Khi rùa mất mai


altNHỚ CHUYỆN NGÀY XƯA

Chuyện xưa kể rằng có một con rùa khi nằm phơi nắng nghe lũ cua đi qua kháo nhau rằng sao lại có loài gì xấu xí thế: mình có mai cứng lại đầy hoa văn lung tung. Rùa nghe xong lấy làm xấu hổ tìm đá mài cho mất cái mai đi, làm cho mất cái áo giáp mà rùa cho là nguyên nhân của sự xấu xí. Đến ngày hội ngộ với Đông Hải Long Vương, khi nhìn thấy rùa không mai, ngài đã la lên: Ngươi là yêu quái phương nào, sao lại dám đứng vào hàng ngũ gia tộc nhà rùa? Rùa ra sức phân bua nhưng Long Vương phán: Ngươi nói láo. Mai rùa là ký hiệu của họ rùa các ngươi. Nếu như cả ký hiệu mà ngươi cũng không có thì đã mất đi bản sắc, còn có tư cách gì là rùa nữa? Nói xong, Long Vương ra lệnh đuổi rùa ra khỏi Long cung.

NGẪM CHUYỆN HÔM NAY
Từ chuyện đời…
Có người bi quan cho rằng ngày nay bản sắc của nhiều nghề nghiệp đã phai mờ đi nhiều. Như chuyện các bác sĩ giờ đây không còn quan tâm y đức, luật sư biện hộ không vì công lý mà vì thù lao do thân chủ chi trả, thầy giáo bán chữ theo giờ… Các vị công bộc ở các cơ quan không còn “tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc” nữa. Tinh thần phụng sự nhân dân vốn là lý tưởng ban đầu của những người làm cách mạng, một số giờ đây đã chuyển sang thái độ cửa quyền, quan lại, ăn trên ngồi trước. Cũng thế, bản chất “cần kiệm liêm chính” đã ít nhiều bị thoái hóa trở thành những hiện tượng phe nhóm, vun quén tư lợi, hoang phí tài sản nhà nước. Ví dụ thì không thiếu trên các trang báo hàng ngày. Chúng ta ăn nói sao đây khi các vị đại biểu Quốc hội đối thoại với dân chúng với vô vàn những lời hứa và cam kết sẽ khắc phục hay nói đúng hơn, SẼ khôi phục lại bản sắc “công bộc” nhân dân.

Sang chuyện đạo…
Bàn qua chuyện đạo, chúng ta vừa được nghe Kampuchia phê phán, thậm chí trục xuất một số tăng sĩ vi phạm giới cấm như rượu chè bê tha, cờ bạc… Còn  chúng ta thì sao? Chắc chắn một số tu sĩ hiện nay, do nhiều lý do, từ môi trường sống hay hoàn cảnh xuất thân, đã có những biểu hiện lệch lạc (ở đây không nói đến “sư giả”). Nghiêm trọng hơn, chúng ta còn nghe đến những vụ việc xung đột được giải thích là “do pháp môn tu không thích hợp”(?). Người ngoài đạo cho rằng đó là xung đột trong nội bộ Phật giáo về tài chính và về hành chính(!). Chúng ta đều biết “thanh tịnh và hòa hợp” là nền tảng của tăng già. Trong 45 năm hóa độ, đức Phật đã đề ra nhiều giới luật, mang những đặc tính và ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều có chung hai đặc tính là thanh tịnh và hòa hợp. Có người đã ví hai đặc tính trên như hai chân của một con người, thiếu một trong hai thì không thể đứng vững được. Theo Yết-ma Yếu Chỉ, nếu Tăng-già nhóm họp trong tình thần hòa hợp mà không phản ánh đúng tinh thần giáo lý cơ bản, nghĩa là không diệt trừ được những ác nghiệp từ thân, khẩu, ý (thanh tịnh) và phát sinh nên nghiệp quả vô lậu - giải thoát - thì vẫn gọi là hòa hợp phi pháp. Để bảo hộ sự thanh tịnh và hòa hợp ấy, chúng ta cần đến giới luật. Một tập thể gồm những cá nhân thiếu gìn giữ giới luật, nghĩa là không thanh tịnh thì làm sao xây dựng nên một giáo hội thanh tịnh, hòa hợp. Cũng giống như xã hội cần có luật pháp, kỷ cương thì giới luật cũng được ví như “những tràng hoa” trang hoàng ngôi nhà Tăng đoàn Phật giáo. Điều thứ 10 trong “Mười điều lợi ích của giới luật” nhấn mạnh việc giữ gìn giới pháp không những cá nhân thanh tịnh, Tăng đoàn an lạc mà chánh pháp tồn tại lâu dài. Như Kinh Hoa Nghiêm từng chỉ ra “Giới là gốc của vô thượng bồ-đề”. Chính Đức Phật từng căn dặn sau khi Người diệt độ, phải lấy giới luật làm thầy. Trong “Tứ Phần Luật San Bổ Yết-ma Huyền Ty Sao” nêu lên năm nguyên nhân khiến Tăng-già suy vi, chánh pháp  hoại diệt:

