Di sản VHPG Huế với vấn đề phát triển du lịch

image

Đó là nội dung mà các nhà nghiên cứu văn hóa, các hòa thượng của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng nhau bàn thảo trong hội thảo “Di sản văn hóa Phật giáo với vấn đề phát triển du lịch ở Huế” do Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức ngày 7.5 vừa qua.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, dòng văn hóa Phật giáo đang chảy trong Huế vẫn chưa được du khách biết đến hay cảm nhận được hết những gì nó vốn có.

Huế là nơi có mật độ chùa như quốc tự, tổ đình, danh lam, chùa làng, chùa tư, khuôn hội, tịnh xá...rất cao và cũng là nơi luôn diễn ra các hoạt động về Phật giáo.

Chùa Huế có nét đẹp riêng về kiến trúc, có hệ thống vườn chùa đặc trưng, có giá trị tâm linh rất lớn như: chùa Thiên Mụ, Từ Hiếu, Từ Đàm, Thánh Duyên...

Có rất nhiều yếu tố làm nên sức hấp dẫn đối với du khách như: danh tiếng ngôi chùa, giàu giá trị lịch sử, sự tu tập của đức trụ trì, cảnh quan đẹp, không gian thanh thoát, hay cả món ăn chay...

Năm 2009, ngành Du lịch Thừa Thiên- Huế đón hơn 1,5 triệu lượt khách và đem lại doanh thu hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, những hình thức du lịch được khai thác chủ yếu là tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử...

Trong khi đó, các ngôi chùa ở Huế có giá trị rất lớn về cảnh quan, là nơi tịnh dưỡng tâm hồn, vãn cảnh và cả tham dự vào những buổi sinh hoạt tâm linh.

Bên cạnh đó, phát triển thêm hình thức du lịch thiện nguyện không chỉ đem lại cho du khách cảm nhận được nét đẹp của một vùng, mà còn thấy lòng thanh thản và giúp đỡ được nhiều người khác khó khăn tại vùng dân cư.

Hiện tại ở Huế có rất nhiều nhà chùa nuôi dạy trẻ khó khăn như chùa Đức Sơn, chùa Long Thọ, chùa Tây Linh...

Nhà chùa có nên làm du lịch?

Đây là câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu cũng như các công ty du lịch đang thắc mắc. Theo nhà nghiên cứu Lê Quang Thái thì nhà chùa không bao giờ làm du lịch, muốn làm thì các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp du lịch đứng ra tổ chức, còn nhà chùa thì sẵn lòng mở cửa thôi.

Tuy nhiên, ngược lại với ý kiến này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, vấn đề nhà chùa làm du lịch là chuyện rất đỗi bình thường và hy vọng ở Huế cũng nên có những tour du lịch như thế.

Tại Nhật Bản, nhiều chùa nổi tiếng đã tổ chức làm các tour du lịch cho du khách. Và họ đều rất thành công từ việc làm này” - ông Xuân nói.

Ông Xuân cũng cho rằng ở các lễ hội Phật giáo tại Huế như lễ Phật đản, lễ Huyền Trân Công chúa không có chuyện đốt nhiều đồ giấy, đem heo gà đi lễ chùa hay nhét tiền "hối lộ" Phật. Đó là một lợi thế lớn để tạo ấn tượng cho du khách và mang tính giáo dục cho dân chúng.

Ông Xuân đã đưa ra đề xuất nên tổ chức Festival tâm linh vào dịp Phật đản nhằm thu hút du khách, tăng doanh thu du lịch và quảng bá được di sản văn hóa Phật giáo của vùng đất Thuận Hóa- Phú Xuân.

Còn nhà nghiên cứu Bửu Ý cho rằng không nên đặt nặng vấn đề “nhà chùa có làm du lịch hay không?” mà vấn đề quan trọng hơn cả là môi trường du lịch.

 Sơn Thùy

Theo: Báo Văn hóa