Cần phải thống nhất một cách hiểu cho từ “Tâm” trong câu “Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh”

Đạo Phật truyền vào Việt  Nam đến nay đã hai mươi  thế kỷ, mặc dù ngày nay có nhiều tài liệu chứng minh rằng đạo Phật được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang Việt Nam, chứ không như cách nghĩ trước đây rằng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết kinh điển Đại thừa Phật giáo mà người Việt Nam đang được đọc tụng hiện nay đều được dịch ra từ Hán tạng. Tâm kinh Bát nhã cũng không ngoài cách ấy.

Do hoàn cảnh lịch sử, đã có rất nhiều từ Hán biến thành từ Hán Việt, chính vì vậy đôi khi các nhà dịch thuật, nếu không đối chiếu kỹ thì dễ bị nhầm lẫn do tính đa nghĩa của từ. Một trong những từ đó từ Tâm, mà cụ thể ở đây là từ Tâm trong câu “Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh”. Trong ngữ cảnh này, từ Tâm lại được dịch ra tiếng Việt với nhiều nghĩa khác nhau như sau:

Lòng:

"Công chúa thấy thế thương song

Bèn chuyển kinh Lòng động đến hoàng thiên"

(Nam Hải Quan Âm – Chân Nguyên Thiền sư)

"Dựng cầu đò, xây chiền tháp, ngoài trang nghiêm sự tướng hãy tu

Săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh Lòng hằng đọc".

(Cư trần lạc đạo phú – Trần Nhân Tông)

Ruột: Kinh ruột tuệ giác siêu việt, Thi Vũ, Rừng trúc Paris xuất bản 1973.

Tâm: Chân như – thật tánh, Bát Nhã Tâm kinh giảng giải, HT.Thích Thanh Từ, NXB TP.HCM 1998.

Tinh yếu: Thiền môn nhật tụng năm 2000, Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

“Kinh ruột Bát nhã”, “Kinh lõi Bát nhã”, “Bài toát yếu kinh Bát nhã”, Tâm kinh Bát nhã Ba la mật đa, HT.Thích Trí Thủ, Tủ sách kinh luận tánh không, 1982.

Trái tim:  Kinh trái tim tuệ giác vô thượng, Thích Tâm Thiện, NXB TP.HCM, 2000.

Với tất cả những nghĩa trên thì nghĩa nào gần với nghĩa của bản gốc nhất? Tại sao lại có nhiều nghĩa như thế? Vậy từ Tâm trong câu “Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh” nghĩa như thế nào?

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta hãy xem xét lại quá trình phiên dịch kinh Bát Nhã, đại bản cũng như tiểu bản:

Về đại bản:

- Kinh Bát Nhã được biết sớm nhất ở Trung Quốc là vào năm 178 sau Tây lịch khi Chi Lâu Ca Sấm dịch Tiểu phẩm Bát Nhã với cái tên Đạo hành Bát Nhã kinh.

- Trúc Pháp Hộ dịch Đại phẩm Bát Nhã với tên mới là Quang Tán và Phóng Quang Bát Nhã vào khoảng giữa thế kỷ thứ III.

- La Thập dịch lại toàn bộ hai tập trên với cái tên ban đầu là Tiểu phẩm và Đại phẩm Bát Nhã, vào đầu thế kỷ thứ V.

- Huyền Tráng dịch lại với cái tên Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn vào thế kỷ thứ VII sau khi đi thỉnh kinh ở Ấn Độ về.

Về tiểu bản:

- Ma ha Bát nhã Ba la mật chú kinh, Chi Khiêm dịch năm 223. (Thất bản) sau Tây lịch.

- Ma ha Bát nhã Ba la mật đại minh chú, Cưu Ma La Thập dịch khoảng 402-412 sau Tây lịch.

- Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Huyền Tráng dịch năm 649.

- Bát nhã Ba la mật đa na kinh, Bồ Đề Lưu Chi dịch năm 693 (Thất bản).

- Phật thuyết Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Nghĩa Tịnh dịch năm 700.

- Ma ha Bát nhã Tùy tâm kinh, Từ Hiền dịch năm 700 (Thất bản).

- Phạn bản Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Bất Không Kim Cương dịch năm 723 (Thất bản).

- Phổ Biến Trí Tạng Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Pháp Nguyệt dịch năm 732.

- Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Bát Nhã và Lợi Ngôn dịch năm 790.

- Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Trí Tuệ Luân dịch 850.

- Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Pháp Thành dịch năm 856.

