NỘI DUNG DIỄN GIẢNG VÀ KỶ NĂNG HOẰNG PHÁP


 05-KinhaltCách đây hơn 2.500 năm, trong buổi bình minh của Phật giáo, khi mới thành lập Tăng đoàn, với sáu mươi người đệ tử đắc quả đầu tiên, Đức Phật đã xác lập vai trò và nhiệm vụ của người xuất gia bằng những lời hiệu triệu bất hủ: “Hãy ra đi các Tỳ kheo đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Mỗi người đi một ngã, này hỡi các Tỳ kheo hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo đoạn đầu, toàn hảo đoạn giữa, toàn hảo đoạn cuối, toàn hảo trong cả hai: “tinh thần và văn tự”.

Từ đó đến nay, trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ với biết bao vật đổi sao dời, tang thương dâu bể nhưng tinh thần của lời kêu gọi đó vẫn được các thế hệ xuất gia mọi tông phái Phật giáo ở khắp nơi nối nhau phụng hành. Điều này chứng tỏ trọng trách thật sự của người xuất gia chính là “Hoằng Dương chánh pháp lợi lạc Quần sanh”. Vận chuyển bánh xe chánh pháp, khơi dòng cho đạo từ bi lan tỏa mọi ngóc ngách của cuộc đời mang yêu thương và hạnh phúc đến cho muôn loài. Đó là sứ mệnh của chư Phật, chư Tổ giao phó mà cũng là nhiệm vụ duy nhất của người xuất gia. Ý thức rõ điều này nên sau ngày thống nhất (tháng 11 năm 1981). Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức, từng bước xây dựng và phát triển hoạt động các ban ngành. Trong đó hai ngành Giáo dục và Hoằng pháp, đặc biệt được Giáo hội chú trọng đầu tư và phát triển mạnh nhất. Đến nay, sau 30 năm xây dựng, nhìn lại chúng ta ai cũng có thể phấn chấn vui mừng với những thành tựu chung của các ban ngành, ngành Giáo dục và Hoằng Pháp đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ. Sự thành tựu của ngành giáo dục với một hệ thống giảng dạy tương đối hoàn thiện từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng và Đại học thực sự góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngành Hoằng pháp. Đặc biệt riêng ngành Hoằng pháp cũng có những cố gắng vượt bậc. Về mặt đào tạo nhân sự, ngoài những khóa bồi dưỡng ngắn hạn hàng năm. Hiện nay Ban Hoằng pháp Trung ương đã mở được hai lớp đào tạo giảng sư Trung cấp và Cao cấp. Điều này tuy muộn màng nhưng rất cần thiết; bởi lẽ đội ngũ Giảng sư ở các Tỉnh, thành hiện nay phần lớn đều không được đào tạo chính quy nên kiến thức Phật học cũng như kỷ năng diễn giảng khó lòng đáp ứng tốt nhu cầu Phật học của quần chúng.

Ngoài ra về mặt hoạt động, ngành Hoằng pháp có một pháp hội rất phong phú với những ngày lễ lớn như: Phật Đản, Vu Lan, v.v… những lễ kỵ tổ, những lớp giáo lý tổ chức hàng tuần, những đạo tràng tu Bát Quan Trai. Đây chính là diễn đàn để các giảng sư vận chuyển chánh pháp đến người nghe. Ngoài ra trong xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, ngoài những phương thức Hoằng pháp thân giáo, khẩu giáo phổ thông chúng ta còn có những phương tiện Hopằng pháp quảng bá, rộng rãi hơn như sách báo, băng đĩa, những khóa Phật học hàm thụ trên Báo Giác Ngộ, những Website Phật học trên mạng v.v…

Với một pháp hội rộng rãi và những phương tiện hỗ trợ đa dạng, có thể nói ngành Hoằng pháp trong những năm gần đây đã gặt hái được nhiều thành quả rất đáng trân trọng. Tuy nhiên bên cạnh những niềm vui vẫn còn đó những ưu tư mà chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét lại:

1.- Về mặt nhân sự:

