Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 3, tháng 5, năm 2010)

Ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch (14-5-2010), Phật tử Tây Tạng bắt đầu lễ hội Sagadawa kéo dài trong một tháng, để kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.

TÂY TẠNG: Lễ hội Sagadawa kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh và nhập Niết bàn

Ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch (14-5-2010), Phật tử Tây Tạng bắt đầu lễ hội Sagadawa kéo dài trong một tháng, để kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.

Khách hành hương đã tập trung về các tu viện chính và đường phố tại thủ phủ Lhasa, trong số đó có những người từ các tỉnh lân cận và du khách nước ngoài.

Theo cơ quan du lịch khu vực, năm nay Tây Tạng dự kiến đón tiếp 6,5 triệu du khách, tăng hơn năm ngoái 16%.

Trong tháng lễ hội này, người Tây Tạng tổ chức những nghi lễ Phật giáo như phóng sinh những loài vật.

Nhà sư Sambo từ tu viện Chakri ở hạt Nagqu đã lái xe trong 11 giờ để đến Lhasa. Ông và bạn bè dự định ở lại đây suốt tháng. Ông nói, "Tôi cầu nguyện cho một thế giới hoà bình và an toàn, và cầu mong rằng các nạn nhân động đất tại Ngọc Thụ sẽ tìm được đường lên thiên đường".

Một số Phật tử Tây Tạng thuần thành hành lễ lạy dài, hoặc vừa quay cối kinh vừa đi theo chiều kim đồng hồ quanh Điện Potala và Tu viện Jokhang, 2 lộ trình hành hương chính tại khu buôn bán của Lhasa.

(China Daily - May 19, 2010)

 

ẤN ĐỘ: Thành lập trung tâm nghiên cứu văn hoá Hi Mã Lạp Sơn

Nội các liên bang Ấn Độ đã phê duyệt việc thành lập một Viện Nghiên cứu Trung ương và Văn hoá Hi Mã Lạp Sơn (CIHCS) tại quận Tây Kameng, địa phương có truyền thống Phật giáo của bang Arunachal Pradesh.

Sau cuộc họp nội các do Thủ tuớng Manmohan Singh chủ toạ tại đây vào ngày 19-5-2010, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thanh Ambika Soni cho biết: Nội các đã chấp thuận về việc thành lập CIHCS tại quận Tây Kameng của bang Arunachal như là một viện tự trị thuộc Bộ Văn hoá.

Kinh phí của dự án là 90 triệu Rupees, với chi phí định kỳ hàng năm là 1.248.600 Rupees.

Bộ truởng Soni nói, "Việc này không những sẽ điền vào khoảng chân không vốn tồn tại trong lĩnh vực giáo dục, nhất là Phật giáo, mà cũng sẽ tạo những gắn bó về văn hoá cho thanh niên của vùng này và cổ vũ sự hội nhập quốc gia. Nó cũng sẽ tạo thành thói quen cho nhận thức về cân bằng sinh thái và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Nó sẽ dạy cho cộng đồng về nghệ thuật và nghề thủ công để tự cung tự cấp và phát triển bền vững, và bảo tồn bản sắc dân tộc trong khuôn khổ hội nhập quốc gia".

(India Gazette - May 19, 2010)

 

TRUNG QUỐC: Kế hoạch tái thiết huyện bị động đất Ngọc Thụ

Bắc Kinh, Trung quốc - Đài Truyền hình Trung ương Trung quốc đưa tin vào ngày 19-5 rằng: Năm nay Trung quốc cấp 9 tỉ nhân dân tệ (1,32 tỉ usd) cho việc tái thiết huyện Ngọc Thụ, một khu vực của Tây Tạng bị động đất tàn phá hồi tháng trước.

Trong một cuộc họp nội các hàng tuần, kế hoạch tái thiết đề ra một mục tiêu 3 năm cho việc xây dựng lại nhà cửa, trường học và đường xá tại Ngọc Thụ, nơi trận động đất ngày 14-4 đã làm hơn 2.400 người chết và huỷ hoại thị xã Gyegu.

Bộ Tài chính sẽ cấp nhiều tiền hơn vào năm thứ 2 và thứ 3.

Kế hoạch tái thiết Ngọc Thụ có vẻ đã được triển khai giống với kế hoạch 3 năm dành cho tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh có gần 90.000 người chết do một trận động đất tàn khốc vào năm 2008.

