Chiều cố mù sương

alt

Trong đời người, lúc đáng sợ nhất là lúc nhiệt huyết trong lòng ta tắt ngấm. Con người sống không có lửa, thì mọi sự đều có vẻ mỏi mệt, thụ động, vô vị và chán chường. Cho nên đôi lúc người ta rất cần một lý tưởng để theo, một nỗi đam mê để cống hiến và một người nào đó để yêu ...

Lý tưởng thì mang mang, nỗi đam mê thì chất ngất và tình ái thì lụy phiền. Phải chăng bậc Thánh là kẻ bước đi phiêu bồng giữa đôi bờ mộng thực với trọn vẹn nỗi thiết tha phụng hiến dâng trào ? Đi qua tất cả ngữ ngôn huyễn hóa, quỳ lạy từng trang cảo lục nhiệm mầu, mở lòng hứng lấy tất cả hoa cỏ trăng sao, ngồi lại đếm từng hư hao niệm tưởng. Trong một thóang vô cùng những giá trị thanh tân, cái đẹp lại lên ngôi và tư tưởng thi ca đi vào huyền thoại, trang sức cõi bình sinh.

Góp nhặt những ý niệm phương phiêu từ đời sống, lặng yên chiêm ngưỡng từng hạt bụi ven đường, thành kính nâng từng giọt lệ niềm thương trong từng trận đoạn trường tân toan dâu bể, chiếu cố sa mù, rồi bất chợt nghe ra …

Chiếu từ hạt cải ra hoa, chiếu đến giang hồ bôn ba đòi đoạn. Chiếu từ Hữu đảnh, chiếu đến A-tỳ, chiếu từ ương ngạnh vân phi chiếu đến nhu mì vân vi sỏi đá, bóng chim tăm cá, nắng hạ sương chiều, gọi từ Tô tử cô chiêu đến cô Kiều du du họ Nguyễn, bước đi uyển chuyển, bị vải ăn mày, răng đen thục nữ, nhiễu sự ni cô …

Khởi sự từ những bước chân êm đềm cổ độ. Nếu có một hình ảnh đẹp nhất của thi ca nhân loại mà nhắm mắt lại ta có thể hình dung, đó là những bước chân âm thầm của đoàn Sa-môn Đức Phật trên khắp các ngả đường thôn dã thị thành dọc lưu vực sông Hằng tự hơn 2500 năm trước. Những bàn chân chạm vào từng thớ đất, như chạm vào một thực tại uyên nguyên. Cả đời sống Đức Phật là một bài thơ, lời dạy của Ngài là những vần thơ, ý tưởng của Ngài là những tứ thơ vô cùng sống động. Có lần Phật cùng A-nan đi lên non Thứu, nhìn xuống những đồng lúa vàng trải dài trước mặt, từng mảnh ruộng dọc ngang được viền bằng những bờ cỏ non mơn mởn, Đức Phật bảo A-nan : Sau này chiếc y ca-sa của các thầy Tỳ-kheo sẽ có hình như những mảnh ruộng lúa vàng óng này. Thật là thơ mộng ! Hình ảnh y vàng của Tăng đoàn Đức Phật lại là hình ảnh của đồng ruộng thôn quê.

Phật dạy các Tỳ-kheo “nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất túc”, ngày một bữa cơm, mỗi đêm một gốc cây. Đời sống phải chảy trôi, trôi chảy như dòng sông êm đềm lặng lẽ, không tù đọng, không vướng víu. Đi và đi, đi qua, trôi chảy không ngừng. Đó là thần chú của Bát-nhã, đó là Dịch của Trung Hoa, đó là Việt của Việt Nam …, luân lưu miên viễn.

