MỈM CƯỜI TRONG ĐAU KHỔ


Cười trên sự đau khổ của người khác lá ác. Cười trong đau khổ của chính mình gọi là cười ra nước mắt, thì cũng không phải. Chủ đề này tôi muốn nói là nụ cười của hành giả Pháp Hoa, hay nói khác, nụ cười của đức Phật.

Chúng ta học Phật cũng học theo nụ cười của Phật, vì Phật dạy rằng từ vô lượng kiếp xa xưa, Ngài cũng từng là chúng sanh, nên cũng đã nếm mùi đau khổ tận cùng ở địa ngụ A tỳ; nhưng cũng có lúc Ngài hưởng lạc thú của thiên đường. Có thể thấy rõ cuộc đời của chúng sanh lẫn lộn khổ vui, hết vui đến khổ, hết khổ lại vui. Còn ở cõi Trời thì chỉ có vui, không khổ; nhưng hưởng hết phước là hết vui rồi khổ sinh ra và rớt xuống trần gian thì vui ít mà khổ nhiều, phải trầm luân trong sanh tử. Và tạo nên ác nghiệp nữa thì chẳng còn niềm vui nào cả, chỉ toàn là khổ và khổ mà thôi, tức là đã đọa vào địa ngục. Đây là kinh nghiệm sống mà đức Phật đã từng trải qua; cho nên Ngài quyết chí tu hành, thành tựu quả vị Phật. Từ đó Ngài đưa ra tất cả pháp môn nhằm giải quyết mọi việc của chúng sanh một cách tốt đẹp.

Đức Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng, nếu nhìn bằng mắt Phật thì không có sinh tử, không có khổ đau, nhưng vì chúng sanh bị vô minh, vọng kiến ngăn che, nên sinh các tánh ham muốn khác nhau, tạo tội sai biệt. Vì vậy, chúng sanh mới trôi lăn trong sinh tử.

Tạo tội sai biệt và khổ đau là nghiệp thuộc về ảo giác, không có thực. Nói cách khác, nghiệp phát xuất từ lòng ham muốn, từ đó mới sinh ra nghiệp, mới dẫn đến khổ đau. Đức Phật và Thánh chúng ngộ đạo, đắc đạo, thấy không có khổ đau và các Ngài chứng được Niết bàn, tức ở trong trạng thái tâm hoàn toàn thanh thản. Vì vậy, khi chúng ta tĩnh lặng, quán sát cuộc đời, thấy rõ nỗi khổ hay niềm vui điều do con người tưởng ra mà có; như vậy, cuộc sống khổ vui điều do con người tự quyết định cho mình. Đối trước một sự việc, người này thấy khổ, nhưng người khác thấy vui.

Nhìn theo Phật, thấy rõ chúng sinh trong tam giới không ai khổ cả, nhưng nói có khổ là do tâm khổ. Ví dụ tất cả Phật tử ngồi trong hội trường này, sinh hoạt giống nhau, thân tứ đại cũng giống nhau, không có khổ. Tuy nhiên, trong đại chúng, mỗi người có tâm tưởng khác nhau, vì nghiệp duyên khác nhau; cho nên tạo khổ, khổ này là do tâm tạo ra. Có người nói do nghèo, do mất người thân , do làm ăn sa sút, nên khổ; đương nhiên những điều này có thể do hoàn cảnh bên ngoài tác động đến tâm chúng ta, nhưng phần chính yếu vẫn do tâm chúng ta quyết định khổ hay vui.

