Ý Niệm Về Hạnh Phúc Là Những Chướng Ngại Của HạnhPhúc


http://files.myopera.com/LeAnh/albums/145258/thumbs/Cute3.jpg_thumb.jpgTrong ta, mỗi người đều có một ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải như thế này hay như thế kia. Nếu ta không được như thế này hay như thế kia thì ta kết luận là ta không có hạnh phúc. Ta cho rằng bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc của mình, và trong nhiều trường hợp, ý niệm về hạnh phúc của mình là chướng ngại căn bản để mình đạt tới hạnh phúc. Ví dụ mình ham muốn đậu được cái bằng cấp đó, và nghĩ rằng nếu không có cái bằng cấp đó thì không bao giờ mình có hạnh phúc cả. Như vậy tức là mình đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc. Trong khi mình đang có vô số cơ hội để có hạnh phúc, mình đánh mất hết, chỉ vì mình đã tự đóng khung cái hạnh phúc của mình vào trong cái ý niệm có bằng cấp kia. Đó là một cái muốn, một thứ ái dục, ái dục về bằng cấp.

Trong đời sống tu hành cũng vậy. Là một ông thầy tu mình có thể nghĩ rằng muốn nói cho thiên hạ nghe thì mình phải có một cái bằng cấp vì có bằng cấp thì thiên hạ mới nể, thuyết pháp người ta mới nghe. Vì vậy cho nên mình phải xông xáo ra đời vài ba năm để học và giật cho được bằng cấp đó. Mình đâu có biết rằng vì ý niệm về bằng cấp mà sự nghiệp tu hành của mình có thể sẽ bị hư hỏng. Tóm lại tất cả đều do ý niệm của mình mà ra, và ý niệm thường rất dễ bị sai lạc.

Có một anh chàng nói: “Hạnh phúc của đời tôi là phải cưới cho được cô này, nếu không cưới được cô ấy thà rằng chết còn hơn, hạnh phúc không thể nào có được!”. Như vậy anh chàng đã cột đời của mình vào trong ý niệm là phải cưới cho được cô kia. Cưới không được thì đời không còn có ý nghĩa gì cả. Tại sao đời không có ý nghĩa gì nữa cả. Đời còn nhiều nghĩa lắm chứ! Nhưng tại mình không thấy được tất cả những cái nghĩa khác của cuộc đời mà chỉ thấy có một nghĩa đó mà thôi. Cái đó gọi là ý niệm. Ý niệm đó ở trong trong đạo Bụt gọi là Tưởng, một cái Tưởng của mình về hạnh phúc. Muốn sử dụng vô số những điều kiện để có hạnh phúc, muốn đừng dẫm lên những điều kiện của hạnh phúc mà đi, ta đừng nên bị ràng buộc vào một ý niệm nào về hạnh phúc cả. Khi đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc là ta không còn cơ hội nào khác để có hạnh phúc nữa. Ý niệm hạnh phúc đó gọi là dục tưởng.

Ý NIỆM VỀ HẠNH PHÚC HAY DỤC TƯỞNG LÀ ĐỐI TƯỢNG CẦN QUÁN CHIẾU

Ý niệm về hạnh phúc có thể là một ý niệm cá nhân, mà cũng có thể là một ý niệm có tính cách cộng đồng, gọi là tâm thức cộng đồng. Nếu ta hỏi một người Mỹ bình thường phải có những điều kiện nào mới có hạnh phúc, thì người ấy sẽ liệt kê những điều kiện tồi thiểu mà một người Mỹ phải có để có thể gọi là một người có hạnh phúc. Trước hết là phải có một trình độ học thức tương đương với BA hay BS, nghĩa là phải tốt nghiệp Đại học cấp một. Kế đến là phải có công ăn việc làm, tương đương với trình độ học vấn, lương đủ cao để có thể thuê một căn nhà, mua một chiếc xe. Trong nhà phải có TV, tủ lạnh. Thiếu một trong những thứ ấy người đó sẽ chưa có hạnh phúc. Cái hạnh phúc đó gọi là ước lệ. Đó là ý niệm về những điều kiện mà mình tin là cần thiết và là căn bản của hạnh phúc. Nhưng nếu xét kỹ lại, ta thấy rằng rất nhiều người đang có những điều kiện như vậy, nhưng không hạnh phúc gì cả. Họ có thể đang bị đau khổ cùng cực. Ngay cả khi có nhiều hơn, trên cả những điều kiện đã đòi hỏi, họ vẫn khổ đau vô cùng. Vậy thì ý niệm về hạnh phúc (dục tưởng) là một điều cần phải được quán chiếu, cần phải tìm hiểu vì ta có thể chết vì nó.

