Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi


altThôi đành thôi vậy…


Hà Nội ngàn năm văn hiến, mảnh đất có nhiều thắng cảnh, nhiều đình đền chùa chiền miếu mạo cổ kính. Hà Nội đi vào thơ nhạc rất đẹp: “cây cơm nguội vàng/ cây bàng lá đỏ/ nằm kề bên nhau/ phố xưa nhà cổ/ mái ngói thâm nâu.” Và đôi khi sang trọng, rất thi ca nhưng…có vẻ nghèo: “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ…”, hay “quán cốc liêu xiêu một câu thơ…”


Những yếu tố đó đôi khi cũng là động cơ khiến người ta phải một lần đến Hà Nội. Tôi, sau những lần khất hẹn, cuối cùng đã có một chuyến đi Hà Nội vào một ngày tháng ba; một tháng ba thời tiết chợt nắng, chợt mưa, chợt lạnh; và một tháng ba hoa gạo khoe sắc rực rỡ. Tôi đi Hà Nội vào tháng 3, nhân sau khi đọc xong một số bài báo viết về việc khách thập phương đi chùa lễ bái đã nhét tiền lẽ vào tay Phật, chà tiền lên chuông đồng, đốt vàng mã khói bay mịt mù, hàng quán chen kín cửa chùa, thiếu ý thức khi đến chùa và vân vân,… muốn đến đó xem những cảnh tượng ấy diễn ra thế nào, chỉ là để cho rõ thực hư.


Tháng 3, sắp hết mùa lễ hội, và người đi chùa không còn đông như độ tháng giêng, tháng hai. Các chùa ở Hà Nội không còn nhiều khách thập phương nữa, một vài nơi cửa chùa đống im ỉm và trông khá vắng vẻ. Một điều khác biệt dễ nhận thấy giữa các chùa ngoài Bắc và trong Nam, rằng chùa ở Bắc thường có rất ít thầy cô ở, dù đó là những ngôi chùa lớn và nỗi tiếng. Và vì ít người, nên khi không có khách thập phương lai vãng thì chùa thường vắng như … chùa Bà Đanh. Việc coi sóc chùa chiền, nhiều chùa do các Phật tử đảm nhiệm, các sư thầy thường chỉ là “chứng minh.”


Với lối kiến trúc cổ kính, cách bố trí thờ tự phức tạp, và có khi các bàn thờ Phật, Bồ-tát và những thần những thánh không thuộc tín ngưỡng Phật giáo chiếm hơn nửa không gian của chùa, đã khiến cho một người chưa quen sẽ rối mắt về cách thờ tự. Và đối với người tìm đến cầu nguyện hay cầu xin, nơi không gian mờ mờ u linh với nhiều tượng ảnh được bày biện khắp nơi, sẽ có cảm giác một nơi như vậy thường linh hiển.


Những ngôi chùa cổ ở Hà Nội còn sót lại, phần lớn đều được xếp vào danh mục di tích lịch sử hay văn hoá. Nhiều nơi trở thành điểm du lịch và có bán vé. Và mỗi khi một ngôi chùa được xếp hạng di tích, thì nó đã do “bên thứ ba” quan lý, và vai trò của sư thầy trụ trì thường rất mờ nhạt, về phương diện trùng tu hay chuyển dịch một bộ phận nào đó của ngôi chùa lại là điều không thể. Tự tiện tu sửa coi chừng bị kết tội là kẻ phá hoại văn hoá (dù có thời đập phá lại không bị coi là phá hoại).


Xếp chùa vào danh mục gì cũng được, ai quản lý cũng không sao, nếu một ngôi chùa được bảo quản tốt và đống được chức năng chính của nó!


Trong những ngôi chùa mà tôi viếng, thì chùa Đậu là nơi để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả, không phải vì sự đồ sộ hay cảnh quan xinh đẹp mà bởi cái khung cảnh trông có phần suy tàn và nhếch nhác của nó. Khác với suy nghĩ khi chưa đến, chùa Đậu nơi có nhục thân xá lợi của hai vị thiền sư, đã thể hiện sống động sự thiếu quan tâm của con người. Được xếp vào danh mục di tích lịch sử văn hoá đấy, nhưng điều ấy có ý nghĩa gì? Di sản văn hoá dân tộc. Thì là di sản văn hoá. Nhưng khoác lên cho nó một danh xưng chơi, và rồi cứ để mặc cho nhện giăng cỏ mọc thì cái danh xưng kia thật buồn tủi!


