Định hướng cho chúng ta


altTrong đời sống hàng ngày, ta thiếu định tâm là ta thiếu tất cả. Ta niệm Phật mà không có định tâm là việc niệm Phật của ta không thành. Ta trì tụng Minh chú mà ta không có định tâm, thì việc trì tụng Minh chú của ta không có kết quả. Ta thiền tập mà không có định tâm, thì việc thiền tập của ta không có nội dung. Ta hiến tặng phẩm vật của ta đến cho mọi người, mà không có định tâm, thì cả người trao và người nhận đều không làm thay đổi được cuộc sống. Và nếu ta làm bất cứ công việc gì mà thiếu định tâm, thì công việc của ta rất dễ bị hỏng. Nên, dù làm bất cứ việc gì, ta cần phải có định tâm và dù ta thực tập bất cứ pháp môn nào của Phật giáo đi nữa, thì trước hết là phải có nội dung của định tâm.
Mọi hình thức biểu hiện của Phật giáo là mọi hình thức được biểu hiện từ định tâm. Ta mặc chiếc áo hay ăn bữa cơm mà thiếu nội dung của định tâm, thì chẳng khác nào trâu bò ăn cỏ mà thân thể của chúng lại mang lông, đội sừng. Ta thuyết pháp mà thiếu định tâm, thì pháp ta nói ra chỉ là một mớ kiến thức trống rỗng và ta biểu hiện dung nghi và diễn đạt thanh âm nghi lễ Phật giáo mà thiếu định tâm, thì chẳng khác nào ta đang là một người xiếc hay một ca sĩ đang biểu diễn trên hý trường.
Vậy, định tâm do đâu mà có? Do ta thực tập niệm Phật, thực tập trì tụng Minh chú hay thực tập thiền mà có. Thực tập các pháp môn ấy đều có khả năng đưa ta đi tới định tâm. Nên, định tâm là mục tiêu trước nhất của hết thảy pháp môn cần phải đạt tới, chứ không phải chỉ có thiền. Nếu thực tập hết thảy pháp môn, mà ta không đi tới được với mục tiêu này, là sự thực tập của ta chưa có gì thành công, và mọi sự truyền đạt của ta không có hiệu năng nhiếp phục và chuyển hóa.
Ta có thể đi tới với định tâm qua niềm tin Tịnh độ, qua niềm tin Minh chú, qua niềm tin Thiền định hay qua niềm tin của Trí tuệ và Từ bi. Và trong sự thực tập, ta có thể biến những niềm tin ấy trở thành hiện thực, qua sự tinh cần và giác niệm của ta với những hoạt động hàng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, ăn uống, làm việc.
Nếu ta không có niềm tin, thì sự tinh cần của ta không có mục tiêu, và như vậy ta không thể duy trì giác niệm của ta lâu dài để từ đó khiến chánh niệm sinh khởi trong ta. Và nếu ta không có chánh niệm, thì định tâm hay chánh định trong đời sống của ta không có cơ sở để sinh khởi.
Và mục tiêu cuối cùng cho sự định tâm của ta là sinh khởi tuệ giác. Tuệ giác sinh khởi từ thiền định gọi là tuệ giác có nội dung của chánh kiến hay là chánh tuệ.
Nên, ta thực tập pháp môn niệm Phật qua tín, tấn, niệm là để đi tới định và tuệ; hay ta thiền tập qua tín, tấn, niệm là để đi tới định và tuệ; hoặc ta thực tập trì tụng Minh chú qua tín, tấn, niệm là để đi tới định và tuệ.
Định có tác dụng làm cho tâm ta vững chãi và sâu lắng. Tuệ có tác dụng làm cho tâm ta tỏa sáng và soi chiếu cùng khắp. Tuệ càng sáng lên bao nhiêu, thì không những, những vùng hoạt động của ý thức nơi tâm ta được chiếu soi bởi tuệ mà những vùng nằm sâu tận đáy cùng của tâm thức cũng được soi chiếu và tỏa sáng bởi tuệ.
Nên, khi tuệ soi chiếu và tỏa sáng trong cái nhìn của ta, khiến ta nhìn mọi hình sắc qua mắt, mà mọi hình sắc không thể đánh lừa được ta. Ta không thể nào bị lầm lẫn giữa hình sắc chân thực và hình sắc dối trá. Ta không thể nào bị chi phối bởi những cảm giác khổ vui do mọi hình sắc đem lại.
Vì vậy, ta có tự do trong cách nhìn đối với mọi hình sắc, ta có cái thấy tự do và ta có tự do trong mọi cái thấy.
