Đại đức Thích Minh Tiến: “Chớ mang những quan niệm đời thường vào nơi cửa Phật !”

Đại đức Thích Minh Tiến (ảnh - Uỷ viên thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN) đã mở đầu như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Văn Hoá về vai trò của người tham gia lễ hội.

Đừng đổi tiền lẻ để rải khắp nơi thờ tự!

Thưa Đại đức, nhiều người cho rằng chưa bao giờ mọi ngả đường như đều dẫn đến chùa chiền, lễ hội như hiện nay. Lượng người dân tham gia lễ hội không chỉ là biểu hiện phát triển của đời sống tâm linh tín ngưỡng mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực trong lễ hội. Đại đức nhìn nhận thực trạng này như thế nào?

- Đại đức Thích Minh Tiến: Những năm gần đây, các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động tại lễ hội và nơi thờ tự ngày càng đông. Điều này cho thấy người dân ngày càng có điều kiện để tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống và cũng thể hiện nhu cầu khách quan, thực tế của con người. Tổ tiên ta từ xa xưa đã tạo dựng nên nhiều cơ sở tâm linh, tôn giáo cũng là để cho nhân dân có một cuộc sống tinh thần an lạc.

Việc người dân đi lễ đặt tiền “giọt dầu” là để thể hiện cái tâm của mình, góp phần cùng cơ sở tôn giáo duy trì hoạt động và để tôn tạo đền, chùa đẹp hơn chứ không phải để “dâng” lên Phật, lên Thánh. Đáng tiếc là nhiều người hiện nay mang nặng tư duy đời thường và đem những suy nghĩ đó vào nơi cửa Phật, cho rằng càng rải, rắc nhiều tiền thì càng thể hiện thành tâm và được Phật, các thánh thần chứng giám.

Tuy nhiên, cũng từ thực tế đó đã khiến nảy sinh không ít vấn đề tiêu cực. Đây là một hệ lụy đương nhiên và cần nhìn nhận thấu đáo bản chất chứ không nên dừng ở hiện tượng. Đơn cử như vấn đề đặt nhiều hòm công đức tại các cơ sở thờ tự, không ít ý kiến cho rằng đó là sự lạm dụng “cái tâm” của người đi lễ.

Nhưng thực chất việc đặt nhiều hòm công đức lại xuất phát từ mục đích tạo điều kiện thuận lợi  cho nhân dân thể hiện tâm thành trong điều kiện không gian chật hẹp, đông đúc, thuận chỗ nào bỏ tiền công đức chỗ đó. Không phải cứ đặt nhiều hòm là phải rải nhiều tiền như mọi người vẫn nghĩ. Chúng tôi vẫn giảng đạo thuyết pháp cho bà con phật tử rằng, đi lễ cốt ở tâm thành. Phát tâm công đức chỉ cần đặt ở một nơi, không nhất thiết cứ đến cổng đền, chùa, phủ lại phải đổi tiền lẻ và rải khắp nơi như nhiều người đi lễ vẫn làm.

Thưa Đại đức, ông vừa nhắc đến việc rải tiền lẻ, hay còn gọi là “tiền giọt dầu” tràn lan của đại bộ phận người đi lễ hiện nay. Thực tế này cũng đang tạo nên rất nhiều hiện tượng phản cảm trong sinh hoạt lễ hội?

- Khi giảng đạo thuyết pháp, tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền cho bà con đi lễ về vấn đề này. Các phật tử hiểu rất rõ điều đó và bản thân họ cũng không có những hành vi như đổi và rải tiền khắp nơi thờ tự. Người dân đi lễ cũng cần nhận thức rõ vấn đề này. Tiền “giọt dầu” hay tiền công đức thực chất chỉ là một.

Việc người dân đi lễ đặt tiền “giọt dầu” là để thể hiện cái tâm của mình, góp phần cùng cơ sở tôn giáo duy trì hoạt động và để tôn tạo đền, chùa đẹp hơn chứ không phải để “dâng” lên Phật, lên Thánh. Đáng tiếc là nhiều người hiện nay mang nặng tư duy đời thường và đem những suy nghĩ đó vào nơi cửa Phật, cho rằng càng rải, rắc nhiều tiền thì càng thể hiện thành tâm và được Phật, các thánh thần chứng giám. Từ đó xuất hiện ngày càng phổ biến việc sử dụng tiền lẻ để rải khắp không gian lễ hội và nơi thờ tự.

Vậy còn với những hiện tượng người dân chen lấn nhau để gài tiền vào tận tay tượng, Phật?

