Những miếng vá trong khuôn viên chùa Việt


Từ lâu, khuôn viên chùa không chỉ tỏa bóng mát mà còn gắn kết với kiến trúc thành một thể thống nhất mang thông điệp của di tích. Buồn thay, không gian dung dị ấy đang bị biến dạng bởi những miếng vá khó hiểu.

 

alt
Ngôi đại tháp 13 tầng của chùa Bằng A nom hao hao ngôi chùa tháp Ngũ Phúc Lâm Môn (Quế Lâm, Trung Quốc)

Trước kia, chùa Việt xưa thường giản dị, hòa mình trong thiên nhiên tươi tốt như tự nhiên vốn có. Trong vườn trồng thứ cây phù hợp để gửi gắm thông điệp của ngôi chùa. Nơi trồng cây đề là để nhắc người thăm viếng hãy dẹp lòng trần mà tĩnh tâm nơi cửa phật. Cây thông (chùa Trăm Gian - Hà Nội) nói đến học rộng tài cao. Ở đâu có nhà sư biết chữa bệnh trước chùa trồng một cây sung (chùa Một Cột - Hà Nội) hàm ý sự khỏe mạnh. Cây muỗm, cây sấu được trồng lấy quả, cũng là nơi để các vong hồn nương tựa...

Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Chẳng nhận đâu ra nét mộc mạc của vườn chùa. Dường như, bệnh “hoành tráng hóa” chùa chiền đã bắt đầu di căn vào lớp áo thiên nhiên tươi tốt xung quanh di tích bằng những miếng vá lai căng từ mọi miền thế giới.

 

alt

Quần thể tượng phật ở chùa Phổ Linh (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Đ.Trần


Những miếng vá

Hội chứng “vườn Nhật” khá phổ biến tại chùa ở Hà Nội. Chùa Trấn Quốc, chùa Tảo Sách đều là những ngôi chùa nổi tiếng song không hiểu vì sao trong chùa lại có một góc có nào đèn, cỏ Nhật, đá cuội và sỏi nhang nhác giống vườn thiền xứ Phù Tang.

Nhiều chùa không làm “vườn thiền” thì cũng cố đặt ở khuôn viên những chiếc đèn đá bốn góc lồng cong nhọn đặc trưng của Nhật. Chưa biết khuôn viên có đẹp lên không, nhưng thấy chúng đứng cạnh những cây đề, cây muỗm thấm đẫm hồn Việt mà buồn.

Chùa Phổ Linh ven Hồ Tây (Hà Nội) vốn giản dị và cổ kính. Nhưng từ khi vườn rau trước cổng chùa được qui hoạch để biến thành một khuôn viên với quần thể tượng Phật thì vẻ đẹp thuần khiết xưa đã biến mất. Ngoài nhóm tượng phật bằng bê tông trắng đứng quanh Phật hài nhi đứng giữa bồn nước còn có những bức tường vây quanh đắp nổi hình tượng phật nhiều màu sắc.

Quần thể tượng ở chùa Phổ Linh có thể do ảnh hưởng từ phật giáo Tiểu thừa, nhưng sắp đặt tượng phật ven lối đi như ở chùa Bằng A (quận Hoàng Mai) khiến nhiều người liên tưởng đến những bức tượng đặt trong những khu vườn kiểu Âu.

Chuyện sư tử đá ở khuôn viên chùa cũng đã quá nổi tiếng. Sư tử kiểu Âu ngồi chầu ở chùa Hương, sư tử “rạp xiếc” ở chùa Quan Hoa (Hà Nội), sư tử nhiều mặt kiểu Trung Quốc ở chùa Phúc Khánh.

Ngỡ rằng Hà Nội chỉ có tòa tháp phật 11 tầng ở chùa Trấn Quốc là to và đồ sộ nhất. Ấy thế mà chùa Bằng A lại sở hữu tòa “bảo tháp báo ân” 13 tầng với 104 tượng phật đồng lớn nhỏ bên trong và 4 pho tượng Thiên vương bằng đá bên ngoài, cùng loạt tượng đá nằm rải rác quanh vườn. Hoành tráng đã đành, nhưng nhìn từ xa thấy đại tháp 13 tầng không khác ngôi chùa tháp Ngũ Phúc Lâm Môn ở Quế Lâm, Trung Quốc là mấy.

Đạo Phật - tôn giáo mở, nhưng…

Họa sỹ Bùi Hoài Mai, người có nhiều am hiểu về kiến trúc truyền thống cho biết, “Phật giáo là tôn giáo mở, tính du nhập và biến đổi văn hóa vùng rất mạnh. Vì thế ở Việt Nam mới có khái niệm “Tam giáo đồng nguyên”, trong chùa thờ cả phật, thánh và nhiều thứ nữa. Vì vậy, sự giao thoa văn hóa, kiến trúc trong đạo Phật nước ta là chuyện bình thường”. Tuy nhiên, theo ông thực trạng của kiến trúc Phật giáo ngày nay chưa được thời gian làm nhuyễn và cũng chưa được những người hiểu biết tham gia vào.

Trong một bài viết, TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Di sản văn hóa từng cho rằng ý kiến của những người công đức kém hiểu biết vào quá trình tu bổ là một trong những nguyên nhân khiến di tích bị biến dạng.

Ông dẫn ví dụ về việc một người sẵn sàng công đức vài trăm triệu đồng để sửa lại gác chuông với điều kiện phải làm bằng bê tông. Theo ông, những kiểu “yêu mến” di tích như trên cũng nguy hiểm như những hành động lấn chiếm, vi phạm ở di tích.

Theo TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Di sản văn hóa, “việc giữ gìn các yếu tố nguyên gốc là nội dung cơ bản tạo nên sự khác biệt giữa thiết kế và thi công tu bổ di tích với việc xây dựng một công trình mới”(*). Không hiểu sao người ta vẫn bị cơn bão sính ngoại cuốn đi rồi “nhân danh trùng tu” (từ của họa sĩ Lê Thiết Cương) để làm mới chùa chiền?

Điệp Trần (TP)

------------------------------------

(*)# Tạp chí Di sản văn hóa số 2 (15) - 2006