Đáp lời khách hỏi về Thiền - Tịnh

Nhân có khách hỏi về Thiền và niệm Phật, dẫn lời Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ: “Có Thiền không Tịnh độ. Mười người lạc hết chín”. Và thắc mắc về hậu thân của Thiền sư Ngũ Tổ Giới là Tổ Tử Chiêm (Tô Đông Pha) cho đến vị tăng Nhạn Đảng sau sinh làm Tần Cối… Sư đáp : “Kinh Lăng Nghiêm có nói: Khi Bồ-tát Văn Thù lựa chọn pháp Viên Thông có thuyết bài kệ rằng:

Quy nguyên tánh vô nhị

Phương tiện hữu đa môn

Thánh tánh vô bất thông

Thuận nghịch giai phương tiện

Về nguồn tánh không hai

Phương tiện có nhiều cửa

Thánh tánh đâu chẳng thông

Thuận nghịch đều phương tiện


Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ có làm bài Tứ Liệu Giản về Thiền và Tịnh như sau:

Có Thiền không Tịnh độ

Mười người lạc hết chín

Âm cảnh hiện trước mắt

Lập tức theo nó liền

Không Thiền có Tịnh độ

Vạn tu vạn đến chỗ

Chỉ thấy Đức Di Đà

Lo gì không khai ngộ?

Có Thiền có Tịnh độ

Cũng như hổ mọc sừng

Hiện đời làm Thầy người

Kiếp sau làm Phật Tổ

Không Thiền không Tịnh độ

Giường đồng cùng cột sắt

Muôn kiếp và nghìn đời

Không một người cứu giúp

Gần đây, người tu Tịnh độ, đa số đều chấp vào bài Tứ Liệu Giản này và rất ít  khi để tâm nghiên cứu bài kệ Viên Thông. Nhưng đối với Tứ Liệu Giản đa số vẫn còn hiểu lầm, chẳng những cô phụ Bồ-tát Văn Thù mà còn gieo lụy cho Ngài Vĩnh Minh. Bởi, đối với các pháp môn quyền thật, đã không thể dung hội quán thông, lại còn so sánh các pháp Thiền Tịnh khó hòa hợp nhau như nước với lửa. Hư Vân đối với việc này không thể không nói.

Tổ Diên Thọ họ Vương, quê ở Dư Hàng, sinh vào đời Tống. Ngài là một trong ba vị Tổ sư của Trung Quốc trước thuật nhiều tác phẩm nhất. Phật Tổ Thống Ký, quyển 26 có ghi :

“Thời Ngô Việt Tiễn, Ngài làm quan chuyên coi việc thâu thuế, lấy tiền kho đem mua cá phóng sinh. Sự việc lộ ra, Ngài bị kết tội đem ra chém giữa chợ. Ngô Việt Vương sai người đến xem, dặn: “Nếu thấy y đổi sắc thì giết, không đổi sắc thì tha”. Nhờ không đổi sắc mặt, Ngài được ân xá. Nhân đó Ngài đến thiền sư Thúy Nham xin xuất gia. Mặc không cần đẹp, ăn không chuộng ngon. Sau khi đến tham vấn Quốc sư Thiều, Ngài phát minh được tâm yếu. Tại Thúy Nham, Ngài làm hai lá thăm. Một lá ghi suốt đời thiền định, lá thứ hai viết: Tụng kinh, tu vạn thiện để trang nghiêm Tịnh độ, rồi thầm cầu nguyện. Sau đó, Ngài bắt được lá thăm “Tụng kinh, tu thiện” đến 7 lần. Ngài là vị nối pháp đời thứ ba của Thiền sư Pháp Nhãn, trước tác sách vở rất nhiều như:

- Tâm Phú và Tâm Phú Chú giống về việc minh tâm kiến tánh

- Vạn thiện đồng quy giảng về pháp pháp viên dung.

- Tông Cảnh Lục 100 quyển, xiển dương ý chỉ Thiền tông, dung hội các tông phái, qui về nhất tâm. Tông Cảnh Lục lấy tâm làm tông, lấy ngộ làm quy tắc. Các thuyết tuy có sâu cạn, đều nói đến tận nguồn suốt đáy, các pháp vi tế nhất cũng hiển xuất tâm này, bỏ tà giúp chánh, khiến cho người sau không bị rơi vào đường tẽ.

