XÂY DỰNG CHÙA VĂN HÓA TÂM LINH


http://du-lich.chudu24.com/f/d/090717/ngamy-13.jpg

Hội thảo hoằng pháp toàn quốc tại tỉnh Kiên Giang kỳ này với những chủ đề rất cụ thể, thiết thực, gắn liền hoạt động của Phật giáo với đời sống xã hội, điều đó khẳng định tính nhập thế và sự gắn bó của Phật giáo với dân tộc, vì một mục tiêu chung là thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường dân giàu, nước mạnh, nhà nhà, người người an lạc hạnh phúc.

Trong nhiều chủ đề rất hay và thiết thực đặt ra tại Hội thảo này, tôi xin được tham gia một chủ đề mà từ lâu chúng tôi đã rất tâm đắc đó là: Xây dựng chùa Văn hoá.

“Chùa” là từ chung để gọi cơ sở thờ tự của Phật giáo như: Chùa, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, Thiền viện…Ngoài chức năng chính là cơ sở thờ tự để Tăng ni, Phật tử thực hiện tín ngưỡng Phật giáo, chùa còn là nơi để duy trì, truyền bá giáo pháp của Đức Phật. Tuỳ từng địa phương và vai trò của từng cơ sở thờ tự, chùa còn mang nhiều vai trò khác nhau như là nơi gặp gỡ giao lưu của những người cùng chung tín ngưỡng, là trung tâm văn hoá của cộng đồng quanh chùa, là trường học cho nhiều đối tượng về văn hoá đạo đức, là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên, chùa còn là nơi để tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước…Với nhiều chức năng như vậy, ngôi chùa được xem như là trung tâm của một vùng quanh chùa. Xây dựng chùa văn hoá vừa là một nội dung cũng là mục tiêu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng đời sống Phật giáo chính tín mang ý nghĩa thiết thực từ tính nhập thế của Phật giáo, thực hiện phương châm là Đạo không tách rời Đời và “phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”. Ngôi chùa từ xưa tới nay không chỉ là nơi thực hiện tín ngưỡng Phật giáo, đó còn là nơi quần chúng nhân dân được hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần thông qua kiến trúc, nghệ thuật và văn hoá, giá trị đạo đức Phật giáo, đạo đức xã hội…

Nói tới xây dựng chùa văn hÓA, chúng ta nghĩ tới ngôi chùa đẹp cả về hình thức bên ngoài và nội dung hoạt động bên trong. Việc xây dựng chùa văn hoá mang nhiều ý nghĩa nhưng tiếc là hiện nay chưa có một quy định nào về tiêu chí hay tiêu chuẩn mang tính khuôn mẫu chùa văn hoá. Tại tham luận này chúng tôi xin nêu một vài ý với mong muốn góp vào cách nhìn để hình dung về một ngôi chùa văn hoá và vai trò của vị sư trụ trì trong xây dựng ngôi chùa văn hoá.

Về hình thức ngôi chùa, để đánh giá là ngôi chùa đẹp được thể hiện ở kiến trúc hợp lý, phù hợp với truyền thống, đặc điểm tín ngưỡng tôn giáo, nhưng cũng phải mang nét của thời đại, hài hoà về môi trường, cảnh quan, tương xứng trong tương quan chung về kiến trúc tôn giáo thời hiện tại. Xét ở cấu trúc, hợp lý, tiện ích, phù hợp với công trình tôn giáo. Xét về giá trị sử dụng ngôi chùa có chức năng phục vụ tín ngưỡng tâm linh Phật giáo. Ngoài ra chùa còn là nhà ở của ít hoặc nhiều vị sư, chùa còn là nơi trưng bày, triển lãm, quảng bá các hình ảnh, hiện vật Phật giáo. Chùa chính là một công trình tôn giáo, song do đặc trưng là phục vụ cộng đồng và được kiến tạo bởi sự đóng góp của cộng đồng nên nó còn mang giá trị nghệ thuật của thời đại trong kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ….Một ngôi chùa đẹp không chỉ ở hình thức mà còn phải tiện ích, tiện cho người thực hiện tín ngưỡng và tiện cho người sử dụng. Một ngôi chùa đẹp cũng là yếu tố thu hút đông đảo tín đồ và khách thập phương tới chiêm bái. Nhưng điều quan trọng hơn, ngôi chùa đẹp còn làm tăng thêm giá trị tôn giáo vốn có của nó bởi ở đó đã thể hiện tâm huyết, năng lực, tình cảm và sự cống hiến cho tôn giáo của người chịu trách nhiệm hoặc người sáng tạo ra nó. Trong thực tế sư trụ trì trong một ngôi chùa có thể đó là chùa mới do chính vị sư đang trụ trì xây hoặc do truyền thừa, vị sư trụ trì được thừa kế. dù chùa tự xây hay chùa được thừa kế người trụ trì hiện tại cũng đóng vai trò chính trong việc kiến tạo về hình thức cho một ngôi chùa đẹp. Vẻ đẹp của kiến trúc không thay đổi được thì vẻ đẹp về hình thức trang trí có thể nâng ngôi chùa lên rất nhiều.

Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng một ngôi chùa tuy không bị ràng buộc bởi một khuôn mẫu nhất định, song cũng phải tuân thủ nguyên tắc cho chùa theo các mô típ của hệ phái và đặc điểm truyền thống văn hoá vùng miền khác nhau. Và cũng do điều kiện đất đai, điều kiện kinh phí, việc thiết kế xây dựng chùa to hay nhỏ không nhất định giống nhau. Điều đó đang có biểu hiện của nhiều tư tưởng trong thiết kế xây dựng chùa hiện nay đó là vận động để xây chùa cho to, cho hoành tráng.

Tuy nhiên một ngôi chùa văn hóa, đẹp ở bề ngoài chưa đủ mà còn phải chú ý tới nội dung hoạt động bên trong của chùa. Trong ngôi chùa văn hóa, nếu xem vẻ đẹp bên ngoài là hình thức, thì hoạt động trong chùa được xem như là nội dung, hai yếu tố ấy làm nên ngôi chùa văn hóa. Xây được chùa to, đẹp nhưng chưa có được những hoạt động phù hợp với tính chất tôn giáo và chưa thực hiện được tốt bản chất chính tín trong sinh hoạt tôn giáo của chùa, đó vẫn chưa phải là ngôi chùa như những người có tín ngưỡng Phật giáo mong muốn. Trong sinh hoạt của ngôi chùa được xem là chùa văn hóa, ngoài đảm bảo yếu tố tôn giáo, còn phải đảm bảo yếu tố xã hội phù hợp với nhu cầu và đời sống cộng đồng. Để tạo nên được hoạt động của ngôi chùa mang tính nề nếp phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Sự tín tâm của cộng đồng tín đồ, điều kiện kinh tế, xã hội trong khu vực, sự năng động tháo vát của những Phật tử, cư sĩ nòng cốt, sự ủng hộ của chính quyền và xã hội,…và cuối cùng là vai trò của người trụ trì. Trong tất cảc các yếu tố, không thể xem nhẹ yếu tố nào, song quyết định vẫn là vai trò của người trụ trì, bởi vị trụ trì là chủ nhân chính, là hạt nhân của chùa, là người kiến tạo tổ chức các hoạt động chính trong ngôi chùa, người chịu trách nhiệm từ hình thức trang trí tới nội dung hoạt động trong chùa.