Khi cái nghe của ta có mặt của tuệ, thì mọi âm thanh không thể đánh lừa được ta. Ta không thể lầm lẫn giữa âm thanh chân thực và âm thanh dối trá.
Vì vậy, ta không bị cuốn hút bởi âm thanh, nên đối với mọi âm thanh ta đều có tự do. Ta không bị chi phối bởi những cảm giác khổ vui do những âm thanh đem lại. Ta có cái nghe tự do và ta có tự do trong mọi cái nghe.
Khi cái ngửi của ta có mặt của tuệ, thì mọi mùi hương không thể đánh lừa được ta. Ta không thể bị lầm lẫn giữa hương thơm chân thực và hương thơm dối trá.
Vì vậy, ta không bị cuốn hút bởi mọi hương thơm, nên đối với mọi hương thơm ta đều có tự do. Ta không bị chi phối bởi những cảm giác khổ vui do mọi hương thơm đem lại. Nên, ta có cái ngửi tự do và ta có tự do trong mọi cái ngửi.
Khi cái nếm của ta có mặt của tuệ, thì mọi mùi vị không thể đánh lừa và cuốn hút được ta. Ta không thể lầm lẫn giữa mùi vị chân thực và mùi vị dối trá.
Vì vậy, ta không bị cuốn hút bởi mọi mùi vị, nên đối với mọi mùi vị ta đều có tự do. Ta không bị chi phối bởi mọi cảm giác khổ vui do mọi mùi vị đem lại. Nên, ta có cái nếm tự do và ta có tự do trong mọi cái nếm.
Khi thân ta tiếp xúc với sự có mặt của tuệ, thì mọi đối tượng tiếp xúc của thân không thể đánh lừa được ta. Ta không thể bị lầm lẫn giữa sự xúc tiếp chân thực và sự xúc tiếp dối trá.
Vì vậy, ta không bị cuốn hút bởi mọi đối tượng tiếp xúc của thân, nên đối với mọi đối tượng tiếp xúc của thân ta đều có tự do. Ta không bị chi phối bởi mọi cảm giác khổ vui do thân tiếp xúc với mọi đối tượng đem lại. Nên, ta có cái tiếp xúc tự do của thân và ta có cái thân tự do trong mọi sự tiếp xúc.
Khi ý của ta tiếp xúc với mọi đối tượng mà có mặt của tuệ, ta không bị mọi ảnh tượng của quá khứ ở trong tâm thức ta đánh lừa; ta không bị những viễn tượng tương lai ở trong tâm thức ta cuốn hút; và ta cũng không bị những ảo giác hiện tại của tâm thức ta trói buộc. Vì tuệ cho ta thấy, quá khứ chỉ là những ý tưởng có nội dung ấn tượng tồn đọng và biểu hiện trên tâm thức ta; tương lai chỉ là những ý tưởng có nội dung dự tưởng và biểu hiện trên tâm thức ta, và hiện tại cũng chỉ là những ý tưởng có nội dung bám víu và biểu hiện trên tâm thức ta, và tâm là một dòng chảy biểu hiện liên tục của nhân và duyên, và của duyên và nhân, nên đối với tâm không có quá khứ hiện tại và tương lai gì cả. Quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là những quy ước của các ý niệm trống rỗng, không thực thể, vì vậy đối với mọi thời gian ta đều có tự do. Và đối với mọi không gian đều là không gian duyên khởi vô ngã, không có tính thể nào cho chính nó, nên đối với mọi không gian ta đều có tự do. Ta không bị mọi cảm giác khổ vui do thời gian và không gian chi phối.
Vì do ý có mặt của tuệ, nên ta biết rõ không gian và tâm thức làm nền tảng cho mọi nhận thức của ta và là điều kiện cho mọi cảm giác và tri giác trong ta sinh khởi. Nhưng, không gian không phải là sở hữu của tâm thức và tâm thức không phải là sở hữu của không gian mà chúng có mặt trong nhau để làm nền tảng cho mọi sự hiện hữu, nên ta không bị lầm lẫn khi tiếp xúc giữa không gian và tâm thức, và không bị chi phối bởi những cảm giác khổ vui do không gian và tâm thức đem lại, và đồng thời ta cũng không bị chi phối bởi những cảm giác khổ vui do từ những niệm tưởng hay không phải những niệm tưởng. Vì vậy mà ta có tự do đối với tâm thức và với mọi đối tượng của tâm thức là tưởng.
Nên, ta có ý tự do và ta có cái tự do của ý.
