Nguyên nhân của đau khổ

alt

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

“Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và chấm dứt của khổ.”

“Này thôn trưởng, nếu y cứ vào quá khứ hay vị lai để nói về nguyên nhân (Sự tập khởi) và sự chấm dứt của đau khổ, ông sẽ có phân vân nghi ngờ. Nhưng ngay chính tại đây, với sự có mặt của ông, ta sẽ thuyết về nguyên nhân và sự chấm dứt của đau khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm, ta sẽ nói.”

“Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu ở tại Uruvelakapapa này có những người bị giết, hoặc bị tù, bị thiệt hại, bị chỉ trích, ông có khởi lên lo lắng buồn khổ không?”

“Bạch Thế Tôn, với những người này con có khởi lên lo lắng buồn khổ và với những người khác con không có khởi lên lo lắng buồn khổ.”

“Vì sao có sự sai khác như vậy?”

“Bạch Thế Tôn, với những người mà con không có thương mến thì dù họ có bị giết… con không có khởi lên lo lắng sầu muộn. Nếu với người mà con có thương mến thì khi họ bị giết… con có khởi lên lo lắng sầu muộn.”

“Như vậy, chính ông đã xác định do có thương mến mới có lo lắng sầu muộn. Cũng vậy, dù quá khứ hay vị lai, nếu có khổ não khởi lên, đều từ ái dục làm căn bản, từ ái dục làm sở nhân. Ái dục là căn bản của khổ.”

(Trích Tương Ưng Bộ kinh 4, tr 328)

NHẬN XÉT:

Bài kinh này có vẻ triết lý hơn là Nghiệp báo. Tuy nhiên nó cũng là chuỗi Nhân Quả có liên quan với nhau. Thay vì giảng Tứ Diệu Đế cho thôn trưởng Bhadraka, Đức Phật đặt vấn đề thực tế hiện tại để ông tự xác nhận bằng suy nghiệm của chính mình rằng vì có ái dục nên có đau khổ. Phật đã hệ thống điều này trong giáo lý Tứ Diệu Đế –  Bốn sự thật mầu nhiệm – rằng có khổ với tám loại và ái là nguyên nhân của khổ, có Niết Bàn chấm dứt khổ và ái, và có con đường đưa đến Niết Bàn đó. Trong giáo lý Mười hai nhân duyên, ái là một mắc xích quan trọng tác động đến vòng luân hồi vô tận.

Vì thương con mà cha mẹ phải lo lắng đủ cách cho đời sống và tương lai của nó. Nếu sau này nó tỏ vẻ ruồng rẫy sơ sài, cha mẹ sẽ thất vọng đau khổ vô cùng.

Ai cũng biết tình yêu đưa đến hôn nhân và hôn nhân đưa đến vô số trách nhiệm, bất an và phiền muộn.

Thật ra, tâm từ không đơn giản là tình thương yêu giữa người này với người kia, nó còn là lòng ham muốn đối với ngũ dục người tham sắc, kẻ ham danh, người ưa ăn, kẻ thích ngủ, người tham tiền, kẻ lụy tình… Nếu có thương yêu ai, tất cả đều bắt nguồn từ ham muốn khoái lạc của chính mình.

Chúng ta chỉ yêu mến người nào đem lại vui thú cho chúng ta, và chúng ta sẽ oán hận kẻ nào đem lại đau khổ cho chúng ta. Tình yêu thương chỉ là chiêu bài che đậy cho sự ham muốn của tự kỷ. Không có ham muốn của tự kỷ, tình yêu thương biến mất.

Bạn sẽ nêu lên rằng đau khổ không chỉ đơn thuần là nỗi lo lắng, phiền muộn, băn khoăn, thất vọng… nghĩa là những trạng thái của tâm, nhưng nó còn là những hoàn cảnh bất như ý như đói kém, tai nạn, bị nhục mạ, làm ăn thất bại… Thật ra người không ham giàu thì nghèo không là nỗi khổ; không thương yêu thì xa nhau không tiếc nhớ; không ghét nhau thì gần nhau không bực bội; không tự ái thì bị nhục mạ không khó chịu; không cần danh vọng thì mất chức không là nỗi bận tâm. Có câu chuyện về người lạc quan (của Mỹ) như sau:

–  A cheerful man –  Người lạc quan.

