Qua Rồi - Kính dâng ngày Vía Bồ Tát Quán Thế Âm


altQUA RỒI - QUA RỒI - BỜ KIA QUA RỒI

( GATE - GATE - PARAGATE - BARASHANGATE – BODISHAHA )

Hoa từ bi hé nở

Dòng cam lộ đã tuôn

Hồng trần thôi vấn vương

Thả buông về chân thường

 

Viên Không!

Ngọn nến đã chảy hết kìa! nó thức cùng với em cũng khá lâu đó chứ. Khuya rồi ngủ đi em! Ngày mai lễ vía Quan Âm em chưng hoa – quả, đốt nến, trầm và thay nước, làm trang nghiêm bàn thờ dùm chị nha! giao cho em đó. Chị sẽ không giao ai khác ngoài em, Viên Không à!

Dạ! cảm ơn chị! em niệm hết xâu chuỗi này rồi sẽ ngủ, chị nghỉ trước đi, ngày mai em sẽ làm hoàn thành trách nhiệm chị giao hẹn.

Tối nay sao tôi không muốn ngủ, trong cõi lòng cứ mách bảo, mọi năm vía Quan Âm, ở chùa Sư Phụ cũng thường thức niệm danh hiệu và đảnh lễ Ngài cả đêm, bây giờ lên thành phố chỉ đi học thôi há dễ mình lại bỏ ư! Phải thức để tưởng niệm bao hạnh nguyện của Ngài, và trách nghiệm lại với bản thân mình đã học và hành được những gì chứ… Viên Không àh! Cả cuộc đời mà ngươi ngủ hết một nữa rồi đó! Đừng có mà ham ngủ nữa tu mau kẻo trễ kìa, cả ngày ngươi tiếp xúc với nhiều sắc trần, ít nhiều gì cũng phan duyên… nên  ban đêm ngươi phải tỉnh tịnh nhiều thêm một chút an trú vào chánh niệm, và nghiệm xem 24 giờ đồng hồ qua ngươi đã làm gì? Ngươi  phải ý thức rằng: “một khi ngồi xuống thì phải bặt các duyên - thả buông mọi ý niệm tốt - xấu ”. Đưa thân tâm trở về với giây phút thực tại, thanh thản, nhẹ nhàng duyên theo hơi thở - vào ra duy trì chánh niệm nghe không hở Viên Không!.

Tôi như mách bảo với tự thân mình, rằng hãy trở về, trở về với chính mình thôi. Trở về để nghe lại điệp khúc vô vi thưở nào, tôi nhắm mắt nghe lại cõi lòng, nó đang nhẹ nhàng bình an, không vướng bận, an nhiên với hơi thở tôi mĩm cười làm thơ:

“ Phạm âm tiếng đã vang xa

Triều âm sống dậy Ta Bà xã buông

Quan Âm đại nguyện tình thương

Diệu Âm lời nói mẫn thương nhiệm mầu.

Chuông chùa đồng vọng nơi đâu

Đánh thức cơn mộng thiên thâu bao đời

Trang nghiêm giây phút tuyệt vời

Bao nhiêu phép lạ rạng ngời trong tâm”

Thật vậy!

Tôi bình an trong từng hơi thở, nhớ đến hạnh nguyện của chư vị Bồ Tát khiến tôi chợt thức tỉnh, phủ phục và quỳ sụp trước tôn tượng của Ngài. Tôi nhớ lời cố hòa thượng Thích Thông Bửu dạy về câu : “ phản văn văn tự tánh” và tôi đã biết thực tập nghe lại tánh nghe của mình. Kinh rằng: “ kính lạy Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ, Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con, chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến, chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú, để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi”.

Bồ Tát Quan Âm !

Con xin học theo hạnh nguyện của Ngài. Hôm nay, trong giây phút thực tại mầu nhiệm con chợt suy niệm về quá khứ, con quá ư mê mờ và vụng dại, từng gây không biết bao nhiêu đau khổ, bất an cho chính bản thân mình và người khác, con đã từng phẫn nộ, hờn dỗi, trách móc với những người xung quanh con, chỉ vì một lý do đơn giản là họ không đồng tình với ý nghĩ của con. Con đã rơi vào trạng thái chấp thủ cho cái “tôi” và cái “của tôi”, muốn đối tượng kia phải phục tùng theo. Con quên mất câu nói của thầy dạy:

“Dừng mong thay đổi bản tánh của người khác

Mà hãy sữa đổi tâm khó chịu của mình”