Lực lượng giảng sư trong các tiểu ban Hoằng pháp ở các tỉnh thành hiện nay rất mỏng so với địa bàn hoạt động, hơn nữa đa phần là những giảng sư bổ túc qua những lớp bồi dưỡng Hoằng pháp ngắn hạn. Do đó công tác Hoằng pháp tuy có mà hiệu quả Hoằng pháp chưa cao. Để khắc phục tình trạng này chúng tôi xin đề nghị một số phương án sau:

a) Trong khi chờ đợi một đội ngũ giảng sư được bổ sung từ các lớp Hoằng pháp của Trung ương để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, tạm thời chúng ta có thể tuyển chọn từ các khóa An cư Kiết hạ, những vị có năng khiếu diễn giảng đã tốt nghiệp các lớp Trung cấp giới thiệu cho theo học các khóa bồi dưỡng Hoằng pháp ngắn hạn do Trung ương tổ chức. Ngoài ra, các vị trụ trì các Chùa, Tự viện cũng là một đội ngũ “Giảng sư bản địa” rất thực, rất mạnh mà Ban Hoằng pháp cần phải lưu tâm, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn: kỹ năng trụ trì, kỹ năng Hoằng pháp rất thực, không chỉ bằng ngôn giáo, mà bằng cà cuộc sống. Họ không phải đến rồi đi, họ cộng tác lâu dài và cùng chia sẻ ngọt bùi với quần chúng địa phương trong những lúc quan hôn tang tế, trong những dịp lễ Hội rằm Ngươn. Có thể nói, trước khi các vị giảng sư mang ánh sáng chánh pháp đến chính họ là những người ươm mầm thiện trong lòng quần chúng. Vai trò của họ trong công cuộc Hoằng pháp thực sự vô cùng quan trọng. Vì vậy, thiết nghĩ Giáo hội cần phải có kế hoạch lâu dài, thông qua các khóa An cư Kiết hạ, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho các “Giảng sư bản địa” này.

Dùng chính sách chiêu hiền đãi sĩ mời các vị tốt nghiệp các lớp giảng sư các trường Cao Đẳng, Học viện Phật giáo tham gia vào Ban Hoằng pháp sau đó phân công phân nhiệm, bố trí công việc cụ thể để các vị thi thố tài năng, đóng góp Phật sự.

b) Tổ chức những khóa Hội thảo chuyên ngành Hoằng pháp cấp tỉnh mời Trung ương về dự để nâng cao kỷ năng Hoằng pháp của giảng sư. Ngoài ra, hàng năm nên tổ chức thi viết về những đề tài Hoằng pháp có tính xã hội để rèn luyện kỷ năng viết cũng như phát huy khả năng vận dụng giáo pháp giải quyết những bức xúc hiện thực của các giảng sư.

2) Nội dung diễn giảng:

