Thiền yếu của Bách Trượng

http://img444.imageshack.us/img444/79/hoa20sen202.jpg

1/ Giới thiệu tóm lược về hành trạng của Bách Trượng.

Liên quan đến sự tích và những nguyên nhân tạo nên hoạt động thuở sinh thời của đại sư Bách Trượng, tư liệu lịch sử để lại quá hiếm, nay tham khảo những thư tịch có quan hệ, tạm thời viết đôi nét giới thiệu về hành trạng của Ngài, đồng thời có thêm những bình luận chung.
Đại sư tên Hoài Hải (720-814), người thuộc Phước Châu Trường Lạc, dòng họ Vương Thị. Thuở ấu thời theo mẹ vào chùa lễ Phật, Ngài chỉ tượng Phật hỏi mẹ rằng: “Đó là ai vậy?” Mẹ Ngài nói: “Phật đấy”. Ngài nói hình dung của Phật không khác với người đời, con nhất định sau nầy sẽ làm Phật. Hai mươi tuổi rời quê, làu thông tam học (1) nghe Mã Tổ khai đàn giáo hóa ở Giang Tây, tìm đến gởi lòng tu học, được Mã Tổ nhận làm thị giả.

Chỉ khi nào đàn tín đem thức ăn chay đến, sư mới ra trương dù và đem dĩa đựng, mỗi lần như vậy Mã Tổ lại đưa một miếng bánh lên, và nói với chúng tăng rằng: “là cái gì?” Do vậy, dưới pháp hội của Mã Tổ, sư được truyền thụ trực tiếp sự cảnh tỉnh của thầy, chẳng bao lâu liền chứng ngộ, sau đó đến trụ tại Tân Ngô Hồng Châu cạnh núi Đại Hùng, vì ở đây lô nhô đá dựng hiểm nghèo, nên sư có tên là Bách Trượng, học giả bốn phương tụ về tham học.

Sư chẳng những là bậc chủ soái của Tông môn, Thiền Tông sau nầy, cùng với sức ảnh hưởng của sư đối với toàn bộ Phật giáo, càng lúc càng sâu rộng. Ở đây, bản văn chỉ nghiên cứu và trình bày một sự kiện trọng yếu nhất, đó là hình thái kiến lập Thanh quy trong chốn tùng lâm của Bách Trượng.

Thiền Tông truyền thừa từ Đạt Ma đến lục tổ Huệ Năng, giáo pháp trực chỉ đã thành là ngọn cờ tối thắng. Mã Tổ lấy gậy và tiếng hét để hiển thị cơ dụng, kẻ nào lanh lợi vẫn được đi vào (pháp môn dành cho bậc thượng căn). Tuy hét là biểu tượng huyền cơ, nhưng Ngài cũng lấy lời bình thường để mà chỉ dạy. Hình thức khai tâm như gậy, hét hay ngôn từ, tất cả điều đó đều mang ý nghĩa siêu nhiên: Đoạn dứt vô minh, tận trừ tình thức của người, không cho phép ta nghĩ bàn suy luận. Một vài điều như vậy đã nói lên cuộc cách mạng vĩ đại về phương pháp giáo dục của Thiền tông. Cuộc cải cách nầy, một mặt vì có sự dị biệt của các nhà Kinh Luận qua giáo thuyết, một mặt vì bộ phái Tỳ Ni (Luật bộ) với nghiệp hành quá tinh tế cẩn trọng, (tạo nên) những khoảng cách (với quần chúng). Thiền Tông phát triển theo từng ngày, nên có vô số Tăng lữ ủng hộ nó, do vậy trong thống lãnh Tăng vụ, trong việc tham học pháp sự mang tính đặc thù, nó phải phát sinh những phương thức mới và những thích ứng cần thiết, đó chính là sự phát triển thực tế có thể thấy được. Thế thì có việc tương truyền “Mã tổ dựng tùng lâm, Bách Trượng xây thanh quy” như chúng ta đã biết. Sự việc này quả là một sự kiện trọng đại của Phật giáo, và tiềm năng của công sức ấy luôn tồn tại. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn sáng lập pháp môn Đông Sơn, tuy mang ý nghĩa là đạo tràng Thiền Tông chuyên môn, thế nhưng vẫn tôn trọng luật chế. Khi tông phong của Mã Tổ được lưu thông thuận lợi, thì việc thiết lập phong phú của Thiền sát (pháp chặt dứt nhanh chóng vọng tưởng của Thiền) vốn có nguyên nhân của nó. Bách Trượng nuôi chí lập thanh quy, quả là bậc tuấn kiệt biết hợp thời vụ. Văn bản “Cổ Thanh Quy Tự” của Dương Úc đời Tống viết rằng: “Thiền Sư Đại Trí (tên Thụy), Bách Trượng từ Thiếu Thất mà sáng lập Thiền Tông, rồi từ Tào Khê đến nay, phần nhiều (các Tăng chúng) ở trong chùa có luật chế rõ ràng”.

Mặc dù lúc bấy giờ có đặt ra (viện) mang tính chuyên biệt, nhưng trong việc thuyết pháp trụ trì vẫn chưa phù hợp với chế độ luật nghi, nên Bách Trượng thường ưu tư đến vấn đề ấy rồi Ngài tuyên thuyết: “Đạo của Phật Tổ, muốn bố hóa rộng khắp, thì cánh (của nó) phải sảy bay nguyên vẹn khắp biên tế vị lai không diệt mất, há có thể tùy tiện đi cùng với các bộ phái A Phiệt Ma sao?” (2)

Truyện về Bách Trượng trong Tống Cao Tăng truyện của Tán Ninh viết:

“Có người nói: Luận Du Già, kinh An Lạc đều là những bản văn giới luật của Đại thừa, sao không thể y theo nhỉ? Hải nói: Ta chắt lọc tinh hoa từ trong Đại thừa, Tiểu thừa mà đặt ra quy cụ để đưa vào thiện vậy. Thế nhưng quan điểm nầy được phát minh không noi theo luật chế, chỉ lập riêng cho Thiền.”

Tiếc thay, văn bản của chính mà Bách Trượng đã soạn thảo và hiệu đính nay lại không còn, nếu còn, thì chỉ có thể tìm thấy đôi điều trong “Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy” được triều đại nhà Nguyên bảo lưu, còn toàn bộ nguyên tác thì vô phương tìm kiếm. Ở đây, tôi dựa vào bài Tự ngôn của bản văn Dương Ức Cổ Thanh Quy, và truyện viết về Bách Trượng trong Tống Cao Tăng Truyện của Tán Ninh, qua đó chỉ có thể dẫn ra một cách khái quát nội dung quan trọng về vấn đề Thanh Quy trong chốn Tùng Lâm mà Bách trượng đã xây nền tảng; đó là :

1.1- Khi vào tăng đường, bất kể trình độ (tu chứng, học tập) thấp cao, tất cả đều tập trung vào một chỗ để tham học. Trong Thiền đường bố trí một cái giường được gọi là “trường liên sàng - giường dài tiếp liền”, mọi người đều sử dụng nó để nằm hay ngồi tọa Thiền.

1.2- Trụ trì gọi là Trưởng lão, ở tại phương trượng.

1.3- Không xây Phật điện, chỉ có cây cối là Pháp đường. Trụ trì hay trưởng lão đăng đàn thuyết pháp, hoặc nêu ra những phạm trù trọng yếu của tông môn cho hành giả tham học, những sự kiện như vậy đều được tiến hành ở đây.

