Giải mã Da Vinci cho Phật giáo

Ngày
19/05/2006 vừa qua, đạo diễn người Mỹ Ron Howard cho công chiếu bộ phim The Da Vinci Code đã khiến cho dư luận xoay quanh cuốn tiểu thuyết trinh thám The Da Vinci Code A Novel của nhà văn Dan Brown lại một lần nữa nổi lên rầm rộ, nhất là đối với những tín đồ Thiên chúa giáo. Một trường hợp như thế nếu được lồng vào bối cảnh Phật giáo thì sẽ như thế nào? (Người dịch)

Nếu bạn chưa bị cơn sốt “Mật mã Da Vinci” (The Da Vinci Code) (DVC) tiêm nhiễm, thì đây là bản tóm tắt bằng chính ngôn từ của tác giả - “Một nhà biểu tượng học nổi tiếng của Harvard được mời đến viện bảo tàng Louvre để nghiên cứu những ký hiệu bí ẩn liên quan đến tác phẩm hội họa của Da Vinci. Trong khi giải mã, ông ta phát hiện ra chìa khóa dẫn đến một trong những điều bí mật vĩ đại nhất của mọi thời đại… và rồi ông ta trở thành kẻ bị truy lùng”.

Một số trong những điều bí ẩn này đặt vấn đề nghi ngờ rằng liệu Chúa Jesus có phải là bậc linh thánh hay không, Ngài đã từng kết hôn hay chưa, và Thánh kinh có thật sự ghi lại những gì Ngài đã giảng dạy hay không. Câu chuyện DVC là một tiểu thuyết ly kỳ thông thái với những tình tiết phiêu lưu mạo hiểm, những ý đồ mưu sát, sự phản bội và những việc như thế - hầu như cũng hấp dẫn giống như những giả thuyết phản bác mà nó làm sống lại.

Phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết DVC là một trang “sự thật”, trang này nói rõ rằng những tư liệu, nghi thức, tổ chức, tác phẩm hội họa, và công trình kiến trúc ở trong cuốn tiểu thuyết là có thật. Điều thú vị chính là ở chỗ, trong khi nó không tuyên bố rằng những giả thuyết phản bác chứa đựng mưu mô thời trung cổ đã được thảo luận bởi những nhân vật hư cấu trong cuốn tiểu thuyết là chân thật, thế nhưng nhiều người đã xem cuốn tiểu thuyết như “ánh sáng phúc âm” đưa họ đến với sự thật. Đây là chỗ phát sinh tất cả các cuộc tranh cãi – về việc liệu DVC là chân thật hay hư cấu. Hầu hết độc giả có khuynh hướng chấp nhận một trong hai phía, không đứng trung lập. Nhưng phải chăng chân lý chỉ đơn giản như việc dính chặt vào mặt này hay mặt kia? Có thể có một sự pha trộn sự thật và hư cấu trong DVC chăng?

Xin nói thêm, tác giả tuyên bố đó là kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu. Trớ trêu thay, khi phản ánh lời tuyên bố về “sự thật” của DVC, ông Ian McKellen (người thủ vai Leigh Teabing ở trong DVC) đã nhận xét - “Tôi đã luôn nghĩ Thánh kinh lẽ ra nên có sự phòng ngừa từ trước, nói rằng ‘Đây là hư cấu’, nghĩa là, bước đi trên nước? Ý tôi là, cần phải có đức tin”. Ông ta nói đúng không? Tin vào điều không thể tin được thực sự cần phải có một bước nhảy vọt về đức tin. Điều này có thể đem áp dụng cho cả hai cuốn sách.

Những Phật tử nên nhìn hiện tượng DVC này như thế nào? Nó có đem lại cho chúng ta bài học nào không? Như đức Phật đã khuyến khích mỗi chúng ta hãy khách quan trong khi nhận thức sự thật khách quan, cho nên sẽ là sáng suốt hơn để xem lời tuyên bố chỉ là lời tuyên bố, thay vì cứ xô đẩy lời tuyên bố ấy về phía sự thật hay ngụy tạo một cách không khoan nhượng. Có lẽ quan điểm này được minh họa rõ ràng nhất bằng một nhận xét của Tom Hanks (người thủ vai giáo sư Robert Langdon - người hùng trong DVC). Khi được hỏi liệu ông có tin là Chúa Jesus đã cưới Mary Magdalene hay không, ông đã trả lời: “Tôi không biết. Tôi không có mặt vào thời điểm đó”. Một câu trả lời vô cùng thông minh và đúng đắn! Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, tất cả những gì chúng ta biết về Chúa Jesus chân thực không phải là nguồn thông tin gốc.

