Phật giáo và việc bảo vệ môi trường - Phần 1

Đức Phật dạy rằng con người khổ đau chỉ vì tham vọng. Vì vậy, nếu chúng ta dẹp bớt được một phần tham vọng, hay đoạn trừ được một phần lòng ganh tức, thù hận, thì chúng ta sẽ bớt được một phần khổ đau. Nếu chúng ta đoạn tất cả kiến hoặc và phiền não, nói cách khác, đoạn được tình cảm xấu ác của con người là hết khổ đau, vì chỉ có tình cảm trong sáng mới không khổ.

 

Mới nghe chủ đề này, nhiều người cảm thấy hơi lạ và thắc mắc rằng trong kinh điển Phật giáo có đề cập đến vấn đề này hay không.

Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này cách xa chúng ta hơn 2.500 năm, nhưng lời dạy của Ngài về cách sống tốt đẹp cho người xuất gia cũng như cho toàn thể nhân loại vẫn còn thích hợp với thời đại chúng ta ngày nay. Vì vậy, có thể khẳng định rằng khi triển khai tinh ba lời Phật dạy ở lãnh vực nào của xã hội, chúng ta cũng thấy đều nằm trong Phật pháp. Vì vậy, đối với vấn đề bảo vệ môi trường, ngày nay loài người mới đặt ra, trong khi đó Đức Phật đã quy định cách sống để bảo vệ môi trường từ hơn hai ngàn năm trước.

WGTD1.jpg

Hãy cứu lấy trái đất

Nhân loại có nhiều nền văn hóa và triết học khác nhau, nhưng thông thường, người ta chia ra triết học Đông phương và triết học Tây phương. Triết học Tây phương phần nhiều chịu ảnh hưởng nền văn minh cổ của Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Còn Đông phương thì nổi bật hai nền triết học lớn của Trung Hoa và Ấn Độ.

Triết học Tây phương nhằm hướng dẫn con người chinh phục thiên nhiên và xã hội, nghĩa là người Tây phương có khuynh hướng buộc xã hội phải theo con người, buộc thiên nhiên phải tuân theo sự sắp xếp của mình. Vì vậy, chúng ta thấy tất cả những nghiên cứu của phương Tây dẫn đến nền khoa học hiện đại ngày nay đều nhằm mục tiêu khám phá thiên nhiên để chinh phục vũ trụ. Nhưng trên thực tế thì thân phận con người quá nhỏ bé, cho nên việc chinh phục vũ trụ từ trước đến nay chưa ai thực hiện được một cách trọn vẹn, hay có chinh phục được chăng nữa cũng chỉ có giá trị tạm thời mà thôi. Chính vì vậy mà cuối cùng con người cũng bị xã hội bao vây và bị định luật thiên nhiên chi phối, không thoát khỏi được.

Dưới Phật nhãn, những gì mà người Tây phương và triết học của họ đưa ra, Đức Phật đã thấy rất chính xác; nhưng theo Ngài, chúng ta chinh phục thiên nhiên và vũ trụ bằng cái gì. Chinh phục vũ trụ bằng công cụ khoa học có được hay không. Thực tế cho thấy tất cả những phát minh được coi là văn minh của con người thì cuối cùng các nền văn minh đều tự tiêu diệt nhau.

Đức Phật dạy rằng con người mang tham vọng chinh phục xã hội và thiên nhiên, nhưng sau cùng người ta lại bị xã hội và thiên nhiên đánh ngã. Tuy nhiên, theo Phật, chúng ta vẫn có thể chinh phục ngoại giới và nội giới, nếu thực hành đúng giáo pháp của Ngài. Nhà triết học Ấn Độ là Viện trưởng sáng lập Đại học Delhi nói rằng con người xứng đáng với danh nghĩa con người là người đó chinh phục được ngoại giới và nội giới. Chinh phục ngoại giới rất khó, mà chinh phục nội giới còn khó hơn nhiều. Hiểu được định luật chi phối các hành tinh là điều rất hay, nhưng hiểu được định luật chi phối con người thì càng khó hơn.

Đức Phật là người hiểu và vận dụng được định luật chi phối tình cảm con người, chi phối cuộc sống con người và hiểu rõ cả định luật chi phối thiên nhiên. Việc chinh phục con người được Đức Phật giảng rõ trong tất cả kinh điển và chinh phục được thiên nhiên ở đỉnh cao được Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm. Con người sinh ra trong trời đất, nhưng chinh phục được trời đất.

