XÂY DỰNG MÔ HÌNH VÀ DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP THANH NIÊN PHẬT TỬ


altĐược sự phân công của Hội nghị, tôi xin tham gia một số ý kiến trong "Công tác Xây dựng mô hình và duy trì hoạt động đoàn kết, tập hợp thanh niên Phật tử”.

Trước hết, tôi xin được sơ lược về tình hình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Trong những năm qua, những hoạt động của các Ban, Ngành, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội (TWGH) và các tỉnh thành hội Phật giáo trong cả nước có nhiều chuyển biến mới tích cực với hơn 40 Ban trị sự (BTS) các tỉnh thành trong cả nước, được thành lập với hơn 20 lớp sơ cấp Phật học, 30 trường Trung cấp Phật học, 4 lớp cao đẳng, 3 Học viện Phật giáo Việt Nam của 3 miền, các khoá bồi dưỡng giảng sư của Ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội cả 3 miền với hơn 500 Giảng sư, hơn 200 Tăng Ni trẻ hiện đang du học tại: Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Đài Loan, Trung Hoa, Tích Lan, Miến Điện,... là những tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo Việt Nam trong tương lai có một lực lượng Tăng Ni trẻ có tài đức kế thừa.

Đó là nói đến diện rộng trên cả nước, còn nói riêng đến thành hội Phật giáo Hải Phòng. Trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 511 ngôi chùa, trong đó 120 ngôi chùa có sư trụ trì, với đội ngũ Tăng Ni trẻ có trình độ văn hóa ngoài xã hội là 100%, còn trình độ Sơ cấp, Trung cấp Phật học là 95% trình độ đã và đang theo học viện PG là 70%. Thành hội Phật giáo thành phố Hải Phòng vừa được Thủ tưởng chính phủ ký quyết định nâng cấp trường Trung cấp Phật học thành trường Trung Cao đẳng Phật học. Hiện đang đào tạo lớp Trung cấp Phật học với số lượng 75 Tăng Ni sinh theo học, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật, chính sách Pháp luật của Nhà nước Việt Nam, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc,v..v... từ đó tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân có tín ngưỡng Phật giáo và văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, các đạo lạ hiện đang xuất hiện trên địa bàn thành phố và tránh các mối thù địch nước ngoài lợi dụng tôn giáo gây chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc.

Việc rèn luyện giới đức ấy không nằm ngoài mục đích "Tự giác" và "Giác tha", nghĩa là tự nỗ lực rèn luyện giới đức cho mình và mang sự hiểu biết phục vụ cho "tha nhân" để thế giới này được hoà bình và ấm no hạnh phúc. Đó chính là tôn chỉ mục đích của đạo Phật mà đức Phật đã dạy: "Phục vụ chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật".

Trong thời đại mới, vai trò tuổi trẻ trong tình hình cách mạng hiện nay là người làm chủ tương lai đất nước, lực lượng nòng cốt thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, đất nước đang chuyển mình đổi mới, với nền kinh tế thị trường phát triển kéo theo rất nhiều tệ nạn xã hội xâm nhập vào nước ta. Do đó, một số thanh niên chạy theo cơ chế thị trường sống buông thả, mắc các tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, mại dâm, tiêm chích ma túy...

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang dùng mọi thủ đoạn, âm mưu lôi kéo tầng lớp thanh niên, đặc biệt chúng lợi dụng tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc sự thật, gây chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc để hòng chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy, các tổ chức xã hội các cấp cần xây dựng và duy trì hoạt động đoàn kết, tập hợp thanh niên tín đồ tôn giáo, thông qua đó hướng dẫn họ hiểu biết về tôn giáo mình theo, chính sách Pháp luật nhà nước để họ trở thành những người sống có ích bản thân và xã hội, cùng chung tay xây dựng đất nước phồn vinh thịnh vượng.

Nói đến tầng lớp thanh niên theo Phật giáo (gọi chung là thanh niên Phật tử), Thành hội Phật giáo Hải Phòng đã quy tụ và thành lập các Câu lạc bộ thanh niên Phật tử tại một số chùa trên địa bàn thành phố. (Tiêu biểu như Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Hoa Sen Trắng Hải Phòng)

Với mô hình này, đã kết nối các tầng lớp thanh niên, tạo cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm sống trên con đường chính đạo, tìm hiểu, học hỏi những vấn đề về xã hội và giáo lý nhà Phật. Ngoài ra, Câu lạc bộ đã thực hiện các buổi giao lưu trực tuyến, ngoại tuyến và các hoạt động Phật sự như dã ngoại tham quan tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng và phong tục tập quán, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội,... Tại các chương trình sinh hoạt, Câu lạc bộ thanh niên Phật tử Hoa Sen Trắng Hải Phòng còn mời các chuyên gia tâm lý nói chuyện, chia sẻ về các chủ đề: tuổi trẻ tình yêu và cuộc sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên,Tình yêu theo quan điểm đạo Phật, mời chuyên gia hướng dẫn kỹ năng giao tiếp cho các em, các vấn đề về tệ nạn xã hội và cách phòng chống ma túy, mại dâm, HIV...