Chùa là đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo, bởi vậy chùa thể hiện gần như tất cả các hoạt động của Giáo hội cả về đối nội, đối ngoại và thực hiện các nội dung hoạt động: Đối nội là thực hiện mối quan hệ của vị trụ trì với tín đồ Phật tử thuộc chùa, là xác định và xử lý quan hệ của Phật tử với Phật tử trong chùa, quan hệ chùa này với các chùa khác trong sơn môn, quan hệ của Tăng và Ni chúng trong cùng một chùa với nhau nếu chùa có nhiều Tăng ni, là quan hệ giữa người trụ trì với tín đồ Phật tử …Đối ngoại là quan hệ của nhà chùa với chính quyền, với đồng đạo ở nơi khác tới, với chư tôn đức Tăng ni và tín đồ Phật tử của nhiều chùa khác, với xã hội, với tôn giáo bạn …Một vị sư được xem là đúng nghĩa và làm tròn trách nhiệm trụ trì không phải là “làm dâu trăm họ” mà là “làm dâu cả xã hội”, bởi chùa không chỉ là nơi đến của số ít người mà rất đông các tầng lớp trong xã hội đến chùa. Hoạt động của chùa là tổng hợp rất nhiều các lĩnh vực khác nhau từ thuyết giảng giáo lý kinh điển tới tổ chức làm từ thiện nhân đạo, từ làm kiến trúc xây dựng tu sửa chùa cảnh tới giáo dục đạo đức lối sống, từ thiền quán tu tập tới làm nghi lễ tôn giáo, tất cả các việc trong ngoài, trên dưới, lễ, tết, đình đám, quan hệ xã hội… nhà chùa việc gì cũng có thể tham gia và được mời tham dự, tuỳ tuổi tác năng lực mà phạm vi rộng hẹp khác nhau. Trong muôn vàn thứ việc mà nhà chùa đảm nhận và thực hiện nhà chùa trở thành trung tâm và mỗi một công việc, mỗi một nội dung hoạt động có giá trị nâng đỡ, thúc đẩy nhau, nương tựa nhau, giúp cho ngôi chùa phát triển. Trong các nội dung hoạt động của chùa, thì nội dung sinh hoạt giáo dục nhận thức, đoàn kết của tín đồ là rất cần được quan tâm, bởi mục đích tối thượng của đạo Phật là đem lại an lạc và giải thoát cho chúng sinh. Nếu tín đồ Phật tử tới chùa mà không hiểu về kinh điển giáo lý Phật Đà, không thực hiện theo chính tín Phật giáo, làm các việc trái đạo thì lỗi đó một phần thuộc về trách nhiệm của Phật giáo, trách nhiệm của vị trụ trì.

Hiện nay do nhu cầu của một bộ phận nhân dân trong xã hội, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều ngôi chùa đang có những hoạt động đi xa với giáo lý Phật giáo, chưa đúng với chính tín Phật giáo. Vẫn biết đó là phương tiện đưa nhiều người còn sơ cơ tới chùa, thu hút nhiều người tới chùa để từng bước cho họ tiếp cận tìm hiểu về giáo lý Phật giáo, sau khi có sự hiểu biết, có nhận thức đúng dắn họ sẽ tự xa rời mê tín. Nhưng việc phương tiện kéo dài mãi, tín đồ Phật tử vẫn không được thấu hiểu giáo lý kinh điển Phật giáo sẽ là một hệ luỵ nảy sinh nếu bị các thế lực thiếu thiện cảm với Phật giáo xuyên tạc, kích động và điều đó dễ chuyển đức tin từ sùng kính sang chống đối và rời bỏ Phật giáo. Nhiều ngôi chùa hiện nay, vị trụ trì đã rất có ý thức trong việc xây dựng chùa cảnh, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả cho nhân dân. Tuy nhiên cũng còn một số ít chùa hiện còn chưa quan tâm nhiều tới xây dựng chùa văn hoá mà đang sa vào các lĩnh vực khác xa với tín ngưỡng Phật giáo. Trước thực tế ấy phải chăng GHPGVN nên đưa ra một số quy định về việc xây dựng các chùa theo chuẩn mực của Giáo hội làm khuôn mẫu cho các vị trụ trì thực hiện, làm cơ sở cho tín đồ Phật tử kiểm soát hoạt động của mình, qua đó củng cố kiện toàn hoạt động của Phật giáo, làm cho Phật giáo thực sự là tôn giáo ưu tú , thiết thực đóng góp xây dựng đất nước giàu đẹp./.

 

(Trich tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

Thích Đồng Hòa

Ủy viên ban Hoằng pháp, Ban Văn hoá, Ban Giáo dục

Thành hội Phật giáo Hà Nội.

(theo giaohoiphatgiaovietnam.vn)