Có một người tài xế lái xe lửa lạc quan đến kỳ lạ, bất cứ một sự kiện gì xảy ra, anh đều nhìn thấy khía cạnh tốt của nó để vui mừng mà không bao giờ quan tâm đến khía cạnh xấu của nó. Bạn bè anh vừa ngạc nhiên vừa thán phục đặc tính lạ lùng này.

Một hôm xe lửa đi trật đường rầy, xe cứu thương đưa anh vào bệnh viện. Cuối cùng anh bị cưa mất một chân, bạn bè anh đến thăm, sau khi an ủi chia buồn xong họ nói:

“Chúng tôi nghĩ rằng trong trường hợp này anh không thể tìm thấy một khía cạnh tốt nào cả, phải không, người bạn thân mến của chúng tôi?”

Anh cười bảo:

“Có chứ, từ nay tôi chỉ tốn tiền mua một chiếc giày mà thôi!”

Rõ ràng đối với người như thế này, tai nạn cũng không là nỗi khổ. Anh không quá yêu thân thể của mình nên khi bị hư hao, anh không tiếc rẻ. Đối với mọi sự kiện linh tinh khác, vì không bao giờ buồn nên anh mới bình tâm nhìn ra khía cạnh tốt của nó để chỉ cho mọi người cùng thấy. Nếu buồn khổ vì những khía cạnh xấu, chúng ta không bao giờ nhìn ra khía cạnh tốt của chính sự kiện ấy. Tuy nhiên ở đây chúng ta không đi tìm khía cạnh tốt của vấn đề để bù đắp cho khía cạnh xấu, chúng ta chỉ đoạn trừ được ái dục thì đau khổ sẽ vắng bóng.

Lõa thể ngoại đạo Kasspa đến hỏi Phật về nguyên nhân của đau khổ theo quan niệm Nghiệp báo, rằng khổ do chính người ấy gây ra (thân đời trước và thân đời này là duy nhất).

Hoặc khổ do người khác gây ra (Thân đời trước và thân đời này khác hẳn).

Hoặc khổ vừa do người ấy vừa do người khác gây ra (kết hợp cả hai).
– Hoặc không có khổ.
– Hoặc có khổ mà Phật không thấy.

Trường hợp nào Đức Phật cũng không đồng ý.

Cuối cùng ngoại đạo Kasspa yêu cầu Phật nói về nguyên nhân của đau khổ.
Phật bảo:
“Ta nói đến con đường trung đạo rằng do vô minh duyên hành… do ái duyên thủ… nên thành toàn bộ đại khổ ấm này”

Nguyên nhân của đau khổ là ái dục, một nguyên nhân tâm lý hơn là Nghiệp báo. Tuy nhiên nó cũng có ảnh hưởng Nghiệp báo. Nếu chúng ta đã từng ràng buộc người khác trong tình yêu và tình dục của chúng ta, nghĩa là gây cho họ ô nhiễm trong ái dục, thì duyên ái dục này sẽ trở lại trói buộc chúng ta trong vị lai, khiến cho chúng ta khó có một đời sống thanh thản giải thoát vì thế một người muốn giải thoát thì không được quan hệ ái dục với bất cứ chúng sinh nào, và cũng không được làm mai mối tác hợp cho những chúng sinh khác quan hệ ái dục với nhau. Nếu có điều kiện chỉ nên cởi mở làm nhẹ bớt ái dục của chúng sinh, khuyên họ tìm hạnh phúc trong những mục tiêu cao thượng hơn là đắm mình mãi trong vũng bùn ái dục mà không có ngày ra khỏi. Chúa Jésus bảo:

“Đừng tưởng ta đến để kết hợp thế gian, trái lại, ta đến để vợ phải xa chồng, con phải xa cha, người thân mến phải chia cắt”

Chính chúa Jésus cũng muốn giải tỏa ái dục của cuộc đời để cho mọi người tìm thấy hạnh phúc cao cả của “Thiên quốc”.