Câu lạc bộ đã tổ chức cho các thành viên tham dự hội trại thanh niên Phật tử miền Bắc tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, kết hợp cùng Câu lạc bộ thanh niên Phật tử tại một số tỉnh thành kêu gọi và ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại trong cơn bão số 9 và số 11 năm 2009 vừa qua, tham dự chương trình thực tập oai nghi người Phật tử tại chùa Bằng A - Hà Nội,… Đây là một tín hiệu đáng mừng cho lớp trẻ sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội, trên tinh thần tương thân, tương ái, nhường cơm sẻ áo.

Các thành viên trong Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Hoa Sen Trắng Hải Phòng dùng sức trẻ, lòng nhiệt huyết và hạnh nguyện của thanh niên phụng sự đạo pháp - dân tộc, xây dựng một xã hội tốt đẹp và một tương lai thành đạt, hạnh phúc với một trái tim nhân ái.

Đến nay Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Hải Phòng đã phát triển và nhân rộng thêm một số Câu lạc bộ thành viên như: Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử chùa Đồng Thiện, chùa An Hồng, chùa Vẻn, chùa Phả Lễ, chùa Ngọc Hoa - Mỹ Đồng,...

Nhờ chính sách pháp luật nhà nước, trong những năm qua mọi tôn giáo được phát triển tự do trong khuôn khổ pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó cũng là lợi thế để các tôn giáo hoạt động, phát triển học tập và đào tạo nhân tài cho giáo hội, cho nước nhà - đây là tín hiểu đáng mừng. Mỗi làng quê ít nhất cũng có một ngôi chùa và có quý Thầy Cô trụ trì để giữ gìn phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà ông cha ta để lại nhiều đời. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta áp dụng phương pháp hoằng dương chính pháp chưa đồng bộ và sự đoàn kết trong Tăng đoàn còn chưa cao, nên mới nảy sinh mâu thuẫn.

Tại mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam đều có một phong tục tập quán riêng biệt. Bởi vậy, trước khi quý Thầy cô được Phật tử và nhân dân địa phương thỉnh mời về giảng pháp cần tìm hiểu trước về phong tục, tập quán của địa phương đó để áp dụng vào bài giảng (đó là tinh thần “Tuỳ thời, tuỳ quốc độ” của đạo Phật) tránh gây mâu thuẫn cho gia đình Phật tử và làm khó cho các Thầy trụ trì tại địa phương.

Một ví dụ thực tế tại Hải Phòng, khi quý Thầy nơi khác đến Hải Phòng giảng đã không: “Nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc”, không uyển chuyển theo phong tục tập quán tại địa phương đã gây hiểu lầm, chia rẽ trong nội bộ gia đình của một bộ phận Phật tử tại Hải Phòng. Để lại hậu quả không tốt, khiến Ban trị sự Phật giáo Thành phố Hải Phòng phải giải quyết những tồn tại. (Vấn đề này chúng con không tiện nêu đích danh tại Hội nghị, mong Quý Ngài hoa hỷ).

Những việc chúng con nêu trên thực tế đã làm xảy sinh mâu thuẫn tại một số địa phương. Từ đó, khiến các Phật tử tiếp thu giáo lý nhà Phật một cách không đồng bộ, đôi khi dẫn đến hiểu lầm và khen chê giữa Thầy này và Thầy kia. Vì điều đó, chính chúng ta đã làm thui chột Bồ đề chủng tử trong mỗi Phật tử, đặc biệt là các thanh niên Phật tử. Bởi vì, các thanh niên Phật tử trong thời đại ngày nay đang được tiếp thu những nền văn hóa và công nghệ thông tin tiên tiến.

Từ những hoạt động trên, con xin đưa ra một số ý kiến sau:

Một là: Vì nhân duyên, quý Thầy Cô được Phật tử tại các địa phương thỉnh mời về giảng giáo lý Phật pháp nên tham mưu, đề xuất với Ban trị sự Phật giáo nơi đến, các cấp uỷ Đảng và các tổ chức xã hội ở địa phương, kết hợp với nhà chùa quy tụ tầng lớp thanh niên vừa sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vừa tuyên truyền giáo dục đạo đức cho các em. Vì nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân nói chung, các em thanh niên nói riêng ở thế kỷ 21 này là rất cao. Nếu các tổ chức tôn giáo chính thống luôn song hành cùng dân tộc nếu không tuyên truyền tốt thì dễ bị các tổ chức phản cách mạng lợi dụng dưới hình thức tôn giáo để lôi kéo mua chuộc gây chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc. Hiện tại một số tôn giáo lạ hiện nay bỏ tiền bạc ra dụ dỗ lôi kéo quần chúng vào đạo để lợi dụng. Chúng ta phải đề cao cảnh giác trước các tổ chức này. Từ những vấn đề trên chúng ta cần phát hiện và bỗi dưỡng, phát triển những thanh niên có năng lực, nhiệt tình, có trách nhiệm với Tổ quốc, với tôn giáo chính thống của mình để làm nòng cốt xây dựng phát triển các Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử.

