ÔNG BỤT TRONG TÔI

Giữa lúc khắp thế giới đang hân hoan, náo nức chuẩn bị đón mừng Đại lễ Phật Đản và tôi cũng không khác gì, lòng cũng thấy nao nao kỳ lạ.

http://www.buddhismtoday.com/chung/buddha-moi.gif

 

Rồi hình như sâu tận tâm hồn, lại nhắc tôi nhớ đến hình ảnh cao quý của đức Như Lai. Đặc biệt hơn, trong những phút giây nầy, tôi lại nhớ đến bài thơ mà tôi đã được học trong cái thời gọi là “Bước đầu học Phật”. Không hiểu sao, chỉ đọc qua một lần bài thơ nầy, tự nhiên nó đã ăn sâu vào tận tâm trí tôi không sao quên được:

Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ

Áo não thử thân đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân.

(Thưở Phật ở đời con chìm đắm

Nay được thân người Phật diệt độ

Buồn thay thân  này nhiều nghiệp chướng

Không thấy thân vàng đức Như Lai) 

Quả thật không sai, ngẫm lại sự Đản sanh của Ngài, đúng là một sự ra đời rất cao quý. Ngài đã thị hiện xuống trần gian chỉ với mục đích duy nhất là đem lại an lạc cho muôn loài. Và hình ảnh thân vàng Như Lai ở đây không nhất thiết là chỉ nói đến sắc thân với đầy đủ ba hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mà hình ảnh thân vàng ấy còn thể hiện ở cuộc đời 49 năm thuyết pháp độ sanh không hề biết mệt mỏi. Ngài đã đi khắp nơi, với tâm Từ bi vô lượng, với Trí tuệ vô biên đã tạo nên cho nhân loại một nhân gian Tịnh Độ thật an lành và thanh thoát. Bất cứ một chúng sanh nào, một con người nào, từ hàng vương giả cho đến kẻ bần cùng, nếu có duyên gặp được Thế Tôn là đều được gội nhuần giáo pháp Ngài truyền trao, được giác ngộ, giải thoát khổ đau.

Có thể nói, trong thời bấy giờ, lúc đức Thế Tôn còn hiện thế, bước chân Ngài đi đến đâu là nơi đó có được sự an vui, thanh thoát. Con người lúc bấy giờ, chỉ cần nhìn thấy hình bóng Ngài từ xa, đã tạo cho họ một sức cảm mến, kính trọng kỳ lạ từ đức Từ Bi vô lượng nơi Ngài … Một sự gặp gỡ đầy ý nghĩa và lợi ích như vậy, thật còn hạnh phúc nào sánh bằng. Và trong thời điểm ấy, có lẽ chúng ta đang chìm đắm nơi phương trời nào, mãi đến hôm nay, nơi cõi trần ai nầy, chúng ta đã không còn được nhìn thấy sắc thân tướng hảo của Ngài. Thế nhưng, nếu nhìn sâu về pháp giới tánh, thì có thể chúng ta sẽ được thấy Phật một khi tâm chúng ta đạt được thanh tịnh hoàn toàn, như câu nói: “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Dẫu biết là vậy, nhưng ngẫm lại vẫn thấy mình còn thiếu phước duyên, không được gặp Phật tại thế, để được chiêm ngưỡng tướng hảo của Ngài, để được trực tiếp nghe lời Ngài thuyết pháp.

Đối với tôi, cũng như bao người trong kiếp hiện tại nầy, cũng chỉ đến với Phật pháp qua nguồn giáo lý Ngài để lại. Thế nhưng, hình như trong tôi, luôn luôn hiện hữu một niềm tin mãnh liệt rằng Đức Phật vẫn còn tại thế, vẫn còn luôn dõi theo từng bước chân của chúng sanh để dẫn dắt, chỉ lối cho nhân loại đi lên bờ giác. Hình ảnh Đức Phật giờ đây chỉ hiện hữu tùy theo sự lắng đọng tâm thức của người biết tu tập.