1.4- Thường hạnh là trên dưới cùng chung sức thỉnh pháp, cùng lao động tập thể theo quy định, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

Đây là một sự kiện nảy sinh độc đáo, đúng là cuộc sáng tạo trong xây dựng, và là cơ sở kinh tế duy nhứt trong chốn Thiền lâm vào thời ấy. Có thể cho rằng, bốn điều khoản vừa nêu ra là cốt tủy của Thanh Quy Bách Trượng. Những điểm như vậy, đã đáp ứng được sự phát triển và những đòi hỏi trong tình hình mới của Thiền tông. Chế độ nầy là vì phục vụ cho Thiền tông, lý tính và trí tuệ không thể so sánh của Thiền tông có thể hiển lộ được hay không, chính là duy trì nhân tố quan trọng của sự sáng tạo chế độ nầy, có thể đối kháng với kinh luận đã giảng truyền, và có thể chiến thắng được quyền uy cực lớn của Luật tông, điều đó đâu thể dễ dàng? Bách Trượng chẳng những làu thông kinh luận, mà sự sáng tạo lại siêu quần, cộng với công phu hành Thiền vĩ đại của Người, đã tạo nên sự cảm triệu phi thường, do vậy càng dễ dàng xúc tiến công việc của mình. Truyện viết về Bách Trượng trong Tống Cao Tăng Truyện của Tán Ninh có nói rằng: “Một lần chống trái lật ngược lại các chế độ và hệ phái Tỳ Ni, Thiền Tông trong thiên hạ tợ gió xô cỏ rạp, Thiền môn một lối độc hành, được như thế khởi đầu do Hải (Bách Trượng) vậy.” Đấy là điểm luận bàn mang tính khẳng định.

Thiền học mà đại sư nêu giữ, thực sự kết hợp khắng khít với sinh hoạt đời thường, Phật sự phải được nghiệm chứng trong cần lao thường ngày như vậy. Tinh thần lạc quan của Thiền tông tích cực nhắm tới, là sự biểu hiện toàn vẹn ở việc lao động thực tế, điều nầy cùng với quan điểm dẫn đạo được đại sư nêu lên, kết hợp cùng việc rèn luyện chính bản thân của hành giả là không thể tách rời. Thường khi lao động, Sư là người làm trước hết, chúng chẳng cam lòng, lén giấu nông cụ để thỉnh Sư nghỉ ngơi, Sư nói: “Ta vốn vô đức, phải cực cho người sao?” Khi nào tìm kiếm khắp mà không gặp nông cụ, thì khi đó Sư bỏ ăn. Do vậy mới có câu “Một ngày không làm, một ngày không ăn” lẫy lừng khắp thiên hạ.

Năm thứ 9, Đường Nguyên Hòa, năm Giáp Ngọ, ngày mùng 7 tháng Giêng, Sư thị tịch, thọ thế 95 tuổi. Nguyên Niên Trường Khánh sắc Tứ tên thụy Thiền Sư Đại Trí. Trần Hủ làm pháp đề danh. (Xin xem Toàn Đường Văn, quyển 466).

2/ Nhân duyên đại ngộ của Bách Trượng.

Có thể nói nhân duyên đại ngộ của Bách Trượng là một sự kiện lớn đầy hiển hách trong tông môn. Nay dựa vào tác phẩm Bách Trượng Ngữ Lục và các bản văn ghi chép những gì có tương quan đến Ngài, rút ra nguyên văn, nhằm trình bày lại cho rõ ràng hơn.

2.1-Thoại đầu Dã Hạc.

Sư làm thị giả cho Mã Tổ, trải suốt ba năm. Trong suốt ba năm nầy, cơ hồ tai nhuần, mắt nhuộm, huống chi Mã Tổ lại là bậc quá khéo dạy người.

Ngày nọ, đi cạnh hầu Mã Tổ, có một bầy dã hạc bay qua, Tổ hỏi: “Là cái gì?” Sư đáp: “Dã Hạc.” Tổ nói: “Đi xứ nào?” Sư đáp: “Bay đi qua.” Tổ liền vặn mũi sư. Đau quá nghẹn cả tiếng. Tổ nói: “Lại nói bay đi qua à.” Sư chợt tỉnh dưới lời ấy.

Kinh hành gặp Dã Hạc, thong dong bay ngang qua, cảnh trí cũng rất bình thường, Mã Tổ sao chẳng biết, nhưng cứ muốn nêu ra hỏi thị giả. Chính câu hỏi đó mà trạng thái tỉnh thức được khởi sinh, đấy là tấm lòng sâu nặng của cha đối với con. Đúng là cảnh giới của một sát na tâm đột hiện (làm đảo lộn mọi ý niệm), chắc chắn không phải cảnh giới mắt thấy tai nghe thông thường rồi vậy. Thế thì Tổ (liền vặn mũi sư), quả nhiên (cái sát na tâm ấy) hiện ra một cách không ngờ, Sư (đau quá thất thanh), dẫu vậy nhưng vẫn còn chút hơi, Tổ nói: “Lại bay ngang qua à”, Ố la la! Thật là hiếm có nhân duyên như vậy, dưới lời ấy, Sư (tỉnh) ra, nhưng tỉnh cái gì cơ chứ? (mượn lời giải thích của Bàn Sơn: Ánh sáng không chiếu cảnh, thì cảnh chẳng thể còn), Bát Nhã đã hiển lộ một cách sinh động rồi vậy. Nhiệm vụ tất yếu khó dường ấy việc tiêu dung nó vẫn chưa trọn vẹn. Xin xem dưới đây vị thị giả tên Hải nầy phải trải qua quá trình tiêu dung trọn vẹn cảnh giới tỉnh ngộ như thế nào:

Thị giả về liêu của mình đau đớn khóc lớn, (Xin mượn lời của Mục Châu: “Việc lớn chưa rõ như tang chị ruột”). Bạn đồng sự hỏi rằng: “Ông nhớ cha mẹ chăng?” Sư đáp: “Không.” Hỏi: “Bị người mắng nhiếc chăng?” Sư đáp: “Không.” Hỏi: “Thế thì cái gì cơ chứ?” Sư đáp: “Chót mũi tôi bị đại sư vặn đau mãi không hết (chỉ mình tôi biết).” Đồng sự hỏi: “Vậy thì tại sao ông không vừa ý?” Sư đáp: “Ông hỏi lấy Hòa thượng đi (dám ngược ngạo vậy sao?” Đồng sự đến hỏi đại sư: “Hải thị giả vì sao không vừa ý, đang khóc trong liêu, bẩm Hòa thượng dạy cho.” Đại sư nói: “Hắn cũng biết đấy, ông tự mình hỏi lấy y đi” (kề tai thổ lộ lời thân, sao có được đến người thứ hai.) Đồng sự về liêu hỏi: “Hòa thượng nói ông cũng biết, dạy tôi tự đến hỏi ông.” Sư bèn cười ngất (quả đúng cái được gọi là: nhà nghèo mà rạng rỡ niềm vui bất tận). Đồng sự hỏi: “Vừa rồi khóc, sao giờ lại cười thế?” (người ngoài sao biết được) Sư đáp: “Mới vừa khóc giờ cười thế thôi.” (Người xưa so sánh trạng thái này như là Bồ-tát Thường Đề đắc Bát nhã, cười suốt đến giờ không dứt). Đồng sự đờ người ra (một người có việc trăm nhà hốt hoảng, cối đá đội đầu một cuộc múa may.)

Dưới những câu nói quan trọng đó, người viết chắp vá thêm đôi lời, để khỏi bàn tán loanh quanh.

“Vừa mới khóc, giờ cười thế thôi”, trả lời như vậy tức là đã tiêu hóa cảnh giới giác ngộ rồi, nhiệm vụ tất yếu cũng được liễu giải, nhưng vẫn phải chờ gặp người mà đã sinh ra ta, nhìn cho tận mặt, việc ấy phải cần gặp nhau cái đã, hãy xem ông ấy gặp Mã Tổ như thế nào đây?

Ngày sau, Mã Tổ đăng tòa, chúng vừa mới nhóm, sư ra cuốn chiếu lại, Tổ liền xuống tòa, sư theo vào phương trượng. Tổ hỏi: “Ta chưa nói gì sao ngươi cuốn chiếu?” Sư đáp: “Hôm qua bị Hòa thượng vặn mũi đau quá.” Tổ hỏi: “Hôm qua ngươi để tâm vào đâu?” Sư đáp: “Hôm qua chót mũi lại chẳng đau.” Tổ nói: “Ngươi rõ chuyện hôm qua lắm.” Sư đảnh lễ lui ra.