Chính vì con quên nên con đã tự cầm lấy cái đau khổ phiền lụy đó, trong từng ngày, từng giờ, từng khắc, nhiều lúc con gọi tên Ngài trong nỗi đau khắc khoải, tuyệt vọng có lần con thưa với Ngài rằng: “con ghét tất cả mọi người”  lúc đó con đang đau khổ, mà không có ai xoa dịu vết thương lòng cả, nên nỗi đau nó cứ mãi hoài diễn tiến, trong sự chịu đựng tột cùng khiến con dấy khởi lên một móng niệm là ghét tất cả. Mặc dù, con không được phép thốt lên lời như thế, nhưng trong thất niệm con  không biết kiểm soát mình để chuyển hóa những hạt giống nội kết đó, sự tu tập của con còn non yếu, nên con đã nói lên những lời như thế! Song con đã biết sửa lỗi, đôi lúc con nảy sinh những ý niệm vừa tạ tội, vừa muốn làm mới. Đức Phật đã từng dạy cuộc đời là vô thường giả tạm, nhưng khi vô thường và những điều bất trắc xảy ra với con thì con cũng có những tâm niệm trách móc, chán ghét, nhưng lắm lúc nó cũng đáng để con  trân trọng và thầm tri ân. Nếu như cuộc sống không có những cạm bẫy gay go, những lời xuyên tạc trước sau, trái phải, những thử thách…thì cuộc đời há có nghĩa gì? “thế gian” là thế, bằng không người ta sẽ đặt là “thế thật” rồi. Một con suối không có những cụm đá gồ ghề để tạo thành những dòng thác tung lên bọt trắng phau, để tô thêm cái vẻ đẹp thiên nhiên cho mọi người ngắm và có quyền suy nghĩ, nhận xét cảm hứng về nó. Nếu dòng suối chỉ biết chảy một cách lặng lẽ theo cái dòng đời bất định, thì chẳng có gì cho ta để ý tới.

Cũng vậy thôi, cuộc sống mà bình lặng quá thì làm sao ta nhận ra ta. Ta chỉ biết sống theo lối quen thường tình của “tập quán nghiệp” “tích lũy nghiệp” thì chữ “tu” đâu có nghĩa gì chứ!. Tu là phải, trong cái đau khổ ta trở về với thực tại, bởi lẽ tất cả cũng điều do tâm, tốt hay xấu cũng từ nơi một tâm này:

“Ta hay cho rằng cuộc đời là méo mó

Sao không tròn ngay tự trong tâm

Đất ôm ấp cho hạt nảy mầm

Nhưng chồi tự vươn lên từ ánh sáng

Nếu tất cả cuộc đời đều trơn láng

Thì chắc gì ta nhận được ra ta

Ai trên đời cũng có thể tiến xa

Nếu có thể tự mình đứng dậy

Hạnh phúc cũng là mặt trời vậy

Không dành riêng cho một riêng ai”

Ngoài việc sửa đổi chuyển hóa con luôn nhớ lại chí nguyện ban sơ, khi con phát bồ đề tâm xuất gia dù cuộc sống có vô vàn thăng trầm, chông chênh…con cũng không nhụt chí, quyết sửa đổi để đạt mục đích, cứ mỗi lần tâm con vọng động, lao lung theo cái nhân duyên bất định, thường nhật chi phối, con cũng đau khổ lắm chứ! Nhưng con nghĩ đến cái sơ tâm ban đầu của mình là một hạnh nguyện cao cả, con nương tựa vào tha lực của  chư Phật Bồ Tát, năng lượng đại hùng - đại lực - đại từ bi của các Ngài, khiến con có đầy đủ ý chí và nghị lực để vượt qua.

Vượt qua – vượt qua con đã tự mình vượt qua rất nhiều lần, con đã ngã quỵ chỗ nào thì từ chỗ đó con đứng dậy, mỗi lần vấp ngã là mỗi lần con có một kinh nghiệm sống giúp con vững chãi hơn, biết nhiều hơn và cảm thông hơn cho những ai lỡ đôi lần vấp phải như con và nguyện không lập lại lỗi lầm đó. Mong rằng mọi người sớm hồi tâm, biết dừng lại khi thấy mình sai phạm, nếu chúng ta sớm hoàn thiện thì nhân loại sớm được niềm vui.

Qua rồi – qua rồi con đã qua rồi những chuỗi ngày gian truân. Bước qua bờ kia con tự do đến đi thong dong, con sẽ không ràng buộc ai và cũng sẽ không ai ràng buộc con.

Đã đến lúc con chợt nhận ra sự khác biệt tinh tế giữa việc chấp thủ và sự ràng buộc một tâm hồn.