Đừng nói gì ngoài đời, ngay ở trong đạo, người đã tu rồi, cũng có thể có một ý niệm về hạnh phúc. Ví dụ mình nghĩ là phải có một ngôi chùa riêng để tự do sắp đặt theo ý mình, để không phải làm theo điều người khác sai phái. Chừng nào làm trụ trì, làm viện chủ của một ngôi chùa rồi thì mới có quyền, mình có thể bảo chú này, cô kia làm theo điều này, điều nọ. Mình nghĩ: có một ngôi chùa riêng để làm chủ là điều kiện của hạnh phúc. Nhưng than ôi, khi đã có một ngôi chùa riêng rồi mình mới biết rằng cái ý niệm về hạnh phúc có thể không đúng chút nào. Thật ra có một ngôi chùa, có một trung tâm tu học không phải là điều dỡ. Ta có thể căn cứ vào điều kiện đó để tạo rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng không hẳn phải làm chủ một ngôi chùa mới có thể làm được những điều đó. Nếu mình là một người có hạnh phúc, có khả năng hướng dẫn tu học và tạo dựng hạnh phúc cho người, thì không có chùa mình vẫn làm được việc đó như thường. Mình lại khỏi phải chăm sóc và lo lắng cho ngôi chùa như một vị trụ trì. Nhiều khi không có chùa mình có thể tạo hạnh phúc cho mình và cho người người gấp mười, gấp trăm lần khi mình có một ngôi chùa! Được tấn phong là Thượng Tọa hay Hòa Thượng có phải là điều kiện của hạnh phúc không?

Có nhiều người rất đau khổ vì không gọi bằng những danh từ đó. Khi được gọi bằng một danh từ khác họ thấy trong người như có lửa đốt, như bị sốt rét. Tại sao đáng lý mình được gọi bằng danh từ ấy mà người ta gọi mình bằnh danh từ này? Khi có sốt rét, khi bị một ngọn lửa đốt cháy, mình biết rằng mình đang bị một dục tưởng trấn ngự, dù đó là một cái danh rất nhỏ. Vì vậy dục tưởng hay ý niệm về hạnh phúc là một đối tượng mà mọi chúng ta cần phải quán chiếu. Khi quán chiếu và đập vỡ được cái dục tưởng ấy rồi thì mình được giải thoát, và tự nhiên ta có vô số hạnh phúc. Điều kiện hạnh phúc có mặt rất nhiều trong ta và chung quanh ta, sở dĩ ta không sử dụng được chúng là vì ta đang kẹt vào trong cái gọi là dục tưởng.

Trong hai câu cuối cùng của bài kệ Bụt nói cho vị Thiên giả, Dĩ bất tri ái cố, Tắc vi tử phương tiện, Bụt dạy rất rõ rằng “vì chúng sinh không biết bản chất của dục là gì (cố nghĩa là lý do), cho nên cái dục ấy trở thành phương tiện của sự chết”. Phương tiện của sự chết tức là công cụ của thần chết. Thần chết tiếng Phạn là Mara, tức là Ma vương. Ma vương là biểu tượng cho con đường đi về đau khổ, chết chóc. Vì vậy chữ chết ở đây còn có nghĩa là con đường lầm lạc, con đường tối tăm, con đường tà ma. Nẻo chết là nẻo của phiền não, của sự đốt cháy, của sự vắng mặt hạnh phúc, vắng mặt thanh tịnh, vắng mặt an lạc. Trong Tạp A Hàm Biệt Dịch bài kệ đó rất hay:

Danh sắc trung sinh tưởng,

Vị vị chân thật giả,

Đương tri như tư nhân,

Thị danh thuộc tử kỉnh.