- Phật thuyết thánh mẫu Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Thi Hộ dịch năm 980.

alt

Như thế ta có thể thấy rằng, tất cả các bản kinh, đại bản hay tiểu bản đều gọi là kinh Bát Nhã và chỉ ở tiểu bản thì có bản có từ “Tâm” và có bản không. Điều này giúp ta khẳng định kinh này là kinh Bát Nhã cho dù đại bản hay tiểu bản và chữ Tâm phải liên quan đến việc rút gọn hay tinh lược của bản kinh. Thường thì người ta nghĩ rằng tiểu bản là “Tâm kinh” chứ ít người nghĩ là “Bát Nhã kinh”, lâu dần ta có khuynh hướng nghĩ rằng có một bản “Tâm kinh” độc lập ngoai bản Bát Nhã kinh. Chính vì nghĩ như thế, nên dịch giả thường tập trung vào từ Tâm, và cho nó một vai trò chính trong bản kinh này. Khi chúng ta khẳng định được điều này thì chúng ta sẽ thấy rằng chức năng của từ “Tâm” trong câu “Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh” chỉ là bổ ngữ cho từ “kinh” và như đã nói ở trên, tên chính của kinh này là Bát Nhã, do vậy nghĩa của từ này (Tâm) bổ nghĩa cho từ Bát Nhã, và phải liên quan đến sự rút gọn của kinh Bát nhã, đồng thời chỉ có vai trò phụ mà thôi, cho nên dù không có từ “Tâm” này thì ý nghĩa của bài kinh vẫn có nguyên giá trị, chính vì vậy ta thấy có nhiều bản dịch chữ Hán không có từ “Tâm” này.

Như thế thì tất yếu từ “Tâm” ở đây chỉ mang nghĩa là: Đại ý, tóm lược, toát yếu, cốt lõi, tinh túy hay tinh yếu, những phái nghĩa khác của từ “Tâm”.

Tất nhiên sẽ có người đặt câu hỏi, như vậy tại sao gọi là “Tâm kinh”? Thực ra “Tâm kinh” chỉ là một cách nói tỉnh lược của câu “Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh” mà thôi, đây là một quy tắc của ngôn ngữ, và hết sức phổ biến. Ví dụ: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa gọi tắt là “Kinh Pháp Hoa”, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm gọi tắt là “Kinh Hoa Nghiêm”, Kinh Kim Cang Bát nhã Ba la mật gọi tắt là “Kinh Kim Cang” v.v... Nếu chúng ta cứ căn cứ vào từ đã được tỉnh lược mà dịch nghĩa thì quả thật khó mà trung thực với ý nghĩa của nó, và đôi khi làm sai lệch nghĩa của cụm từ mà nó tỉnh lược. Ví dụ: Nếu ta dịch “Tâm kinh” (*) là kinh này nói về Tâm, thì ta sẽ dịch như thế nào đối với "Kinh Kim Cương”? Không lẽ ta lại dịch là kinh này nói về một loại đá quý.

Thật ra những gì tôi trình bày ở trên cũng không có gì mới lạ, nó đã được nhiều bậc cao tăng thạc đức đề cập đến rồi, nhưng những vị đó chỉ giải thích nhằm lý giải kinh “Tâm kinh” mà thôi. Trong bài này, tôi tập trung vào nghĩa của từ “Tâm”. Thiết nghĩ rằng, chúng ta đang ở vào thế kỷ XXI, nhu cầu Việt hóa kinh điển hết sức cần thiết, bởi vì đạo Phật đã có mặt trên đất nước này ngót 2.000 năm và Bát Nhã Tâm kinh này chắc chắn đã được hàng triệu triệu người trì tụng qua nhiều năm tháng, lẽ nào mỗi người hiểu mỗi cách và rồi dịch theo cách riêng của mình, mà dường như khi đọc bản tiếng Việt thì ý của dịch giả này không gần với người kia, thậm chí có khi còn hoàn toàn đối nghịch nữa. Như thế thì những người muốn nghiên cứu kinh Phật biết căn cứ vào đâu để hiểu được kinh này. Đây chính là trách nhiệm của những người phiên dịch và giảng giải kinh điển ra tiếng Việt. Do đó việc thống nhất một nghĩa đối với tư “Tâm” trong bản kinh này là điều cần thiết, nó cho thấy một quan điểm nhất quán đối với giáo pháp của Đức Phật, đồng thời tạo cho người nghiên cứu Phật học có một cơ sở để đi vào con đường tu tập, và sau cùng là nó noi lên một sự hiểu biết chắc thật đối với từ “Tâm” trong bài kinh này, bởi vì mỗi người dịch mỗi cách khác nhau, cũng có nghĩa là chưa có một sự nhất trí về nghĩa cho từ “Tâm” trong ngữ cảnh này.

Với suy nghĩ như vậy và với những gì mà tôi trình bày ở trên, tôi cho rằng nghĩa của từ Tâm trong câu “Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh” đơn giản chỉ là: Tóm lược, tóm tắt, toát yếu hay tinh yếu, mà trong ngữ cảnh này nghĩa “tinh yếu” là phù hợp hơn ca.

(*) Thật ra người dịch đã không lưu ý rằng nghĩa của từ hrdaya là trái tim (vật lý) chứ không phải là Citta là Tâm (tâm lý). Lý do hiểu sai từ Tâm này là do từ Tâm trong tiếng Hán và Việt trùng cả âm vị lẫn hình vị, hơn nữa người dịch lại không tra cứu kỹ lưỡng từ hrdaya theo tiếng Phạn, hay ít nhất cũng tham khảo các bản dịch khác bằng tiếng Anh, Pháp v.v... để có thể đối chiếu.

Viên Như