Người dựng lại chùa thiêng

Chùa Cốc là một ngôi chùa nổi tiếng xứ Kinh Bắc, từng bị giặc giã phá phách tan hoang, tưởng chừng sẽ bị "xóa sổ" khỏi thế gian. Ngày kia, được khôi phục bởi một chàng trai buôn bất động sản, Nguyễn Mạnh Quý. Hiện anh tiếp tục gìn giữ tu bổ, xây dựng các công trình thành một cụm đền, chùa và bảo tàng văn hóa rộng rãi và đẹp ở Bắc Giang.

Chùa Cốc còn có tên là Vạn Linh Tự, nghĩa là ngôi chùa linh thiêng vạn phép màu. Tương truyền được xây dựng từ thời Trần, thuộc Sơn môn Phái thiền Trúc lâm của Đức La (Vĩnh Nghiêm Tự). Cả cụm đền, chùa Cốc bị chiến tranh và thời gian hủy hoại gần như toàn bộ. Ông tổ 6 đời của Nguyễn Mạnh Quý là người đầu tiên trong dòng họ trông nom khu di tích này. Cứ thế, đời nọ nối đời kia các cụ nhà Nguyễn Mạnh Quý hương khói. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, toàn bộ cụm gần như hoàn toàn sụp đổ, nguy cơ biến thành… phế tích.

Ông nội anh Quý là cụ Nguyễn Văn Ý thu lượm lại một số bức tượng từ các công trình đổ nát còn lại dựng lên 3 gian thờ vọng 18 vị Vua Hùng và 2 vị thành hoàng làng là Cao Minh Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và phối thờ La Bình Công Chúa (con gái của thánh Tản Viên). Sau cụ Ý mất đi, Nguyễn Mạnh Quý là cháu đích tôn, đau đáu với lời trăn trối của ông nội, anh đã tầm sư học chữ Thánh hiền, để tìm hiểu về lịch sử văn hoá của chùa Cốc qua các tài liệu, sách báo và gia phả để lại. Trải qua bao khó khăn gian khổ, cuối cùng anh đã thành công, cảm thấy mình đã làm mát lòng tổ tiên nơi chín suối.

Đại bản doanh của anh nằm trên khu đất chùa cũ tại xóm Núi, xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Cụm di tích đình chùa Cốc xưa giờ đã trở thành một khu bảo tàng về không gian văn hóa Việt cổ truyền thống. Anh Quý tâm sự: "Từ năm 1989, tôi đã đầu tư sửa sang đôi chút. Đến năm 1999, tôi muốn phục dựng lại toàn bộ. Bởi trước khi mất, ông nội tôi trăn trối lại rằng, sau này phải gắng sức phục hồi ngôi chùa của tổ tiên mà họ nhà mình đã thay nhau gìn giữ 6 đời...".

Những lối đi lắt léo bên sườn núi được trang trí hai bên bằng những hòn non bộ, cây cảnh, những bức tượng đá, đèn đá... khiến người ta có cảm giác lạc vào một thế giới cổ xưa. Những lối đi nhỏ ấy, dẫn người ta đến ngót hai mươi ngôi nhà phỏng cổ trên một không gian rộng. Ngoài những khu nhà chính phục vụ cho văn hoá tâm linh, các ngôi nhà còn lại, đều ăm ắp tượng đá, tượng đồng, tượng gỗ, và đặc biệt là cổ vật.

Nguyễn Mạnh Quý sinh năm 1971, từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu ca hát, đặc biệt là chèo và chầu văn. Anh vốn có ước mơ trở thành một nghệ sĩ dân gian. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Mạnh Quý thi vào lớp chèo của Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bắc Giang. Tốt nghiệp, anh đã có nơi nhận vào làm thì chẳng may ốm nặng. Khi chữa khỏi anh chuyển sang nghề buôn gà để duy trì cuộc sống. Sau đó anh chuyển sang buôn vải thiều.

Nghe bạn bè, anh dùng số tiền lãi mua luôn mấy suất đất "dặt dẹo" ngoài rìa TP Bắc Giang. Chẳng bao lâu, đường Huyền Quang mở kéo dài, đất của anh thành mặt đường, bỗng chốc trở nên có giá. Mấy suất đất trước kia được coi là không giá trị, nhờ các dự án mở rộng thành phố, cũng được tăng giá như diều gặp gió. Từ đó anh có vốn liếng, bán chỗ đắt mua chỗ rẻ, chỗ rẻ lại có giá trị hơn, anh trở thành ông chủ buôn bất động sản có "máu mặt" ở Bắc Giang.

Một góc chùa Cốc thuở xưa.

Ngồi nói chuyện với tôi, Mạnh Quý thở phào nhẹ nhõm, tâm sự: "Tôi là gã buôn may mắn". Đó là lời khẳng định của Nguyễn Mạnh Quý khi nói về thành công của ngày hôm nay. Từ nghề buôn, anh đã có đủ tiền, nguồn lực để thực hiện ước mơ. Mạnh Quý cho biết thêm: "Tôi nghĩ là tổ tiên đã phù hộ cho, vì đã giao phó trách nhiệm cho cháu đích tôn. Nếu không vì sao tôi gặp thuận lợi đến thế, buôn đâu gặp đó. Đến khu vực di tích này cũng được mở đường, được nhiều người giúp đỡ để hoàn thiện".

Trong việc phục dựng lại đền, đình và khu bảo tàng văn hóa, Mạnh Quý cũng đều được quý nhân giúp đỡ nên mọi chuyện suôn sẻ. Anh như người được tổ tiên dõi theo từng bước chân, phù hộ độ trì cho mọi đường đi nước bước đều thẳng băng. Từ việc lên Lạng Sơn mua nhà sàn về dựng lại chùa, đến công việc sưu tầm cổ vật cũng như có người chỉ lối.

Hiện tại, Mạnh Quý sở hữu khoảng 10.000 cổ vật các loại và mới chỉ trưng bầy một phần. Một phần anh gửi ở Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, một phần khác vẫn "bí mật". Anh bảo để khi công trình hoàn thành, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, anh sẽ mang ra để cho bảo tàng của mình đa dạng, hoàn thiện. Con số đó đủ để tạo hấp dẫn cho bất cứ ai đến với nơi này.

Hằng năm, vào những ngày lễ, có hàng trăm lượt khách đến tham quan dù chưa hoàn thành tất cả. Các giáo sư như Dương Trung Quốc, Trần Lâm Biền, cán bộ Bảo tàng Dân tộc, cán bộ Bảo tàng Bắc Giang… cũng đã về tham quan, tư vấn để đại công trình hoàn thiện hơn. Anh Quý đang xây dựng bãi đỗ xe, mở đường lớn và hoàn thành nốt các hạng mục còn lại. Bảo tàng của anh sẽ không thu một đồng phí nào, kể cả tiền gửi xe. Tất cả du khách đến với bảo tàng, ngoài lễ cầu, sẽ được nghe hát chèo, chầu văn do chính anh và những người giúp việc mình biểu diễn.

Có một điều mà rất nhiều người quan tâm đặt câu hỏi. Đó là hiện tại, cụm di tích này do Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang quản lý hay do cá nhân anh. Anh Quý giải thích: "Thực tình, cụm di tích được Sở ủng hộ, nhưng chưa công nhận di tích lịch sử văn hóa. Có lẽ là thời gian sắp tới. Khi đó, tôi sẽ vẫn cai quản, dưới sự giám sát của Sở. Tâm nguyện của tôi là hoàn thành tất cả các hạng mục".

Diên Khánh (CAND)