Đức Phật dạy rằng con người khổ đau chỉ vì tham vọng. Vì vậy, nếu chúng ta dẹp bớt được một phần tham vọng, hay đoạn trừ được một phần lòng ganh tức, thù hận, thì chúng ta sẽ bớt được một phần khổ đau. Nếu chúng ta đoạn tất cả kiến hoặc và phiền não, nói cách khác, đoạn được tình cảm xấu ác của con người là hết khổ đau, vì chỉ có tình cảm trong sáng mới không khổ.

Lịch sử cho thấy các nhà chinh lược phương Tây luôn nghĩ cách khơi dậy lòng ham muốn, tập hợp những người ham muốn và kích động họ tham gia công cuộc chinh lược từ bộ lạc này đến bộ lạc khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ liên minh này đến liên minh khác. Điều đó thể hiện lòng tham vọng chinh phục con người, mà cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn gọi là loại tình thương giả dối của loại người làm chính trị thường tìm cách tập hợp mọi người để đi chinh lược người khác. Trong khi tình thương của Đức Phật hoàn toàn khác hẳn. Ông nói rằng tình thương của Phật đã được các vua triều Lý thể hiện trong việc trị nước an dân, đó là tình thương chân thật được kết hợp bằng tâm từ bi; cho nên các vua Lý rất thương người, thương dân. Chính nhờ chịu ảnh hưởng đạo Phật mà các vua Lý đã xây dựng được triều đại thịnh trị tốt đẹp như vậy.

Tinh thần Phật dạy rất cao, Ngài chinh phục được nội giới, hoàn toàn không có bất cứ sự chi phối nào của tham vọng, của lòng thù hận, bực tức; từ đó, tất cả những lời nói và việc làm của Đức Phật chỉ thể hiện tâm từ bi. Và sống với tâm thuần từ bi như vậy, cho nên những ai nghe hoặc thấy Phật, tâm họ đều được an lạc. Điều này thể hiện rõ nét Đức Phật đã chinh phục được tâm Ngài theo hướng trong sáng, nên Ngài chi phối cả mọi người, chi phối xã hội một cách thuần thiện. Người tốt gặp Phật, họ phát tâm Bồ đề, làm căn lành họ phát triển; nhưng người xấu đến hại Phật thì tâm xấu của họ chạm phải tâm từ bi của Phật sẽ chuyển hóa được lòng thù hận của họ trở thành hiền lương.

WGTD.jpg

Các bạn trẻ thắp đèn cầy hưởng ứng giờ trái đất

Chinh phục được con người như thế, Đức Phật vẽ ra cho chúng ta quá trình quán sát sự vật. Trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài dạy rằng tất cả các Đức Phật đều có mười loại hình khác nhau, không phải chỉ có một thân hình. Mười thân này biến ra hằng hà sa số Phật. Chúng ta tưởng chỉ có một Phật Thích Ca, nhưng Phật nói Ngài có thiên bá ức hóa thân; đó là điều quan trọng mà Phật đã phát hiện và sử dụng được.

Và trong một hóa Phật có vô số hóa Bồ tát tu trong Chánh pháp của Ngài và vô số hóa Bồ tát này cũng phát xuất từ một gốc là thân ngũ uẩn mà ra. Vì vậy, tu hành chuyển hóa ngũ uẩn thân gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức là pháp căn bản của đạo Phật; cho nên, có thể thấy rằng kinh Hoa Nghiêm cao tột, nhưng cũng phát xuất từ kinh Phật giáo Nguyên thủy.

Theo tinh thần Hoa Nghiêm, thân ngũ uẩn của con người cũng gắn liền với cả vũ trụ bao la. Vì thế, chinh phục được thân này là chinh phục được cả vũ trụ. Chinh phục được tình cảm của chúng ta là chinh phục được tình cảm của xã hội. Vì vạn vật đồng nhất thể, nhưng loài người do vô minh ngăn che, do hiểu lầm, nghĩ mình có thể chinh phục người này, người khác, nghĩ mình có thể thay đổi được quốc gia cho đến vũ trụ theo ý mình; đó là sự sai lầm trầm trọng.

