Đạo Phật giúp giới trẻ tiến thân có nhân cách

image

Tiến sĩ Thái Kim Lan là một Phật tử, chuyên dạy so sánh triết học Đông - Tây, từng dấn thân trong cuộc vận động mùa Phật Đản 1963. Đã hơn 40 năm, mỗi khi có việc có thể làm Phật sự chị đều tự nguyện góp sức.

 

Và lần này, trong chương trình của 'Tuần Văn hóa Phật giáo' có một cuộc đối thoại với thế hệ trẻ, chị đã nhận lời chủ trì. Sau buổi tọa đàm, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Kim Lan.
Một hoạt động tại Tuần Văn hóa Phật giáo. Ảnh: Thanh Tùng

Một hoạt động tại Tuần Văn hóa Phật giáo. Ảnh: Thanh Tùng.

 

Khi dự tọa đàm tôi thấy có nhiều bạn trẻ tỏ ra am hiểu kinh sách, giáo lý. Điều này có nằm ngoài dự kiến của người chủ trì?
Đó cũng là điều bất ngờ. Thật thú vị khi được nghe các bạn trẻ tranh luận sôi nổi về những câu hỏi của chính các bạn cùng lứa tuổi đưa ra. Đôi khi chúng tôi đã nhường lời cho các bạn trẻ, lấy câu trả lời của chính các bạn làm đáp án.
Tôi đã không cần phải thuyết giảng nhiều, tôi trở về vị trí của một người “phụ sinh” theo đúng quan điểm của tiền nhân: không giết chết ý tưởng của người tham luận bằng quyền uy lý thuyết, mà giúp nảy sinh ý tưởng, điều chỉnh ngộ nhận các khái niệm Phật giáo.
Đạo Phật chủ trương đưa ra cái nhìn toàn diện về một vấn đề, hay về một khái niệm. Bao dung cần đến sự giảm thiểu ngã mạn; từ bi, đức độ không thể thiếu trí tuệ, khoa học. Ngũ giới có nền tảng tự nguyện hơn là áp đặt, đạo đức trên thương trường không phải cạnh tranh mà là kiểm soát nhu cầu của cả bên bán và bên mua.
alt

 

Phật giáo trong tương quan với các tôn giáo khác không đặt nặng số lượng mà coi trọng phẩm chất của niềm tin tôn giáo. Niềm tin này đặt nền tảng trên sự nuôi dưỡng hòa bình nội tâm và hòa bình giữa người và người.

Trước những nguy cơ xung đột tôn giáo cực đoan, đạo Phật đóng vai trò toàn cầu thật quan trọng. Phương pháp giáo dục của Đức Phật dựa trên phân tích khoa học đi từ kinh nghiệm và trải nghiệm của mỗi người, không có tính áp đặt và cưỡng bức, không giáo điều.
Có phải vì thế mà Phật giáo du nhập khắp thế giới một cách hòa bình, êm ái. Tuổi trẻ tự nguyện đến với Phật giáo là lựa chọn cho mình một lối sống chứ không phải là để tiến thân?
GS Bửu Ý (một trong năm thành viên chủ trì buổi tọa đàm – PV) có nêu lên rõ đặc tính bao dung nữa của Đạo Phật. Bàn thờ trong mỗi gia đình là nơi dạy ta bài học của sự khiêm tốn, lễ độ với tiền nhân qua những việc tưởng rất nhỏ như thắp cây hương. Đạo Phật là đạo sống chứ ít mang màu sắc tôn giáo, sống sao để chính mình bình an và mang bình an đến cho người khác.
Nhưng cũng cần hiểu rõ rằng, lựa chọn đến với Đạo Phật không có nghĩa là dứt bỏ con đường tiến thân của giới trẻ, ngược lại nếu sống đúng tinh thần Đạo Phật, sự tiến thân có giá trị gấp đôi: tiến thân bằng nâng cao trí tuệ và tiến thân có nhân cách.

"Tôi thật sự bất ngờ khi thấy các bạn trẻ tham dự rất đông. Người đứng tuổi cũng khá nhiều. Điều này cho thấy Phật giáo và tuổi trẻ đang là mối quan tâm lớn của mọi người, mọi giới. Nhiều bạn trẻ phải đứng suốt cả buổi, vì trong, ngoài hội trường đều kín hết ghế, mà không hề thấy mỏi mệt. Bất ngờ và thú vị nhất là sau phần trình bày của các diễn giả, các bạn trẻ hăng hái đặt câu hỏi để thảo luận, không chút ngại ngần." - Tiến sĩ Thái Kim Lan

Từ các ý kiến thảo luận có thể đúc kết ra hai vấn đề:

 

Nền tảng gia đình, nền tảng xã hội cần thiết cho giới trẻ trong việc phát triển nhân cách và đời sống đạo đức, tâm linh. Chính tiếng chuông chùa, lời mẹ ru, tiếng niệm Phật, sinh hoạt Gia đình Phật tử, thói quen ăn chay hàng ngày... là mảnh đất thân thiện nẩy sinh tình cảm, bồi bổ niềm tin và hi vọng cho giới trẻ.
Ngày nay Đạo Phật đã được truy nhận trên hoàn vũ là một “đạo sống” với tinh thần khoa học. Đến với Đạo Phật bằng trí tuệ, dựa trên nghiên cứu, tìm hiểu, cũng là một con đường, một sự lựa chọn của giới trẻ hôm nay. Cả hai con đường đều rất cần thiết. Chung quy lại là để tìm một nếp sống đạo đức hợp với thời đại.
Xin được nói thêm một điều thay cho lời kết: Trong Đạo Phật những người đạt đạo trở thành những nhà thơ, những họa sĩ. Họ là những nghệ sĩ của đời sống. Đạo Phật như là con người sáng tạo, tự do, tự tại.
Tôi có cảm giác như chính mình cũng đang bắt đầu (dù đã bắt đầu nhiều lần) tra vấn lại gia sản Phật giáo với sự thôi thúc tìm kiếm một phương hướng để Đạo Phật đi vào cuộc đời trong thời đại khoa học, trong sự đe dọa của lối sống suy thoái đạo đức và mất mát niềm tin của một bộ phận tuổi trẻ hôm nay.
Chúng ta phải có trách nhiệm làm mới tính hiện đại đã nằm sẵn trong giáo lý Đức Phật, tìm phương pháp giáo dục với tinh thần khoa học để giới trẻ có cơ hội phát triển tinh thần độc lập, tự trọng, tự chủ, xây dựng cho mình lối sống khoan hòa, bao dung.
Thanh Tùng (thực hiện)
Theo: Tiền Phong