Thật vậy, đức Phật đã trải thân thể nghiệm điều này. Khi còn ở ngôi vị Thái tử, Ngài hưởng phú quý vinh hoa tột đỉnh; Nhưng Ngài cảm thấy khổ vì bị nhốt trong ngục vàng, thân và tâm không được tự do, đi đâu cũng có người theo hầu hạ và không phải muốn đi đâu cũng được. Mặc dù sống trong nhung lụa, Ngài đã nhận thấy xã hội ràng buộc Ngài đủ cách, hàng trăm dây phiền não, hàng ngàn dây trói buộc Ngài, gọi là thập triền, thập sử. Như vậy, chúng ta thấy không phải người sống vinh hoa, phú quý, giàu sang không khổ, mà chính vì cuộc sống giàu sang làm người ta khổ. Người giàu khổ thậm chí đến mất ăn, mất ngủ. Tôi tiếp xúc với những doanh nhân quản lý hàng vạn công nhân, họ nói với tôi rằng họ quá khổ. Quản lý một doanh nghiệp lớn quả không dễ chúc nào, sơ hở một chúc là bị phá sản. Người làm vua, làm tướng cũng khổ. Ta chưa bước chân vào đó, nên không thấy được cái khổ này. Làm vua thì phải lo cho đất nước, lo cho sự sống của mọi người, lo cho an ninh chung; sơ hở là loạn. Còn hôn quân vô đạo thì bị gian thần chi phối, cho đến sụp đổ, chết như chơi. Vì vậy, những người có phước báu mà không biết giữ gìn thì biến phước thành nghiệp trong chớp mắt. Người đi tìm sự an lạc trong phú quý vinh hoa cũng giống như người khát tìm nước trong sa mạc.

Các Tỳ kheo không có thức ăn để dành vẫn sống an lạc như thường. Còn người chủ đàn bò có dư tiền của dung cả năm không hết, nhưng lại quá đau khổ là do vô minh, vọng kiến mà sanh ra. Chúng ta nhận thấy rằng trong thực tế cuộc sống, người có phước không tham lam, không chấp trước; nhưng nhờ có phước, cho nên những điều tốt lành tới với họ. Còn nếu chúng ta trôi lăn trong sanh tử nhiều đời, tạo tất cả nghiệp ác, thì oan gia nghiệp chướng cũng sắp hàng đến với mình, hết oan gia này đến oan gia khác, đi tu cũng không trốn được. Tuy nhiên, oan gia tìm đến đòi nhưng chỉ đòi được người thiếu nợ thôi; vì không nợ thì làm sao họ đòi được.

Các vị thiền sư luôn miễm cười an lạc trong thiền quán, vì các Ngài vui trong nội tâm. Ở bên ngoài, cuộc sống vật chất có thể không có thức ăn, không có chỗ nghỉ, nhưng long ham muốn của các Ngài không còn, thì sự nghiệp vật chất có nghĩa gì; long thương ghét không còn thì có gì làm làm khổ các Ngài được. Chúng ta thấy cuộc sống của các Ngài đạm bạc, tưởng rằng các Ngài khổ, nhưng có khổ đâu. Đức Phật khi tu hành khổ hạnh, da bụng dính xương sống, nhưng Ngài không hề khổ; trong khi chúng sanh có đủ thứ, mà vẫn luôn khổ, vì không thỏa mãn lòng tham không đáy, mới dẫn đến việc đi sâu vào tội lỗi, cho đến phải trả cái án tử hình mới tạm thời chấm dứt cái khổ của thân vật chất, còn cái khổ của tưởng ấm, hành ấm và thức ấm vẫn tiếp tục tiếp diễn trong cái thân trung ấm, làm nhân cho sự tái sinh vào thế giới khổ đau tương ưng với nghiệp của họ.

Vì vậy, đức Phật nói rằng từ trong sinh tử mà tạo nên sanh tử, không khổ mà tạo khổ, từ khổ trong tâm tạo thành tất cả nổi khổ của chúng sanh. Từ khổ của địa ngục trần gian thân tứ đại và tạo tội thật thì vào địa ngục khổ hơn nữa, cho đến cái khổ không bao giờ chấm dứt ở địa ngục A tỳ. Đức Phật cũng từng vào địa ngục A tỳ, nên Ngài mang kinh nghiệm này dạy cho chúng ta. Chúng ta học Phật, thức tỉnh, không đi con đường này, mà đi ngược dòng theo đức Phật để tháo gỡ nghiệp chướng, phiền não, trần lao. Nghiệp chướng không cho sanh, phiền não khởi thì cắt bỏ.

