TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (TUẦN THỨ 1, THÁNG 5, 2010)


alt

CAM BỐT: Ký kết quan hệ đối tác về Nền Văn minh Phật giáo

Siem Reap. Cam Bốt - Hai nước Indonesia và Cam Bốt đã được bổ nhiệm làm phó chủ tịch tại Hội nghị Thượng đỉnh Con đường của Nền Văn Minh và Hội nghị Bộ trưởng diễn tại Siem Reap ra từ ngày 26 đến 29-4-2010.
Hội nghị thượng đỉnh và cuộc họp bộ trưởng có sự tham dự của đại diện các nước ASEAN và Trung quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Hàn.
Trong cuộc họp cuối cùng, 6 bộ trưởng đã nhất trí thông qua "Lộ trình Siem Reap 1010 - 2015" để thực hiện Tuyên bố Borobudur, với mục tiêu duy trì và phát huy các nguồn lực văn hoá qua du lịch văn hoá nhằm cải thiện phúc lợi của nhân dân.
Ngoài cuộc họp liên chính phủ còn có các diễn đàn cho những người chuyên trách về du lịch văn hoá.
Con đường của Nền Văn minh do Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono khởi xướng, dựa trên những con đường tương đồng của nền văn minh Phật giáo trong 6 nước lập bản tuyên bố - gồm Cam Bốt, Lào, Indonesia, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam.
Cam kết về phát triển du lịch dựa vào văn hoá sau đó đã được ghi thong qua Tuyên bố Borobudur, được ký kết tại tổ hợp đề Borobudur vào năm 2006.
(VIVAnews - May 3, 2010)



NAM HÀN : Chùa Choye dạy đạo phápcho các em nhỏ nhân lễ Phật đản

Seoul, Hàn quốc - Ngày 03-5-2010, một nhóm 8 em nhỏ đã được các nhà sư ở Chùa Choye tại Seoul cạo đầu nhân lễ Phật đản vào tháng này.
Các em sẽ ở lại chùa trong 21 ngày để học về Phật pháp.
Đức Phật đản sinh vào khoảng 2.554 năm trước, và mặc dù người ta không biết ngày tháng chính xác, nhưng tại Nam Hàn lễ Phật đản được tổ chức trong một tuần kể từ mồng 8 tháng 4 âm lịch - mà năm nay nhằm ngày 21-5 dương lịch.
Choye là ngôi chùa lớn duy nhất trong khuôn viên các tường thành của thành phố cổ ở Seoul. Được xây dựng vào năm 1910, chùa trở thành di tích chính của Giáo phái Phật giáo Triều Tiên Choye vào năm 1936.
Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, Giáo phái Choye đã đấu tranh trong nhiều năm để quản lý độc quyền tài sản tu viện cho tăng sĩ độc thân, và trục xuất tất cả các tăng sĩ có vợ. Cuối cùng chùa đã thành công, và ngày nay đây là giáo phái nổi bật nhất trong Phật giáo Triều Tiên.
(The Scotsman - May 3, 2010)



NHẬT BẢN: Triển lãm tác phẩm của các Thiền sư thời Trung cổ

Kyoto, Nhật Bản -  Một cuộc triển lãm các bảo vật nổi tiếng (Meiho-ten) được tổ chức từ ngày 24-4 đến 09-5-2010 tại Chùa Tofuku-ji ở khu Higashiyama, Kyoto. Triển lãm có tựa đề "Chùa Tofuku-ji và Văn học Ngũ Sơn (Gozan-Bungaru): Các Thiền sư và các Tác phẩm Thời Trung cổ của Nhật".
Triển lãm trưng bày lần đầu tiên trước công chúng 21 tác phẩm gồm tranh chân dung và thư pháp được xếp hạng là Tài sản Văn hoá Quan trọng, cũng như sách được viết bởi các Thiền sư gắn bó với chùa Tofuku-ji.
"Văn học Ngũ Sơn" liên quan đến các hoạt động văn chương phổ biến giữa những Phật tử Thiền học tại Kyoto. Chùa Tofuku-ji sở hữu nhiều tác phẩm như thế của các nhà sư khác nhau, kể cả những tác phẩm của Kokanshiren, giáo trưởng đời thứ 15 của chùa.
Tổng cộng có 35 tác phẩm được trưng bày, bao gồm thư pháp, tranh chân dung và tranh Phật - trong số này có 23 tác phẩm là Tài sản Văn hoá Quan trọng.
Đây cũng là lần triển lãm đầu tiên  một bộ sưu tập các bài thơ và hợp tuyển được viết bởi các Thiền sư theo trường phái Kokanshiren.
(UrbanDharma - May 5 , 2010)

van hoc Ngu Son

Các tác phẩm truyền tải thế giới "Văn học Ngũ Sơn" của các Thiền sư thời Trung cổ  tại cuộc Triển lãm các Bảo vật Nổi tiếng (Chùa Tofuku-ji, Kyoto) - Photo: Kyoto Shimbun



TRUNG QUỐC: Hội thảo về Phật giáo Tây Tạng

Hội thảo lần đầu tiên về Phật giáo Tây Tạng và Xã hội Hài hoà của Tây Tạng đã được tổ chức tại Núi Phổ Đà, Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang.
Khoảng 400 chuyên gia từ các trường đại học và đơn vị có liên quan đã tham dự hội thảo.
Các chuyên gia đã nhất trí với nhau rằng nền văn hoá Phật giáo là một phần quan trọng của nền văn hoá truyền thống Trung quốc, vốn đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến bộ xã hội cũng như sự hoà hợp quốc gia.
Là một phần quan trọng của nền văn hoá truyền thống Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng đã được hợp nhất vào đời sống của nhân dân Tây Tạng, ảnh hưởng lớn đến chính trị, nghệ thuật, văn hoá, phong tục, tâm trí và các lĩnh vực khác của Tây Tạng.
(China Tibet Information Center - May 7, 2010)



ĐÀI LOAN: Phim hoạt hình về nhà sư Jian Zhen

Ngày 07-5-2010, 23 rạp ở Đài Loan trình chiếu bộ phim hoạt hình màn ảnh lớn lần đầu tiên về một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa: Đường tăng Jian Zhen (Giám Chân).
Dài 97 phút, dựa trên 5 năm nghiên cứu và tạo hình hơn 130 nhân vật, phim kể về nỗ lực của nhà sư để truyền bá đạo Phật tại Nhật Bản.
Trong hơn 11 năm, sư Jian Zhen đã 6 lần nỗ lực sang Nhật. Cuối cùng, vào năm 753, ông đã thành công sau khi bị mù. Ông định cư tại Nara (thủ đô của Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8) và sống quãng đời còn lại tại đó trước khi ông từ trần vào năm 763.
Ngoài việc truyền bá đạo Phật, ông còn được công nhận là người đã đưa các kỹ năng y học, xây dựng và nghệ thuật Trung Hoa đến với người Nhật.
Bộ phim do đài truyền hình Phật giáo Da Ai TV và Hội Phật giáo Từ Tế liên kết sản xuất.
Đội ngũ làm phim đã tốn nhiều công phu để thực hiện nó. Chẳng hạn họ đã mất khoảng 2 tuần để dựng chỉ 4 giây một cảnh chìm tàu xảy ra cách đây hơn 1.200 năm.
(CNA - May 7, 2010)


Đường tăng Jian Zhen (Giám Chân) - Photo: CNA

Diệu Âm lược dịch