Nhớ chùa

image

Trời còn tối lắm, những P.T oanh vũ( từ 5 đến 10 tuổi ) và P.T thiếu nữ đi đầy đường. Bà Phủ Ch ( chồng bà ấy làm tri phủ nên lối xóm gọi bà ấy là bà phủ) đã nấu sẵn một bàn cháo đậu huyết cho các em và các anh chị P.T dùng sáng. Bà ấy là một phụ nữ mập người và còn trẻ với làn da trắng, sóng mũi cao, bà đẹp lắm ở tuổi ba mươi. Năm ấy tôi mới học lớp ba, chị Miên lớp nhất tức lớp năm bây giờ. Bà ấy cười nói lớn tiếng rất vui vẻ, bà bảo, ăn đi không ít nữa nắng lên lại đói bụng mà xỉu. Bà cũng báo các chị thiếu nữ nhớ đem theo chanh đường đề phòng các em có người xỉu vì say nắng.

5 giờ sáng P.T các khuôn hội đi bộ lên chùa Từ đàm, cái đuôi người nối dài từ bên này cầu Tràng Tiền sang đến bên kia. Tôi cùng chị đi mà không thấy mệt, thấy mỏi, chỉ thấy trong lòng háo hức xôn xao nơi mình sẽ đến. Phật đản là một ngày vui, một ngày hội lớn của các người con Phật từ khắp nơi đổ về chùa Từ Đàm dự lễ với dòng thác người đổ xô lên các chùa trên núi cao. Một ngày vui, ngày đó…bao tính toán lo âu, bao phiền muộn đau khổ, bao ghét ghen tị hiềm… trôi tuột như con sông đổ ra biển và niềm vui sướng được làm một người con Phật như hạt mưa rơi thấm nhuần cây cỏ, tưới đẫm ruộng đồng. Ngày Phật Đản sanh là ngày nở những đóa hoa sen tinh khiết dưới gót chân hoàng hậu Ma Da. Đó là ngày người ta tưởng nhớ đến Đức Từ Phụ ngồi dưới cội cây Bồ đề, ngày đó là ngày của tha thứ, của tình yêu thương. Đấng Từ phụ luôn dạy chúng sanh hãy học lấy bài học đầu tiên là tình thương bởi chỉ có Tình thương mới xóa bỏ được  hận thù.

