Festival Phật đản Huế, tại sao không?

Thật hoan hỷ khi đọc được tin “Phật giáo Thừa Thiên - Huế sớm bàn tổ chức lễ Phật đản”. Thực ra, bàn sớm hoàn toàn không thừa. Trong nhiều ý kiến đóng góp cho việc tổ chức lễ Phật đản được bản tin ghi nhận, có nhiều ý kiến sáng tạo, cần thời gian nghiên cứu.

Xin mạn phép có một số ý kiến kính gửi đến ban tổ chức lễ Phật Đản Thừa Thiên – Huế.

Vị trí, tầm vóc của Phật giáo Thừa Thiên – Huế, với Huế từng được coi là kinh đô Phật giáo, thì có lẽ, nên tính xa hơn nữa, có thể tổ chức lễ Phật Đản tại Huế thành một lễ hội Phật Đản. Nói để dễ hình dung: một festival Phật Đản.

Festival Phật Đản không phải chỉ là ngày lễ hội tôn giáo, mà là lễ hội của quần chúng.

Những ý kiến về các hình thức mới như rước đèn, rước Phật, lễ đài nổi, phố ẩm thực chay, coi trọng hoạt động truyền thông…đã chứa đựng trong nó yếu tố festival.

Dưới đây, chúng tôi xin được bàn luận bổ sung một số ý dưới góc nhìn của truyền thông hiện đại.

Thiết kế tổ chức một sự kiện lễ hội, điều đầu tiên được xác định, đối tượng tham dự sẽ là ai?

Với cấp độ festival, Phật đản tại Huế không chỉ dành cho tăng ni Phật tử Huế, cho người dân Huế, mà là dành cho người dân cả nước.

Festival Phật Đản Huế sẽ là dịp thu hút Phật tử và người dân cả nước về Huế dự lễ hội. Điều này rất có lợi cho Phật giáo Thừa Thiên – Huế nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung, nhưng cần chú ý đây cũng là lợi ích cho tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Nếu Phật Đản là dịp mà khách từ cả nước đổ về Huế để tham dự, và hình thành truyền thống hàng năm, thì đây quả là một đóng góp của Phật giáo cho sự phát triển của Huế.

Festival không thể chỉ là một cuộc lễ tụng kinh, thuyết pháp, mà phải là một chuỗi sự kiện có tính quần chúng rộng rãi, tạo thuận lợi cho tất cả mọi người cùng tham gia, dù là Phật tử hay không phải Phật tử.

Do vậy, ngày hội đêm trước lễ Phật Đản (14 tháng 4 Âm lịch) cần được chú trọng. Một đêm hội hoành tráng, rực rỡ, sôi động, vừa mang tính chất tôn giáo trang nghiêm, vừa vui tươi, thu hút, với tính chất festival.

Đội ngũ diễn viên múa, ca sĩ, ban nhạc chuyên nghiệp có thể đóng góp một phần quan trọng cho đêm hội. Còn lại là các hoạt động đã mang tính chất hội như xe hoa, rước đèn, rước Phật, và có thể thuyền hoa, thả đèn trên sông, biểu diễn nghệ thuật trên sông...

Festival đồng nghĩa với đám rước trên đường phố, là sự chuyển động và mở rộng liên tục không gian tổ chức. Vì vậy, ngoài sự kiện trong chùa, trên quảng trường, sự kiện cả trên sông, một con sông giữa lòng thành phố, cần được thiết kế.

Và có thể mở rộng không gian lễ hội lên đến mức cực đại, với những bảo vật vô giá của Huế: chuỗi ngọc chùa chiền.

Việc quảng bá một Huế cung điện, Huế lăng tẩm, Huế Sông Hương, thậm chí Huế nhà vườn…đã được chú trọng.

Nhưng dường như, cả Phật giáo lẫn ngành du lịch Huế chưa chú ý quảng bá một Huế chùa.

Huế nổi tiếng cả nước với chùa Thiên Mụ, nhưng Huế không phải chỉ có một chùa Thiên Mụ. Mỗi ngôi chùa cổ xứ Huế đều có giá trị đặc biệt, đều đẹp như một cung điện, một lăng tẩm nhỏ, chắc chắn không làm thất vọng du khách.