Trên bước đường tu, đối diện với khổ đau, nghiệp chướng, phiền não, vẫn mỉm cười được; vì vậy chúng ta nhận diện được nó. Thấy nó, chúng ta mừng và mỉm cười. Nhận diện bằng cách nào? Đời trước chúng ta thiếu họ tiền, nên biết họ là chủ nợ của mình. Chủ nợ gần nhất của mọi người là vợ, là con, là sự nghiệp; vì khi chưa có ba thứ này thì có gì ràng buộc mình, hoàn toàn được thanh thản, tự do. Vì vậy, người đời thường nói rằng sướng nhất là tuổi học trò chỉ biết ăn và học thôi; nhưng khi có vợ con, có nhà ở thì khác rồi. Lúc đó, con là nợ, vợ chồng là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng. Tu như quý thầy là sướng, nhưng cũng chưa chắc; vì nếu có vợ mà trốn vô chùa, họ cũng sẽ theo đòi.

Người đời có được vợ con, tạo được nhà cửa, việc làm, bề ngoài thấy ướng, gọi là an bề gia thất; nhưng bên trong, lòng rối bời, bao nhiêu việc đặt ra cho họ. Nếu vợ con, cửa nhà do phúc báo mà có là thiện nghiệp thì cũng còn sướng được phần nào; nhưng do ác nghiệp mà thành thì khổ ơi là khổ, Nghĩa là sự nghiệp do ác nghiệp tạo thì người ta phải làm tôi mọi cho nó. Địa ngục này còn nặng hơn đại ngục A tỳ; vì địa ngục A tỳ còn có ngày mãn. Còn địa ngục này không có bản án, nên người ta trở thành nô lệ cho sự nghiệp, nô lệ cho công nhân, nô lệ cho gia đình. Tất cả những thứ này thật sự không có, nhưng vì người ta tạo nghiệp cho mình, tự tạo phiền não cho mình. Nhìn theo Phật huệ, thấy ai cũng được an lạc, giải thoát; chỉ vì vô minh mà tạo ác nghiệp và từ nghiệp này sanh ra nghiệp khác chồng chất không chịu nổi để rồi rơi vào địa ngục. Nương Phật pháp, có thể tháo gỡ nghiệp và phiền não. Đầu tiên, Phật khuyên chúng ta quy y Tam bảo, nghĩa là hướng tâm về Phật, Pháp và Tăng. Trước kia, chúng ta hướng tâm theo nghiệp, theo ham muốn; cho nên từ nguồn sông mê mà dẫn lọt vào biển khổ. Nhìn thực tế cuộc sống cũng nhận ra cái khổ không thoát được. Chúng ta phải tìm chổ để nương tựa và Tam bảo là chỗ nương tựa quý giá nhất. Ngài Nhật Liên cũng nói trong bốn trọng ơn là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn xã hội, ơn thí chủ thì chỉ có ơn Phật là lơn nhất. Xá Lợi Phất cũng từng bộc bạch với Phật rằng ơn Phật dù có dùng đầu đội, dùng hai vai cõng vác trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp cũng không đáp được công ơn cứu độ của Phật.

Vì vậy, hàng đệ tử Phật giác ngộ, điều phát tâm quy y Tam bảo bằng tất cả tấm lòng. Người quy y Phật đầu tiên là năm anh em Kiều Trần Như, sau đó, giáo đoàn được mở rộng, đức Phật mới quy định rằng ai muốn làm đệ tử Phật phải quy y theo Phật, theo giáo pháp và sống hòa hợp trong tập thể Tăng đoàn. Nương theo Tam bảo, chúng ta mới tháo gỡ lần những ràng buộc, phiền não. Những người tu mà không nhận ra yếu lý này, cho nên càng tu lại càng bị ràng buộc hơn. Nương tập thể Tăng để tự tháo gỡ phiền não, trần lao, nghiệp chướng. Ngược lại, nếu kết bè đảng với ác ma, tức tập hợp với nhóm người vô minh thì sẽ dẫn vào đường ác.