Cửa pháp yếu của Mã Tổ, ở đâu cũng vì người mà mở, mặc dầu ông ấy “Người ngồi xổm trên đá của cửa sông U Châu”, bạn cũng biết sự tình trong đó vậy. Dòng thức chuyển lưu lãng đãng, thường chảy mãi, làm sao tiêu được mắt Bát nhã xoe tròn. “Sư ra cuốn chiếu lại”, tâm hành cái gì đấy? Chẳng nên bày đặc xét suy, giống như người nắm đúng được thông tin. “Tổ bèn xuống tòa”, đúng là: “Đầu cần tơ nhợ động, được cá vảy gấm mắc câu”. Sư cuốn chiếu lại, không cần hỏi Mã Tổ giữa đại chúng mà đến tận phòng phương trượng mới hỏi, đấy là bàn luận đến “người trong đó” cần phải như vậy thôi. Ví như bảo vật vô giá đã trao, kẻ sử dụng vốn biết rành chân giá trị tại thị trường. “Hôm qua bị Hòa thượng vặn đau đầu mũi”. Quả vậy, quả vậy, đau đó vẫn còn đây. “Hôm qua ông để ý đến gì?” Tất nhiên là muốn kiểm tra sự gút mắc có quan hệ đến đại sự cho rõ. “Hôm nay chót mũi lại chẳng đau’, kẻ vượt cửa đi. Thầy trò gặp nhau kiểu nầy, trường (cuộc) công đức ấy đã viên thành rồi vậy. Thậm chí, “Hôm qua ông để ý đến gì?”, một đoạn như vậy thôi, thế là: Phát vô thượng tâm, hàm chứa nội dung đốn ngộ một cách vẹn toàn, chỉ tấm lòng bình thường mà biết rõ việc hướng lên (chỉ bình thường tâm là biết đạo), tức cũng gặp đúng duyên chạm phải. Cho phép nói như thế nầy với những ai mới phát tâm học đạo (trong đó có cả tôi) rằng việc đại ngộ của Bách Trượng chẳng can dự gì đến ông ấy (Mã Tổ) cả.

2.2- Lại tham thoại đầu.

Bách Trượng ngộ thì ngộ đấy, nhưng mà trăm thước đầu cần (câu) lại tiến thêm bước nữa, ở đây vẫn còn có nhân duyên đại ngộ (tái tham). Sư lại tham phỏng, đứng chờ kế bên. Tổ nhìn phất trần treo góc giường. Sư nói: “Dừng (cái) đấy ngay, bỏ dụng đấy.” Tổ hỏi: “Ông sau nầy dụng chi khải hóa cho người?”

Sư nắm phất trần dựng dậy. Tổ nói: “Dụng đấy ngay hãy (bỏ) dụng đấy.” Sư treo phất trần về chỗ cũ. Tổ hét một tiếng rền, mãi đến ba ngày Sư vẫn ù tai.

Công án “Tái tham thoại” nầy nổi tiếng nhất trong Thiền tông. Gay gắt như mặt trời đỏ, ánh sáng quyền uy áp đảo người. Vì Bách Trượng mà Mã Tổ hiển thị đại cơ đại dụng, Bách Trượng cũng đắc đại cơ đại dụng của người, cha con chung lối, con cháu truyền nhau. Tông Lâm Tế lấy đó làm cương yếu vô thượng để truyền thừa về sau, phải nhìn thấy được ngay!

Một ngày, Bách Trượng nói với chúng rằng: “Phật pháp là việc lớn, khi xưa lão tăng bị Mã đại sư hét cho một tiếng, ba ngày vẫn còn ù tai.” Hoàng Bá nghe nêu ra sự việc ấy, bất giác thè lưỡi, nói rằng: “Nay nhân Hòa thượng nêu lên, được thấy đại cơ đại dụng của Mã đại sư.” Hoàng Bá tiếp nhận ngay sự ấn khả của Bách Trượng.

Bách Trượng có riêng một pháp tử tên là Quy Sơn, thừa pháp của Quy Sơn là Ngưỡng Sơn, cả hai cũng đã từng luận bàn ngợi khen công án “Tái tham thoại” nầy. Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn: “Nhân duyên Bách Trượng tái tham Mã Tổ, ý chỉ của hai vị tôn túc nầy như thế nào?” Ngưỡng Sơn nói: “Đó là hiển lộ đại cơ đại dụng.” Sơn nói: “Đúng vậy, đúng vậy.”

Mấy lão già đần độn ấy, đều chung huyết thống, đều nói “Tái tham thoại” là hiển đại cơ đại dụng, truyền mãi về sau, lời cũng y như vậy. Tóm lại, cơ dụng phải hiểu như thế nào? Thật ra cơ dụng chính là phương tiện hoạt thoát, thuộc tính chất lâm thời, trực tiếp điều khiển nó, nó liền ngay đây mà thể hiện ra (khởi tâm tức hiện) (3). Năng lực trơn nhạy của nó không bị vướng bất cứ tình huống nào, chính là có chỗ chỉ ra. Trạng thái nầy rất khó luận bàn, nhưng lại khiến cho ta được mở ngay con mắt tuệ, cái quý của nó là ở chỗ nầy. Nếu không có trí Bát nhã. không có ý Tổ linh hoạt, phương tiện vốn không rời bản thể, bản thân không đủ tầm nhìn, thì lại càng khó nhận thức được nó.

Khi Tông Lâm Tế hưng thịnh, những bậc kế thừa xa nhất của tông nầy, chẳng hạn các vị thiện tri thức Thiện Thiệu Phần Châu, Uẩn Thông Thạch Môn (luôn cả dòng pháp Tỉnh Niệm Thủ Sơn), những bậc thầy như vậy đều có đề cập đến Công án “tái tham” đó. Phần Châu nói: “Ngộ được thì nghỉ, lại nói chi ba ngày ù tai.” Thạch Môn nói: “Nếu không ù tai ba ngày, sao ngộ được như vậy”. Đông Lâm thường nói với tất cả chúng rằng: “Đang nói chẳng sợ cắt lưỡi, ngay lò chẳng ngại lửa bùng. Phật pháp há có thể quanh co theo người (cho vừa lòng người). Nay Đông Lâm vào tận hang rồng đoạt châu đi vậy. (Ý nói Đông Lâm đã sở đắc trọn vẹn tinh yếu của huyền cơ diệu dụng.) Đại Trí Bách Trượng không thể không ù tai ba ngày, trách chi Phần Châu, Thạch Môn đủ cả hai cái gã ngu si, chỉ ba lão ấy có hội ngộ hay không?” Lương Cữu nói: “Tổ bù không đủ, hại đám con cháu con.” Tuyết đậu của Tông Vân Môn đang thời hưng thịnh cũng nêu rằng: “Khi xưa chư Thiền đức quả khác thường, giờ đây quá nhiều bè phái bày ra, nhưng xét căn bản của họ thì quá ít”. Tóm lại, Bách Trượng đại ngộ dưới tiếng hét, cũng không có đầu mối sao? Thế nhưng, giống như đao điêu, lung tung ngư lỗ (4), nếu là lão Hán sáng mắt, còn gã mắt mù dù một điểm cũng chẳng xong. Chỉ như Mã Tổ nói rằng: “Người sau nầy dụng chi giáo hóa người?” Thì Bách Trượng mới dựng cây phất trần dậy, lại làm như loài côn trùng khống chế cây cối, cùng lúc lại làm như vừa nhai lại vừa nhả bỏ, ba ngày ù tai các người ai biết vậy? Tinh luyện vàng một cách toàn diện, màu sắc phải không biến thái. Vả lại, Chân Tịnh có khắc tụng văn về “Tái tham thoại đầu” rằng: “Tùy thuận thế gian chân bước chắc, mà ánh uy thần chẳng hay hiển lộ. Bỗng nhiên, hét một tiếng ù cả hai tai, chao ôi! Mắt mở mặt mày Hoàng Bá” Vẫn còn nữa, Ngộ Tân Tử đem lời Tuyết Đậu nêu lại đặt thêm cho nó một vấn đề: “Vân Nam nầy (Ngộ Tân tự xưng như vậy khi ở núi Vân Nham) muốn hỏi Tuyết Đậu rằng, đã tinh luyện vàng toàn diện như vậy phải không đổi sắc, vì sao mà lại ba ngày ù tai nhỉ? Mọi người sẽ biết gì, khi mà trước đây ngựa đổ mồ hôi, (hản mả) chỉ cần luận lại cũng cho phép thay được công lao”