Nhưng trong tương lai, tôi biết chùa Đậu rồi sẽ khác. Nhìn những chiếc hồ lớn được đào phía trước và hai bên chùa, rõ ràng người ta đang có dự án phát triển chùa. Và tôi đồ rằng, dự án đó rồi chỉ sẽ phát triển chùa Đậu thành một điểm du lịch!


Với những mái cong mềm mại từng được in lên lịch, với mười tám tượng A-la-hán được Huy Cận đưa vào thơ (một kiểu thơ tuyên truyền: Các vị La Hán chùa Tây Phương! Hôm nay xã hội đã lên đường), cùng với nhiều yếu tố khác nữa, đã giúp cho chùa Tây Phương trở thành một điểm đến của nhiều người, Phật tử và không Phật tử. Và vì có nhiều người viếng, nên ngôi chùa di tích văn hoá lừng danh này đã trở thành một điểm du lịch có bán vé. Và khi một nơi trở thành một điểm du lịch có đông người đến, thì thường sẽ có những dịch vụ ăn theo xuất hiện.


Sẽ khó tưởng tượng được một ngôi chùa nổi tiếng như Tây Phương nhưng vấn đề quản lý rất yếu kém, để các quầy quán nhếch nhác lấn vào đến tận hiên chùa. Sân chùa, hông chùa, đâu đâu cũng thấy quầy quán. Xa ra chút nữa là bao ni-lông và rác thải. Chùa khi trở thành nỗi tiếng, trở thành điểm đến của nhiều người vì nhiều mục đích khác nhau thì hẳn sẽ có nhiều vấn đề này kia phát sinh. Nhưng khi chùa để các dịch vụ thế tục bao vây và biến thành như một khu chợ thì đó đã là vấn đề. Sửa sang chùa thì có thể sợ phá hỏng di tích, nhưng mà việc giải toả các quầy quán là việc nên làm chứ, hay là sợ phá hỏng công ăn việc làm của người khác?


Chùa Thầy là một ngôi chùa cổ, một di tích lịch sử văn hoá khác của đất Bắc, và cũng đã trở thành một điểm du lịch có bán vé. Chùa Thầy có lối kiến trúc tương tự với hầu hết những ngôi chùa cổ khác ở đất Bắc. Nói nó vĩ đại thì hơi quá, nhưng phải nói nó rất đặc biệt và gây ấn tượng, ít nhất đối với tôi. Chùa nổi tiếng vì là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý, nhưng còn một lý do khác nữa: di tích gắn liền với tên tuổi một vị thiền sư nổi tiếng - Từ Đạo Hạnh.


Di tích văn hoá, công trình kiến trúc cổ, cơ sơ tâm linh, địa điểm du lịch,… bao nhiêu điều đó đã khiến cho một ngôi chùa phải tất bật với nhiệm vụ của mình. Cùng một lúc sẽ thấy nhiều hoạt động xảy ra nơi đây: một đạo tràng nhỏ tụng kinh, những thợ chụp hình chạy bát nháo săn khách, người hướng dẫn viên lanh lảnh với một bài giới thiệu học thuộc lòng với nhiều “thuật ngữ” lạ mà tôi không tài nào hiểu được, những khách thập phương thành tâm bái lạy và cúng dường… tiền lẽ cho các tượng Phật và những tượng không liên quan gì đến Phật giáo....


Có thể sẽ rơi vào tường thuật miên man nếu cứ đi hết chùa này sang chùa khác với những chuyện như thế này. Vã lại nói nhiều nói xa biết đâu nói dại.