Phật tử nên hiểu rằng quy y Phật là đi theo con đường sáng, trước tiên là từ Phật tâm của mình hướng về đức Phật thật để tạo mối quan hệ giữa ta với Phật. Nhờ Phật hộ niệm, dìu dắt, tâm ta sáng lần và từ lòng chúng ta tin Phật và tiếp nhận hào quang Phật soi rọi, lòng chúng ta sáng lần, vô minh tan, nghiệp chướng mất, là ham muốn không còn nữa thì sự nghiệp của chúng ta lớn và lâu dài. Thật vậy, chúng ta không tham muốn, nhưng nhờ sống với phước đức và trí tuệ của mình, cho nên bạn bè thương mến, gần gủi, hợp tác, chúng ta dễ dàng tạo dựng và phát triển được sự nghiệp.

Các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa phát tâm quy y, khởi đầu có pháp quy y màu vàng tiêu biểu cho Tam bảo, nhắc nhở quý vị suốt đời chỉ nương vào Phật để nhờ Phật huệ rọi sáng tâm ta, nương vào giáo pháp của Phật để mở mang trí tuệ của ta và nương vào tập thể Tăng sống trong Chánh pháp, có đời sống phạm hạnh thật sự điều là thầy mình để ta nhận được sự an lành. Và bên trong pháp y có miếng vải màu trắng tiêu biểu cho niềm tin trong trắng của chúng ta đối với Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng để sống. Trên pháp y có 7 hạt sen tròn và 8 cánh sen tiêu biểu cho Thất Bồ đề phần và Bát chánh đạo. Trong Thất Bồ đề phần, quan trọng nhất là Trạch pháp, tức là lựa chọn pháp tu thích hợp với mình để phát sanh được công đức và trí tuệ; không biết lựa chọn pháp thích hợp thì dễ sinh ra phiền não.

Riêng tôi, từ thuở nhỏ đã trì kinh Pháp Hoa và thầy tôi là Hòa thượng Trí Đức học Pháp Hoa với Tổ Thiên Thai. Ngài dạy Hòa Thượng chỉ tụng quyển thứ 7 của kinh Pháp Hoa thôi và trì chú Chuẩn Đề, lạy ngủ hối nghi. Thầy tôi tin lời Tổ một cách tuyệt đối, Tổ nói sau thì làm đúng như vậy và làm đúng thì được an lành. Tôi suy nghĩ tìm ý Tổ xem tại sao Ngài bảo chỉ tụng quyển 7 của kinh Pháp Hoa. Tôi nhận thấy trong quyển thứ 7, có Bồ tát Diệu âm xuất hiện trên cuộc đời như là hoa sen. Ngài ở thế giới Diệu Hỷ ở phương Đông, nhưng xuất hiện ở núi Kỳ Xà Quật, hay hiện thân trên cuộc đời này ở trên hoa sen. Điều đó nhằm dạy chúng ta rằng tu Pháp Hoa, phải làm sao trụ tâm ở Diệu Hỷ, nhưng hiện hữu trên cuộc đời là hoa sen. Còn chúng ta mang thân tứ đại mà bệnh hoạn, đòi hỏi đủ điều thì dễ chuốc họa vào thân. Tâm ở Niết bàn là không đòi hỏi bất cứ thứ gì của trần gian này, chúng ta mới sống được ở Ta bà. Chúng ta có đòi hỏi nào thì sẽ có phản ứng tự nhiên ngược lại liền; muốn ăn thì người ta sẽ quên phát phần ăn cho mình. Nếu biết đó là nghiệp báo thì nên mỉm cười.

Ngoài ra, trong quyển thứ 7 kinh Pháp Hoa, có Bồ tát Quan Âm xuất hiện trên cuộc đời theo yêu cầu của chúng sinh. Học theo hạnh của Ngài, ta đến đâu vì yêu cầu của người, không bắt buộc người theo ta, chắc chắn được an lạc. Riêng tôi, không bắt ai làm, nhưng người đến xin làm thì tôi mới chia sẻ. Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng Phật pháp phải đem sinh mạng để dánh đổi còn chưa được, đâu phải cá ươn mà nài ép được.