Những gì liên quan đến Công án “Tái tham thoại đầu” này, vừa trích dẫn ra đã là một chuỗi cổ phẩm. Người viết thấy chẳng cần giải thích thêm, xin người đọc lưu tâm. Có người cho rằng, ba ngày ù tai chẳng phải là cảnh giới “không đi nay đến chặt dứt trước sau” ư? Điều ấy cũng đâu có gì đặc biệt, trong một vài ngữ lục lại chọn ra. Có thể việc chọn lựa nầy chẳng có liên quan gì, nhưng cái cần thiết là đừng nên so sánh một cách chung chung. Tóm lại, Mã Tổ hét một tiếng chấn động uy thần, Bách Trượng đã ba ngày vẫn ù tai, vừa đủ điếc. “Âm tiêu tịch mặc về đâu nhỉ? Ngoài song trời lặn bóng ngày nghiêng”, có nhìn rõ bóng ngày nghiêng hay chưa? Con mắt của người điếc hẳn nhìn được chính xác đấy!

Mã Tổ sử dụng gậy (đánh) hay bằng một tiếng hét để biểu tượng huyền cơ diệu dụng, có thể khiến người tham học ngộ được như vậy. Nói chung giống như là Hắc Tất Dũng (5) phóng hào quang, quả thực là phương tiện tối thắng của pháp môn đốn giáo, dù Tổ hay Phật ngàn xưa cũng phải châu mày. Bách Trượng là đứa con trai đầu lòng của Mã Tổ (ý nói đệ tử chánh truyền đầu tiên) được đích thân Ngài giáo dưỡng, rốt ráo giải thoát hai chướng ngại (6) (tận thoát hai chướng ngại), không còn một vết in nào trong dòng thức (một điểm lậu hoặc cũng không còn). Bách Trượng hiểu được trọn vẹn trí Bát nhã linh diệu, nhiếp thâu ý Tổ linh diệu qua biểu hiện của gậy và tiếng hét. Biết được cảnh giới vi tế một cách sâu xa. Thể hiện hạnh tự tại (phát thú hạnh tự tại), dựa trên pháp Phật lưu truyền và chư Tổ, thấu suốt huyền cơ diệu dụng của trí tuệ thực chiếu, chỉ có Bách Trượng, là người thủ đắc toàn diện như vậy mà thôi.

Sau Bách Trượng là Hoàng Bá, sau Hoàng Bá chính là Mục Châu, Lâm Tế, cả ba đều là những đại tông sư của Tông Lâm Tế. Đặc trưng của Hoàng Bá là sử dụng nhiều cú nghĩa để dạy người, cũng có khi hiển thị ra bằng gậy đánh và hét. Cho đến Mục Châu, sự thể hiện bằng gậy không mang hình thái “uy thế”, mà nó được thể hiện bằng tính u mặc, lắng sâu. Bốn phạm trù Sinh, Sát, Tung, Đoạt và Thiền phong cao siêu đắc thắng của Ngài tương ưng một cách nghiêm mật. Đến Lâm Tế, dừng ngay than vãn luận suy! Sấm sét Bát nhã rền, đánh vang chuông đồ độc (7), hiển thị trọn vẹn tính hoạt thoát của huyền cơ diệu dụng qua gậy, và tiếng hét, trí Bát nhã tỏa rực khắp nơi, dứt mệnh căn lại khen chính mệnh, dứt tuyệt thức tình càng ngợi ca diệu trí, quả chưa từng có vậy. Ba bậc thầy trên khôi phục và phát triển Thiền đạo của Mã Tổ và Bách Trượng, (các ngài) ví như hành tướng uy dũng của Rồng Voi (Long Tượng), lũ ngựa lừa không thể kham cho được. Tông Lâm Tế căng tròn bầu sữa pháp, phẩm chất khôn dò, từ pháp môn trực chỉ năng lực siêu việt bắn thẳng ra, không pháp nào có thể vượt trội hơn, đích thực là nó có căn nguồn của nó.

Ở đây đề cập đến phương pháp giáo học bằng gậy và tiếng hét, nhằm minh định phương pháp ấy là một cuộc cải cách vô cùng to lớn, nó trân quý đến độ khó có gì có thể quý hơn. Chúng ta sẽ trở lại ý nghĩa hay xu hướng có tính chỉ thị bằng gậy và hét (qua phương pháp giáo dục đó), trong bản văn viết về Tông Lâm Tế.

3- Khai Thị quan trọng trong tiếp cơ.

Một đoạn lớn ấy được kể như là sự mô tả những khai thị quan trọng trong tiếp cơ của Bách Trương, điều nầy cũng có nghĩa là Thiền yếu của Ngài đang thể hiện tại đây. Do vậy cần phải hiểu là nếu từ bỏ công án thì lại không thể bàn luận đến (cái gọi) là Thiền yếu nào khác. Luận bàn đến điểm này, nếu nằng một hình thức khái quát để có thể thấu triệt nó, thì chẳng khác nào thưởng hoa trong cảnh sương mù, rốt lại bị một lớp ngăn. Nếu chẳng dựa vào công án để hút lấy tinh hoa của Thiền, cái khả năng đó chưa thấy được bao giờ. Bây giờ chỉ chọn 10 công án của Bách Trượng. Mỗi công án đều có vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Đã vậy, phải phân ra từng đoạn, nói đúng như quy luật của chúng.

3.1- Không gặp, nếu gặp trình cho hòa thượng.

Ở đây, chưa nói đến công án tiếp cơ (ứng vật tiếp cơ) của Bách Trượng, đầu tiên chỉ nêu lên tắc nầy, để nói lên như thế nào là sự đối ứng của Ngài với Mã Tổ. Điểm trọng yếu của nó là nhằm giải quyết vấn đề “biết rõ” (thấu triệt hiện hữu-tri hữu) (8) về sau của Thiền Tông, vấn đề duy nhứt nầy về (hữu) ứng xử ra sao?

“Một ngày kia, Mã Tổ hỏi sư (Bách Trượng): “Chỗ nào đến?” Sư đáp: “Sau núi đến.” Tổ hỏi: “Gặp người nào không?” Đáp: “Không gặp.” Tổ hỏi: “Vì sao không gặp?” Đáp: “Nếu gặp tức trình cho Hòa thượng rồi.” Tổ hỏi: “Chỗ nào được ra tin tức nầy.” Đáp: “Tội Hoài Hải quá!” (Những văn bản khác cũng viết tên Ngài như vậy). Tổ nói: “Tức là lỗi của lão Tăng.”