Người xưa khi lập chùa tu hành hẳn không ai nghĩ rằng sau này ngôi chùa do mình lập sẽ trở thành một di tích lịch sử văn hoá hay khu du lịch. Trở thành điều gì đó và bảo lưu nó là việc làm của người đi sau. Mỗi khi đã là di tích lịch sử văn hoá, các ngôi chùa cổ trở thành di sản chung của cả dân tộc (hơi to tát). Nhưng mà ở đời, nhiều khi “cha chung không ai khóc”. Và cũng bởi vì cái danh xưng “di tích” bao trùm lên, các ngôi chùa cổ buộc phải giữ nguyên hình hài, từ một viên gạch đến một cây cột, từ bên trong cho đến bên ngoài, từ tượng Phật cho đến tượng thần. Và vì phải bảo tồn nguyên vẹn mọi thứ, nên nhiều khi chùa không còn là chùa nữa. Nếu gạt đi tất cả những yếu tố không phải của Phật giáo ra (chẳng hạn như yếu tố đền, miếu) thì không biết còn được bao nhiêu phần trăm mang “tính” chùa. Bị cái bóng quá khứ bao trùm, Phật giáo bị trộn lẫn nhập nhằng với điều mà ta thường nói “Tam giáo đồng nguyên”, với tín ngưỡng dân gian, với điều gì gì đó, mà nó biến Phật giáo thành một thứ tôn giáo méo mó.


Tôi biết sẽ khó có thể gạt bỏ được những yếu tố “vật thể” và “phi vật thể” không liên quan đến Phật giáo ra khỏi những ngôi chùa. Đưa ra ý tưởng ấy không chừng bị quy chụp là có ý đồ phá hoại! Vậy thôi, khi người ta đến chùa có cúng đốt giấy tiền vàng mã khói bay nghi ngút, có nhét tiền lẽ lên các tượng, chà tiền lên chuông… thì xin đừng gọi họ là Phật tử, đừng so sánh khập khiểng rằng người đi chùa ở Việt Nam không được như người đi chùa ở Thái Lan, mà trước đây một vài nhà báo đã từng viết.


Ở Thái Lan, học sinh được học giáo lý Phật giáo và thực hành tu tập ngày trong nhà trường. Họ không bị nhồi sọ tôn giáo là thuốc phiện, là cản trở sự phát triển xã hội; thầy chùa là đám vô công rỗi nghề và biếng nhác. Chùa chiền của Thái Lan đâu có tượng cô tượng cậu, tượng mẫu tượng…; đâu có những dịch vụ in giấy tiền vàng mã ngay trong chùa, điều mà tôi chứng kiến tại một ngôi chùa nỗi tiếng ở Hà Nội. Vậy thôi đừng trách những người đi chùa, mà hãy trách những người điều hành và quản lý chùa, những người khoác lên mình danh hiệu cao quý “tác như lai sứ hạnh như lai sự”, và những người làm công tác quản lý văn hoá và giáo dục.


Mà ai dám trách nào! Thôi đành thôi vậy…


Chùa Hương đã đi chưa?


Đối với người Phật tử, viếng Hà Nội mà không đi thăm chùa Hương thì thật thiếu sót, thật chưa trọn vẹn. Trước đây tôi có nghe một câu hát, không nhớ kỹ lắm, “Chùa Hương em đi chưa? Cho dẫu em đi rồi nhưng chùa Hương đi một lần chưa thoả...” Đi một lần chưa thỏa, vậy lẽ nào người chưa đi lại có thể thoả được. Và đây,


Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây…


Tháng ba, Hương sơn nước nước mây mây sương sương khói khói. Tháng ba, hoa gạo nở đỏ rực, tô điểm cho Hương sơn thêm chút sắc màu. Tháng ba, khách hành hương đã vơi giảm, hơn phần nửa ghe thuyền đã neo bến nghỉ ngơi, trả lại cho suối Yên khoảng không để hít thở khí trời.


Bến Đục, đục cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không có nhiều khách khi chúng tôi đến. Những người chèo thuyền đã lên tận Hà Nội để đón khách. Chúng tôi cũng được một cặp vợ chồng đón tận ở Hà Nội. Không hiểu sao người ta có thể biết được trong cái dòng người đông đúc ấy ai là người đang trên đường đi chùa Hương?