Bình sinh Ngài giảng thuyết rất nhiều, nhưng chưa hề nói là Tông nào không tốt. Ngài cũng đã từ Thiền tông mà được ngộ nhập, sao lại hoằng dương Tịnh độ? Bởi vì đối với người đại ngộ, pháp pháp đều viên thông. Tham thiền là đạo, niệm Phật cũng là đạo, cho đến như chúng ta cuốc đất cũng là đạo. Ngài vì muốn cứu vãn căn cơ của kẻ hạ liệt của thời mạt pháp nên mới hoằng dương Tịnh độ. Ngài cũng là vị Tổ thứ sáu của Tịnh độ tông. Một đời tán dương Tịnh độ, sau khi thị tịch được mọi người xây tháp ở chùa Tịnh Từ.

alt

Trong Phật Tổ Thống Ký còn kể: “Có vị Tăng từ Lâm Xuyên đến, nói: ‘Trong lúc tôi bị bệnh, thấy mình xuống cõi u minh nhưng được tha về, nhìn trong Điện có hình tượng một vị Tăng mà vua Diêm La đích thân đến đảnh lễ. Tôi hỏi: “Tượng đó là ai”. Chúa Sứ đáp: “Đó là Thiền sư Diên Thọ ở Hàng Châu. Nghe nói Ngài đã sinh về Thượng Phẩm, nhà vua rất kính quý đức độ Ngài nên thờ ở đây”

Phật giáo đồ Trung Quốc lấy ngày 17 tháng 11 làm ngày vía Đức A Di Đà, là căn cứ vào Kinh sách nào? Kinh Di Đà nói: Đức Phật A Di Đà ở phương Tây, cách đây mười vạn ức cõi Phật – Vậy thì ai biết  được ngày 17 tháng 11 là ngày sinh của Phật A Di Đà? Thật ra đó chính là ngày sinh của Thiền sư Vĩnh Minh. Bởi Ngài thừa nguyện Đức A Di Đà tái sinh, cho nên mới lấy ngày sinh của Ngài làm ngày vía Phật A Di Đà.

Khi bài Tứ Liệu Giản xuất hiện, hai tông Thiền, Tịnh đều khởi tranh cãi. Đồ chúng tông Tịnh độ nói: “Có Thiền không Tịnh độ, mười người lạc hết chín” nghĩa là chỉ tu Thiền không thôi thì  chẳng liễu sinh tử. Còn đơn tu Tịnh độ thì “Vạn người tu vạn người vãng sinh”. Còn vừa Tham Thiền vừa niệm Phật thì sẽ được “Như cọp  mọc thêm sừng”. Tín đồ Tịnh Độ Tông phê bình Thiền Tông đến nay vẫn còn ồn ào, thường rêu rao sự tệ hại của tham Thiền, rồi dẫn chứng: Thiền sư Giới tái sinh làm Tô Tử Chiêm (Đông Pha). Thanh Thảo Đường tái sinh làm Tằng Lỗ Công. Thiện Mân đọa làm Đổng Tư Ngọc Nữ, Hải Ân đọa làm Chu Phòng Ngự Nữ. Thậm tệ hơn, tăng Nhạn Đảng bị đọa làm Tần Cối (một tay có nhiều quyền thế tạo lắm ác nghiệp) v.v…

Họ nói những người trên, nếu biết qui hướng cầu về Tịnh độ thì đâu đến nỗi phải đọa làm thường nhân, phụ nữ hay ác nhân, tức là bị chuyển làm kẻ hạ liệt. Ngay đến việc sinh làm các danh quan cũng chưa phải là chuyện hay. Thật đáng thương vì họ không được sinh về phương Tây!

Riêng tôi nhận thấy người tu khi tái sinh, việc “chuyển xuống làm kẻ hạ liệt” là do người chứ không phải do pháp. Vào thời Đường Hy Tông (874-888) tại Dĩnh Châu, có một thiếu nữ miệng thoảng mùi hương sen. Thục Tăng nói: “Cô này trước kia làm Ni, tụng kinh Pháp Hoa suốt 20 năm”. Tụng kinh Pháp Hoa cũng như hậu thân của người tu Thiền, việc tái sinh làm thường nhân hay nữ nhân v.v… chẳng thể nói là do lỗi của việc tham Thiền.