Điều thứ ba học theo Bồ tát là muốn làm Phật sự, nên tự xét coi công đức ta có đủ hay không, trí tuệ có chưa. Nghĩa là hành đạo, phải nghĩ đến Bồ tát Phổ Hiền có thần thông tự tại, uy đức vô song là điều quan trọng. Đối với các pháp, ta có tự tại chưa, uy đức của ta hàng phục được ma oán không. Người khác chưa kính nể ta thì đừng làm. Uy đức của Phổ Hiền vô song mới làm được và Ngài có vô số Bồ tát hợp tác với Ngài, đó là quyến thuộc Bồ đề. Muốn làm được việc lớn, xem quyến thuộc Bồ đề của ta có bao nhiêu và thuộc thành phần nào.

Đức Phật Thích Ca thọ ký cho Bồ tát Di Lặc kế đây thành Phật, Nhưng đức Di Lặc chưa ra đời, vì quyến thuộc của Ngài chưa thuần thục. Nếu quyến thuộc của mình toàn là nghèo đói, bệnh hoạn thì làm được gì. Quyến thuộc thuần thục là tâm được thanh tịnh, phước đức đầy đủ, thì Di Lạc mới ra đời làm Phật.

Tôi gặp Hòa thượng Giác Chánh, Ngài nói một câu tôi nghe cũng tâm đắc. Hòa thượng nói rằng: “tôi sanh trên đời này, không thể hoằng pháp lợi sanh được, vì không có quốc vương, vương tử, đại thần hộ pháp”. Vì Hòa thượng sinh ở thời kỳ Pháp thuộc, nên phải ẩn tu. Ngài tu hành rất nghiêm túc, Ngài Thiền thay cho ngủ, nên suốt đời ngồi, không nằm; đó là một bật cao tăng hiếm có trên thế gian.

Bồ tát Phổ Hiền xuất hiện trên cuộc đời, vì có vô số Bồ tát thuần thục đi theo Ngài; người làm vua, người làm tướng, người làm quan ủng hộ thì Phật pháp mới hưng thạnh. Điều này khiến tôi liên tưởng đến Thiền sư Vạn Hạnh và đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Các Ngài hiện thân trên cuộc đời có nhiều quyến thuộc tốt và tài giỏi, sống chết với các Ngài để cùng xây dựng đất nước và phát triển Phật pháp. Còn chúng ta có quyến thuộc mà người phá hoại thì nhiều, người xây dựng thì ít, cho nên khó làm được việc lớn. Ngoài ra, Bồ tát Phổ Hiền đến đâu thì trời mưa hoa, châu báu rải xuống, mang an lạc cho trời người.

Đọc quyển thứ 7 kinh Pháp Hoa, tôi nhận ra cốt tủy như vậy, cho nên tôi nổ lực xây dựng quyến thuộc Bồ đề và phát huy công đức của mình. Vì vậy, phải cố gắng tiêu dung ít để thặng dư mới làm được. Có phước đức thì quyến thuộc tốt, làm được nhiều việc mà mang an lạc đến cho người.

Trong Bổn môn Pháp Hoa, phần chính yếu được Ngài Nhật Liên dạy là chỉ đọc tụng phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, và phẩm Tùng địa dũng xuất thứ 15 và nữa phẩm Phân biệt công đức thứ 17, không tụng trọn bộ kinh Pháp Hoa. Và Ngài cũng ngộ đạo, đắc đạo thực; cho nên Ngài làm được việc lớn. Trước tiên là Ngài mỉm cười được với cuộc đời trong bất cứ tình huống nào; vì Ngài thấy được thật tướng các pháp, lý giải được muôn sự muôn việc của trần gian, không bị vướng mắc, khổ lụy.

