ĐĐ Thích Thanh Thắng: Cần bày tỏ chính kiến trước xuyên tạc, bôi nhọ PG

image

Những ngày gần đây tiếp tục xuất hiện một số bài báo viết về lễ hội Phật giáo nặng về sự suy diễn, bôi nhọ, đánh đồng hành vi của người Phật tử với khách du xuân nói chung, gây bức xúc đối với người Phật tử. Đại đức Thích Thanh Thắng- Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã có cuộc trò chuyện với Phattuvietnam.net về vấn đề này.

Phóng viên: Trong những ngày gần đây, một số tờ báo liên tiếp cho đăng những bài viết phản ánh về tình trạng tiêu cực diễn ra trong các lễ hội Phật giáo. Đại đức có nhận xét gì về những loạt bài báo này?

Đại đức Thích Thanh Thắng: Trước tiên, chúng ta cần bình tĩnh trước những bài báo phê bình đó, xem họ xuất phát từ động cơ gì. Nếu là động cơ xây dựng thì đó là cơ hội tốt để chúng ta điều chỉnh, nhưng với động cơ nhằm bôi nhọ lễ hội Phật giáo, chúng ta cần phải lên tiếng phản biện.

Đặc biệt chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề để không bị cuốn theo một dư luận phiến diện. Đáng tiếc một số người đã bị “dư luận” phiến diện đó định hướng cách suy nghĩ của mình dẫn đến những phản ánh mang tính dây chuyền, hiểu sai và quy chụp đối với Phật giáo.

Trong xã hội không phải cái “tiêu cực” nào cũng “xấu” và cái “tích cực” nào cũng “tốt”. Điều này, chúng ta phải nhìn ở một mức độ bao quát, bởi “tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức tạp” với những biểu hiện đa dạng, đa diện và đa chức năng.

Cá nhân tôi nhận thấy một số bài báo phản ánh quá thiên về “bức xúc” nên đánh mất phong cách của ngôn ngữ phản ánh, tức tính khách quan của ngôn ngữ báo chí.

Ví dụ dùng những câu như “tiền lẻ rải kín không gian” (lấy đâu chỗ đi lại và hít thở?), “lo lót chạy trọt thánh thần” (cụ thể là những ai?), “biến thánh thần thành quan tham” (ai làm được việc này?), “rác ngập rác” (chỗ nào cũng vậy, thời điểm nào trong ngày cũng vậy hay chỉ là nhất thời?)…, trong khi những bức hình chụp trong bài viết chỉ diễn tả ở một góc cận cảnh nào đó.

Nếu chúng ta cứ đưa góc kính cận cảnh đó thường ngày rồi dùng ngôn ngữ phóng đại thì Việt Nam có lẽ không còn cảnh đẹp nào cả.

Vấn đề xả rác và vấn đề cúng tiền lẻ được phản ánh nhiều nhất?

Đúng như vậy. Việc cúng tiền lẻ của người dân là tuỳ tâm của họ, không có pháp luật nào ngăn cấm điều đó. Việc quan trọng là những di tích có các vị sư trụ trì phải giảng giải cho họ về điều này, tránh sự tự phát làm mất trang nghiêm nơi thờ tự.

Tiền thường được bày nhiều ở những dãy tượng La Hán. Ở miền Bắc đầu năm có tục “Bói Bụt”, họ đếm tuổi của mình cho đến khi dừng lại ở vị La Hán nào thì tìm lời giải cho mình trong một năm, vì vậy những vị La Hán thường được cúng khá nhiều tiền chung quanh ban thờ, thậm chí họ còn cài tiền lên tay tượng.

Các chùa cần thiết kế những hình thức phù hợp để người dân có chỗ bỏ tiền, vừa đáp ứng được niềm tin, vừa không gây phản cảm. Khó nhất là ở những di tích mà chính quyền tham dự vào việc quản lý lễ hội, quản lý cả thùng công đức và cả tiền lẻ mà người dân đi lễ cúng.

Còn xả rác là một vấn đề nhức nhối chung trong mọi lễ hội, không riêng gì trong lễ hội Phật giáo. Quán tính đó đã ăn sâu, cần phải có những hình thức giáo dục ở diện rộng.

Nếu người xả rác trong lễ hội là người từng quy y Tam bảo thì điều này vô cùng đáng trách, và chúng ta cần phải xem lại cách thức giáo dục người Phật tử. Còn nếu việc xả rác ở khách thập phương thì chúng ta phải có biện pháp để hạn chế tối đa vấn đề này.