Danh sắc trung sinh tưởng nghĩa là từ trong phạm vi danh và sắc, đã phát sinh ra những tri giác, những nhận thức. Danh và Sắc ở đây có nghĩa là tinh thần và vật chất. Danh (nama) tức là những cảm thọ, tri giác, tâm tư và nhận thức của chúng ta (Thọ, Tưởng, Hành, Thức); còn Sắc (rupa) là thân thể, là sinh lý của chúng ta. Nói tóm lại, Danh tức là những yếu tố làm ra con người thuộc về phương diện tinh thần, còn Sắc là các yếu tố làm ra con người đứng về phương diện vật chất. Trong lãnh vực của Danh và Sắc, ta đã làm phát sinh ra những tri giác, nghĩa là ta có những tri giác về danh và về sắc.

Vị vi chân thật giả: chúng ta cho những tri giác đó chính xác, là chân thực.
Đương tri như tư nhân: phải biết rằng người này.

Thị danh thuộc tử kỉnh: là những người đang đi trên con đường dẫn về cái chết, kỉnh tức là con đường.

Bài kệ này tôi dịch là:

Những tri giác phát sinh từ danh và sắc,

Người đời thường nhận lầm chúng là những gì có thật,

Kẻ nào đang kẹt vào tình trạng này,

Là kẻ đang đi trên con đường ma.

Con đường ma là con đường của khổ đau, của thiêu cháy. Ta phải học kỹ bài kệ này, vì nó là mấu chốt của Kinh Samiddhi. Thầy Phật Âm (Buddghosa) tác giả Thanh Tịnh Đạo Luận, sống vào thế kỷ thứ năm, đã hiểu bài này một cách rất tỏ tường và đã giảng nghĩa bài này rất chính xác. Cố nhiên là Thầy căn cứ trên văn bản tiếng Pali. Rất tiếc là bản dịch của Pali Texts Society không phù hợp với các thấy của thầy Phật Âm.

Tình yêu có nghĩa rộng cho nên bản chất của tình yêu không thuần nhất. Tình yêu của con cái chẳng hạn, lúc đã khôn lớn, không thể giống hẳn như khi còn ấu thơ. Tôi muốn đàm luận đến tình yêu nam nữ ở đây, nhưng tôi ngại em sẽ cho rằng tôi không có thẩm quyền bàn về nó.

Tôi không nhận rằng tôi có thẩm quyền, thực vậy, nhưng tôi nghĩ sẽ ít có ai tự cho là mình có đầy đủ thẩm quyền để nói về luyến ái. Tôi cho rằng ở tuổi em vấn đề luyến ái là một vấn đề lớn có liên hệ tới những vấn đề lớn khác và tôi chắc rằng em cũng đã có quan niệm của em. Tôi chỉ muốn trao đổi với em một ít nhận xét và hiểu biết. Ở tuổi em tình yêu nam nữ là một tiếng gọi lớn có khi lấn át những tiếng gọi khác. Tôi nói lấn át chứ không nói tiêu diệt. Ở tuổi em, em thấy rõ ràng tiếng gọi luyến ái mạnh hơn tiếng gọi của tình yêu cha mẹ. Điều đó không hẳn đã là một sự bội bạc. Ở cái tuổi đó, tình nặng hơn hiếu, bởi vì tình là tình mà hiếu chỉ là hiếu, nói khác hơn tình là một thứ tình mới mà hiếu là một thứ tình đã nhạt bớt chất tình và thêm vào chất bổn phận, ân nghĩa. Như tôi đã nói, tình yêu có tác dụng rất lớn có thể chữa lành cho em nhiều thương tích nặng nề và giúp em thực hiện được việc lớn nữa nếu em biết chuẩn bị đón chờ nó, biết cách nhận diện nó, đi đôi với nó, bảo vệ, nuôi dưỡng và hướng dẫn nó. Tôi nghĩ rằng vào tuổi hai mươi người ta có thể chưa có đủ chín chắn và khôn ngoan để nuôi dưỡng và bảo vệ tình yêu, nhưng không phải vì thế mà em phải coi tình yêu như một điều cấm kỵ. Chắc chắn là em sẽ vấp váp, khổ đau; nhưng không sao, nếu em biết rút kinh nghiệm để học tập và xây dựng cho tình yêu.