Hình ảnh Ngài trong tâm khảm chúng ta phụ thuộc vào sự tin tưởng của chúng ta đối với các nhà sử học, cả tôn giáo lẫn phi tôn giáo. Nếu chúng ta nhận thấy thật khó để đặt tất cả niềm tin tưởng ấy vào các nhà sử học, những người mà đôi khi cũng mắc phải sai lầm và mâu thuẫn lẫn nhau, vậy thì ai là người để chúng ta đặt trọn niềm tin, nếu không phải chúng ta, bằng vào tính khách quan của mỗi người? Mỗi khi tiểu sử của một nhà sáng lập tôn giáo mập mờ, điều đó nhắc nhở chúng ta rằng minh chứng có giá trị của một tôn giáo là ở ngay bản chất của giáo lý tôn giáo đó, hơn là bản chất của lịch sử. Điều thú vị hơn cả là chúng ta sẽ xoay chuyển lòng tín thành bằng cách nào khi mà chúng ta lần lượt nghe thấy từ cả hai mặt của câu chuyện? Thậm chí ngay cả mỗi bộ phim tài liệu về DVC, ở một chừng mực nào đó, người thực hiện dường như đã trở nên thiên kiến. Một bộ này có vẻ như vạch trần hoàn toàn DVC, trong khi một bộ khác hầu như hoàn toàn đồng tình với nó.

Phải chăng vấn đề “đồng nhất nhập nhằng” ở trên cũng được áp dụng đối với đức Phật? Dĩ nhiên, về phương diện lịch sử, đức Phật đã xuất hiện trên trái đất này hơn nửa thiên niên kỷ trước khi Chúa Jesus có mặt. Đây là lịch sử có cơ sở vững chắc. Thực tế, cuộc đời của Ngài đã được ghi chép lại rõ ràng trong nhiều kinh điển, nhiều đến độ chúng không thể nằm sít sao trong phạm vi của một cuốn sách. Kinh điển ghi chép sự nghiệp thuyết giảng của Ngài trải dài 45 năm, và sự nghiệp đó nếu đem so sánh với Chúa Jesus thì dài hơn 41 năm. Thật thú vị để nói rằng, giả dụ đức Phật được chứng minh là đã không hề có mặt thật sự, thì giáo pháp của Ngài vẫn sẽ chứng tỏ là thích hợp – đơn giản bởi vì chúng được đặt nền tảng trên sự nhận thức khách quan của Ngài về chân lý, và bởi vì Ngài cũng khuyến khích chúng ta phải thể nghiệm chân lý một cách khách quan như thế, để không bao giờ trở thành giáo điều – ngay cả với lời dạy của Ngài.

Bài học lớn nhất mà DVC đem lại cho chúng ta là, về mặt tinh thần, giáo điều tiềm ẩn những mối nguy hiểm lớn lao. Cũng vậy, sẽ không thỏa đáng để nhầm lẫn cho rằng cuốn tiểu thuyết DVC chứa đựng sự thật tuyệt đối. Phải chăng cũng sẽ không đúng khi tin tưởng hoàn toàn bất kỳ cuốn sách nào khác nói lên toàn bộ chân lý của cuộc sống, vũ trụ và mọi thứ? Chúng ta cần phải nhớ rằng nhiều bộ thánh điển không được viết hay soạn lại bởi chính những nhà sáng lập của tôn giáo ấy.

Chúng ta theo đạo quá dễ dàng bởi vì bất kỳ cuốn sách nào đó, hay bởi trí tuệ của chính chúng ta? Phải chăng DVC là tân “Thánh kinh” của dị giáo hay của những sự thật đã bị che đậy phũ phàng? Hay nó là một thứ gì đó giữa dòng? Chúng ta là độc giả của một loại sách cổ, hay là của một loại sách bán chạy thời hiện đại? Hay tất cả chúng ta chỉ là độc giả của bất kỳ loại sách nào? Nói như đức Phật: “Các ông nghi ngờ là phải lắm. Khi có lý do để nghi ngờ, sự hoang mang được sinh ra. Trong trường hợp này cũng vậy, này những người dân Kalama, đừng vội tin theo vì điều ấy được truyền tụng, vì điều ấy được truyền thuyết kể lại, vì điều ấy phù hợp với phong tục, vì điều ấy được kinh điển ghi chép, vì điều ấy phù hợp với suy biện logic, vì điều ấy phù hợp với lý lẽ, vì điều ấy hợp với sự phân tích, vì điều ấy phù hợp với những ý kiến có thẩm quyền, vì điều ấy có xác suất cao, hay vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình” (Kinh Kalama). Tuy những giả thuyết phản bác của DVC đã phô bày mối nguy hiểm của sự chấp chặt vào tín điều đã được mặc nhiên chấp nhận, thế nhưng cũng không nên bám lấy chính cuốn tiểu thuyết DVC ấy – nếu không nó cũng sẽ trở thành giáo điều. Cả hai sự thái quá – chủ nghĩa giáo điều và sự tùy tiện – đều đi xa Con đường trung dung của đức tin hợp lý và khôn khéo trong tín ngưỡng của mỗi người.