Trong các lớp giáo lý, các đạo tràng tu Bát Quan Trai, đề tài thuyết giảng hiện nay còn rất tùy tiện. Hiện tượng này đôi lúc dẫn đến hậu quả nghiệm trọng: cho thuốc không đúng bệnh khiến tiền mất tật mang hoặc tệ hơn là bị ngộ độc thuốc, khiến bệnh nhân ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nửa mê nửa tỉnh. Chúng ta biết rằng Giáo pháp được Phật mang tính đối trị, giảng sư như người thầy thuốc phải biết bệnh nhân mắc bệnh gì, có thế thì thuốc mới phát huy được tác dụng tích cực của nó và người thầy thuốc mới hoàn thành chức trách chữa bệnh của mình. Cũng vậy, ở đây đối tượng Hoằng pháp của chúng ta là những phật tử tại gia với những thành phần này nhu cầu của họ khi đến với chúng ta phải chăng là giải quyết những bức xúc thường nhật để có được một đời sống tốt đẹp về vật chất, an lạc về tinh thần. Và với những nhu cầu như thế chúng ta phải cần trình bày những giáo lý Bát Nhã, những triết học tánh không, những Đại thừa Đốn ngộ… để giáo hóa họ hay không? Điều này cần phải bàn cãi, thực ra Đức Phật có những bài pháp rất hay, rất thực tế dành cho hàng Phật tử tại gia, hiện vẫn còn lưu lại trong các kinh điển. Xét nội dung của những bài Pháp nầy, chúng ta thấy Đức Phật không nói đến những gì cao siêu huyền bí mà nền tảng nhân quả. Ngài đề cập đến những vấn đề rất thực, rất thường, đó là đạo trị quốc an dân, đạo vua tôi, đạo vợ chồng, đạo cha con, đạo chủ tớ, v.v… Có thể chúng ta nói rằng xã hội hiện nay có những thay đổi rất lớn, rất khác biệt so với xã hội thời Đức Phật song song với những thành tựu tột cùng của khoa học hiện đại, đời sống con người được nâng lên, tri thức được mở rộng ra và những bức xúc thời đại cũng có tầm vĩ đại hơn, toàn cầu hơn như thế liệu những giáo pháp xưa, cũ, đơn giản này có khả năng đáp ứng được những nhu cầu của con người đương đại không? Hay những nhà Hoằng pháp chúng ta cần phải tư duy để tìm ra một giáo pháp mới mẻ hơn, cao siêu hơn hầu đáp ứng nhu cầu tôn giáo trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên khoa học? Vâng, đây thực sự là một vấn đề mà những người làm công tác Hoằng pháp chúng ta không khỏi trăn trở. Xã hội thay đổi, đời sống thay đổi và những bức xúc nảy sinh cũng thay đổi, đây là điều không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, một sự kiện khác cũng rất hiển nhiên đó là dầu thay đổi đến mấy đi nữa, văn minh tiến bộ đến cỡ nào. Một khi sự sống còn đặt nền tảng trên lý duyên sinh thì bản thân của nó vẫn là vô thường, khổ não. Thấu triệt được điều này, những người Hoằng pháp chúng ta không còn băn khoăn thao thức kiếm tìm nữa. Đức Phật đã từng tuyên bố những điều Ngài biết nhiều như lá trong rừng, còn những điều Ngài chỉ dạy ít như lá trong bàn tay. Bởi lẽ Đức Phật chỉ nói những gì liên quan đến khổ và sự chấm dứt khổ. Mục tiêu thật sự của Phật giáo là chỉ rõ khổ và đề ra những phương pháp giúp chúng sinh thoát khổ. Và với mục tiêu này, một khi thế gian còn đau khổ thì Phật giáo còn tồn tại và những giáo lý cổ điển như Thập Nhị nhân duyên, Tứ Đế, Bát Chánh Đạo v.v… vẫn là những phương thuốc hay để chữa lành tâm bệnh cho chúng sanh. Trên cơ sở lý luận này chúng tôi đề nghị Ban Hoằng pháp Trung ương soạn thảo một chương trình Phật học dành cho các lớp giáo lý, các đạo tràng Bát Quan Trai có nội dung thật căn bản. Phù hợp với những nhu cầu thiết thực của người Phật tử tại gia, để người nói và người nghe đều gặt hái được những thành tựu tốt đẹp.

3) Phương pháp Hoằng pháp:

Để chuyển tải nội dung Hoằng pháp đến đối tượng Hoằng pháp có hiệu quả, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, bao gồm 2 phương diện:

a. Phương tiện Hoằng pháp:

Những công cụ hỗ trợ cho việc Hoằng truyền chánh pháp. Ngoài hai phương diện truyền thống thân giáo và khẩu giáo hiện nay trong xu hướng phát triển của xã hội, có nhiều phương tiện góp phần quảng bá chánh pháp rất đắc lực, đó là kinh sách, báo chí, băng đĩa, là những Website Phật học mở đầy trên mạng do cả 2 giới tại gia và xuất gia góp phần thực hiện. Chuyển tải một nội dung giáo lý rất phong phú và đa dạng. Có thể nói, bằng những phương tiện hiện đại này, công tác Hoằng pháp mấy năm trở lại đây đã có những tiến bộ khởi sắc, khả dĩ đáp ứng được nhu cầu học Phật rầm rộ của quần chúng phật tử khắp nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên để đảm bảo tính trong sáng đúng đắn của nội dung chánh pháp truyền đạt, thiết nghĩ không chỉ ngành Hoằng pháp mà cả Ban Văn Hóa Trung Ương cần phải thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm duyệt những loại hình Hoằng pháp đa phương nầy, nhất là mảng băng pháp, đĩa ghi hình, đây là phương tiện Hoằng pháp rất tiện ích và hữu hiệu, tuy nhiên rất khó kiểm soát vì Giáo hội không quản lý được sự lưu hành của những phương tiện này, do đó giữa cái đúng và cái sai, cái chính và cái tà, hoằng dương chánh pháp và phổ biến ma đạo vẫn còn khó phân.

b. Phương thức Hoằng pháp:

Cách thức truyền đạt một nội dung Hoằng pháp đến đối tượng hoằng pháp. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần thành tựu mỹ mãn mục tiêu Hoằng pháp, bao gồm 4 yếu tố căn bản, quốc cơ thời giáo, cần phải khế hợp. Đối tượng Hoằng pháp là ai? Căn cơ trình độ như thế nào? Địa phương hoằng pháp ở đâu? Thành thị hay thôn quê? Thời điểm hoằng pháp lúc nào? Dùng pháp gì để giảng dạy và giảng dạy như thế nào? Đây thật sự là những vấn đề hết sức quan trọng mà giảng sư cần phải nắm bắt để có thể chuyển tải một nội dung hoằng pháp thích hợp, xin cho một lời động viên đến tất cả những người làm công tác hoằng pháp: “Nhanh lên!”.