Tắc công án nầy xứng đáng là chủ luận cương yếu của Tông Tào Động. Tiêu điểm Hồi Hổ của Tông Tào Động, về sau đặt trọng tâm vào vấn đề “biết rõ” (tri hữu) hay nhận thức thực hữu, và trí tuệ quán hành về “hữu” cần ứng xử như thế nào. (Lạc) Dược sơn có nói: “Ta nay vì ngươi nói lời này, hiểu ra cái khuôn mặt ngàn đời không mắt tai (mũi lưỡi) lạ thường của tuyệt ngữ vô ngôn”. Chí lý thay lời ấy! Bách Trượng từ sau núi lại, đã trãi qua cái (trạng thái) tịch tĩnh trực hiện ngay đây. chớ chẳng phải là một chuyến chạy rong (chạy rong qua cái trống không). Bản thân của Bách Trượng tuy là biêt rõ (nhận thức được thực tại), hiểu được nó, nhưng vì nó không có mặt mày tai, mắt, (mũi lưỡi…) Ai mà có thể hội ngộ cùng? Mã Tổ liền hỏi ngay một câu rốt ráo: “Gặp người nào không?”. Vì ý sẵn trong tâm, do vậy ứng đối ngay “không gặp”. Trả lời như vậy, tức là hiện ra Trí tuệ “Nếu chẳng biết nó, thì làm sao mà giải được như thế. (động sơn ngữ)”. Mã Tổ kích động, ngợi khen Bách Trượng, nhưng tùy lúc nhắc nhở cái tinh yếu chung (cái tinh hoa phổ quát), lại gút một câu hỏi nữa. “Vì sao không gặp? Bách Trượng đã biết rõ khuôn mặt lão già nua ấy, lão già ấy từ xưa đến giờ không nhà mà ở được, đã vậy, há có thể gọi ra chăng, không biết rõ (biết có) tức là không từng mất, một niệm thuần nhiên, tuyệt dứt đối đãi nhị nguyên. Vì cái bất tri quá tuyệt diệu, nên Bách Trượng đáp theo: “Nếu gặp tức trình cho Hòa thượng rồi.” Trả lời như vậy tức là hiển ra trí tuệ “Nếu chẳng biết rõ, làm sao mà giải lý được như thế” (Động Sơn ngữ). Đến thế mà Mã Tổ còn chưa cho phép, mênh mông đến tận bây giờ, dù trân quý chỗ cảm nghiệm ấy, nhưng đột nhiên lại hỏi phủ đầu “Chỗ nào được ra tin tức nầy vậy?- (Đâu mà có Tứ niệm xứ tức nầy đến vậy?)” Bách Trượng gặp câu hỏi nầy, tự mình biết là đã tổn thương rồi cái đó, do vậy đáp rằng “Hoài Hải tội lỗi lắm”. Chưa hẳn là Mã Tổ tự nói “Tức là lỗi của Lão Tăng”. Việc khởi từ ông ấy và dây trói cũng ở trong tay ông. không chỉ làm tổn thương cái bổn lai không diện mạo, mà còn buộc Bách Trượng nói ra (cái đó) nữa, do vậy lão già cũng thốt “Tội Lão Tăng”. Cả hai cha con ông ấy đều có kỹ thuật sát thương. Với chúng ta, cái chắc chắn nhất là hai chữ tội quá (lỗi lắm), còn với cảnh giới cảm nghiệm, vừa biết rõ cũng vừa không biết rõ, tóm lại còn phải xem chừng (khéo giữ gìn). Trong kinh Bát nhã chỗ nào cũng nói “Khéo hộ niệm”, nghĩa là cảnh giới cảm nghiệm trí tuệ (xúc chứng trí tuệ).

Hành giả phải lấy diệu tuệ khéo làm ý thức bảo chứng, không khéo giữ gìn tức thành tội lỗi, (nói cách khác khéo giữ gìn hay thầm hộ niệm không cho hiển lộ), phải tự mình biết cái tội lỗi của việc xúc phạm, tội tức phi tội chuyển hóa thành hộ trì vậy. Đó chính là điểm giáo huấn đời đời tăng thắng (về sau) của Tông Tào Động. Pháp vị của tắc công án nầy quá nhiệm mầu để ta giữ gìn mà tự mình hưởng lấy. Tính chất uyển chuyển cơ dụng của cha con ông ấy, liên kết với nhau một cách diệu kỳ (đến độ) ta khó thể nhận ra đâu là chính vị, cái then chốt đó hàm chứa công năng cực lớn. Với tắc công án duy nhứt nầy, nó đã thành là hệ thống cương yếu của Thạch Đầu Dược Sơn. Do vậy, Thiền đạo được họ thể hiện và hộ trì, bao quát hết tất cả.

3.2- Công án không đói (bất đạo cơ).

Ở đây nêu lên những gì đã được Bách Trượng khai thị để tiếp cơ.

Sư nói với chúng rằng: “Có một người luôn không ăn mà vẫn không đói, có một người ăn hoài mà không no.”

Tâm yếu nầy được Bách Trượng nói ra là để dạy chung cho những ai mới phát tâm cầu học. Chủ yếu là chỗ thi thiết phương tiện rốt ráo đưa đến trạng thái “biết rõ” hay tri hữu, dựa vào đó để mà kích phát cái phận sự tất yếu hiển bày.

Ưu điểm của tham Thiền là (trực nhập) không so sánh phỏng chừng. Có người cho rằng: Câu đầu (của công án ấy) nếu chẳng phải là thuyết đến tính chất của bản hữu thì là gì, (tính chất của bản hữu), vì tự tính thanh tịnh trạm nhiên bất động, nên ông ấy chẳng chịu ăn. Do vậy, nói rằng: “Mãi không ăn vẫn không đói.” Câu sau nếu chẳng phải nói đến cái tâm hiện tiền thì là gì nữa. Bốn cách ăn trên đời này, cái tâm hiện tiền đều dùng được, đó là: đoàn thực, xúc thực, tư thực, thức thực-(10). Do vậy nói: “Ăn hoài cả ngày vẫn không no.” Đoạn lý giải trên nhằm đánh vào cái phỏng chừng so sánh, bạn tự cho mình phỏng đoán đúng được nó, nhưng ngay nơi giáo ý, cái cứu cánh ấy có quan hệ gì đến cái phận sự tất yếu mình chăng? Và như vậy có suy ra được cái trạng thái Minh tâm Kiến tánh chăng? Thật nghìn trùng xa cách quá!

Từ xưa đến giờ ai cũng nói tâm nói trí, chuyển dịch mê mờ liền ngộ nhập. Thiền Tông chẳng phải như vậy, sao bằng Bách Trượng nói lên đôi lời từ mẫn thiết thân-Mãi không ăn cũng luôn no, cả ngày ăn hoài vẫn đói - Càng nghe ra càng có đôi điều nương tựa. Có người cho rằng, cái ăn của Bách Trượng nói là dụ ngôn, tâm tính mới là chân pháp thiết thân. Có người lại cho rằng, tâm tính mới là dụ ngôn, dù giả thuyết có hợp lý thế nào đi nữa, thì ai mà biết tình cảm thân thiết của người? Do vậy “ăn” mới là chân sự thiết thân, nhấc cây trụ lên rồi, mặc cho nhấc như vậy đi! (Nghĩa là đã tranh biện khuấy động rồi, cứ khuấy động lên đi.) Nếu ông bạn của chúng ta tùy tiện ăn, thì hai người ấy chẳng ăn, hóa ra có đến ba người, vậy thì càng làm cho người mê muội sao? Chẳng biết cứu cánh của Bách Trượng nói là một người hay là hai người? Chỗ nầy khó mà dứt điểm được, cái việc khó định duy nhứt đó, mới thật sự là tấm lòng từ mẫn thân thiết của người. Hai câu nói ấy được Bách Trượng thuyết, cái ý chính là khiến ta chịu khó “tầm tư” (tầm tư-là thuật ngữ dùng cho Thiền pháp của tông môn, ý nghĩa của nó sẽ được trình bày ở hai bản văn viết về tông Quy Ngưỡng và Tào Động).