Ra khỏi bến Đục, nước suối trở nên trong xanh. Suối Yến không biết vào những độ khác thế nào chứ vào tháng ba thì phải nói rất đẹp. Và có thể nói rằng, Hương Tích sẽ giảm đi rất nhiều vẻ đẹp nếu thiếu suối Yến. Đi thuyền trên dòng suối, với hai bên là những ngọn núi giăng giăng sương khói, thật ngoạn mục! Tiếng ngâm thơ từ bờ vang vọng, tạo cho cái khung cảnh thơ mộng ấy thêm chút bồng bềnh!


Nhưng mọi thứ dần thay đổi khi thuyền bắt đầu dần đến bến Trong. Một loạt hàng quán dựng dọc theo bến thuyền với tiếng loa rao hàng chát chúa khiến người ta có cảm giác là mình đang đỗ nhầm bến, tự thắc mắc rằng lối lên “đệ nhất động hỏi là đây có phải?”. Bến Trong, không mấy trong theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đầu tiên là sự vẩn đục do những tiếng rao hàng chát chúa phát ra; cảnh những chú cầy tội nghiệp bị quay vàng treo lũng lẳng ở những hàng quán. Lẽ nào một ngày đi chùa không ăn thịt cầy lại không được?! Giá mà người ta giấu những chú cầy kia vào bên trong quán thì còn dễ coi.


Năm ngoái, có mấy bài báo viết về chuyện những người người bán chim muông, bẻ cánh trói chân vặt lông chim trời đem bày bán dọc các đường phố Hà Nội, và rối kết luận đó là một “tội ác”. Chúng ta thường ưa kết tội cái “quả” mà không chịu kết tội cái “nhân”. Thử hỏi dân mình có khi nào được dạy phải yêu thương thiên nhiên, yêu thương muông thú? Giới thứ nhất trong năm giới của người Phật tử có thời bị coi là làm cản trở sự phát triển kinh tế nữa đấy.


Khi chim muông bị bẻ cánh bày bán bị coi là tội ác, nhưng ở Quốc Tử Giám, tôi thấy người ta bày bán ở phòng lưu niệm những tấm thiệp in hình những chú gà bị nhồi nhét trong những chiếc lồng, tơi bời lông lá rụng rơi; hình một chú nghé bị trói gô lại, chở đi trên một chiếc xe máy; hình những chú heo dồn chung trong một chiếc rọ đang đưa đến lò mỗ; và ghi chú rằng đó là nếp sống hàng ngày của người Việt, coi như một nét đẹp văn hoá! Tôi tự hỏi, có cần thiết phải giới thiệu những hình ảnh đó đến với du khách không?!


Ở Úc, hàng năm người ta xuất khẩu sang thế giới Hồi giáo hàng triệu con cừu vào tháng chay Ramanda. Ăn thịt là quyền của mỗi người, không ai có quyền lên án ai, nhưng những người đấu tranh cho quyền muông thú yêu cầu rằng, những con cừu kia cần được chuyển đi và bị giết thịt trong một cách thức ít đau đớn nhất. Và hẳn những người làm công tác “văn hoá” của Úc sẽ không bao giờ đưa hình ảnh những chú cừu bị lùa đi giết thịt lên những tấm thiệp…
Điểm đầu tiên cần viếng sau khi rời bến Trong là chùa Hương Trù. Hương Trù không lớn nhưng cổ kính u tịch. Mặc dù ở suối Yến không thấy nhiều thuyền xuôi ngược, nhưng khi lên Hương Trù vẫn thấy rất đông khách hành hương ở đấy. Chánh điện đông nghẹt người dâng lễ. Cũng giống như phần lớn các chùa ở Hà Nội, không gian bên trong chùa Hương Trù “được” chen kín các tôn tượng, từ tượng Phật đến tượng thần, tượng thánh.


Ở Hương Trù có một điều khác với nhiều chùa khác là không nhận lễ cúng bằng đồ mặn. Trong chùa có một tấm bảng ghi “Không Nhận Lễ Mặn: Rượu-Thịt-Giò-Chả.” Nhưng giấy tiền vàng mã thì…có nhận.