Như vậy, mục đích cao nhất của các pháp môn tu tập là làm điều kiện cho tuệ giác sinh khởi và biểu hiện thường trực và tự nhiên ở nơi mọi quan năng nhận thức của ta, khiến ta thực sự có tự do trong mọi nhận thức.
Nếu ta tu tập mọi pháp môn mà không dẫn sinh được định và tuệ, thì các pháp môn ấy chưa giúp được gì cho thân tâm ta một cách thiết thực và không phải là mục tiêu lời dạy của đức Phật.
Nếu ta nghĩ rằng, thực tập các pháp môn giúp ta khỏa lấp sự trống vắng của tâm hồn hay thư giãn não trạng có tính cách sinh học, thì những thực tập ấy của ta không có khả năng giúp ta tháo gỡ những phiền não và tập khí ra khỏi tâm thức của ta, và không có khả năng làm cho đời sống của ta trở nên trong sáng và thánh thiện.
Nên, dù ta thực tập bất cứ pháp môn nào cũng phải bằng tất cả niềm tin của ta; bằng tất cả sự tinh cần và giác niệm của ta. Ta phải thực tập như vậy, thì định và tuệ mới có khả năng sinh khởi trong ta.
Định giúp tâm ta vững chãi trước mọi đối tượng mà các quan năng nhận thức của ta tiếp xúc. Và tuệ giúp cho tâm ta không còn hoạt khởi những ý niệm thiên ái nhiễm ô, có nội dung sai lầm của ngã tính.
Định là sự vững chãi của tâm, và tuệ là sự sáng chói của tâm. Ta sống với tâm có định và tuệ cùng khắp, thì đến và đi, ẩn tàng và biểu hiện của ta đều là tự do.
Và cũng từ nơi tâm có định và tuệ cùng khắp ấy mà vận khởi đại bi, có đủ bốn chất liệu từ, bi, hỷ và xả để làm lưu nhuận và an bình cuộc sống giữa mình và người, giữa mình và hết thảy chúng sanh; và làm hải đảo an toàn cho hết thảy chúng sanh đang trôi dạt giữa đại dương sinh tử quay về nương tựa.
Vậy, tu tập đạt tới đỉnh cao nhất của Thiền là “kiến tánh”; và tu tập đạt tới đỉnh cao nhất của Tịnh độ là chứng nhập “Tự tính A-di-đà”. Và tu tập đạt tới đỉnh cao nhất của Mật là “Biến nhập tỳ-lô-giá-na” của thế giới Liên Hoa Đài Tạng.
Nhưng, ta lấy cái gì để “kiến tánh”, để “chứng nhập tự tính A-di-đà” và để “Biến nhập tỳ lô giá na”, của thế giới Liên hoa đài tạng, nếu ta không có tuệ. Và lấy gì để có tuệ, nếu ta không có định; và lấy gì để có định, nếu ta không có niệm; và lấy gì để có niệm, nếu ta không có tín và tấn.
Tín là niềm tin. Niềm tin của ta phải có gốc rễ từ Phật Pháp Tăng và Thánh giới, nên mọi sự tinh cần tu tập của ta dù là Thiền, Tịnh hay Mật đều phải có gốc rễ từ niềm tin nầy.
Nếu thiếu niềm tin nầy, sự thiền tập của ta chỉ là thư giãn mà không có khả năng dẫn ta đi tới “kiến tánh” để ta có đời sống giải thoát và tự do; nếu thiếu niềm tin này sự tu tập Tịnh độ của ta chỉ là  trốn chạy cảm giác trống vắng của tâm thức mà không thể nào “chứng nhập Tự tính A-di-đà” để tùy ý vãng sinh và thiết lập Tịnh độ; và nếu thiếu niềm tin nầy, thì mọi trì tụng Minh chú của ta chỉ là những phù phép kỳ dị gây mê hoặc lòng người, mà không có tài nào giúp ta “Biến nhập tỳ -lô-giá-na” để sống cùng với thế giới Liên Hoa Đài Tạng.
Ta tu tập các pháp môn, tâm không dẫn sinh được định và tuệ là ta không có khả năng chặt đứt mọi hệ lụy phiền não của ta trong sinh tử, để ta có tự do sinh ra và lớn lên trong đời sống Trí tuệ và Từ bi.
Nên, Trí tuệ và Từ bi là định hướng tu tập cho hết thảy pháp môn mang tên Phật giáo. Nếu ta tu tập thiếu định hướng này, thì mọi hình thức tu tập của ta đều không có nội dung Phật giáo và hẳn nhiên không phải là Phật giáo.

 

Thích Thái Hòa