Về sau Động Sơn lập nên hệ thống giáo pháp Ngũ Vị Công Huân (chính là hệ thống giáo học Ngũ Vị Công Thần), hệ thống ấy lý giải tiến trình tự chứng ngay được đạo qua phương pháp quán hành Thiền tông. Tiết thứ nhất trong hệ thống nầy, Động Sơn luận đến “Hướng”. Có vị Tăng hỏi như thế nào là hướng? Động Sơn trả lời: “Làm gì khi ăn?” Lại tiếp: “Được sức cần quên no, không có lương (dứt nguồn lương thực) lại chẳng đói.” Nếu có thể hiểu lời dạy của Động Sơn, và dựa luôn cả hai câu nói của Bách Trượng, thì đó mới là chỗ dụng công đúng lúc của hành giả sơ tâm. Cái mà Động Sơn gọi là hướng, chính là chỉ cho xu hướng, hay nói khác hơn là hướng thẳng đến. Nếu ngay từ ban đầu, việc tri hữu (nhận thức thực tại) không được chuẩn bị chu đáo, và niềm hưng phấn hướng đến trạng thái đốn ngộ, thì cái gì là “xu hướng”? Chớ vội nói đến “thú hướng nhứt thừa”, mà phải nói đến tâm hướng của mình đã chuẩn bị như thế nào, nếu không như vậy há có thể đạt được biên tế thật sự thuộc về hiện thể (hữu) nầy của đốn ngộ chăng? Và làm sao mà trí tuệ có thể tự tại chuyển lưu? Nước đầu nguồn có sinh động, cá mới vui bơi tận đáy, điểm nầy vẫn phải cần nắm chắc lấy, do vậy “hướng” chính là cốt tủy. Động Sơn nêu ra pháp thoại “Khi ăn làm gì?”, phẩm tính trọng đại của câu nói nầy, vốn có sự tồn tại của “hướng” trong đó, phải là như vậy thôi. Thậm chí đã thông đạt nghĩa lý một cách hoàn mãn rồi, ta mới chợt ngộ (đốn ngộ) được cái bản lai không tai, mắt (mũi, lưỡi) ấy của pháp thoại “Mãi không ăn vẫn không đói, suốt ngày ăn chẳng thấy no”. Tiến thêm bước nữa, hành giả sẽ tự mình thực chứng cảnh giới chân như được Động Sơn chỉ dạy qua câu nói “Được sức phải quên no, không có lương thực lại chẳng đói”. Đến giai đoạn nầy, mới được gọi là chân trí, vì hành giả đã thực hiện xong nhiệm vụ tất yếu cua mình một cách trọn vẹn. Xứng đáng là nhân vật cốt lõi, đã không phải là gã ở ngoài cửa nữa.

Đây là tắc công án của Bách Trượng khai thị chung cho người mới phát tâm tham học, vì tính trọng yếu hiện thực của nó, mà tông Quy Ngưỡng bày tỏ sự ủng hộ của mình với đường khâu vá cho tấm bia văn ngàn năm tưởng đã rạn nứt ấy. Cũng vậy, Tông Lâm Tế lại triển khai khi mà hỏa thế vẫn đang thừa sức cháy bừng, đến như mũi kim của tông Tào Động, có thể chẳng ai dệt thêu đến chỗ tinh hoa bí nhiệm, nhưng rõ ràng họ là những nhân vật tích cực xiển minh. Thật hợp lý biết bao khi đem hai câu khai thị ấy của Bách Trượng làm thành phương tiện cương yếu của tông Tào Động trong việc dạy dỗ cho những ai mới phát tâm cầu học đạo.

3.3- Bôn ba hằng ngày vì ai vậy?

Vân Nham hỏi: “Bôn ba hằng ngày vì ai vậy?” Sư đáp: “Có một người muốn.” Nham hỏi: “Sao không dạy anh ta tự làm.” Sư đáp: “Hắn sống (hoạt động) không nhà.”

Tắc công án ấy, có thể nói là cùng một vấn đề của thoại đầu “Không nói đói no-Bất đạo cơ bào” như đã đề cập. Tuy cùng một vấn đề, nhưng theo nhận xét chung, tắc công này ấy dễ thâm nhập hơn. Đối với những ai mới phát tâm cầu học, Bách Trượng không thị hiện bằng phương tiện hét và đánh chỉ có một (mùi) vị duy nhứt là bàn bạc thật thà, thế nhưng trong ấy ngầm xe chỉ luồng kim mà tiếp đọ học nhân. Đúng là “Uyên ương khéo dệt màu lộng lẫy, trên sông hồ, tự tại cuộc nhàn du”, ta phải thấy đầu mũi kim của Ngài vốn bén nhọn như thế nào rồi đấy.

Vân Nham tên Đàm Thịnh, hậu duệ của Lạc Sơn, thầy của Động Sơn, Ngài là một nhân vật đứng đầu của tông Tào Động. Mãi hai mươi năm tham học dưới pháp hội của Bách Trượng, Ngài chưa khế ngộ, sau gặp Lạc Sơn, nhân đoạn đối đáp “Pháp là gì?” giữa Bách Trượng và Lạc Sơn; Ngài đã bàn đến tắc Thiền cơ (cơ tắc), luận bàn đến câu: “Cái gì thế” khi Bách Trượng hạ đường, Lạc Sơn nói: “Sao không sớm nói như vậy, có ngày nay là do tôi gặp được Hải huynh (Bách Trượng)”. Sau lời ấy, Vân Nham mới tỉnh ngộ. Dựa vào đây, ta có thể nói rằng, Vân Nham chưa đạt được trạng thái toàn tri dưới pháp hội của Bách Trượng, mãi đến khi được Lạc Sơn đề tỉnh Ngài mới mở bừng mắt tuệ. Thế nhưng, chẳng huân tu Bát nhã nơi Bách Trượng, làm gì có một Vân Nham của ngày sau, nếu chẳng trải qua dấu chấm phá duy nhất (nhất điểm ) của Lạc Sơn, làm sao mà Vân Nham biết được một cái gì đó nơi Bách Trượng? Và làm sao mà có thể biện giải nhiệm vụ tất yếu của mình một đời mưu tìm biết rõ (tri hữu)? Bách Trượng, Lạc Sơn, hai nhà sáng tạo như vậy đó, chỉ tiếc là Vân Nham còn mê nơi Bách Trượng, nhưng may mà gặp Lạc Sơn nên được tỉnh ra.

“Bôn ba hàng ngày vì ai vậy?” Nói chung, mọi người đều có cái nghi vấn như thế cả, bất luận khi nào, cho dầu tự mình không thể lộ ra, dẫu việc trách phạt có vẻ như thổ lộ rồi, nhưng cứ thế mà đoán suy, nghĩa là mày mò theo đuổi, cho đến khi nào được dịp giải quyết thôi. Vân Nham hỏi Bách Trượng thoại đầu ấy, chính là có ý đồ để giải quyết nó. Bách Trượng trả lời với Vân Nham rằng: “Có một người muốn (cần)”. Nói chung như vậy chính là hiện hữu một con người, muốn anh ấy phải bận rộn vì hắn, nghĩa là anh ấy buộc phải vất vả trong cuộc chạy ngược chạy xuôi. Rốt lại ai là nhân vật như vậy? Chẳng lẽ trong ta lại có cả người nào khác nữa? Lẽ thường là thế, nhưng mà nếu có người nào nữa thì vẫn là sự cách biệt ngàn trùng. Từ xưa đến giờ, mối tơ duy nhứt nầy, có biết bao chư Bồ-tát trí tuệ đã chặt đứt tháo bung. Lạc Sơn là một trong những vị Bồ-tát như vậy. Ngài nói đến cái nhân vật đó rất gọn, rất rõ cho những ai mới phát tâm cầu đạo, Ngài nói rằng “Cái con người đó xưa nay vốn không mắt, tai, mũi, lưỡi, v.v...”, đấy là lời chân thật, lời ấy phải được hộ trì.