Bồ-tát Quán Thế Âm có 32 tướng ứng thân, chúng sanh hợp thân nào để hóa độ, thì Ngài liền hiện thân đó để độ, để thuyết pháp - Đây không thể nói rằng Bồ-tát Quán Thế Âm ứng thân “triển chuyển hạ liệt” – Hóa thân của đức Phật A Di Đà là Thiền sư Vĩnh Minh, hậu thân của Thiền sư Vĩnh Minh là Thiền sư Thiện Kế, là cư sĩ Vô Tướng Tống Liêm. Ngài Thiện Kệ ở hiên chùa Thọ Thánh, Sương Môn, Tô Châu, chích máu viết một bộ kinh Hoa Nghiêm. Sự nghiệp hoằng pháp của Ngài so với Thiền sư Vĩnh Minh chỉ bằng một nửa. Tống Liêm làm quan, chết không được tốt, tức là không bằng Thiền sư Thiện Kế, cũng khó có thể nói rằng Phật A Di Đà đã “triển chuyển hạ liệt”- Thiền Tông có Thái Thú tọa ngồi hóa. Chỉ Y đạo giả có khả năng chết đi sống lại. Chúng ta hiện nay đã có ai ngồi chết, đứng tịch? Chúng ta so với Thái Thú tọa cùng Chỉ Y đạo giả đều không bằng, mà dám xem thường Thiền Tông sao? Tôi công nhận rằng các Tông có cạn có sâu. Hiển giáo, mật giáo có đốn tiệm, tà chánh thì niệm phật cũng vậy. Sự cạn sâu của Thiền, phân ra rất nhiều: Ngoại Đạo, Phàm Phu, Tiểu Thừa, Trung Thừa, Đại Thừa…Tất cả đều là Thiền. Thiền của Thiền Tông Trung Quốc là Thượng Thượng Thừa Thiền, chẳng đồng với các loại Thiền vừa kể trên. Chỉ vì đời mạt pháp, các hành giả tham thiền thật sự có bị rơi vào nhiều nẻo sai, nên chẳng lạ lùng gì trong Tứ Liệu Giản, Ngài Vĩnh Minh đã quở trách.

Tôi bình thường hay lưu tâm nghiên cứu sách vở, nhưng chưa thấy Tứ Liệu Giản của Ngài Vĩnh Minh, chẳng biết được trích từ tác phẩm nào? Chỉ nghe thiên hạ truyền miệng đã lâu, chẳng dám nói là ngụy tạo. Người niệm Phật, tâm tịnh thì độ tịnh, tức là thấy được tự tánh Di Đà. Nói Tịnh Độ với Thiền là hai – bởi do người thời nay phân biệt niệm Phật là Tịnh, Tham Thiền là Thiền.

Thưở xưa, đức Phật của chúng ta vượt thành xuất gia vào núi tu đạo. Lúc đầu, theo A-lam-ca-lam ba năm, học Định Bất Dụng Xứ, sau đó thấy sai liền bỏ. Ngài lại đến chỗ Uất -đầu-lam- phất học Định Phi Phi Tưởng, biết sai cũng bỏ. Rồi Ngài đến núi Tượng Đầu, học cùng các Thầy ngoại đạo, mỗi ngày ăn một hạt mè (?) trải qua sáu năm.