Có gì sai trái khi cuốn sách mà bạn tin tưởng là DVC hay một cuốn khác? DVC là hư cấu hay không thì cũng không phải là vấn đề then chốt – bởi vì đó là một bài học quý báu về mối nguy hiểm của niềm tin mù quáng cho rằng cuốn sách nào đó là không thể sai lạc. Ngay một số tín đồ Phật giáo cũng thừa nhận rằng, ở một chừng mực nào đó, một vài bộ kinh đã bị mất bớt ý nghĩa trong quá trình phiên dịch. Chính lời dạy của đức Phật rằng không nên vội tin “theo kinh điển” như thế đã bảo đảm tính nguyên vẹn về mặt tinh thần của giáo pháp. Ngài dạy, dù chúng có trong kinh điển hay không. Có cần thiết phải khăng khăng bám vào một cuốn sách đơn lẻ để nói về toàn bộ sự thật trong khi còn có vô số cuốn khác cũng được cho là Thánh điển không?

Người tốt nhất để thẩm định cái gì thực sự thiêng liêng và xứng đáng để đặt niềm tin chính là bản thân mình chứ không phải một ai khác, hay sách vở của ai đó. Nên nhớ - sức mạnh hay số đông không phải luôn luôn giành được chân lý. Chẳng hạn, tái hiện lại sự đàn áp của Tòa án dị giáo đối với cái “quan điểm bất thường” cho rằng trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, và biết bao nhiêu người trong quá khứ đã tin tưởng rằng trái đất có hình thù bằng phẳng. Hãy nghĩ đến hàng nghìn người (có kẻ nói là hàng triệu) bị “truy lùng” và thiêu sống trong lịch sử, và những người đã chết hoặc bị tàn sát nhân danh đức tin của họ. Đấy chính là sự tai hại của thái độ không dung thứ thuộc tôn giáo cứ cho rằng mình là đúng, hay của những tín điều buộc phải thực thi trên cái gọi là “kẻ dị giáo” bất tuân phục.

Rõ ràng DVC mong muốn giải quyết vấn đề liệu Chúa Jesus là người phàm hay thần thánh, hay có thể là cả hai. Một điều quan trọng cần phải để ý đó là Chúa Jesus không phải là người duy nhất được một số người khác xem là linh thánh. Trong khi ấy, có thể thấy rằng đức Phật đã nỗ lực đưa ra một con đường trung hòa lý thú giữa phàm tục là thần thánh. Một vị thánh ở một kiếp trước, nhờ vô lượng công đức đã được tích lũy trong nhiều đời, nguyện giáng sinh làm một con người rất mực mô phạm, để từ đó trở thành một chúng sinh hoàn thiện – một vị Phật – bậc vượt lên trên những giới hạn của tất cả loài người và loài trời. Ngài tuyên bố chính Ngài là “Phật” – bậc đã giác ngộ chân lý, bậc ấy không phải là một Thiên thần cũng không phải là một con người phàm trần mà là một “đạo sư của trời người”. Cái gì quyết định tính linh thánh? Phải chăng tính linh thánh là khả năng đi trên nước? Nếu thế, Chúa Jesus không phải là người duy nhất làm được điều đó. Thật vậy, đức Phật đã từng dùng thần lực đưa toàn bộ chúng đệ tử của Ngài qua sông. Phải chăng tính linh thánh là khả năng cải tử hoàn sinh? Đức Phật, vượt lên trên sống và chết, vẫn có thể hiện thân đến với những người tín thành và trong những thế giới hệ khác để cảm hóa chúng sinh. Còn hơn cả chết vì chúng ta, đức Phật đã sống trọn đời với chúng ta, trong khoảng 45 năm – để tận tình san sẻ trí tuệ về con đường đưa đến giải thoát (giải thoát đạo tri kiến). Thậm chí thị hiện nhập Niết-bàn cũng là một bài pháp cuối cùng – để nhắc nhở chúng ta gìn giữ giáo pháp tối thượng của Ngài, và thực hành chúng, trước khi cái chết đến tìm chúng ta.