Vân Nham hỏi: “Bôn ba hằng ngày là vì ai vậy?” Bách Trượng đáp với Ngài: “Có một người muốn.” Đáp như thế có nghĩa Bách Trượng chỉ cho cái thiết yếu của khuôn mặt vô tướng ấy, đang làm bận rộn anh đấy. Thế nhưng Vân Nham khi đó quá nhiều sở tri, theo ông có thể cái khuôn mặt vô tướng hầu như huyễn ảo, do vậy lại hỏi rằng: “Vì sao chẳng dạy y tự làm”, đã vô hình tướng mà lại hỏi dạy y làm, hỏi như vậy chẳng khác nào nói: “Không lưỡi mà thuyên thuyết, không tay lại vung quyền” sao? Biết thế nên Bách Trượng chỉ có thể nói như sau: “Hắn sống không nhà” hay nói khác hơn là sự hoạt diệu của nhân vật vô tướng ấy vốn vô sở y. Động Sơn càng “lắm lời”, đề ra cái gọi là: “Thường tại trong động dụng, trong động dụng giữ được đâu.” Cái nhân vật vô tướng mạo ấy, vốn chẳng rời ai, dầu bạn muốn biết hay không biết tới. Anh ta dầu sống không nhà cửa mà bắt ta phải bôn ba, nhưng nếu bạn suy nghĩ lung tung, bận rộn vì hắn, họa loạn liền phát sinh ngay. Ngược lại, nếu rõ được hắn rồi, vất vã hằng ngày càng thêm nghĩa thú, cho dù không biết, cũng chẳng mất đi đâu, nghĩa là bạn cố công mài chẻ thì lại càng khó gặp.

Vậy đó, Tắc công án nầy, tông Tào Động lấy làm cương yếu để giáo hóa cho những ai mới phát tâm cầu học, khiến họ nhận thức rõ việc tri hữu ngay từ bước ban đầu tu học, xét ra quá thích đáng. Một mũi kim châm trong câu đáp lời của Bách Trượng là thông điệp giác ngộ, vừa khoáng đạt, lại tinh khôi, vết tích nầy có thể dẫn được ta đi. “Có một người muốn”, tức là công việc nặng nhọc trong lao động hằng ngày của chúng ta, tất cả được gắn trên đầu mũi kim, ví như có đặt cái tri hữu ở xa, thì sức cảm ứng của nó, cũng sẽ khiến ta được chạm vào.

Ba công án khai thị của Bách Trượng như vừa nêu, tông Tào Động dựa hẳn vào đây để “Vạch mặt chỉ tên”, cái bản lai diện mạo vô tướng ấy. (Những) công án được nêu tiếp theo, chủ yếu hiển bày cảnh giới chứng ngộ của trực cảm, hay nói khác hơn là cảnh giới chứng ngộ của hiện lượng, (Hiện lượng là một thuật ngữ của Duy Thức chỉ cho trạng thái trí tuệ trực cảm, không qua giai đoạn tư duy suy lượng, nghĩa là sự nắm bắt thực tại không qua lý luận, phân tích, từ Tây phương tương đương – Emotional intelligent ND), phần nhiều thể hiện chánh kiến (Tri kiến chân thật) của trí Bát nhã diệu hoạt. Có thể nói những công án sau đây, chứa đựng khuynh hướng đa thù của huyền cơ diệu dụng, mà sức sống động của nó ví như lũ cá tung tăn trong hồ nước mùa xuân, tợ ánh trăng rằm giữa trời thu thanh tịnh. Phát xuất từ văn tự Bát nhã (Tam muội) như vậy, nó dạy cho chúng ta tùy phần hội nhập cảnh giới của tâm (mỗi người có một cách riêng để hội nhập cảnh giới của tâm).

3.4- Chớ nói bằng cổ, họng, môi, miệng.

Ngưỡng Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đứng hầu kế (Bách Trượng). Sư hỏi Ngưỡng Sơn: “Chớ dùng cổ, họng, môi, miệng, làm sao nói?

Sơn nói: “Thỉnh Hòa thượng nói ngay,” Sư nói: “Ta không có lời nói với ngươi, về sau e rằng con cháu tan loạn.” Lại hỏi Ngũ Phong như vậy, Phong đáp: “Hòa thượng cũng không nên dùng những cái đó để nói.” Sư đáp: “Chỗ không người ta sẽ dập đầu lạy ngươi.” Sư lại hỏi Vân Nham như thế, Nham đáp: “Hòa thượng cũng có chưa?” Sư nói: “Tan loạn con cháu ta.” Tắc công án nầy được Bách Trượng thể hiện, điểm trọng yếu của nó là Bách Trượng muốn kiểm chứng vấn đề căn bản duy nhất đó của học trò mình, trong việc thấu triệt nhiệm vụ tất yếu (bổn phận sự) hay không. “Chớ dùng cổ, họng, môi, miệng làm sao nói?” Câu nói ấy, nó không bắt bạn phải tư duy, hay tìm kiếm một cái gì, hãy cứ y vào sự thật mà trình bày, bạn sẽ tự có đạo lý để xuất than, siêu việt mọi trở lực (đâu có gì khống chế được ta!). Ngưỡng Sơn (còn có tên Linh Hựu) nói: “Thỉnh ngay Hòa thượng nói”. Như vậy tức là dựa vào sự thật để trình bày rồi. Tuyết Đậu lại bày tỏ: “Liền thỉnh Hòa thượng nói”. Cọp mọc sừng đi ra vùng cỏ rậm, mười châu (thiên hạ) hết xuân, hoa tàn tạ, rừng san hô rực rỡ mặt trời”. Ngũ Phong (tên Thường Quán) nói: “Hòa thượng cũng không nên dùng những thứ đó để nói.” Nói thế cũng là dựa vào sự thật để trình bày rồi. Bài tụng của Tuyết Đậu như sau: “Hòa thượng cũng không nên dùng những thứ đó nói, trên trận Long Xà (rắn rồng) duyệt mưu lược; khiến đời nhớ mãi Lý tướng quân, vạn dặm trời thu lặng, vút một cánh chim ưng.” Xin mời mọi người quan sát, điểm nào là chân lý, hay sự thật cho Ngưỡng Sơn, Ngũ Phong dựa vào để bày tỏ? (nếu chẳng có điểm nào tâm đắc) thì Tuyết Đậu làm gì có (những) tụng văn tuyệt diệu kia. Vân Nham nói: “Hòa thượng cũng có chưa?” Tuyết Đậu tán tụng câu nói nầy như sau: “Hòa thượng cũng có chưa? Sư tử lông vàng vươn mình dậy, tụm năm tụm ba (lưỡng nhưỡng tam tam) đi lối cũ, thoáng mắt Thiền không dưới núi Đại Hùng.” Nội dung của tụng văn quá rõ ràng. Chỉ một câu nói: “Tụm năm tụm ba (xúm xít hai ba)”, cũng khiến người vượt thoát lưới nghi. Thật ra, chỉ khi nào thấu triệt phận sự tất yếu, thì khi ấy mới có con đường siêu xuất, còn không thì vẫn mãi ở trong vòng lẩn thẩn của cái gọi là “lưỡng lưỡng tam tam-xúm xít hai ba”, của lưới nghi chằng chịt. Bách Trượng đối với đáp ngữ của ba môn đệ mình, như ta biết, há chẳng phải là tấm lòng quá sâu nặng đó sao? Vả lại, lời đáp của Ngài, chính là lời phê phán đã có kiểm nghiệm, ta chớ nên xem thường. Lời đáp của Bách Trượng, chính là đã vạch ra cách dựa vào sự thật cộng thông, chúng ta cũng có thể đoán được, như thế nào là việc phân lượng thần diệu nằm bên dưới của thang thuốc đã được bậc danh y kê bổ (12). Nếu quá dứt khoát, thì không có sự thật nào có thể dựa nương, do vậy tự mình nhận lấy tội trạng. Vân Nham do duyên xứ của Lạc Sơn mà đắc ngộ, Ngài đã tự thừa nhận rằng, suốt 20 năm nơi đạo tràng của Bách Trượng mà đèn lòng (tâm đăng) vẫn chưa tỏ rạng, Lạc Sơn lại nói với Ngài: “Tục khí vẫn còn dù 20 năm ở nơi Bách Trượng”, thời ấy Bách Trượng phê phán Ngài là “Tang loạn con cháu tôi”, Tuyết Đậu cũng châm biếm “Ngón tay bún vu vơ dưới núi Đại Tùng” trong những lời ấy có bao ý tuyệt vời, đáng làm thước đo (13).