- Tỳ-kheo không lắng nghe kỹ tụng luật, hay quên văn cú lại dạy người khác, khiến cho văn đó không đủ, thiếu nghĩa.
- Bậc thượng tọa hơn người mà không trì giới, lại làm ác khiến hậu sanh bắt chước - Tỳ-kheo trì pháp, luật, luận mà không dạy người.
- Tỳ-kheo khó dạy bảo không nghe, các Tỳ-kheo khác xả trí (không ai nói đến).
- Mắng nhiếc và tìm việc tốt xấu lẫn nhau.

Nếu chúng ta ngồi lại xem xét thì những hiện tượng trên đã có, đã xảy ra từng nơi từng lúc, trong từng tự viện và từng địa phương. Vấn đề là ai sẽ xử lý và xử lý ra sao? Giáo hội không thể tự xem như không biết khi dư luận đang đòi hỏi phục hưng bản sắc Tăng đoàn. “Nếu Tỳ-kheo nào không giữ được hạnh thanh tịnh sẽ không sống chung với người ấy, hãy nhanh chóng tụ họp và loại kẻ ấy ra” (kinh Tăng Chi). Hiện tượng những kẻ lợi dụng đạo pháp mưu cầu lợi ích riêng đang diễn ra rộng khắp. Bản chất thanh tịnh và hòa hợp bị thách  thức nghiêm trọng khi có những kẻ cố tình vùi dập giới luật, biến những bài giảng của mình dù là nhân danh “hộ trì chánh pháp” nhưng thực chất là xuyên tạc,  đưa quan điểm cá nhân biên kiến, sai trái vào bài giảng, kích động tuổi trẻ, quần chúng theo hướng đi của riêng mình, biến nhà chùa và rộng ra cả nhân gian không còn tịnh độ. Dù vô tình hay cố ý, những Tỳ-kheo vi phạm giới luật hay cổ súy cho việc nới lỏng giới luật cũng cần phải ý thức rằng họ đang góp phần hủy hoại chánh pháp và làm xói mòn lòng tin quần chúng vào Tăng-già. Trong trường hợp không thể xây dựng một đời sống tâm linh Thánh thiện thì giới luật trong tăng đoàn  hay pháp luật ngoài xã hội sẽ là hàng rào bảo vệ cho phẩm hạnh, cho đạo đức. Một khi con người đã đánh mất bản sắc của chính mình, mất đi sự tôn trọng với chiếc áo đang khoác lên người, quên lời thề đã hứa trước tiền nhân, quên sứ mệnh được xã hội hay giáo hội giao phó, giới luật hay đạo đức nghề nghiệp sẽ chỉ là những ràng buộc gây ra muộn phiền và đau khổ cho bản thân họ và cả tha nhân.

Nguyên Cẩn