- Đó là những việc làm gây phản cảm, tuy nhiên cũng cần phải tìm hiểu thấu đáo vì sao người dân lại có những hành vi như vậy. Tư duy dân gian xưa thường quan niệm phải “đưa tận tay” để Phật chứng giám lòng thành. Quan niệm đó đã  ăn sâu vào suy nghĩ và ảnh hưởng tới hành động của không ít người khiến họ cố tình chen lấn, xô đẩy để tiến lại gần, chạm tay  và gài tiền vào tay tượng, Phật. Chúng ta cần nhìn nhận rõ sự không hợp lý từ việc mang những tư duy, quan niệm đời thường như vậy vào nơi thờ tự để   tuyên truyền, giải thích cho người tham gia lễ hội hiểu và tự điều chỉnh hành vi.

Mỗi người phải tự “nhắc nhở” chính mình khi hành hương, lễ bái

 

Nếu người tham gia lễ hội sử dụng quá nhiều vàng mã thì cần thiết phải lên án. Giới tu hành cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc sử dụng vàng mã trong hoạt động tín ngưỡng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mang tính tâm linh nên để tác động và làm chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân lại không phải là chuyện một sớm một chiều.

Thưa Đại đức, dư luận cũng đã nhiều lần lên tiếng về chuyện đốt quá nhiều vàng mã tại các lễ hội, các chùa, đình, miếu, phủ... Tuy nhiên,  thực tế cho thấy “vấn nạn” này vẫn đang tiếp tục gia tăng, các lò hoá vàng luôn  không ngừng đỏ lửa. Đại đức có ý kiến gì?

- Có thể nói, sự ảnh hưởng của văn hoá láng giềng đã trở nên rất sâu sắc với người VN và vấn đề đốt quá nhiều vàng mã của người dân cũng rất khó để hạn chế. Không nên cực đoan chỉ nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng phản văn hoá, bởi thực tế này là sự ảnh hưởng từ nhiều thế hệ  chứ  không phải chỉ là chuyện của hiện tại.

Tuy nhiên, nếu người tham gia lễ hội sử dụng quá nhiều vàng mã thì cần thiết phải lên án. Giới tu hành cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc sử dụng vàng mã trong hoạt động tín ngưỡng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mang tính tâm linh nên để tác động và làm chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân lại không phải là chuyện một sớm một chiều.

Ở một khía cạnh khác, khi chúng ta vẫn phản đối việc sử dụng quá nhiều vàng mã, dư luận ì xèo xung quanh việc nhiều người lập đàn này, đàn nọ và đốt hàng chục, hàng trăm triệu tiền vàng mã thì thực tế vẫn có những nhà máy, làng nghề chuyên sản xuất mặt hàng này. Đó chính là mâu thuẫn cần nhìn nhận rõ khi lên án hay đi tìm giải pháp để hạn chế vấn nạn này. Tại nơi tôi trụ trì hầu như không sử dụng vàng mã, những người đốt nhiều vàng mã cũng không phải là những phật tử thuần tuý mà chủ yếu là nhân dân chịu ảnh hưởng nhiều từ những quan niệm, tín ngưỡng dân gian.

Trong sự đông đúc tại các lễ hội đầu năm, người dân ai cũng mong muốn cầu cho mình những điều tốt đẹp. Nhưng ngược lại với sự thiêng liêng trong thế giới tâm linh đó, họ đã có nhiều hành vi như xô đẩy, chen lấn để thuận lợi cho việc hành lễ. Đại đức có nhận xét gì về những hành vi ứng xử như vậy của người tham gia lễ hội?

- Xuất phát từ sự ngưỡng mộ và mong muốn được hành hương đến những nơi Thánh tích để chiêm ngưỡng, lễ bái, rất đông nhân dân đã cùng đổ về các lễ hội vào cùng một thời điểm và bởi thế nên khó tránh khỏi những hiện tượng như ùn tắc, xô đẩy, chen lấn, va chạm... Tôi cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các cơ quan chức năng ở từng địa phương cụ thể để hạn chế và thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến những người hành hương nhằm bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự trong lễ hội. Tuy nhiên quan trọng hơn cả vẫn chính là ý thức của người tham gia lễ hội.

Thưa Đại đức, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền thì còn cần những giải pháp nào để giúp người dân nâng cao nhận thức, tự  làm chủ và điều chỉnh hành vi của mình?

- Trong thế giới tín ngưỡng tâm linh, không có những quy định nào điều chỉnh được nhận thức và hành vi của con người. Vì vậy, biện pháp tuyên truyền vẫn là gốc rễ và cần thực hiện dưới nhiều hình thức, trên một diện rộng. Bản thân các sư trụ trì tại các cơ sở tín  ngưỡng, tôn giáo cần tuyên truyền sâu rộng với các phật tử và bà con tới lễ bái; ngoài ra việc tuyên truyền cũng cần thực hiện thường xuyên trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể, khu dân cư... Thậm chí có thể mời các nhà tu hành đến nói chuyện, thuyết pháp để mỗi người dân hiểu rõ hơn và có những nhận thức đúng đắn, từ đó điều chỉnh mọi hành vi, sinh hoạt tín ngưỡng cho đúng mực.

Xin cảm ơn Đại đức!

Anh Thu (thực hiện)

Theo vanhoa