Cư trần lạc đạo

Thầy đi ngang liêu điệu, thấy điệu Trung đang nằm ngủ, Thầy gọi:

- Trung con, sao con chưa chuẩn bị đi ăn cơm mà nằm dài đó?

- Dạ!

Nó nghĩ là cả buổi sáng nay bưng đất, khiêng đá... sau vườn; mệt nhọc như vậy nên ngủ một chút thì không có chi.

- Thầy biết sáng nay làm việc nặng nhọc hơn mọi ngày, nhưng đâu phải riêng con. Lần sau không được giải đãi như vậy nghe chưa!

- Dạ.

Chiều nay, nó dọn nhà vệ sinh, phòng tắm. Lau chùi suốt cả buổi chiều, tắm rửa xong, vào ăn cơm tối.
Thầy Tri sự đi ngang nói:

- Trung! Con ăn cơm xong, lấy xe đạp xuống chợ mua cho thầy 5 lít dầu hỏa và nửa cân thép mỏng!
- Dạ. Nó chợt nhớ tối nay phiên nó thỉnh chuông.

Ăn hết chén cơm, nó vụt đi chợ.

Sau thời tụng kinh xong, nó không cùng mấy điệu ra sân chơi. Đêm nay trăng sáng, nó lủi thủi về liêu, treo chiếc áo tràng lên.

Ngồi xuống bàn học, không phải để học bài, nó nhìn qua lại và lôi trong hộc ra một ổ bánh mì pho-mát to, trong liêu chẳng có ai; nó lẩm nhẩm, ngon! Ngon!!!

- Giờ này còn ăn cái chi rứa con?

Giọng Thầy hỏi khẽ qua cửa sổ. Những kẻ ăn vụng bao giờ chẳng giật hồn mất vía.

- Dạ, bạch Thầy! Nó đứng dậy.

Thầy bước vào liêu, chưa kịp hỏi gì thì thấy mảnh giấy dán trên vách cạnh bàn học, tờ giấy nhỏ chép 4 câu thơ: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên...”

Thầy sửng sốt, tim thầy như đập mạnh. Thầy đứng im như hít một hơi dài.

- Bài thơ này con chép ở đâu?

- Dạ, bạch Thầy con chép trong quyển “Sơ tổ thiền Trúc Lâm”.

- Con nói nội dung của bài thơ này thầy nghe!

- Bạch Thầy, dạ... Con...

Từ sắc thái nhỏ nhẹ, Thầy nói lớn:

- Điệu với hạnh. Vì thế mà sáng nay sau khi làm việc mệt, con nằm dài ra phải không? “Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền” đúng không con?

Bây giờ, nó run sợ hơn. Thầy tiếp:

- Con còn nhỏ, thầy dạy học kinh luật con không lo học, đi học chi những sách nớ? Con có biết con hiểu quá sai lầm về bài thơ ấy, từ đó dẫn đến những hành động sai lạc của con. Con có thấy ai làm việc mệt dám đi nằm nghỉ không, mà con dám trốn vào liêu, còn bánh mì ni ở mô ra? Nếu con nói đói khi nào ăn khi đó thì còn chi nữa qui tắc của chùa, còn chi nữa giữ giới không ăn phi thời? Con hiểu bài thơ như vậy không những không “lạc đạo” mà còn “lạc đường” nữa đó, con hiểu không?

Nó đứng im lặng.

Sau một lúc, thầy lại nhẹ tiếng:

- Ngay cả thầy cũng chưa thâm nhập được huống chi con chấp cái nghĩa đen thiển cận như vậy. Bài thơ đó hai câu đầu nói về sự tự tại giải thoát của các bậc Thánh nhân; tuy sống ở đời nhưng không còn bị sự ô nhiễm của cõi đời ràng buộc, chớ có phải đơn giản nói về việc ăn ngủ tầm thường của kẻ phàm phu tục tử như chúng ta đâu. Con hãy cố gắng học tu, khi thành bậc Thánh rồi thì con muốn ăn khi nào, ngủ khi nào cũng được. Còn bây giờ con phải sống theo chúng, theo qui tắc ở chùa, con hiểu không? Ăn xong nhớ đi đánh răng hỉ!

Nó im lặng không nói một lời.

Thầy bước ra khỏi liêu. Dọc hành lang ánh trăng sáng chiếu qua kẽ lá, rọi vào bước đi và dáng người thầy. Trung chợt nghe thầy nói khẽ: Kiểu ni lỡ mai mốt mấy điệu đọc đến câu “nhứt cử nhất động vô phi thị tội”, hoặc những sách khác thì chí nguy!!!

 

http://www.yeucon24h.com/home/images/stories/20090901/chutieu04.jpg

 

Nhuận Mai

Nguồn Tập San Pháp Luân 28