Chúng tôi lớn dần lên. Ngòai công việc nội trợ hàng ngày Mẹ siêng đọc kinh hơn. Ba vẫn ít nói và ham đọc sách, đọc sách là niềm đam mê của ba song không phải vì vậy mà ông bỏ qua dịp cúng dường hàng tháng. Me tôi thích những mẫu chuyện Phật do sư bà Thể Quán viết. Trải qua bao dâu bể,  bóng dáng mẹ hiền luôn thường trú trong trái tim tôi như những cánh sen màu hồng mẹ tôi trồng trong cái bể trước nhà, ngay sau lưng cây hoàng mai. Hồi ấy đã sáu mươi tuổi mẹ còn ra phố làm việc với cậu tôi, một hãng buôn lớn nhất thời đó có chi nhánh ở các thành phố lớn như Đà nẵng, Sài gòn. Ông cậu mà phố phường xung quanh gọi là mệ Bửu. Làm việc trong hãng buôn, cùng với một người thư kí kiêm quản gia, một phụ nữ thường được gọi là mụ Kí lo việc nấu ăn, chiều tối mẹ mới về. Mệ Bửu xuất thân dòng hoàng tộc, khuôn mặt vuông chữ điền, đôi mắt sáng, dáng dấp tầm thước. Bà mợ có những đường nét sắc hơn, chắc hồi trẻ mợ đẹp lắm. Vậy mà, hai người là kiểu mẫu của sự ăn uống thanh đạm và chi tiêu đúng chỗ. Sợ béo phì, mợ: Buổi sáng gạo lứt, muối mè hoặc một chén cháo gạo ruộng dùng với muối loãng hay với đường phổi. Cậu: có khi một tô bún nhỏ, hay xôi, cháo nấu sẵn. Năm thi mười họa, do công việc làm ăn, cậu cùng với một đối tác bay sang Hồng Kông ăn sáng rồi trở về nhà vào khoảng sau 8 giờ sáng. Mệ Bửu rất giàu, bao nhiêu tiền tỉ dồn vào chuyện mua bất động sản, đầu tư việc học cho con. Một anh học bác sĩ ở Đức, một chị là dược sĩ mới ra trường. Chị gái giữa học Đồng Khánh, hai anh kế đang chuẩn bị thi vào đại học. Năm đó anh trai út thi hỏng vào lớp sáu, cậu  tôi không nói gì, chỉ bắt anh hàng ngày mài một hòn đá, mối ngày phải ngồi mài một tiếng đồng hồ. Mẹ tôi nói, cháu đang nhỏ phạt làm gì. Cậu tôi đáp, làm thế cho nó hiểu, làm việc gì cũng phải có chí và sự kiên trì chứ! Cậu có một thời thiếu niên vất vả, theo lời mẹ kể - thời hàn vi cậu tôi sửa xe đạp bên vệ đường – do đó cậu quý chuộng cái học. Dạy con nghiêm vậy, bản thân dùng một cái máy đánh chữ đã cũ nhờ hàng tuần vô dầu mỡ nên còn tốt, mẹ tôi nói cậu ít dùng đến máy chữ mà hay dùng bàn toán kiếu xưa khi cọng tiền. Cái máy chữ đã cũ, cậu cho tôi mượn. Giữa phố Trần Hưng Đạo, chỗ tôi ngồi đánh tiếu luận ra trường là một quầy lát men đã cũ, có viên ngả màu vàng nứt rạn, đó là nơi cậu mợ và mẹ tôi dùng bữa trưa. Chỗ ngồi đó rất yên tĩnh, mát mẻ, nằm sâu trong hãng. Hãng buôn  kéo dài từ phố trước ra thấu con đường phía sau bờ hồ. Tôi vẫn nhớ ơn cậu về chuyện ấy. Tiền bán được buổi chiều mẹ tôi đi gởi ngân hàng. Nhờ làm thư kí cho cậu, mà mẹ tôi được gặp hai người bà kính trọng, đó là quý sư bà Thể Quán và Cát Tường về đặt cọc tiền mua máy cày cho nông dân. Tiền mua máy cày là tiền các Phật Tử đóng góp. Một người mê truyện của Thích nữ Thể Quán như mẹ tôi, ngẫu nhiên được gặp và tiếp chuyện với sư bà mẹ mừng lắm. Đi tới lui nhiều lần, mua máy xong( tôi nhớ hồi đó sư bà mua hai cái ), sư bà cho người chở ra Quảng Trị cho nông dân. Mẹ tôi đem chuyện này kể với chúng tôi trong bữa cơm gia đình( bà chỉ về ăn bữa tối ), đủ biết mẹ quý kính hai vị lắm và có thiên hướng tu học như thế nào.

Lớn lên, vào ngày lễ Phật Đản chúng tôi dậy lúc 4giờ sáng, từ mọi ngả đường về tập trung tại chùa Diệu Đế chứ không về nhà bà Phủ Ch. nữa. Chào mừng lễ Phật đản, là dịp để mỗi người có dịp trở về với chính mình, trở về chăm sóc hải đảo tự thân - như lời trong kinh dạy. Là dịp để vui chung niềm vui của mọi người. Là dịp để chúng ta mở lòng ra cúng dường, nguyện cầu Đức Phật Thích ca Mâu ni, cầu nguyện Phật bà Quán Thế Âm. Những đêm ở lại chùa chơi lửa trại, những tuần sinh hoạt vào buổi sáng chủ nhật…chúng tôi có cảm giác bao giờ cũng có sư bà bên cạnh mặc dù bà không trực tiếp ở kề bên. Sự dịu dàng, tế nhị và lòng từ bi của sư bà là cái chúng tôi nhớ nhiều hơn cả. Đối với người, ai bị nạn thì giúp đỡ họ. Sư bà vẫn nói, cái đức lớn nhất và khó nhất bên trong mỗi người chúng ta, là hạnh bố thí. Mỗi khi có ai cần đến sự giúp đỡ của ta, hoặc cho dù họ chưa cần, mà thấy người khốn cùng khổ cực ta nên cho họ; ví như, bớt chút đỉnh cơm nguội trong nồi cho người ăn xin đến trước cửa nhà mà không phải nhớ đến việc ấy, là tập tu được rồi các con ạ. Tu nghĩa là tập thương. Làm sao chúng tôi quên được người với những lời lẽ giản dị mà hàm súc đó? Kẻ may mắn được nương nhờ dưới bóng Phật đài, ở luôn trong chùa thời niên thiếu, được nuôi dạy trong bầu không khí yêu thương, sống gần gũi với sư bà hơn ai hết là Phác, một huynh trưởng P.T của chi đòan Thanh.