Trong thân thể chúng ta nếu có một phần bị thương thì chúng ta sẽ bị đau toàn thân và đau cả tâm hồn. Cũng vậy, ngũ ấm thân có mối liên kết chặt chẽ với vũ trụ. Vì vậy, nếu chúng ta phát triển thân tâm mình theo chiều hướng xấu ác, khiến thân tâm mất thăng bằng, thì sẽ tác động làm cho xã hội mất thăng bằng, bị loạn động và cũng sẽ làm đảo lộn vũ trụ. Chính vì  mối tương quan cộng tồn rất mật thiết giữa muôn sự muôn vật, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, vũ trụ, mà Phật dạy rằng “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”, cho nên một cái mất thăng bằng sẽ ảnh hưởng xấu đến những cái khác. Nhận thức như vậy, chúng ta phải bảo tồn các loài khác, người khác, bảo tồn xã hội, bảo tồn thiên nhiên thì đó là bảo tồn chính chúng ta.

Thử nghĩ xem một người quá giàu trong xã hội quá nghèo, chắc chắn khó tồn tại được. Thực tế cho thấy biết bao chế độ sụp đổ do sự mất thăng bằng xã hội, nói cho dễ hiểu là có sự chênh lệch lớn giữa người quá giàu và người quá nghèo. Phải hướng dẫn người giàu để họ nhận thấy được tinh thần bao dung rất cao quý, thể hiện qua những việc làm nâng cao đời sống vật chất và tri thức cho người nghèo; đó là điều vô cùng cần thiết cho xã hội, trong đó có họ được yên ổn, được phát triển.

Để tạo dựng sự thăng bằng cho xã hội, Đức Phật dạy Bồ tát hành đạo là đem nguồn vui cho người nghèo, đem lại sự ấm no cho người nghèo, như vậy là làm cho Phật hoan hỷ. Làm chúng sinh đau khổ, làm xã hội mất thăng bằng không phải là đệ tử Phật.

Khi chúng ta biết thương và giúp đỡ nhau, xã hội này chắc chắn được an lạc. Đừng bao giờ làm một thành phần bị sụp đổ; vì ngũ uẩn của chúng ta là thể thống nhất chung của muôn loài, của xã hội, của vũ trụ, của con người. Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói rằng từ ngũ uẩn hiện ra quốc độ và chúng sinh.

Quốc độ là gì ? Quốc độ là thế giới, là chỗ cho chúng sinh nương tựa, tồn tại. Không có quốc độ, chúng sinh không tồn tại được. Từ ngũ uẩn hiện ra quốc độ, cho nên Phật coi quốc độ và ngũ uẩn đều là thân của Phật. Hiểu như vậy, chúng ta coi sơn hà đại địa là thân của chúng ta. Cho nên, bảo vệ môi trường sống cũng là bảo vệ Phật, vì môi trường sống chính là sinh mệnh của Phật và sinh mệnh của chúng ta cũng nhờ đây mà tồn tại.

Có thể nói bảo vệ quốc độ, hay bảo vệ trái đất này là bảo vệ sự tồn tại của tất cả chúng sinh. Có bao nhiêu chúng sinh, có bao nhiêu chủng loại? Có rất nhiều, nhưng Đức Phật gộp lại có tứ sanh lục đạo. Tứ sanh gồm có loài đẻ trứng, loài đẻ con, loài sống dưới nước, loài sống trong hư không. Sự sống của tất cả các loài này được cân bằng với nhau thì tất cả cùng tồn tại. Loài người do vô minh không nhận thấy lý này, nhưng ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học đã mở ra cho chúng ta thấy sự cân bằng thiết yếu này của môi sinh. Nếu trong hư không, chúng ta xả những chất độc hại vào, chúng ta sẽ chết vì thiếu không khí trong lành. Trong nước cũng vậy, nếu làm ô nhiễm dòng nước, bệnh tật và tử vong sẽ đến với con người. Một khi tất cả các loài sống trong không khí, trong nước, trên mặt đất bị chết, chắc chắn chúng ta cũng không sống được. Vì vậy, bảo vệ tất cả các loài sống trên mặt đất, sống trong không khí, sống trong nước là bảo vệ sự sống của chính con người.

HT.Thích Trí Quảng

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 68 tại chùa Phổ Quang ngày 7-6-2009)