Thường thì những thắng tích nổi tiếng nhà chùa chỉ là thành viên của Ban Tổ chức lễ hội, nên những can thiệp chỉ có mức độ.

Tình trạng hàng quán lộn xộn trong di tích, việc xứ lý tình trạng này phải do các cấp chính quyền địa phương chủ động. Nhưng theo tôi được biết, hàng quán được phép bán trong khu di tích là do bốc thăm và phải đóng tiền rất cao và được mua đi bán lại để ăn chênh lệch.

Đây là một nguồn thu khổng lồ mà nhà chùa không có cách gì để can thiệp.

Vậy trước tình trạng quản lý lễ hội còn nhiều bất cập này, Phật giáo có thể làm được gì?

Ở những lễ hội lớn, một mình vị trụ trì không thể bao quát hết được. Vì thế ở những lễ hội cấp quốc gia, Giáo hội cần chỉ đạo và thành lập một ban chuyên trách về lễ hội, phối hợp với chính quyền địa phương để bao quát và xử lý mọi tình huống khi cần. Tránh tình trạng khi xảy ra vấn đề tiêu cực, lợi ích thì Ban Tổ chức hưởng còn tai tiếng thì thuộc chung về Phật giáo.

Nhà chùa cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào Ban Tổ chức mà nên tổ chức tập huấn các tình nguyện viên trong mùa lễ hội, đặc biệt là việc thu gom rác thải, tiền lẻ song song với tuyên truyền trực quan nhằm giảm bớt những hiện tượng này. Nói là “tình nguyện viên” nhưng cũng phải có những chi phí thích hợp đủ để đảm bảo cuộc sống thường ngày của họ.

Tiền của khách thập phương cần phải được chi dùng một cách tương xứng vào những việc làm đẹp, làm sạch, làm trang nghiêm cho môi trường cảnh quan. Bằng không chúng ta đang kinh doanh lễ hội, và lỗi là người “chủ kinh doanh” đã không sòng phẳng, thậm chí thiếu lương thiện khi đưa ra một dịch vụ kém chất lượng.

Tuy nhiên họ làm lơ chuyện này vì thấy rằng dù có để xảy ra tình trạng lộn xộn, bừa bãi, thiếu trang nghiêm như vậy thì nhu cầu tâm linh của người dân vẫn tăng cao theo từng năm.

Chính cách suy nghĩ thiếu chuyên nghiệp này mà lễ hội truyền thống tốt đẹp của ông cha ta ngày càng trở nên biến tướng, suy thoái và kém chất lượng.

Xin Đại đức nói rõ hơn về vấn đề này?

Chúng ta hãy nhìn sang nước Campuchia. Người Campuchia quan niệm, di sản văn hoá là do người Campuchia tạo ra, vì thế họ có quyền làm chủ mọi thắng tích. Họ chỉ thu tiền đối với du khách có quốc tịch nước ngoài.

Trong khi ở Việt Nam, ngay cả người Phật tử khi đến thắng địa của mình cũng phải chịu đủ mọi thứ tiền, từ tiền vé vào cổng đến tiền đò xe qua lại…

Đây là một điều bất hợp lý. Vì cái gì đã là “kinh doanh”, “dịch vụ” thì anh phải có trách nhiệm làm sạch đường đi, lối lại, làm trang nghiêm nơi thờ tự, để du khách được hưởng đúng cái nhu cầu mà họ đã mất tiền bỏ ra để “mua” nó. Nếu không làm được như vậy, thì chúng ta nên học theo cách làm của người Campuchia, bởi khi di sản văn hoá tinh thần là ngôi nhà thân thiết của mình thì không lý gì người ta lại vất rác vào chính ngôi nhà của mình.

Tại sao chúng ta thu rất nhiều tiền từ du khách và chúng ta lại đổ hết lỗi cho du khách. Nước ta cũng không giàu lên bao nhiêu từ việc thu tiền vào di tích, vì vậy xin đừng tiếp tục biến thánh tích thành nơi kiếm tiền, bất chấp thần thánh. Hệ luỵ đó chắc chắn sẽ diễn ra lâu dài. Việc làm đó có phải không sòng phẳng và thiếu lương thiện không?

Trong tương lai, Chùa Hương, Yên Tử có thể được đệ trình lên UNESCO để công nhận là di sản vật thể của nhân loại. Vì vậy, đã đến lúc xã hội chúng ta nên tập chung vào việc lo làm đẹp văn hoá của chính dận tộc mình.

Gần đây, trên báo Vietnamnet có đăng một bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam qua tựa đề “Đừng biến tín ngưỡng tôn giáo thành cuồng si”, Đại đức có đồng tình với quan điểm của bài viết?