Vào ngày kỷ niệm năm thứ hai của trận động đất Tứ Xuyên, các nỗ lực tái thiết tỉnh này sắp hoàn thành. Nhưng một số người dân địa phương ở đó than phiền rằng họ ít có được tiếng nói về hình dạng của các phố thị được xây dựng lại tại quê nhà họ.

Điều đó có thể trở thành một sự than phiền nhiều hơn nữa tại huyện Ngọc Thụ của dân tộc Tây Tạng, nơi mà các nhà sư sống ngoài khu vực này đã bị buộc phải nhường đường cho các đội tái thiết của nhà nước.

(Reuters - May 19)

MÃ LAI: Tăng sĩ và công nghệ thông tin

Ipoh, Mã Lai - Hiện tượng các nhà sư sử dụng công nghệ thông tin ở thành phố Ipoh không phổ biến bằng ở Kuala Lumpur hoặc Penang.

Là một trong những tăng sĩ đang thường xuyên khai thác công nghệ thông tin, sư trụ trì chùa Zhu Zen ở Ipoh là Zhong Hong nói rằng: Nếu các tăng sĩ có thể nắm vững các kỹ năng sử dụng máy tính, điều đó có thể trở thành một công cụ rất thuận tiện và hiệu quả cho việc thuyết giáo.

Ông nói rằng công chúng thường nghĩ là giới tăng sĩ bị cách ly khỏi cuộc sống thực tại. Tuy nhiên, các tăng sĩ thật ra đang ứng dụng những kỹ năng về máy tính vào cuộc sống hàng ngày của họ. Ngoài ra họ cũng có thể mua sắm, kiểm tra bản quyết toán tài khoản và thanh toán hoá đơn tiện ích trực tuyến.

Một số tăng sĩ thậm chí đã biết sử dụng máy tính trước khi đi tu, trong khi một số khác sử dụng máy tính để giúp họ chuẩn bị những tài liệu phát đi cho việc truyền bá giáo lý Phật giáo.

Nhìn chung, tăng sĩ sử dụng máy tính cho 3 mục đích chính:

1/Tập trung vào một mặt đặc thù của Phật giáo như thiền định, tụng kinh v.v...

2/Chuẩn bị bài giảng: Chuẩn bị những phim ngắn qua máy tính, sau đó chiếu lại bằng máy chiếu phim.

3/Tạo thuận lợi cho các công việc về tổ chức: Dùng máy tính để làm các công tác chuẩn bị như nhập văn bản và tổ chức các hoạt động thanh niên, chiến dịch hiến máu và các sự kiện khác.

(Sin Chew Daily - May 20, 2010)

 

LA MÃ: Toà thánh Vatican chúc Phật tử an lạc nhân lễ Phật đản (Vesak)

Ngày 17-5, Toà thánh Vatican đã chân thành gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến với Phật tử nhân lễ Phật đản - nhấn mạnh những mối quan tâm chung đối với môi trường và chống việc phá thai.

Thông điệp được ký bởi Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, vị chức sắc hàng đầu về đối thoại liên tôn giáo của Vatican, nhằm 'giúp tăng cường những mối quan hệ của tình hữu nghị và hợp tác hiện nay của chúng ta trong việc phụng sự nhân loại'.

Thông điệp viết rằng, 'Tín đồ Ki Tô giáo và Phật tử cùng có sự tôn trọng sâu sắc về cuộc sống con người. Điều này rất quan trọng, do đó chúng ta khuyến khích những nỗ lực nhằm tạo nên một ý thức trách nhiệm về sinh thái'.

Thông điệp cũng kêu gọi cộng đồng của hai tôn giáo tái khẳng định 'những niềm tin vững chắc chung của chúng ta về quyền bất khả xâm phạm của cuộc sống con người và sứ mệnh duy nhất của gia đình, nơi người ta học yêu thương đồng loại và tôn trọng thiên nhiên'.

Tại Hàn quốc và Đài Loan, lễ Phật đản năm nay nhằm ngày 21-5 dương lịch, trong khi tại nhiều nước khác có các cộng đồng Phật tử đông đảo (gồm Thái Lan, Tích Lan, Cam Bốt, Miến Điện, Mã Lai, Lào, Nepal và Việt Nam) lễ sẽ được tổ chức vào ngày 28-5 dương lịch.

http://123.30.50.210/liveinfo/sites/default/files/cckimages/9/Hoa_sen_9.sized_.jpg

 

(monstersandcritics.com - May 17, 2010)

Diệu Âm lược dịch