Có một năm, tôi cùng Phác và vài người bạn đến thăm quý sư cô ở tịnh thất Hoàng Mai. Có thể nói không khí mùa xuân yên tĩnh gần như tuyệt đối ở nơi này làm cho những kẻ còn đang tuổi thanh xuân như chúng tôi thấy lòng mình êm dịu lại, thanh thản làm sao! Nơi đây xa phố, xa mọi tiếng ồn, xa khuất hẳn cảnh ngựa xe mỗi chiều chủ nhật. Nơi đây có nhiều mai. Chúng tôi dựng xe bên ngoài, chầm chậm bước vào giữa hai hàng mai vàng nở rộ, cảm nghe rất rõ hương vị của mùa xuân đang đến. Bước chân vào tịnh thất, chúng tôi tưởng chừng bao nhiêu cái u nhã, sự sạch sẽ tinh khiết cùng về hội tụ nơi này. Hoa mai là thứ hoa mùa xuân đẹp kiêu sang. Gần như hoa sen, mai nở cho đến gần hết tháng giêng trong khi các loài hoa khác, vạn thọ và cúc chóng tàn. Sen nở trong đầm Tịnh Tâm ngát một mùi hương nhẹ nhàng, mai nở trong tịnh thất đẹp vẻ nửa dung dị nửa đài các. Nói dung dị vì đất ươm trồng mai ở trên núi cao, gần với khí hậu ôn đới hơn nhiệt đới. Mùa xuân đến càng đậm đà thêm với sự có mặt của những con người đạo hạnh. Lòng từ bi, trí huệ của hai người khiến mùa xuân ngọt ngào thêm và niềm vui được nhân đôi lên trong những tâm hồn son trẻ, nói thật ra đang còn khao khát yêu đương.

Chúng tôi lớn dần  lên theo ngày tháng thoi đưa. Chiến tranh leo thang, Phác đi lính, sau đó sang Mỹ theo diện HO, tôi xa gia đình và vẫn ở lại Huế. Chiến tranh qua lâu rồi, hai hàng mai trong tịnh thất Hoàng Mai còn đó, sư bà Diệu Không, sư bà Thể Quán đã ra đi. Sư bà Cát Tường sức khỏe đang như ngọn đèn trước gió.

Cuộc sống thời bao cấp khiến chúng tôi thưa thớt dần việc đến chùa vì đi dạy xa, bận nuôi con mọn, và thêm nữa, việc nhà. Cứ mỗi năm mùa Phật đản về, trong tiềm thức  tôi, ngôi chùa hàng năm tôi và mẹ ba cùng đến thắp hương lế Phật đầu năm, nơi chúng tôi thành kính quỳ tụng kinh, hát bài Trầm hương đốt ngày còn trẻ vẫn còn nguyên. Lòng buồn buồn nhớ đến chùa với bao kỉ niệm êm đềm, nhớ những mẫu chuyện Thích nữ Thể Quán viết ngày xưa với một giọng văn đặc biệt chỉ riêng sư bà có. Đó là khuôn mặt rõ nét nhất của Phật bà Quan Âm. Không biết Phác có còn nhớ, những tháng ngày đoàn sinh mình cùng sống bên nhau, chỉ sống bên nhau qua những trại đoàn ở chùa Vạn Phứơc, Tây Thiên, Từ Hiếu, Trúc Lâm… và sau cùng là chùa Diệu đế. Cắm trại trên núi là một chuyện thần tiên! Mình có thể ca hát, nấu ăn ngoài trời, chơi trò chơi lớn, cắm trại ba ngày có triến lãm đồ thủ công và báo tường…trong tự do có kỉ luật, một kỉ luật tự giác được thiết lập trong tình thương yêu và hiểu biết.. Mỗi em một ba lô sau lưng đem theo chén đũa, gạo, quần áo để thay với vài thanh củi để nấu ăn. Các em nhỏ đeo ba lô nhỏ. Đi trại là tập tinh thần sống cộng đồng ở ngoài trời không ỷ lại vào người khác. Tập tinh thần trách  nhiệm lấy việc mình làm. Tập sống chung với nhau trong tinh thần tương thân tương ái. Các trại viên thi cắm trại nhanh, thi nấu ăn và những bữa ăn ngoài đồi  núi dưới bóng thông reo ngon lành làm sao! Thấm thoắt ba ngày trại qua, các em nhỏ( oanh vũ ), các anh chị lớn( thiếu nam, thiếu nữ, chi đòan Thanh ) chia tay nhau trong bài ca“ Giây nhân ái ”. Chia tay trong niềm vui hẹn một cuộc trại sang năm, chia tay với ít nhiều luyến tiếc để rồi chú nhật lại gặp nhau. Bên kia tả ngạn sông Hương là những chi đòan, Anôma, Yên Tử, bên này hữu ngạn, chi đòan Nhất chi Mai, chi đòan Thanh Tuệ. Sau khi nhổ trại cả một vùng đất xung quanh sạch bong, trả lại cho núi đồi không gian yên tịnh, trong lành với tiếng reo muôn đời bất tử của ngàn thông. Cả đòan ung dung tự tại ra về trên những con ngựa sắt( xe đạp ).

