Hiểu Mới Có Thể Thương


chutieu 1.jpg

Cũng như thế, muốn hiểu anh ta, muốn thương chị ta, muốn hiểu con ta, muốn thương mẹ ta, thì ta phải hiểu tính nết, bản chất của người đó.  Ta phải hiểu được ước mơ, sở thích, tình cảm, tính nết và nhu yếu của người thương.  Người ấy ưa im lặng thì ta phải trân quí sự im lặng.  Người ấy ưa hát thì ta nên khích lệ để người ấy hát.  Không hẳn im lặng mới hạnh phúc hoặc hát ca mới hạnh phúc.  Hạnh phúc là hiểu được nhu yếu, yêu thích của người thương, thì từ đó hát cũng hạnh phúc mà im lặng cũng hạnh phúc như thường.

Có một sư em rất ưa ngồi thiền.  Mỗi lần ngồi thiền, sư em ngồi rất lâu, khoảng từ hai giờ cho đến ba giờ, và sư em thật sự có nhiều hạnh phúc.  Sư em bảo: ''Có lúc con ngồi thật là yên nên con có thể nghe được nhịp đập của trái tim.  Con cảm thấy lắng sâu và khỏe nhẹ vô cùng.''  Sư em cũng là nghệ sĩ.  Sư em yêu thích âm nhạc.  Sư em đàn ghi ta sành sỏi lắm, nghệ sĩ lắm.  Tới đâu sư em cũng mang lại niềm vui cho mọi người.  Trong khi đó, một sư em khác thích gần gũi với anh em hơn.  Sự thực tập chính của sư em là mở lòng ra để đến chơi với từng người trong chùa.  Nhờ gần gũi anh em, sư em thấy được tâm ý, tình cảm, nhận thức của mình, do đó sư em nuôi dưỡng được tình huynh đệ.  Sư em nói rằng: ''Ngồi thiền chưa hẳn là phương pháp tu cao.'' Sư em này cũng là một người tu hạnh phúc.

Nghe hai sư em trình bày như thế, Lang chia sẻ rằng sư em nào cảm thấy ngồi thiền là hạnh phúc thì cứ ngồi thiền.  Sư em nào cảm thấy chơi với anh em là hạnh phúc thì cứ tiếp tục nuôi dưỡng thực tập ấy.  Căn cơ, nhu yếu, sở thích của mỗi người đều khác nhau nên sự hành trì của ta cũng khác.  Do đó, ta hãy mở lòng để trân quý giá trị của nhau.  Đừng bắt người kia phải giống mình.  Thấy người kia ngồi thiền, ta nên phát khởi tâm niệm hân hoan.  Thấy người kia hạnh phúc được gần gũi anh em, ta nên sung sướng.  Hiểu được nhu yếu, sở thích, chân như của người khác, ta có thể thông cảm, chấp nhận và sống hạnh phúc với nhau.  Hiểu biết đích thật là thương yêu.  Nhờ hiểu được ước mơ, sở thích của người thương nên ta có cơ hội khích lệ cho người ấy, giúp cho người ấy thêm tự tin.  Nhờ hiểu được tính nết của người thương nên ta biết cách nói, cách hành xử một cách thích hợp để không tạo ra sự mâu thuẫn, khổ đau cho cả hai.

Tóm lại, tình thương là chất liệu chữa trị khổ đau, hóa giải tranh chấp và đưa tới sự hòa hợp, tin yêu và hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, gia đình, cộng đồng.

Chân Pháp Đăng