Điểm thứ hai tôi đã viếng ở Hương sơn là động Hương Tích. Động Hương Tích được coi là một động đẹp, và thiêng nữa. Đẹp thì người ta đến chiêm bái, thiêng thì đến cầu xin. Động có nhiều hình thù kỳ lạ và được đặt tên cũng khá lạ: Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, Đụn Tiền, Núi Cậu, Núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc… Có những cái tên trong này gợi lên sự no đủ và giàu có! Và ngoài những hình thù kia ra, trong động được thờ rất nhiều tượng. Thờ nhiều tượng đã trở thành một cách thức thờ phụng nơi nhiều chùa đất Bắc.


Hành hương đến Hương Tích, nghĩ cho cùng phần lớn chỉ đến để cầu xin. Và Hương Sơn dù cho đó là đất Phật, nhưng những yếu không dính líu đến Phật giáo lại chiếm tỷ lệ phần trăm khá lớn. Kinh Phật nhiều vô lượng, nhưng tìm ra được một câu kinh viết lên một tấm bảng để cho khách hành hương đến đây đọc thì không thấy (cũng có thể có nhưng tôi không phát hiện ra). Trong khi đó dọc đường lên chùa Hương Trù lại giới thiệu nhiều loại “văn hoá” nghe nhìn khá lạ lẫm với tinh thần Phật giáo, như có một vài quầy quán bán hàng lưu niệm, giới thiệu trên màn hình những hình ảnh múa máy của một vị sư nữ lên đồng. Hậu vàng y đỏ chiếc đầu trọc. Uốn éo tay chân quay tứ tung. Mua vui hay làm trò ảo hoá? Phật tổ nơi đâu có hãi hùng?


“Chùa hương em đi chưa? Cho dẫu em đi rồi nhưng chùa Hương đi một lần chưa thoả.” Chùa Hương đã đi rồi, và cũng chưa thoả lắm, bởi có một vài địa điểm ở đây, vì thời gian quá ngắn đã không kịp viếng được. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại chùa Hương lần nữa, không phải để xem người ta đã dọn đi mấy con cầy vàng treo lủng lẳng và bán hết mấy cái đĩa đồng bóng kia chưa, mà về để cố tìm lại điều mà Chu Mạnh Trinh đã mô tả trong Hương Sơn Phong Cảnh Ca:


Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh,
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng…


Ngôi chùa với nhiều kỷ lục

 

Quần thể chùa lớn nhất Việt Nam, Đại hồng chung lớn nhất Đông Nam á, tượng Phật bằng đồng lớn nhất Việt Nam, tượng các vị La-hán nhiều nhất Việt Nam, chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam...


Đó là những kỷ lục mà công ty Vietbooks đã dành cho chùa Bái Đính ở Ninh Bình, một ngôi chùa đang còn trong tiến trình xây dựng. Và với lượng khách tấp nấp chiêm bái dù khi chùa chưa hoàn thành như hiện nay, thì trong tương lai khi chùa hoàn thành, có thể Vietbooks sẽ phải dành thêm cho địa điểm này một kỷ lục nữa: điểm du lịch tâm linh có lượng khách đến đông nhất Việt Nam!


Bái Đính (mới) là một quần thể chùa mới, nên hẳn nhiên là hiện đại hơn so với những ngôi chùa cổ khác ở đất Bắc, nhưng tuy vậy nói như nhiều người, nó vẫn “đậm chất Á Đông”. Cách bài trí thờ phụng ở các chùa nơi đây đơn giản hơn, không gian “thoáng” hơn, không có quá nhiều tượng như nhưng ngôi chùa cổ khác, và chưa phải đảm nhận cái nhiệm vụ “bảo lưu di sản.”


Bái Đính được xây dựng với nhiều mục đích, trong đó có mục đích “du lịch tâm linh”, mà nó nằm trong dự án khu du lịch “tâm linh văn hoá” Tràng An, Hoa Lư. Và với những gì thấy được hiện này, thì Bái Đính đã đáp ứng được mục đích này. Những quầy quán bán hàng lưu niệm, thức uống giải khát, quán ăn, bãi giữ xe… đã được hình thành; trong các chùa khói hương đã nghi ngút; các dịch vụ ghi sớ cầu tài cầu lộc cũng đã có mặt. Và cũng như những ngôi chùa khác ở Bắc, để tìm ra một câu kinh Phật được viết lên ở đâu đó là điều rất khó khăn. Điều mà ở Đại Nam ta có thể nhìn thấy ở ngôi “đền” chính, dù Đại Nam làm điều này rất “cải lương”.