Quả thật như vậy, có lẽ do duyên lành từ bao kiếp, nên từ thưở nhỏ, tôi đã biết phát tâm xuất gia học đạo. Hình ảnh đức Phật lúc đó trong tôi thật tuyệt vời, Ngài đẹp và hiền từ như ông Bụt trong truyện cổ tích ngày xưa mà Nội tôi thường hay kể mỗi khi đêm về. Nhờ nương hình ảnh đó nên hầu như những lúc buồn vui, tôi đều biết hướng về Ngài, vì không còn ai có thể thấu hiểu cho nỗi buồn của mình. Và hình ảnh đức Phật lúc ấy là ông Bụt hiền từ hiện ra hỏi rằng: “Làm sao con khóc” … rồi ông Bụt đã hóa phép giúp tôi hết buồn và còn dạy khuyên nhiều điều hay. Cứ thế, bất cứ lúc nào, mỗi khi có chuyện gì không vui, tôi đều mơ tưởng đến ông Bụt, và thế là ông Bụt hiện ra trong tâm trí tôi, trong sự tưởng tượng của tôi, giúp tôi giải thoát mọi ưu phiền. Chính niềm tin đó là động lực mạnh mẽ đưa tôi vào chốn thiền môn, bởi lúc đó tôi nghĩ rằng ông Bụt trong chùa sẽ linh thiêng hơn ông Bụt ở nhà. Thế là tôi đã được đến chùa xuất gia tu học.

Qua những tháng năm dài nghiên tầm Phật pháp, học về lịch sử cuộc đời Đức Phật, về quá trình hoằng dương chánh pháp của Ngài, về những giáo pháp nhiệm mầu Ngài đã chỉ dạy, tâm trí tôi đã thật sự khai mở, liễu ngộ được giá trị đích thực về Đức Phật, về đấng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, về đấng cha lành của trời người. Hình ảnh đức Phật trong tôi giờ đã trở nên thiết thực hơn. Ngài không còn là ông Bụt sẵn sàng hiện ra mọi lúc mọi nơi để hỏi tôi rằng: “Làm sao con khóc”, mà Đức Phật lúc này là đấng Từ phụ tuyệt vời cho tôi nương về tu học, là bậc Thầy của trời người, chỉ cho tôi con đường chơn chánh để tiến về bờ giác. Thế nhưng có thể nói, dù hình ảnh đức Phật được hiểu như thế nào, nhưng trong tâm hồn tôi, Ngài vẫn luôn như ông Bụt hiền lành giải tỏa những não phiền cho tôi.

Trong những tháng năm dài tu học, biết bao nghịch cảnh, chướng duyên đưa đẩy vào mình, khiến tâm hồn chao đảo, lao xao. Nào là danh, lợi, sắc, tài; nào là được, mất, hơn, thua … biết bao là buồn vui lôi cuốn. Nhưng có một điều đặc biệt rằng, dù gặp phải bất cứ nghịch duyên nào, trong tôi vẫn có hình ảnh ông Bụt ngày xưa. Và lúc ấy, không còn gì an lạc bằng cách để niềm tin vào Đức Phật, đem tất cả những nỗi buồn chia sẻ, kể cho Phật nghe; rồi những bài giáo lý đức Phật đã để lại như nhẫn nhục, tinh tấn, Bố thí, Ái ngữ v.v... lại lần lượt giúp tôi trút bỏ mọi muộn phiền, giúp tôi thêm năng lực tiến thân trên con đường tìm cầu học đạo. Cứ thế, Ngài luôn hiện hữu bất cứ lúc nào tôi gặp phải những vướng mắc trên đường đạo. Đó chính là động lực duy nhất cho tôi luôn giữ vững niềm tin tu học và thừa hành Phật sự:

Trong con có Phật tuyệt vời 

Ngài như ông Bụt nói lời Từ Bi

Giúp con vượt thoát hoài nghi

Tiến tu đạo nghiệp còn chi não phiền.

 

Chúc Hiếu