Tôi cho rằng không có một thứ tình cảm nào mà không có liên hệ đến sinh lý, kể cả lòng thương xót, kể cả tình mẹ thương con. Chúng ta sinh ra như một hợp thể ngũ uẩn, vậy những nhu yếu của chúng ta đã được viết sẵn trong bản chất của hợp thể ấy, trong đó có phần sinh lý. Một bà mẹ yêu con, không thể sung sướng được một cách hoàn toàn nếu không được ôm con vào lòng mỗi khi bà muốn.Thấy một đứa trẻ mũm mĩm và ngoan ngoãn, ta cũng ưa gọi nó lại gần, hoặc bế nó. Thấy một đứa bé ngỗ nghịch, dơ bẩn, mắt mũi lèm nhèm, ta không có cái ước muốn đó. Ngũ uẩn ta ưa thích những gì ngọt ngào, êm dịu, tươi mát, đằm thắm, đẹp đẽ. Đó là những nhu yếu tương đối gần nhất. Khi nào trí tuệ và tình cảm ta có những nhu yếu khám phá và yêu thương cao cả, thì tiếng gọi của những nhu yếu ấy sẽ thắng tiếng gọi của những nhu yếu gần gũi kia, và ta sẽ chấp nhận sự mệt nhọc, lo âu, chịu đựng. Tình yêu nam nữ khởi sự là một nhu yếu gần gũi nhất với hợp thể ngũ uẫn còn mang nặng tính chất hưởng thụ nhưng có thể vươn tới giai đoạn tình cảm và nhận thức rất xa để biến thành cao cả, bất chấp những nhu yếu ban đầu.

Ở giai đoạn này con người có thể khinh thường sự hưởng thụ và chấp nhận được sự hy sinh, cũng như trong tình yêu tổ quốc và tình yêu danh dự. Khởi đầu, nó là một đam mê có tính cách ngũ uẩn tổng quát: chúng ta ưa chuộng những màu sắc, đường nét, những cái duyên, những tài ba, những đức hạnh. Và nằm dưới những ưa chuộng đó là nhu yếu tự nhiên của sự bảo tồn chủng loại. Vậy tình yêu nam nữ bắt gốc trước tiên từ những nhu yếu sinh lý‎ căn bản, gửi những cái rễ lớn trong các môi trường nhu yếu thẩm mỹ, trí tuệ, lý‎ tưởng, ý‎ chí và đạo đức để trưởng thành lớn lao. Tính chất của tình yêu sẽ tùy thuộc ở những chiếc rễ nằm trong các môi trường đó. Nếu chiếc rễ ở môi trường sinh lý là chiếc rễ thu hút nhiều chất dinh dưỡng nhất thì cây tình yêu sẽ nặng về sinh lý. Nếu chiếc rễ ở môi trường lý tưởng thu hút nhiều chất dinh dưỡng nhất thì cây tình yêu sẽ nặng về lý tưởng .v.v… Không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Chỉ có một vấn đề quan trọng: tình yêu phải thực là một nhu yếu, nghĩa là một nhu yếu nhắm tới sự xây đắp, bảo vệ và mỹ hoá cho sự sống. Một đam mê làm xáo trộn sự sống, tàn phá sức khoẻ, tàn phá trí tuệ, tàn phá lý tưởng thì không phải thực sự là một nhu yếu của sự sống mà là một sức phá hoại. Đó là nguyên tắc phải theo.

Nếu tình yêu mà mang dáng dấp của đau ốm, của u sầu, của sự chết thì đó là triệu chứng của một sức phá đổ. Nếu tình yêu mà khiến cho ta yêu đời, hăng hái, can đảm, cường tráng, biết hy sinh, thì đó là sự có mặt của sự xây dựng. Em hãy theo tiêu chuẩn đó để chuẩn bị, để nhận diện, để đối phó, để bồi đắp. Yếu tố lý trí có mặt trong tình yêu, bởi vì một tình yêu đích thực là một tình yêu gói trọn bản thể em - nghĩa là khi yêu, em đem hết con người của em để đáp lại tiếng gọi của tình yêu, và như thế sắc thân, cảm giác, suy tưởng, ý chí và nhận thức đều có mặt. Nói tóm lại tình yêu phải biểu lộ sự sống vươn lên. Tình yêu chống lại với sự chết, và mạnh hơn sự chết.