Hai là: Mỗi thành viên thanh niên Phật tử là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác hoằng pháp giúp những người biết đạo và chưa biết đạo thấm nhuần giáo lý Phật đà. Kết hợp với các tổ chức Đoàn cơ sở tham mưu đề xuất với chính quyền địa phương giúp đỡ các chùa thành lập các câu lạc bộ thanh niên, và từ đó cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm sống, những kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, cách phòng tránh tệ nạn xã hội như: mại dâm , nghiện hút, HIV, mua bán trẻ em và phụ nữ, đó là những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay. Ngoài ra chúng ta còn kết hợp với trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu cho các em tìm việc làm phù hợp với khả năng của mình, để các em vừa lo được cuộc sống bản thân và gia đình vừa có trách nhiệm với xã hội, từ đó các em không rơi vào cảnh “Nhàn Vi Cư Bất Thiện”. Đây cũng là chủ trương của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong công tác tập hợp thanh niên có đạo.

Ba là: Khi tổ chức các hội trại, tạo sân chơi bổ ích cho các em thanh thiếu niên Phật tử giao lưu học hỏi phải tạo cảm hứng, cuốn hút, không nên rập khuôn máy móc khiến các em nhàm chán (Cụ thể: tại một số hội trại dành cho thanh niên Phật tử, có hàng ngàn em tham dự phải ngồi dưới cái năng chang chang như thiêu như đốt hàng giờ để đợi chờ cung đón Chư Tôn đức quang lâm, có những em đã bị ngất). Đây cũng là những buổi gây ấn tượng sâu sắc, ghi nhớ cho các em, nhưng không khéo cũng tạo cho các em một cảm giác không vui và không muốn tham gia các hội trại sau.

Với chính sách của Đảng và Nhà nước về tự do tính ngưỡng hiện nay thì mặt tích cực của các tôn giáo cũng có nhiều mặt đáng kể, nhưng bên cạnh đó cũng không ít các mối thù địch chống phá cách mạng lợi dụng tôn giáo để làm việc bất chính. Để việc làm đó triệt để thì cần phải xây dựng tốt các mô hình và duy trì hoạt động đoàn kết, tập hợp thanh niên tôn giáo nói chung và thanh niên Phật giáo nói riêng để nắm bắt tình hình xã hội một cách cập nhật. Nhưng bên cạnh đó tôi thầy rằng các cấp lãnh đạo cơ sở còn chưa quan tâm đến tổ chức này, hình như có vẻ họ nghĩ việc nhà chùa là việc tôn giáo nên nhà chùa tự phải lo nếu chúng ta không gần gũi quan tâm thì sao chúng ta hiểu được tâm tư nguyện vọng của tầng lớp thanh niên có đạo. Thưa quí vị! Đạo Phật là một tôn giáo gắn liền với dân tộc sự thịnh suy của dân tộc là sự thịnh suy của đạo Phật. Chính vì vậy các vua chúa thời Lý, Trần lấy tư tưởng giáo lý nhà Phật mà trị quốc chăn dân. Còn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, Mỹ các vị sư còn cởi áo cà sa mặc áo chiến bào lên đường nhập ngũ, cầm súng giết giặc bảo vệ Tổ quốc và dân tộc mình, và trong thời bình Hòa thượng Thế Long còn là Đại biểu Quốc hội khoá VII và được Quốc hội cử giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua đó chúng ta thấy tư tưởng và sự đóng góp của Phật giáo là không nhỏ cho dân tộc.

Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, trước sự cuốn hút mạnh mẽ của nền khoa học hiện đại cùng với mãnh lực của thế giới vật chất tác động từ nhiều phía, thì vấn đề duy trì và phát huy bẳn sắc văn hóa dân tộc là trọng trách của thanh niên trong đạo cũng như thanh niên ngoài xã hội. Mặt khác, với ý nghĩa duyên khởi, mỗi thanh niên phải ý thức được rằng mỗi cá thể là nhân tố hình thành xã hội. Sống không chỉ cho mình, cho gia đình mà còn sống vì xã hội và nước nhà. Con cũng mong muốn thanh niên Phật tử cần có những đức tính Bi - Trí - Dũng trong cư xử, hành đ ộng thể hiện tinh thần đoàn kết, nhân ái.Thanh niên Phật tử luôn là lực lượng nòng cốt xây dựng nên xã hội ấm no, hạnh phúc, hòa bình, an lạc./.

 

Đại Đức Thích Bản Hoan

Ban Văn Hóa Phật giáo TP. Hải Phòng

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)