Sau quần thể Bái Đính mới, cách chừng khoảng 1 km, là chùa Bái Đính cổ. Khu vực này khá đẹp và có không khí trong lành. Đường lên chùa sạch sẽ với nhiều bậc cấp bằng đá men theo sườn núi. Phía trên núi có hai hang động, chia đều hai bên: một bên thờ Phật và một bên thờ Tiên (mẫu). Hai hang núi tương đối thấp nhưng khá đẹp, bên trong được chưng bày rất nhiều tượng và nghi ngút khói nhang. Dù hai bên được thờ các tôn tượng thuộc hai tín ngưỡng khác nhau, nhưng cả hai đều đáp ứng cùng một mục đích như nhau: làm nơi cầu an, cầu tài cầu lộc. Ở động thờ Phật, nội dung lá sớ do một người đàn ông trung niên (bận áo sơ mi và quần tây) đọc thật không khác gì so với nội dung lá sớ cũng do một người đàn ông (bận áo dài đen, chít khăn đóng” đọc. Khác chăng chỉ là một vài danh xưng.


Nhưng dù thế nào, việc có mặt quần thể Bái Đính ở Ninh Bình là một điều đáng mừng cho những người Phật tử. Là một ngôi chùa mới, Bái Đính có thể sẽ không bị “ràng buộc” bởi những danh xưng này kia, để từ đó những yếu tố Phật giáo có thể được thể hiện một cách rạch ròi hơn. Và với không gian rộng rãi thoáng đãng như vậy, Bái Đính ngoài vấn đề là điểm du lịch, còn có thể là một đạo tràng tu học, nếu người ta muốn có mặt một điều như vậy ở đây. Và tôi nghĩ rằng cũng có rất nhiều người muốn như vậy…


Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi


Cách đây mấy năm, có một vị Hoà thượng ở Bắc và một vị ở Nam phát biểu rằng, Phật giáo Việt Nam hiện nay giống như Phật giáo thời Lý - Trần, tức muốn nói rằng Phật giáo hiện nay rất phát triển và thịnh vượng. Quý Hoà thượng khi phát biểu như vậy chắc hẳn cũng đã đọc qua lịch sử Phật giáo thời Lý -Trần.


Phật giáo Việt Nam hiện nay có được như Phật giáo thời Lý - Trần không? Về số lượng thì hẳn đông hơn, nhưng tỷ lệ phần trăm thì chắc chắn không thể. Còn về chất lượng thì rõ ràng không so sánh được. Phật giáo thời Lý - Trần là bệ đỡ cho toàn xã hội, là lý tưởng sống mà từ quan đến dân đều hướng đến. Thời Lý - Trần đã qua, Phật giáo đã qua cái thời “vang bóng”. Hạc vàng người xưa đã cưỡi bay đi rồi, nghĩ về nó nhiều sinh ra hoài cổ. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam có được một giai đoạn như thời Lý - Trần là điều đáng từ hào, cũng là điều mà chúng ta lấy đó làm gương để phát triển Phật giáo trong hiện tại và tương lai. Và còn cố gắng rất nhiều nữa thì mới có thể nói được câu “Phật giáo Việt Nam hiện này như Phật giáo thời Lý-Trần.”


Trở về sau khi viếng thăm các chùa ở Hà Nội, tôi chợt liên tưởng đến mấy câu thơ của Thôi Hiệu:

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du….


Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi và không trở lại nữa? Có thể hoàng hạc sẽ trở lại, và cũng có dấu hiệu là người ta muốn hoàng hạc quay trở lại, dù chưa biết muốn nó quay trở lại với mục đích gì. Với sự lạc quan có thể, tôi nghĩ hoàng hạc sẽ quay trở lại, và hy vọng rằng người ta sẽ hoan hỉ chào đón nó bằng một cõi tâm thênh thang, không dè chừng và không tính toán./.

Thích Nguyên Hiệp