kêu người nhà thuê xe vào đưa đi cấp cứu” - anh Tuấn kể lại.
Theo kết luận của Bệnh viện Cửa Đông Nghệ An, anh Tuấn bị đa chấn thương ở vùng lưng, đầu. Riêng cánh tay phải bị rạn xương, dập cơ tay, dập mu bàn tay, đứt gân ngón giữa và nhiễm trùng vết thương.

Tiếp đó, ngày 22-2-2010, chị Trần Thị Hà (trú khối 13, phường Cửa Nam, TP. Vinh) đưa hai con là Bùi Ánh Hồng và Bùi Doãn Ngọc đi dâng hương tại chùa này. Do phải gửi xe qua đêm nên sáng hôm sau khi chị vào lấy xe thì các nhân viên giữ xe tại đây yêu cầu phải trả mỗi xe 14 ngàn đồng (theo giá quy định của Ban quản lý chùa Hương Tích mỗi xe 3 ngàn đồng, gửi qua đêm giá 6 ngàn đồng). Chị Hà thắc mắc về việc thu giá giữ xe tăng hơn gấp đôi thì một nhân viên gằn giọng: “Bà không trả tiền công giữ mũ bảo hiểm à?”. Lúc này, cháu Hồng đứng ra giải thích rằng mũ bảo hiểm cất trong cốp xe chứ không gửi bên ngoài thì bị gã nhân viên côn đồ co chân đạp thẳng vào bụng làm cháu ngã giữa đường. Tiếp đó, tên này vơ lấy chiếc đòn gánh gần đó đánh làm cháu Hồng bị thương chảy máu ở đầu và mạng sườn. Thấy vậy, cháu Ngọc và một thanh niên khác nhảy vào can cũng bị tên này dùng đòn gánh phang liên tục vào đầu rồi đuổi ra khỏi cổng.

Thiết nghĩ Ban quản lý chùa Hương Tích thu tiền vé vào cổng nhưng lại để những cảnh bát nháo nêu trên xảy ra trong chùa gây phiền toái cho những người tìm đến đây. Bên cạnh đó, còn tuyển dụng những nhân viên giữ xe ngông cuồng, đã thu tiền trái quy định lại còn hành hung khách hành hương. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau những sự việc hành hung anh Tuấn và các con chị Hà thì đến nay các đối tượng côn đồ trên vẫn chưa bị xử lý nghiêm. Liệu có “bàn tay” nào đó bao che cho những đối tượng này không?

Văn Tình

Theo CAND