- Để có một khả năng ngôn ngữ nhuần nhuyễn cùng phương thức diễn đạt linh hoạt ngoài cách tự rèn luyện, chúng tôi xin đề nghị Ban Hoằng pháp các tỉnh thường xuyên mở những khóa thi diễn giảng, nội dung là phương thức hoằng pháp để các giảng sư có điều kiện nâng cao và hoàn chỉnh kỹ năng vận dụng ngôn ngữ của mình.

- Ngoài ra để phạm vi hoằng pháp ngày càng được mở rộng và ánh sáng chánh pháp ngày một lan xa hơn, phá bỏ những rào cản ngăn chia để biến Phật pháp thành phương thức sống phổ biến mà bất cứ ai cũng có thể thoải mái tìm đến để chia sẻ ít nhiều hương vị giải thoát, nên chăng, trong phương thức hoằng pháp, chúng ta hạn chế sử dụng những thuật ngữ Phật giáo, cũng như dùng cách nói thông thường để chuyển tải những nội dung giáo điển truyền thống.

Đất nước chúng ta đang thời kỳ dựng xây, với sự hỗ trợ của nền khoa học hiện đại, mọi lĩnh vực nhanh chóng phát triển, từng bước hội nhập vào nền kinh tế chung toàn cầu, xã hội ngày một thăng hoa, đời sống ngày một nâng cao. Tuy nhiên bên cạnh sự phồn vinh thịnh vượng vật chất, giá trị đạo đức cũng có những biểu hiện suy thoái rất đáng lo ngại. Hơn ai hết, khả dĩ đáp ứng được nhu cầu của người nghe. Hơn nữa có thể vận dụng một cách khéo léo nội dung truyền đạt bằng những ngôn từ thích hợp, phương thức thích hợp. Cùng một vấn đề nhưng với đối tượng khác nhau, địa phương khác nhau, thời điểm khác nhau, muốn công việc hoằng pháp có được kết quả tốt đẹp ắt ta phải dùng những ngôn từ khác nhau, những phương thức diễn đạt khác nhau. Đây là điều tất yếu nhưng vô cùng khó khăn. Khó khăn bởi lẽ để diễn đạt được trình độ vận dụng chánh pháp nhuần nhuyễn như thế, người hoằng pháp phải hội đủ hai điều kiện:

+ Tự thân phải thể nghiệm được giáo pháp mà mình truyền trao.

+ Trình độ thế học và Phật học phải được đào tạo chu đáo. Khó nhưng không phải không thực hiện được, do vậy chúng tôi xin đề nghị một vài ý kiến nâng cao trình độ của người Hoằng pháp ở lĩnh vực nầy:

- Để có sự thể nghiệm giáo pháp thì tự thân người hoằng pháp phải nỗ lực tu tập. Đây không phải là công việc khó khăn mà chính là cơ hội tốt để mọi người chúng ta nếm trải hương vị giải thoát của chánh pháp, vì vậy chúng ta, những người con Phật, phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình trong cuộc tồn sinh, vận chuyển bánh xe pháp, góp phần duy trì đạo đức, ổn định xã hội. Để công tác Hoằng pháp gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, mỗi người chúng ta phải luôn tự rèn luyện mình ở hai lĩnh vực Giới đức và Trí đức. Ngoài ra một tâm niệm nhỏ mà người Hoằng pháp không thể nào quên, đó là dầu cho cuộc sống có thay đổi thiên hình vạn trạng thì bản chất của nó vẫn là vô thường, khổ, không. Vì vậy, Phật pháp mãi vẫn là phương thức thần diệu cần thiết cho hòa bình và an lạc trên thế gian nầy./.

 

TT. THÍCH HẠNH TRÂN

Thành viên Giảng sư Đoàn BHP.TW

Cố vấn Ban Hoằng pháp tỉnh Tiền Giang

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)