Bái Đính- Chốn tâm linh và huyền thoại

Ninh Bình- Kinh đô Hoa Lư xưa, vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi lưu giữ những vật báu của trời đất và nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp. Mỗi ngọn núi, dáng cây, mỗi tên làng, tên đất…. đều mang trong mình một sự tích, một huyền thoại.

Núi Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tên mỗi ngọn núi, mỗi thung lũng là sự kết nối diệu kỳ một chuỗi sự tích của Thiền sư Nguyễn Minh Không- Người sáng lập ra ngôi chùa Bái Đính cổ. Chuyện kể rằng, khi về nơi này tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho vua, đức Thánh Nguyễn Minh Không nhận ra đây là vùng núi anh linh, hội tụ khí thiêng của trời đất, là nơi Phật ngự. Vì vậy, Ngài đã xây chùa, tạc tượng, thỉnh phật về thờ.

Tính từ ngày đức Thánh Nguyễn dựng chùa thờ Phật trên núi Bái Đính đến nay đã gần 1000 năm. Qua bao thời gian, vật đã đổi, sao đã dời nhưng lòng thành tâm hướng Phật của chúng sanh vẫn không hề thay đổi. Ngày ngày, mùi hương trầm vẫn thơm ngát toả khắp các động thờ Phật, thờ Tiên ở chùa Bái Đính cổ. Nếu Bái Đính cổ tự đẹp trong nét trang nghiêm, trầm mặc của một ngôi chùa cổ thì Bái Đính tân tự lại đẹp ở sự bề thế, nguy nga của một công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ vào bậc nhất Việt Nam.

Quần thể kiến trúc chùa Bái Đính mới toạ lạc trên một khuôn viên rộng 700 ha. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2004, song đến nay đã sở hữu sáu kỷ lục Việt Nam, đó là: chùa có bộ tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam; ngôi chùa có giếng nước lớn nhất Việt Nam; chùa có pho tượng phật thích ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam; Đại Hồng chung lớn nhất Việt Nam; chùa có hành lang La Hán lớn nhất Việt Nam; chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam. Bái Đính tân tự có sự tráng lệ của bố cục theo mô hình “trục thần đạo” xuyên suốt từ đỉnh toà Tam Thế đến cổng tam quan, nhìn thẳng về đỉnh núi Mã Yên- nơi vua Đinh đang yên nghỉ.  Bao bọc xung quanh chùa là những vòng cung núi đá vôi. Chếch về phía sau, bên sườn trái là Bái Đính cổ tự. Hành hương đến khu núi chùa Bái Đính là du khách đã đến với Trung tâm văn hoá Phật giáo lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

Dưới đây là những hình ảnh về chùa Bái Đính mà PV Báo Vĩnh Phúc online ghi lại được:

 

 

 


 

Quang cảnh chùa Bái Đính

 

 


 

 

Cổng Tam Quan

 


 

Cổng Tam Quan của Bái Đính tân tự được xây dựng khá đồ sộ, tương ứng với quy  mô của ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Hai bên cổng đặt hai tượng hộ pháp bằng đồng, mỗi pho tượng nặng 12 tấn. Dân gian thường gọi là ông Khuyến Thiện và ông Trừng ác. Hai ông đứng hai bên, dáng người oai vệ, đôi mắt quắc thước như soi thấu tâm can của chúng sinh, khuyến khích con người hành thiện và trừng trị tội ác, cầu mong mọi điều may mắn, cát tường.



 

Gác chuông- vọng âm thức tỉnh hồn người

 

Gác chuông được xây dựng khá kiên cố với các trụ bê tông ốp gỗ vững chắc. Bước lên những bậc thang, du khách có thể nhìn cận cảnh những nét chữ khắc nổi, những đường chạm trổ tinh xảo tài hoa trên đại hồng chung của nghệ nhân đúc đồng xứ Huế. Gác chuông là nơi đặt Đại hồng chung, chiếc chuông đồng lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với khối lượng 36 tấn, đường kính 3,5m, cao 5,5m.  Trên thân quả chuông có khắc bài Tâm kinh Bát nhã bằng chữ Hán với nhiều hoa văn trang trí mang đường nét đặc trưng của mỹ thuật Phật giáo.

 

 

 

 

 

Du khách chiêm ngưỡng Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam

 

Một trong những nét độc đáo của Bái Đính tân tự chính là hành lang La Hán. Khu hành lang có chiều dài tổng thể 1.800m, chạy dọc hai bên từ cổng tam quan đến điện Pháp Chủ. Nơi đây đặt 500 bức tượng La Hán. Mỗi bức tượng ở đây đều thể hiện sắc thái, cảm xúc khác nhau, đại diện cho những nỗi đau, khổ ải, trầm luân mà chúng sinh phải gánh chịu.

 

 

 

Hành lang La Hán được liệt kê vào công trình xây dựng tượng công phu bậc nhất Việt Nam.

 

 

 

Hành lang La Hán

Trong tâm thức của người dân Việt Nam, Quan Âm Bồ Tát là đức Phật cứu khổ cứu nạn. Đến điện thờ Quan Âm Bồ tát, chúng ta không chỉ dâng hương, lễ Phật mà còn để một lần được chiêm ngưỡng tác phẩm độc đáo bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay được đúc bằng đồng, cao 11m, nặng 70 tấn.

 

 

 

Thành tâm trước Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay

 

 

 

Ngự trên đỉnh cao nhất của quần thể kiến trúc chùa Bái Đính mới là điện Tam Thế. Điện có diện tích gần 3.000 m2, thờ ba vị Phật đại diện cho ba giai đoạn của đời người là quá khứ, hiện tại và tương lai. Vào Điện Tam Thế để tìm lại chính mình với những hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời, để trút bỏ gánh nặng dương gian và chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy, trang nghiêm của ba pho tượng dát vàng, mỗi tượng nặng đến 50 tấn ngự trên 3 toà sen.

 

 

 

 

 

Điện Tam Thế

 

 

Bộ Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, được đúc bởi bàn tay của các nghệ nhân thuộc làng nghề đúc đồng ở ý Yên, Nam Định.

Sau những giờ, phút hướng tâm nơi cửa Phật, du khách có thể lưu giữ những hình ảnh ở vùng đất “địa linh nhân kiệt”, tán lộc và thấy lòng mình được thư thái.

 

 

 

 

 

 

Chụp hình

 

 

Dù còn nhiều hạng mục đang thi công, chùa Bái Đính vẫn thu hút hàng ngàn du khách thập phương tới viếng thăm

Theo chân từng đoàn người đi lễ, vãn cảnh chùa, chúng ta mới cảm phục tấm lòng hướng Phật của du khách.Chúng ta hy vọng rằng, trong tương lai Bái Đính sẽ là ngôi chùa có quy mô hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Bạch Dương

Theo: Báo Vĩnh Phúc