Như đức Phật đã dạy, nếu chúng ta cao thượng không bởi sinh ra mà bởi những gì chúng ta làm sau khi sinh ra, thì khi ấy ý tưởng về việc cần phải tìm lại dòng dõi của Chúa Jesus trong DVC là một điều gì đó vô ích. Tất nhiên, người thực sự cao quý sẽ tự minh chứng bản thân họ là như vậy dù cho họ có thuộc dòng dõi cao quý hay không. Chúng đệ tử của đức Phật là một điển hình, có những vị A-la-hán giác ngộ mà trước đó thuộc những giai cấp thấp kém nhất trong xã hội. Giác ngộ là sự kế thừa của chúng ta – chúng ta có quyền thánh thiện hóa chính chúng ta bằng việc thực hành Bát thánh đạo mà đức Phật đã dạy. Tất cả chúng ta đều có thể trở nên hơn cả thần thánh – bằng sự thành Phật, bậc có trí tuệ và từ bi toàn hảo.

Giống như điều đã được ghi nhận trong cuốn phim, “chúng ta là những gì mà chúng ta bảo vệ, những gì chúng ta tranh đấu cho”. Nếu vậy, khi chúng ta bảo vệ cho sự gian dối hay những gì có thể là không chân thật, chúng ta đang không chân thật với thế giới và với chính chúng ta. Phải chăng những lối suy nghĩ khác lạ hay phi truyền thống về tôn giáo của chúng ta đều luôn luôn sai lệch hoàn toàn? Chúng ta hãy trích thêm lời Phật: “… không nên tin theo bởi vì đó là lời đồn, là truyền thuyết được kể lại, là tập tục lâu đời, là kinh điển…” Có thể chúng ta luôn luôn mạnh dạn, không phải quá nhiều để hô hào cho những đức tin đối kháng, mà để quán sát một cách khách quan sự đáng tin cậy của những đức tin ấy, và gạn lọc chúng đến chừng mực thích hợp. Chúng ta phải biết “khó chịu” với sự bất ổn – phải khó chịu đủ để muốn biết liệu tín ngưỡng của chúng ta có chịu được sự kiểm chứng của tính hợp lý cần thiết hay không.

Cứ liệu của những giả thuyết phản bác đã gợi lên sự minh chứng, nhưng phải đợi thử thách mới biết thế nào – trong quá trình tham vấn, thực tập và thực hành giáo lý mà bạn thọ trì. Bởi vì đức Phật đưa ra điều đó để kiểm chứng giáo pháp của Ngài như thể một người đang thử vàng vậy. Trong thời kỳ đen tối của lịch sử, những gì được viết lại một cách không đúng đắn bởi kẻ chiến thắng trên chiến trường và trong những xung đột về quyền lợi, sự thật thường bị mất đi, hoặc bị pha lẫn với sự hư cấu và những huyền thoại. Tóm lại, nhiệm vụ để lại cho chúng ta là gạn lọc đi sự hư cấu để nhận chân sự thật. Chúng ta có bằng lòng tiếp nhận đức tin đã bị làm mờ ố đi không? Hay chúng ta sẽ bồi đắp đức tin với sự trong sáng kết tinh lại?

Về đoạn kết của bộ phim, Langdon nêu ra rằng “Cái thực sự quan trọng là bạn tin vào điều gì”. Điều này đúng trong ý nghĩa rằng chúng ta không là gì hơn ngoài một khối của những tín ngưỡng cả đúng lẫn sai – và cái thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta đó là sẽ tốt hơn hay xấu hơn. Chỉ có đức tin thôi thì không phải là lời giải đáp, đặc biệt khi nó được xây dựng trên những nền tảng không chắc chắn – vì như thế sẽ trao đức tin cho sự mù quáng. Trí tuệ sẽ cần thiết để cân bằng kết quả. Phật giáo đã dạy như thế về nền tảng tinh thần của “saddha”, nó được dịch là “tín” hơn là “đức tin”. Tín là cái được thiết lập trên sự hòa quyện giữa niềm tin hợp lý và trí tuệ thực chứng. Bạn có được cái tín đầy đủ (thâm tín) đối với Phật giáo, hay bất kì tín ngưỡng nào bạn tin không? Có lẽ đây là câu hỏi sau cùng mà DVC đặt ra. Và câu trả lời phải xuất phát từ bạn, và chỉ mình bạn thôi.

 

Thanh Hòa

Nguồn Tập San Pháp Luân 28