Tôi đồng tình với tựa đề bài viết, vì Vietnamnet luôn biết cách “giật tít” hay, nhưng tôi không đồng tình với một số so sánh liên hệ trong bài viết.

Tôi không nói đến khía cạnh “tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức tạp” và có tính chất “đặc thù” để yêu cầu ai đó phải có những phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống, đa ngành, bởi giữa tín ngưỡng tôn giáo và ranh giới “cuồng si” rất mong manh.

Khi niềm tin đi quá giới hạn thì con người rất dễ bị “cả tin”. Hiện tượng “cả tin” đến mê muội không chỉ riêng đối với tôn giáo nào mà đến với mọi tổ chức, đảng phái, cá nhân. Vì thế cái gọi là cuồng si ấy phải dẫn đến thái độ mù quáng, hại người và hại cả mình.

Hiện tượng cúng tiền lẻ là cuồng si? Không chính xác. Vì đó là tuỳ tâm của người cúng, không ai cưỡng ép. Trong vật phẩm dâng cúng của Phật giáo bao gồm: kim ngân (vàng, bạc, tiền), hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Việc dâng cúng đó càng không trái pháp luật.

Trong khi người dân mang tiền lẻ vào cúng chùa, thì ngoài xã hội, đồng tiền xu, tiền lẻ lại không được coi trọng, có người mang tiền lẻ, tiền xu đến ngân hàng, họ cũng không chịu đổi.

Cầu tài, cầu lộc, cầu quan chức là cuồng si? Không chính xác. Trong kinh Dược sư mà các chùa thường tổ tụng đọc trong dịp cầu an đầu năm có đoạn: “…Cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con cái được con cái…”.

Giàu có không xấu, quan chức không xấu, tài lộc không xấu, bởi nếu người có tâm mà đạt được những mong ước như vậy thì rất tốt cho xã hội. Nhưng cái đó tha hoá thì mới trở nên xấu. Anh chưa có thì anh phải cầu. Anh cầu được nó rồi, anh có tha hoá hay không? Đây mới là vấn đề chính.

Vậy hà cớ gì chúng ta phê phán một sự cầu nguyện chính đáng. Vấn đề ở đây là những người sau khi giàu có, có quan chức rồi thì họ làm gì tốt đẹp (hay gây hại) cho xã hội, chứ không phải vấn đề thuộc về cầu nguyện.

Vào đầu năm, người Việt chúc nhau những gì? Tất cả đều không nằm ngoài những lời cầu nguyện chính đáng kể trên. Còn việc ai đó nhìn vào mấy đồng tiền lẻ mà cho rằng “lo lót chạy chọt thánh thần”, “biến thánh thần thành quan tham” thì nên có một nghiên cứu xã hội học để định tính, định lượng cho chính xác, đừng nói vo và suy diễn những điều mà người đi lễ không làm.

Quan chức đến tham dự vào các nghi lễ Phật giáo là cuồng si? Không chính xác. Phật giáo là một tôn giáo lâu đời ở Việt Nam, dung hội với nhiều yếu tố tín ngưỡng bản địa, tạo nên một Phật giáo Việt Nam đặc thù và có bản sắc. Sự hoà trộn đó được dân gian ví von “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”.

Không kể thời Lý – Trần, Phật giáo là quốc giáo, mà bước sang thời Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, Phật giáo vẫn có ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Nhiều nghi lễ Phật giáo vẫn do nhà vua và các đại thần chủ trì, dần hình thành trong xã hội cả một xu hướng sống “cư Nho, mộ Thích”.

Ngay thời Nho giáo thịnh hành, nhiều những ngôi chùa được tu bổ, xây dựng vẫn chủ yếu là do nhà vua, hoàng phi, hoàng hậu, công chúa, quan lại triều đình dâng cúng. Văn bia, sử liệu chỉ ra rất rõ điều này.

Khi tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, kế đây là Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo, thế giới nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia mà đạo Phật là tôn giáo chính và phổ biến.

Thủ tướng Nhật Bản khi sang thăm Việt Nam cũng nói Việt Nam và Nhật Bản có yếu tố văn hoá tương đồng vì đều là quốc gia Phật giáo Đại thừa có ảnh hưởng rộng. Thế thì việc quan chức tham dự trong các Đại lễ Phật giáo không có gì là bất thường từ trong truyền thống lịch sử cho đến hiện tại.

Hơn nữa, rất nhiều đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ, đại lễ tôn vinh anh hùng dân tộc, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc… chẳng lẽ nhà nước chỉ đơn thuần là “khách mời”, “là người quan sát”?