Đã đến lúc con chợt hiểu nuôi dưỡng lòng vị kỷ sẽ không là bình an.

Đã đến lúc con chợt nhận ra vọng tưởng của thiện - ác đều quấy nhiễu thân tâm.

Đã đến lúc con con phải tập sống ( tu là sửa) Hỷ - Xả - Từ - Bi, để làm sao mỗi ngày con có thể tha thứ được cho những người đã từng làm con đau khổ, vì họ cũng giống như con, đôi lúc cũng chưa có đủ chánh niệm, chưa có đủ hiểu biết, chưa có đủ thương yêu còn có những tri giác sai lầm và con phải buông bỏ. Tại vì trong con cũng đã từng lầm lỡ như vậy đối với những người thân và kẻ khác, nếu con muốn Phật Bồ tát bỏ qua cho con, thì con cũng phải bỏ qua cho những lầm lỡ, vụng dại, vô tình, hay nợ nần mà ai đó đã gây ra. Và đây chính là sự thực tập, một sự cầu nguyện bằng hành động, qua đời sống thường nhật mà con phải ghi nhớ.

Suy cho cùng thì chúng ta thường ưa đi tìm cho mình một vị Bồ Tát trong tranh, trên mây nhưng mình đâu có biết là mình đang sống chung, với những Bồ Tát nghịch hạnh và thuận hạnh bằng xương bằng thịt họ có thể giúp chúng ta chia sẽ lắng nghe bằng cả trái tim đó là sư huynh, sư đệ của mình, vậy mà bấy lâu con lại mơ tưởng rông rủi, không nhận diện được lẽ thật đó, nên cứ chuốc lấy sự bất an trong khổ đau.

Vía Bồ Tát Quan Âm chính là ngày mà mỗi chúng ta điều phải nhớ đến những hạnh nguyện viên thông của Ngài để trở về kiểm điểm lại thân và tâm, xem chúng ta đã học và hành được chút gì chưa, ngày nào ta cũng niệm danh hiệu Ngài, lạy Ngài để làm gì? Ý niệm đó ta đã dung thông chưa? Hay là ta chỉ cầu nguyện cho chính bản thân, còn mọi người khác mặc tình. Hoặc ta phó thác cuộc đời cho Ngài, mà tự thân ta không có tu tập chuyển hóa, điều này cần phải xem lại, coi chừng ta rơi vào trạng thái mê tín, bởi vì “tin mà không hiểu”. Quan Âm là hạnh lắng nghe, Quán Âm là đại từ bi, vậy đã đến lúc ta phải thực tập: “lắng nghe để hiểu - nhìn lại để thương”

Đời sống con người thật quý giá nhưng cũng quá đỗi mong manh, hôm nay còn khỏe mạnh vui sống, nhưng ngày sau sẽ ra sao? Vẫn là điệp khúc vấn nạn nhân sinh muôn thưở, con người chỉ chợt chạnh lòng tê tái, với một thoáng cảm nhận mong manh, khi vô thường xảy ra với mình… theo tuệ giác của Đức Thế Tôn  thì mạng người chỉ tồn tại trong hơi thở. Quán niệm và đối diện với cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào là điều mà mỗi người phải thực hành, chính là nhận ra sự mong manh tạm bợ, nay còn mai mất của kiếp người, sẽ giúp con người trân quý cuộc sống hơn,  những thành bại được mất, tranh đoạt, hơn thua, tham vọng và thù hận… sẽ chẳng có giá trị gì nếu gần kề với cái chết. Thế nên chúng ta phải làm ngay những việc cần làm, không làm cho mình mà phải làm cho mọi người, hãy thôi đi những ý niệm nhỏ hẹp, hãy từ bỏ ngay những hành động không lợi ích cho ta và người, hãy đem tình thương trang trải muôn nơi, cho cõi lòng được mênh mông, thế giới được thênh thang, con đường được mở rộng để ta và mọi loài thong dong dạo bước.

Ta không hẹn ngày mai, vì ngày mai là ngày của tương lai, ta chỉ sống trọn vẹn với giây phút thực tại, xa lìa tham ái mà hỷ xả, tha thứ và nghĩ đến mọi người, luôn giúp người vượt qua những khó khăn, thì cuộc sống sẽ bớt đau khổ con người sẽ thương nhau hơn, đồng thời tinh cần học và thực hành những hạnh nguyện của Bồ Tát. Để hôm nay ta đốt nén tâm hương tưởng nhớ Ngài mà lòng không hổ thẹn.

 

TỊNH PHẠM ÂM