Dĩ nhiên trong vô lượng kiếp quá khứ, chúng ta đã từng là vợ, là chồng với biết bao người. Nếu Nghiệp báo này cố định thì chắc chắn chúng ta phải bị ái dục kéo níu và không thể giải thoát. Nhưng may mắn thay, Thế Tôn đã có con đường Bát thánh đạo để đoạn trừ mọi ái dục mà chánh định là cốt tủy. Người quyết tâm tu Bát thánh đạo, thành tựu chánh định thì ái dục biến mất mọi khổ não sụp đổ, những duyên nợ quá khứ cắt đứt.

Tổ Sư Tử thản nhiên đưa đầu cho vua chém. Thiền sư Tâm Đạo (ở Văn thù) ngồi chờ giặt đến lấy giáo đâm vào tim, máu chảy ra thành dòng sữa trắng. Khai ngộ xong cho Thiện Hội (ở Giáp Sơn), thiền sư Hoa Đình Thuyền Tử lật úp thuyền ra đi… Những vị thành tựu chánh định, đoạn dứt ái dục thì không còn cái gì khiến cho các ngài đau khổ. Nếu chúng ta quan niệm đau khổ là những hoàn cảnh bất như ý do Nghiệp báo đem lại, chúng ta sẽ rơi vào tà kiến của ngoại đạo.

Một lần Thế Tôn đi đến những ngoại đạo khổ hạnh, trong thấy họ hành khổ hạnh bằng nhiều cách quái lạ, như đứng một chân, phơi nắng chống tay chỏi chân lên trời, ăn cỏ, bò lết như chó, nằm trên tro và gai… Phật hỏi họ làm như thế đưa đến mục đích gì. Họ đáp:

“Thưa hiền giả Gotama, tôn sư của chúng tôi tự xưng là người có tri kiến trong lúc ngủ cũng như lúc thức. Người bảo rằng do nghiệp quá khứ nên có đau khổ. Có đau khổ tức là không giải thoát. Nếu ai thực hành khổ hạnh viên mãn, nghiệp quá khứ hết, sẽ được giải thoát an vui.”

“Nhưng các ông có tự biết quá khứ đã tạo nghiệp nhiều ít mà mỗi người phải thực hành khổ hạnh loại nào trong bao lâu mới đủ?”

“Thưa hiền giả Gotama, chúng tôi không biết!”

“Các ông thực hành dựa trên sự không biết, làm sao các ông có thể biết kết quả sẽ ra sao?”

“Thưa, còn hiền giả nói thế nào về nguyên nhân của đau khổ và sự chấm dứt của đau khổ?”

“Ta nói có tham, có sân, có si là có đau khổ. Không tham, không sân, không si thì không có đau khổ.”

Ngoại đạo quan niệm đau khổ là hoàn cảnh bất như ý do nghiệp quá khứ đem lại, họ tự nguyện trả trước bằng cách tự đày đọa thân xác mình cho đến cùng cực của đau khổ. Trong ý chí chịu đựng khổ hạnh đó, đôi khi họ xem thường đệ tử Phật, không thực hành khổ hạnh như họ, có vẻ sống dễ dãi hơn. Họ không nhìn thấy bản chất giả dối của đau khổ chỉ là những tâm trạng phù ảo được xây dựng từ điều kiện tham sân si. Đấng Chánh Đẳng Giác nhìn thấy rõ đau khổ chỉ là một ảo tưởng có điều kiện, khi những điều kiện này bị đoạn trừ, đau khổ biến mất. Do nhìn rõ điều này nên đường lối tu hành của đạo Phật không thiên về khổ hạnh hay hưởng thụ, chỉ sống thế nào để thuận tiện cho việc đoạn trừ tham sân si, họ phải giữ giới và sống đời đơn giản để không tăng trưởng lòng tham, nhưng họ cũng cần ăn uống đủ sức khỏe để trợ giúp cho việc tọa thiền khuya sớm, và chính nơi công việc Thiền Định này họ đoạn trừ được tham ái.

Tóm lại, nguyên nhân của đau khổ có vẻ thuộc về triết lý hơn là thuộc về Nghiệp báo, tuy nhiên, Nghiệp báo cũng dự phần rất nhiều trong đời sống tu hành của một người, mà nếu họ không thấu đáo về Nghiệp báo loại này, họ sẽ gặp nhiều trở ngại.

Trích Thích Chân Quang, Luận Về Nhân Quả

alt
alt
alt
alt
alt

alt
alt
alt