Theo phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 về thọ mạng của đức Phật, thì Phật không có sinh tử, tức Phật ở Niết bàn và ngài có lục vạn hằng hà sa số quyến thuộc là Bồ tát Tùng địa dũng xuất. Ngộ được yếu nghĩa này, tôi luôn cầu nguyện Bồ tát Tùng địa dũng xuất giúp đở tôi. Tụng Bổn môn Pháp Hoa, nhắm vô Bồ tát Tùng địa dũng xuất ngang qua thế giới nội tâm thanh tịnh của mình thì nhận được sự hỗ trợ bên trong từ thế giới vô hình, cho nên người xung quanh không ai biết, không ai tranh giành được. Tôi nhớ Hòa thượng Trí Thủ từng dạy tôi rằng: “Ta biết, Phật biết, nó không biết, nên không phá ta được. Chỉ có sự gắng bó giữa ta và Phật cùng Bồ tát, cứ như thế mà phát triển trên bước đường tu”. Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa, Di Lặc bồ tát hỏi Phật rằng Ngài mới xuất hiện trên cuộc đời hơn 40 năm, làm sao giáo hóa độ được vô số Bồ tát kim sắc thân như vậy.

Tu Bổn môn Pháp Hoa, theo Ngài Nhật Liên, phải thấy được Bồ tát Tùng địa dũng xuất và kết nối được với các Ngài bằng cách tu bốn của bốn vị Bồ tát Tùng địa dũng xuất thượng thủ là Thượng hạnh, Vô biên hạnh, Tịnh hạnh và An lập hạnh, thì sẽ nhận được lực gia bị của các Ngài. Tôi rất tâm đắc với lý này, cho nên gặp hoàn cảnh khó khăn, khổ đau, tôi mỉm cười được; vì biết các Ngài luôn gia hộ cho mình, nên không lo sợ.

Nửa phẩm Phân biệt công đức thứ 17, ý chính của Đức Phật bảo Di Lặc rằng khi ngài nói thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai là phật pháp thân, thì có vô số Bồ tát chứng được Vô sanh pháp nhẫn, Văn trì Đà la ni, nhạo thuyết biện tài, chuyển được pháp luân bất thối và phát đại tâm cầu Vô thượng đạo.

Văn trì Đà la ni là người nghe rồi, nhớ được, hiểu được và làm theo được; và Đà la ni là huệ. Cho nên nghe là phải thấm sâu vào lòng, có thể quên ngôn ngữ, nhưng pháp âm Phật vang trong lòng, mới sống được pháp, gọi là ngày đêm tự mình nương pháp ở, tức thăng hoa được tâm linh.

Nhạo thuyết biện tài là nói pháp hoài mà không chán và người nghe cũng không chán. Có bốn thứ biện tài là từ biện tài, nghĩa biện tài, lý biện tài và nhạo thuyết biện tài.

Chuyển được pháp luân bất thối, nghĩa là bản thân ta bất thối chuyển và chúng ta dạy người nghe cũng được bất thối chuyển, một mạch tiến tới Vô thượng Bồ đề, không bỏ cuộc nửa chừng.

Tóm lại, nhận chân được tinh ba của pháp Phật, chúng ta không lo mất thân tứ đại, vì chúng ta đã có chân linh, sống được với chân linh và có quyền thuộc Bồ đề. Vì vậy, cuộc đời này diễn ra như thế nào là việc của nó, có khó khăn hay nguy hiểm, khổ đau, chúng ta cũng an nhiên mỉm cười và từng bước chúng ta vượt qua. Các bậc cao tăng đi trước đã thể nghiệm yếu nghĩa này một cách rõ nét trong cuộc đời giáo hóa độ sinh của các Ngài, chúng ta học với các Ngài, tiếp thu được nhũng yếu lý và phát huy trong cuộc sống của mình, chắc chắn sẽ gặt hái được những điều kỳ diệu như Phật và chư vị tổ sư đã thành tựu./.

 

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 72 tại chùa Phổ Quang ngày 5-7-2009)

HT. Thích Trí Quảng


alt