Ngày mồng 8 lúc sao Mai vừa mọc, Ngài hoát nhiên đại ngộ, thành Đẳng Chánh Giác, bèn than rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều đầy đủ đức, tướng trí huệ Như Lai, chỉ do vọng tưởng chấp trước mà không được chứng đắc”. Ngay lúc ấy đâu có Thiền hay Tịnh gì? Từ đó về sau, Ngài thuyết pháp suốt 49 năm, vẫn chưa nói đến chỗ rốt ráo. Mãi đến lúc ‘Niêm hoa vi tiếu” trao pháp cho Ngài Ca-diếp, cũng chưa nói đến chữ Thiền. Thiền là pháp Tối thượng thừa, cũng như sữa nguyên chất. Người bán sữa mỗi ngày thêm một ít nước vào, cho đến lúc hoàn toàn không còn chất sữa nữa. Người học Phật pháp khi rơi vào tình trạng giống như sữa nguyên chất bị pha nước thì Ngài Vĩnh Minh nhìn thấy, và đối với loại Thiền chỉ toàn là nước này Ngài bèn phán: “Có Thiền không Tịnh Độ, mười người lạc hết chín”, chứ không hề nói loại Thiền thuần sữa là “lạc đường”! Khi Thiền sư Vĩnh Minh thầm khấn nguyện bốc thăm, thì Ngài bắt được lá thăm tu Tịnh Độ tới 7 lần. Nếu Thiền chẳng tuyệt vời thì Ngài quyết không viết lá thăm Thiền bỏ vào, còn nếu Tịnh là pháp môn mà lòng Ngài rất ưa thích, thì Ngài hẳn đã không bắt thăm đến 7 lần rồi mới quyết định! Vả lại, Thiền sư Vĩnh Minh xuất thân từ Thiền Tông, là thế hệ thứ ba của Tông Pháp Nhãn, làm sao lại có thể ở trong chính bổn hội lại dìm Tông của mình xuống, tuyên bố là Thiền chẳng tốt?

Pháp tham Thiền, cần phải thấy cái “Mặt mũi xưa nay” lúc cha mẹ chưa sinh ra, mục đích là minh tâm kiến tánh. Người đời sau khi tham Thiền lại hành trái với phương cách này, hễ vừa mới đạt được chút cảnh giới thanh tịnh, toàn thân nhẹ phơi phới, có được chút an tĩnh thì vội cho là đạt công phu, kỳ thực đã bị rơi vào âm cảnh, chẳng rõ một niệm duyên khởi không sinh, làm sao có thể hướng đến chỗ đào sâu trăm thước mà tiến lên?...

Ngài Vĩnh Minh nhân đây mới nói: “Âm cảnh hiện tiền, lập tức đi theo nó, chẳng bằng niệm phật dốc lòng, có chỗ nương tựa”. Chỉ vì Ngài không nói rõ niệm Phật thế nào mới đạt đến “Vạn người tu vạn người độ”. Có Tịnh Độ mới có thể thấy A Di Đà. Nếu ỷ vào câu “Chỉ cần thấy được Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ” làm chỗ nương thì điều này là lầm, là vọng tưởng rồi! Bởi trong Kinh Lăng Nghiêm, Ngài A-nan bạch Phật rằng: “Từ khi con phát tâm theo Phật xuất gia, ỷ vào oai thần của Phật, thường tự nghĩ: «Mình không cần lao nhọc tu tập, có thể xin Đức Như Lai cho mình Tam muội, con không hề biết là thân tâm vốn chẳng thay nhau được, quên mất bản thân mình”.

Oai thần của Đức Phật Thích Ca cũng chẳng thể nương cậy, chẳng thể ban cho ta Tam muội, vậy thì oai thần của Đức Phật Di Đà lại có thể nương cậy, có thể ban cho ta Tam muội sao? Cho nên dùng nhất tâm niệm Phật là để dẹp trừ vọng tưởng. Nếu các pháp đều thông, thì việc tu hành được tốt đẹp. Câu “Có Thiền có Tịnh Độ giống như cọp mọc sừng” - Cọp vốn có uy lại mọc thêm hai cái sừng thì càng thêm dũng mãnh, nên làm Thầy, làm Phật là lý đương nhiên. Song, người không có thiện căn, không tin Thiền, cũng không tin Tịnh, lẫn lộn hồ đồ thì “Muôn kiếp nghìn đời không có người giúp đỡ”.

Bình sinh tôi chẳng khuyên bảo ai đừng niệm Phật và cũng chưa khuyên người đừng tham Thiền.  Mỗi khi nhớ tới ý chỉ “Tà Sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng” trong kinh Lăng Nghiêm, là càng thấy thêm đau lòng, vì vậy tôi mới giải thích sơ qua ý nghĩa bài Tứ Liệu Giản kia. Đối với hai pháp Thiền Tịnh, do nhìn chẳng thông suốt mới vọng phân cao thấp. Hy vọng tất cả người tu chẳng nên chấp một bên. Được vậy mới không phụ lòng Thiền sư Vĩnh Minh.

Hòa thượng Hư vân