3.5- Không (lầm) lạc không (mê) muội.

Công án Thiền chồn hoang này, là một công án rất nổi tiếng của Bách Trượng; nó rà soát một cách tinh tế cho thời kỳ tương lai. Sở dĩ nổi tiếng, là vì nó nói rất rõ bối cảnh hoàn chỉnh của nguyên lý nhân quả thuộc về trí Bát Nhã, cho những bậc đại tu hành thấu triệt mà thôi. thế nên cổ đức nói, Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả, sợ nhân quả là vì nhận thức được pháp, do vậy chớ nên tạo thêm nghiệp chướng! Qua tình huống liên quan đến công án này, ta chẳng nên nhọc sức truy xét trên mặt văn tự, cũng chẳng cần nghiên cứu nguyên từ, tóm lại nên nói đến chi tiết trọng yếu của nó:

“Bậc đại tu hành còn lạc (rớt vào) nhân quả hay không?” Đáp sai câu hỏi nầy, nói rằng: “Chẳng lạc nhân quả”. Hỡi ôi! Tai họa đến, trả lời như vậy nên chính người đó bị cột buộc làm thân chồn cáo. Xin mời đại sư Bách Trượng chuyển một lời thay cho, đáp rằng: “Chẳng mê muội nhân quả”, dưới lời chuyển tâm (chuyển y hay là chuyển cơ cấu nội tại) ấy lại bừng vui mà đại ngộ, cởi thoát thân cáo chồn, tình tiết nầy chỉ có thế thôi. Đó chẳng phải là nằm mộng giữa ban ngày sao? Nhưng quả là có giấc mộng hiện bày ra đấy.

Quá nhiều người biết công án nầy, cũng đã quá nhiều luận bàn, không cần tán vượn tán hưu nữa. Bây giờ hãy nói đến Tuệ Nam, cháu chắt của giòng Thiền Lâm Tế, trụ trì thời Tích Thúy, đặc biệt có Thiền giả pháp hiệu Đạo Viên theo hầu sư, rốt ráo theo pháp tu trì (y chỉ). Pháp bố của Nam công cực kỳ hưng thịnh, học chúng rất đông.

Đạo Viên ngày kia đang ngủ ở yến toàn (trai đường), chợt nghe hai vị Tăng nêu lên công án chồn hoang của Bách Trượng, một người cho rằng: “Chẳng muội nhân quả, cũng chưa thoát được thân chồn”, Vị kia nói: “Chẳng lạc nhân quả, sao lại rơi vào kiếp chồn hoang”. Nghe như vậy Đạo Viên bất ngờ rúng động! Thấy mình sực tỉnh nhảy qua khe suối, nghe Nam Công nói chưa hết việc nầy, lệ tuôn ướt má. Nam Công giựt thị giả (chính là Đạo Viên) đang ngủ say trên ván dậy, thị giả tỉnh ngủ, bỗng nói kệ rằng: “Chẳng lạc chẳng muội, tăng tục vốn không kỵ úy, bậc trượng phu khí định như vua, sao có thể bị giam trong bao túi? Một nhánh lang tiêu vẫy vùng ngang dọc, đoàn kim mao (sư tử vàng) chồn cáo nhảy múa cùng.” Nam Công thấy vậy, tỏ ý mừng cho.

Công án về chồn cáo đã được ngươi xưa mộng nghe như vậy mà sáng tạo ra thi kệ, (tôi) chỉ làm công việc trích dẫn tình tiết ra đây, phần giải thích chính là người đọc.

3.6- Chuyện kỳ đặc (không ngờ).

Hỏi: “Như thế nào là chuyện kỳ đặc?” Sư đáp: “Đơn độc ngồi (độc tọa) ngọn Đại Hùng.” Tăng lễ lạy, Sư liền đánh.

Tắc công án nầy, phơi bày cái ý đồ (mẹo) ban đầu mà ta không tiếp cận được, ngộ tuy không thể không, nhưng đã rớt vào cái mẹo thứ nhì. Còn không ngộ lại hóa thành ngu muội, trong cái vẻ lạnh lùng của Bách Trượng có thể thấy được đôi điều khí khái, có tung có đoạt, phân biệt rõ ràng trong cách trảm trừ vọng tưởng. Bách Trượng đúng là núi chúa, Bách Trượng đem tới liền dùng, đỉnh cao chót vót cùng gõ nhịp. Sử dụng câu: “Độc tọa Đại Hùng” để đáp lại câu hỏi người “Thế nào là chuyện kỳ đặc?” Đáp câu hỏi nầy, đạo lý khá thông, dưới danh ngôn cơ hồ ai ai cũng rõ. Dẫu cho thế nào đi nữa, chúng ta thật sự có dịp may đi qua cảnh giới của hai chữ “độc tọa” ấy. Đã thật sự đến nơi rồi, còn nói chi là chuyện lạ kỳ nữa chứ, rớt vào cái mẹo thứ hai của Ngài thôi. Há chẳng thấy đỉnh cao thần diệu, há chẳng thấy Đức Vân hội kiến ngay với Đồng tử Thiện Tài tại đỉnh điểm đặc thù. Được trả lời, tăng lễ lạy, vị ấy đã ngộ rồi chăng? Dám nói đang thấy Bách Trượng chăng? Sự thuận tay đánh, ha ha, đấy mới là mưu lược của bậc đại nhân, đã hướng lên (hướng thượng - hướng đến chân lý) mà việc vẫn còn.

5- Quán nhập nhập lý. (Lý: thể nghiệm chân lý - thâm nhập tánh nghe.)

Thỉnh hết mọi người ra cày ruộng tiếp, bỗng một vị Tăng nghe tiếng chuông ngân, vỗ đầu cười ha hả, bỏ về. Sư (Bách Trượng) nói: “Khéo thay, đấy là phép Quán Âm nhập lý.” Sư về viện, bèn gọi ông Tăng ấy hỏi: “Vừa rồi ông thấy đạo lý gì mà cười vậy?” Ông tăng đáp: “Vừa rồi bụng đói, nghe chuông về ăn thôi.” Sư bèn cười. Pháp hội của Bách Trượng là một tập thể Thiền chúng bình đẳng (Thiền hòa tử), vui sống bằng cần lao, điều đó chẳng dễ dàng gì. Bất cứ ai đến đây tham cầu Phật pháp, Bách Trượng cũng cho làm công việc cày bừa, vì đây là Phật sự, với công việc nầy mới rõ được, mới thấy được sự thụ dụng chân thật. Mời hết ra ruộng cày, trên dưới đồng nỗ lực, làm việc như vậy đã thành chế độ rồi. Đấy chính là thủ thuật chắt lọc mà đơn giản của bậc đại nhân, và vào thời đó đấy cũng chính là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Thiền tông đối với Phật giáo. Phương pháp này có khi đã trở thành kinh điển, được các Thiền viện áp rụng rộng rãi, nó đã mang lại tác dụng hữu hiệu nhất, trong việc khai ngộ cho Thiền chúng, việc nầy xin tạm gác lại. Cứ như vị Tăng ấy “Nghe tiếng chuông, vỗ đầu cày cười ha hả, bỏ đi về”, còn ngược lại thì sao? Nếu như không có sự nuôi dưỡng gội nhuần của Thiền đạo, nếu như không có trạng thái phiêu nhiên tự tại đắc thắng như vậy, thì làm sao mà thể hiện được tinh thần pháp hỷ trong niềm lạc quan như vậy chứ? Bách Trượng nói: “Từ xưa đến giờ, Phật chỉ là người, người chỉ là Phật”, thế nên Phật pháp được chứng nghiệm chẳng do việc của người. Việc của người cũng được thể nhập pháp Phật

Nguyên tác Hán văn: Nãi Quang

Pháp Hiền cư sĩ dịch

(Nguồn: Phụ bản Pháp luân số 3)