Chỉ cần níu được một sợi thơ trong cuộc đời Đức Phật, con người hẳn có đủ sức mạnh và niềm tin để sống trườn qua cơn lốc xoáy ác liệt của hư vô. Toàn bộ tinh túy của đạo học Đông phương được trải dài qua năm tháng bởi chính những con người bồng phiêu như thế. Đệ tử được Đức Phật truyền y bát là Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, vốn tu hạnh Đầu-đà, vân du bốn biển. Bồ-đề Đạt-ma - Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn độ, cũng làm một cuộc viễn du qua nghìn trùng sông núi để trở thành Sơ tổ của Đông độ. Các danh tăng Trung Quốc, từ Tứ đại dịch gia Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, Chân Đế, Cưu-ma-la-thập đã đi qua không biết bao nhiêu những nẻo đường thôn dã, đến những Đại thiền sư như Huệ Năng, Lâm Tế, Đức Sơn, Đại Huệ, vị nào cũng quắc thước với hình ảnh “trượng đầu minh nguyệt, cước hạ thảo hoa”. Đạo của họ đã thành tựu từ những cuộc vân du đây đó, đất với trời tiếp nối nhau qua tháng ngày sống động mà nhờ đó đã chuyển trao được nguồn mạch từ tâm. Thi ca cũng từ đó dựng hình với những chất liệu mây ngàn hạc nội, ruộng lúa nương dâu, làm thơ mộng cho cả một trời tư tưởng. Nhật Bản lừng danh những Thiền sư thi sĩ Ba Tiêu, Tây Hành; Việt Nam rạng rỡ tên tuổi của Trần Nhân Tông, Hương Hải.

Đi cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất này, đi cho hết những vui buồn nhân thế, những chất ngất tiếng cười, những tang thương giọt lệ. Ra đi chính là trở về. Ngày xưa Đức Phật du hóa từ Bắc Ấn đến Nam Thiên, nhờ vậy mà Đạo của Ngài đã đến với tất cả mọi tầng lớp của xã hội. Bởi từng cánh bướm, cành hoa, tuyết nguyệt đầu non, hạc tùng giữa nội, tất cả đều chứa đựng bao đạo lý nhiệm mầu. Tô Đông Pha với những phương trời viễn mộng, chèo xuồng từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam để rốt cuộc nghe ra nụ cười Phật Ấn. Tây Hành (Saiggo) khoác chiếc áo du tăng lặng nhìn ngọn núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trắng, như nhìn vào cõi không gian vô tận thu hết vào nhãn lực bình sinh. Tuệ Trung Thượng sĩ gõ phách ca khúc phóng cuồng giữa bao nhiễu nhương thế sự. Hoặc tiếng sỏi Hương Nghiêm, hoặc ngọn đèn Tuyên Giám, đào hoa rạng rỡ mặt Linh Vân, đêm ngộ sáng ngần chân Huyền Giác … Mỗi người mỗi vẻ, mỗi kẻ mỗi đường, họ có gặp nhau chăng cuối lộ trình tâm thức ?

Ngày nay chúng ta học đạo, chúng ta lại không dám lìa bỏ chỗ ngủ của mình một đêm, không dám bỏ những phương tiện đời sống hằng ngày đến vài hôm, cứ chất chứa, tù đọng hoài trong một cảm thức an ổn, làm sao có được sự bùng vỡ của tâm thức, hoặc ít nhất nghe ra được chính sự nhiệm mầu phảng phất đâu đó giữa rừng núi biển khơi dọc bờ gió bụi.

Đành rằng ngồi hoài một chỗ cũng chính là sự ra đi. Đi không phải chỉ là di chuyển bước chân. Đi là sự trôi chảy, không vướng víu, không dính mắc, mọi pháp đều luân lưu trong nhịp sống bình lặng, êm đềm của dòng sông tâm thức.

Góp nhặt vài nếp duyên xưa, chiếu cố sa mù, vu vơ lãng đãng, không phải là đạo lý hay khuôn vàng thước ngọc gì cả. Chỉ là một cảm nhận được viết ra, đọc rồi lại bỏ.

Ồ ! A-men A-di-đà Phật.

(Tùy bút)
Du Trốc Tử.
Trích: Tập San Suối Nguồn số 9 (TVHQ)