Tình yêu có quá trình sinh trưởng và hoại diệt của nó nên cũng giống như một cái cây cần được vun bón, tưới tẩm, che chở. Sự khôn ngoan, bản lĩnh và ý thức ở đây rất là cần thiết. Nếu em vụng về thì em sẽ làm đổ vỡ lung tung và em sẽ kết luận rằng yêu là khổ. Thực ra yêu cũng là khổ đấy, nhưng mà hầu hết những cái khổ kia đều do em tạo ra chứ chúng không phải là những cái khổ tất yếu phải có trong bất cứ tình yêu nào. Yêu thương theo nghĩa rộng là không công nhận ranh giới của một cái bản ngã. Tất cả mọi hiện tượng, kể cả con người, đều chỉ là những trung tâm quy tụ của những điều kiện. Ví dụ cái bàn. Cái bàn chứng minh bằng tự thân nó, nơi tự thân nó sự có mặt của gỗ,của cưa, của đinh, của búa, của thời gian, của không gian, của người thợ mộc .v.v... Ngoài những điều kiện đó thì không thể có cái mà ta gọi là bàn. Vậy cái bàn chỉ có thể là cái bàn trong liên hệ nhân duyên với vũ trụ, chứ không thể là một cái bản-ngã-không-liên-hệ-gì-hết với những cái khác. Ý tưởng về bản ngã và ranh giới về bản ngã là nguyên do của sự cô đơn trống trãi. Bằng con đường khám phá hoặc bằng con đường thương yêu, ta phá vỡ ý tưởng đó để thể nhập vào vũ trụ trong tương quan tồn tại của các hiện tượng trong nó. Vậy yêu thương, dù là chỉ yêu thương mới có một người, cũng là phá vỡ ranh giới tưởng tượng về một bản ngã để vươn tới nhận thức về sự tồn tại của một trong tất cả và của tất cả trong một.

Do đó mà hôn nhân không phải là biện pháp thiết yếu để giải quyết tâm trạng cô đơn. Chỉ có tình yêu, bất cứ tình yêu nào, miễn là tình yêu lành mạnh, mới có thể giải quyết được cô đơn. Và cái cô đơn của con người chỉ có thể biến mất một cách tuyệt đối khi con người thấy mình sống trong hoà điệu lớn của vũ trụ, nghĩa là hiểu biết tất cả và thương yêu tất cả. Hôn nhân không có tình yêu, hoặc hôn nhân chấm dứt tình yêu thì chỉ là một hình phạt, chỉ làm tăng thêm sự cô độc. Cho nên chinh phục một người để cùng đi đến hôn nhân, điều này rất gần với sự hùn vốn làm ăn, không khác gì đi quảng cáo để tìm người góp cổ phần. Tôi không chống đối gì sự làm đẹp và sự phô trương tài ba cốt để cho người kia say mê mình. Để chinh phục một người khiến cho người đó yêu mình, con trai cũng như con gái có ngàn vạn cách khác nhau; nhất là con gái, vì phái nữ đã được yểm trợ quá đầy đủ trong công tác này.

Số lượng của những gian hàng cung cấp mọi thứ làm đẹp cho phụ nữ cũng đủ chứng mninh cho điều đó. Tôi không chống đối bất cứ một phương tiện nào miễn là những phương tiện kia không làm tổn thương danh dự và nhân phẩm mình. Nhưng tôi nghĩ rằng những phương tiện ấy không đủ để nuôi dưỡng bảo vệ tình yêu. Nếu tất cả những cố gắng của em chỉ là để làm xong được giấy hôn thú thì tôi cho là bi thảm quá. Hôn nhân không giải quyết được nhiều chuyện đâu. Hôn nhân, trong trường hợp này, giết chết tình yêu, hoặc ảo tưởng tình yêu. Người con gái có thể thấy nhược điểm hiếu sắc của người con trai, và có thể chiều theo thị hiếu thay đổi của người con trai bằng cách chải đầu ba kiểu trong một ngày và thay áo bốn lần trong một buổi chiều. Nhưng liệu em có làm như thế được cả đời không, và liệu em làm như thế có đủ không. Tôi không tin là đủ. Muốn có tình yêu đẹp đẽ và bền chặt những người yêu nhau phải biết xây dựng cho nhau. Nếu không, tình yêu sẽ được giới hạn lại trong sự ưa thích mới lạ về hình thức và trong hưởng thụ đổi chác. Từ điểm này, con người sẽ không vâng theo một quy luật nào nữa và xã hội sẽ rối loạn khi tình yêu được định nghĩa như sự đam mê sắc dục. Hiện tượng này sẽ phát hiện toàn diện khi tình yêu theo nghĩa đẹp nhất của nó vắng mặt hoàn toàn trong lĩnh vực con người.

 

Sư Ông Làng Mai