Hàng năm đoàn sinh đi thăm cho quà cô nhi viện, cho quà người già neo đơn. Hàng năm mình không quên đến thăm nhau vào dịp Tết. Có một lần cắm trại trong chùa, chi đoàn Thanh  ăn mặc giả trai, khăn đóng áo dài đen, Phác còn nhớ chứ.

Bóng dáng sư bà trùm khắp. Đi trại, đi cứu trợ, thăm viện cô nhi, lễ Phật đản…khi nào sư bà cũng quan tâm đến chúng tôi, chưa khi nào sư bà để chúng tôi đơn độc.

Mỗi mùa mai nở tôi lại nhớ đường lên tịnh thất Hoàng Mai, ngày ấy tôi còn trẻ lắm, mới 18 tuổi. Bây giờ ngồi đây tôi đang nhớ đến sư bà. Nhớ chùa xưa nơi diễn ra những buổi sinh hoạt hàng tuần, nhớ tất cả kỉ niệm. Chúng tôi còn làm được tờ báo nội san và còn đóng kịch nữa. Hoa mai trên tịnh thất luôn sống động trong kí ức tôi, tuy không ở qúa xa bên trời Tây như Phác mà hàng năm tôi chỉ có thể đến thăm tịnh thất một lần vào ngày giỗ sư bà. Có cảm giác hoa mai còn sống lâu trong Phác hơn trong tôi nữa. Có khi tôi cũng quên! Cuộc sống khiến con người trở nên vô tình chăng? Ta chỉ nhớ đến hoa mai mối năm Tết đến và chỉ nhớ sư bà mỗi năm ngày kị.

Hình như chưa khi nào chúng ta dành thì giờ tưởng nhớ người Thầy của chúng ta một cách toàn vẹn. Tụ tập gặp nhau trong ngày giỗ các đoàn viên Phật tử ở chùa Thiên Minh, cúng và ăn uống xong, họp phát học bổng cho con em các đoàn viên nghèo học giỏi, đường ai nấy đi. Cuộc sống, những bận bịu lo toan cơm áo đời thường cuốn chúng ta đi. Chúng ta làm cái chi cũng vội vã, lật đật, thậm chí một năm hẹn gặp nhau một lần vào ngày kị sư bà mà có em cũng quên. Có em không bao giờ đến chùa nữa. Có em ham buôn bán làm giàu, quanh năm không thấy mặt; thậm chí chỉ đến tham dự lễ kị đoàn viên một lần rồi thôi. Có năm kị sư bà Cựu LDHSPT lác đác chưa tới hai chục người. Ngày giỗ sư bà, chúng tôi họp nơi bàn đá ngoài vườn, đóng tiền cho ngày giỗ các đoàn sinh( đã mất ) vào năm sau, ai về nhà nấy. Rằm Vu Lan chúng tôi hẹn nhau làm lễ cài hoa hồng trên tịnh thất  Hoàng Mai đồng thời là dịp để gặp sư bà Cát Tường. Những năm về sau Người yếu hẳn, chỉ có một ni cô trẻ đại diện làm lễ và nói chuyện báo hiều. Sau nghi thức tụng niệm, chúng tôi cài hoa hồng lên áo cho những ai còn mẹ, hoa trắng cho những ai không còn mẹ. Ngày này có người khóc có em lại cười. Xong rồi đường ai nấy đi. Hình như chưa ai trong chúng tôi sống chậm lại để hiểu tình  thương thật sự là gì. Trong tình thương cần có sự hiểu biết. Phải chăng trải qua bao biến cố tâm hồn bị gai nhọn quá nhiều, thương tích qúa nhiều không còn chỗ để ta lắng nghe nhau và yêu thương nhau nhiều hơn, anh Phác? Hình như chưa ai trong chúng ta thành tâm nhớ lại những gì tốt đẹp sư bà làm cho chúng ta cả. Một người làm điều lành vạn người khác được nhờ, điều này nói nghe như thật mà lại là sự thật.