Tôi không đánh giá cao bài viết này, vì nó có những chi tiết vụn vặt, so sánh khập khiễng. Cụ thể là so sánh Phật giáo với Công giáo.

Phật giáo và Công giáo đều là tôn giáo (theo định nghĩa phương Tây), nhưng có những yếu tố đặc thù riêng biệt không thể đồng nhất và không nên so sánh.

Những “cơ sở lịch sử xã hội”, những bài học lịch sử còn để lại cho mỗi tôn giáo trên mảnh đất này, điều đó chắc chắn sẽ có những ứng xử nhân quả tương tự mà người dân Việt Nam dành cho mỗi tôn giáo. Không thể cào bằng nhận thức cũng như các giá trị (khi trong cuộc sống, cái có ý nghĩa với anh nhưng chẳng có ý nghĩa gì với tôi). Đó là sự khác biệt trong hành trì, đặc thù tín ngưỡng, văn hoá, thậm chí là “tư cách chính trị, xã hội” của mỗi tôn giáo trên mảnh đất Việt Nam.

Con hổ và con thỏ đều là động vật, nhưng con ăn thịt còn con thì ăn cỏ, không thể nhốt chung hay đánh đồng nó với nhau được.

Đại đức cho biết thêm suy nghĩ của mình về một số bài báo phản ánh việc rước xá lợi Đức Phật bằng chuyên cơ riêng vừa qua?

Quyền phản ánh thuộc về dư luận. Đó là điều tự nhiên và bình thường. Tuy nhiên, bài báo có thuyết phục được độc giả không, hay chỉ gây thêm những rối loạn trong dư luận xã hội thì còn phải xét về động cơ và không ngoại trừ một sự “chỉ đạo” nào đó về mặt thông tin nhằm xuyên tạc và bôi nhọ Phật giáo, gieo vào lòng người những suy nghĩ lệch lạc.

Việc rước Xá lợi Phật có ý nghĩa tâm linh đặc biệt với tín đồ Phật tử. Ở những quốc gia đạo Phật làm quốc đạo, nghi thức này được tiến hành ở tầm đại lễ quốc gia. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón rước Xá lợi Đức Phật thông qua kênh ngoại giao của nhà nước, khi bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sang thăm Ấn Độ năm 2009.

Tôi nghĩ mức độ đón rước như vậy là trang trọng mà không tốn kém. Ngay thời Đức Phật còn tại thế Trưởng giả Cấp Cô Độc còn cúng dường Đức Phật cả một khu vườn lát gạch bằng vàng ròng để tỏ lòng tôn kính. Nay Đức Phật đã nhập diệt, Xá lợi là một phần sắc thân của Ngài, vị doanh nhân giàu có nào đó cúng dường một chuyến chuyên cơ để trang trọng rước Ngài về Việt Nam tôn thờ, chúng ta không hoan nghênh thì thôi, tại sao ai đó lại phải tỏ ra khó chịu?

Cho dù cá nhân doanh nhân đó không cúng dường thì có rất nhiều Phật tử cũng sẵng sàng cùng với Giáo hội tổ chức đón rước Xá lợi Đức Phật một cách trang trọng nhất. Vui với niềm vui của người khác cũng là cách dẹp đi những đố kỵ, những cái nhìn hạn hẹp của bản thân mình.

Còn nhớ, có năm người ta bàn tán xôn xao về việc chính quyền thành phố nọ quyết định không tổ chức bắn pháo hoa để làm từ thiện. Nhưng sau đó đã bị hầu hết người dân phản đối, vì hai việc có hai cách ứng xử khác nhau, nói như ai đó, ở đời không chỉ cần đến bánh mì mà còn cần đến cả hoa hồng.

Chúng ta cảm ơn những bài viết mang tính xây dựng, nhưng chúng ta phải bày tỏ chính kiến của mình trước những bài viết mang chủ đích xuyên tạc, bôi nhọ.

Thực tế đã xuất hiện những bài báo thiếu khách quan, mang tính suy diễn, bôi nhọ Phật giáo. Phattuvietnam.net đã sớm có những bài viết phản biện đối với những cách nhìn phiến diện đó.

Tôi nghĩ các cơ quan ngôn luận Phật giáo cần phải có định hướng rõ ràng và thống nhất trong phản biện trước các vấn đề nóng này, thậm chí có thể yêu cầu cải chính nếu bài viết gây tổn hại đến uy tín và danh dự của Phật giáo Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn Đại đức

Minh Thành

Theo phattuvietnam.net