Vì vậy, có thể xem Phật đản như là một dịp tổ chức quảng bá và thu hút khách đến với chùa Huế.

Nhân mùa Phật đản mà mời gọi khách đến Huế để đi chùa, sau những chuyến du lịch trước đây đi hoàng thành, lăng tẩm, nhà vườn…là một sự kết hợp tuyệt đẹp, tạo thuận lợi để số đông du khách trở lại Huế. Mời gọi khách đến Huế để thăm chùa là dịp để cùng nhau khám phá một giá trị nữa của Huế.

Để đi được hết, với thời gian đủ để thưởng thức vẻ đẹp kiến trúc, phong vị, vườn cảnh…từng chùa, thì có lẽ, một tuần festival cũng không đủ.

Để có thể có một tuần hội đi chùa Huế nhân đại lễ Phật giáo, điều trước tiên là xúc tiến giới thiệu chùa Huế trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và trên phạm vi cả nước.

Nếu Việt Nam chúng ta đã có festival Hoa, festival biển, thì nay càng vui hơn với festival chùa nhân lễ Phật đản.

Huế đã có một festival với cung điện lăng tẩm uy nghiêm, thì hội hè xứ Huế càng giàu có hơn bội phần khi thêm một festival với màu sắc những ngôi chùa cổ kính.

Chắc chắn, ngành du lịch Huế phải giúp Phật giáo để giới thiệu các ngôi chùa Huế đến với công chúng cả nước, mời gọi mọi người tới thăm chùa Huế trong dịp Phật Đản, đã là một ngày lễ truyền thống của Huế, nay “nâng cấp” thành lễ hội. Làm sao cho tháng trước lễ Phật Đản, mở TV, radio, báo ngày, báo tuần…đều thấy lời mời đến du lịch Huế, dự lễ Phật Đản và đi chùa.

Sau khâu quảng bá giới thiệu chùa Huế, thu hút mọi người đến Huế để thưởng thức vẻ đẹp của cảnh chùa, Phật giáo Thừa Thiên - Huế cần hướng dẫn khách đến Huế đi chùa sao cho thuận lợi, dễ dàng, đi được nhiều chùa trong một thời gian có hạn.

Như vậy, cần đến những thiết kế lộ trình, cẩm nang chùa song song với tài liệu, mà xin gọi vui là “ca-ta-lô” chùa.

Hết sức cần thiết là bổ sung không những các chùa xưa, mà là tất cả chùa đẹp vào bản đồ du lịch Huế.

Chùa mới, nhưng đẹp như chùa Huyền Không và Huyền Không Sơn Thượng chẳng hạn, không cớ gì chỉ là chùa xưa, vẫn là những cảnh làm đẹp lòng khách thập phương đến Huế đi chùa. Khách đến Huế đi chùa có thể có những khách du lịch “ba lô”, bình dân, vì vậy lộ trình đi chùa lồng vào chỉ dẫn các tuyến xe buýt chắc chắn là điều khách cần, và có thể cũng góp phần cho thành công lễ hội.

Dịp festival Phật đản cũng là dịp nhà chùa hỗ trợ khách đi chùa cả nước nơi lưu trú. Không gian giảng đường, những tấm chiếu sạch…cũng là phương tiện gieo duyên với khách.

Thực ra, nếu đến một ngôi chùa Huế, vào chánh điện lễ Phật rồi đi vòng quanh thăm viếng mươi mười lăm phút, chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, không sao thưởng thức cho hết phong vị chùa Huế.

Có ngồi lại sân chùa trong một đêm trăng, lắng lòng với tiếng chuông ngân, tĩnh tâm trong vườn chùa sau thời công phu chiều, và ngủ trong không gian thơm ngát trầm hương và mùi thơm cây lá, thì mới thụ hưởng được hết giá trị chùa Huế.

Có lẽ không ngôi chùa Huế nào không giúp được khách thập phương lễ chùa trong dịp này để làm nên festival Phật đản.

Cùng với festival Phật Đản trên đường phố, trên sông Hương, hàng chục ngàn người từ khắp mọi miền đất nước đến Huế để đi thăm hết mọi ngôi chùa, trên non cao, trong núi sâu, hay bên dòng sông Hương thơ mộng. Chỉ nghĩ đến cũng đã nao lòng…

Minh Thạnh