Chắc chắn sư bà không trách chúng ta  bao giờ. Người vốn thông minh, trí tuệ và từ bi. Phác có còn nhớ những mẫu chuyện Phật sư bà viết cho Phật tử đọc không? Ba má tôi đọc còn thuộc hơn, mẹ tôi còn thuộc kinh hơn nữa. Bao nhiêu vật đổi sao dời. Khi tai biến xảy ra với tôi cách đây sáu năm, tôi mới nhận ra mình còn biết bao thiếu sót trong vấn đề tu học. Những ngày nằm viện tôi không trông ai đến thăm. Mọi sự thay đổi, những cảm nghĩ trong tôi đổi thay. Những người mà không bao giờ tôi có thể ngờ được đến thăm tôi nhiều hơn ai hết. Ngày giỗ các đoàn viên Phật tử đến lúc tôi đang còn nằm trên giường bịnh; tôi gọi cho một em đòan viên chi đòan Thanh cũ đang bị chứng bịnh ung thư hành hạ ở gần đó. Tôi hỏi em có nhớ hôm nay là ngày gì không, em bảo có nhớ mà không đi được. Sau này tôi vẫn cho là mình vô tình. Khi còn khoẻ mạnh dường như cuộc đời cuốn lôi ta đi từng đợt sóng này đến làn sóng khác, ta không có thì giờ chăm sóc cho bản thân mình nói chi đến chăm sóc cho người khác! Các em lo cho con cái, chăm sóc việc làm, gia đình, có em còn lâm vào hoàn cảnh khó khăn cần các anh chị em trong đoàn hỗ trợ. Và sự vô tình với nhau là lẽ đương nhiên hay chính là hệ qủa?

Dịp thầy Nhất Hạnh về lập  đàn tràng giải oan bát độ tôi có dịp trở lại chùa xưa. Tôi nhớ sư bà, đột nhiên nhớ, thế thôi mà bâng khuâng. Chợt nghĩ, đây có phải là dịp để mình lắng lòng lại; nghe pháp thoại là một dịp rất hay để tự lắng lòng mình lại, soi sáng thêm phần mờ tối của trí năng. Còn là để mỗi người tập tu. Hình như mỗi P.T đều luôn luôn ở trên con đường tập tu. Tu là tập thương. Tập thương để con người thật sự là người.

Không biết bên trời tây Phác và một số phật tử khác có đang chờ lắng nghe tiếng chuông ngân rộn rã báo hiệu mùa Phật đản sắp về?

Năm tháng lớn dần lên, tuổi đời có già đi tôi mới kịp hiểu ra, hình như  chưa bao giờ sư bà biến mất trong tôi. Bà luôn  luôn ở trong tôi như những cánh hoa sen mùa hạ nở trong hồ Tịnh Tâm. Dù ngày xưa tốt đẹp đã qua, tuổi thanh xuân qua mất rồi, sư bà vẫn còn đó không bao giờ mất. Những cánh sen mùa hạ mẹ tôi trồng - nhà đã bán về tay chủ khác hai mươi năm rồi - không bao giờ mất. Sen trắng, sen hồng, sen cao sản( từ lâu chừng như hạt cao sản lấn át hạt sen Tịnh Tâm - thứ sen nhỏ hạt mà mùi thơm dậy lên từ chén chè khi múc ra, khi để nguội nó vẫn còn thơm và ăn rất ngon ) cứ mùa hè lại cho hoa, cho hạt. Vạn vật biến đổi vô thường. Bóng dáng sư bà, hay nói khác, cái đền đài linh thiêng trong mỗi con người chúng ta vẫn còn đó, để chúng ta trở về chăm sóc và nương tựa. Mỗi năm cứ đến mùa Phật đản, ngày hội tụ của tình thương và sự giải thóat, những người con Phật và những kẻ đi xa trở về lại có dịp quỳ dưới phật đài lắng nghe tiếng chuông ngân, để cảm thấy lòng thanh tịnh đến vô cùng.

Hương Tâm Hoàng Thị.

Tháng 5/2007 – tháng 3/2010