Quyền năng và hạnh phúc

Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng hạnh phúc được làm bằng danh vọng, quyền lực, tiền tài. Chúng ta người nào cũng muốn có thêm uy quyền, có thêm tiền bạc, có thêm danh vọng. Chúng ta cứ tin rằng khi nào mình có nhiều danh lợi, nhiều tiền, nhiều uy quyền thì mình có nhiều hạnh phúc. Tôi đã từng gặp nhiều người có uy quyền rất lớn, có tiền bạc rất nhiều, có danh vọng rất cao nhưng nỗi khổ niềm đau của họ rất sâu sắc. Họ rất cô đơn. Có những người như vậy đã tới thiền viện của chúng tôi để tu tập. Ví dụ như William Ford, Giám đốc hãng xe hơi Ford bên Mỹ là thế hệ thứ tư của gia đình tỷ phú Ford, đã tới tu viện chúng tôi tại thành phố Vermond để tu tập. Tôi có tặng cho ông một cái chuông và chỉ cho ông cách thỉnh chuông để thở mỗi ngày. Ông đã ngồi kể cho tôi nghe đời sống của những nhà tỷ phú Mỹ. Họ rất là cô đơn. Họ có nhiều sợ hãi, đau buồn. Họ rất chán nản cuộc sống.
Nếu nói về uy quyền thì người nào có uy quyền bằng Tổng thống Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một đại cường quốc có một quân đội rất mạnh, một nền kinh tế rất lớn. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào người của Tổng thống Bush đương nhiệm thì chúng ta thấy ông không phải là một người có hạnh phúc. Đối với Tổng thống Bush ông không có uy quyền để giải quyết vấn đề ông đang gặp phải, vấn đề Irak chẳng hạn. Đó là vấn đề nan giải cho ông. Quyền lực như vậy, quân đội như vậy, tiền bạc như vậy, mà vấn đề Irak không thể nào giải quyết được, khạc không ra mà nuốt cũng không vào. Quý vị rất may mắn không làm Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu quý vị làm Tổng thống Hoa Kỳ thì quý vị sẽ suốt đêm không ngủ. Quý vị ngủ làm sao được khi biết rằng tại chiến trường Irak mỗi ngày, mỗi đêm, con em mình đều chết. Con số những người thanh niên Hoa Kỳ chết ở Irak rất nhiều. Dân chúng Irak, nơi mà mình muốn tới giúp đỡ đã chết cả triệu người. Tình trạng Irak là một tình trạng rất là tuyệt vọng.
Nhà văn hào Pháp Jean Jacques Rousseau đã nói: “Những người có quyền lực lớn nhất không bao giờ thấy mình có đủ quyền lực”. Điều này rất đúng. Mình có niềm tin là khi mình có quyền lực nhiều thì có thể làm tất cả những gì mình muốn làm, có thể mua được tất cả những gì mình muốn mua: mua chức tước, mua địch thủ của mình, mua được tất cả. Hễ có quyền lực trong tay là mình có thể làm được những gì mình muốn. Và hễ có nhiều tiền bạc thì mình sẽ có nhiều quyền lực. Mình phải xét lại niềm tin đó. Trên thực tế chính bản thân tôi đã gặp những người có quyền rất lớn, có tiền rất nhiều và có danh rất cao nhưng mà đau khổ cực kỳ.
Trở lại với đạo Phật, ta thấy trong đạo Phật cũng có nói tới quyền lực, uy quyền. Cái uy quyền trong đạo Phật rất khác. Nó là một loại năng lượng có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho những người khác. Trong văn học, đạo học, triết học Đông phương ta nói đến chữ Đạo và chữ Đức. Đạo là con đường. Mỗi người chúng ta phải có một con đường tinh thần, một chiều hướng tâm linh trong đời sống. Chúng ta là thương gia, là nhà chính trị, nhà giáo dục, chúng ta phải có một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày. Nếu không có chiều hướng tâm linh đó chúng ta không thể nào tháo gỡ được những bức xúc, khó khăn, tuyệt vọng, mâu thuẫn trong lòng. Chúng ta không thể nào thiết lập được sự truyền thông với những người đồng sự, những người trong gia đình, trong sở làm, trong cộng đồng của mình. Vì vậy mỗi người trong chúng ta phải có Đạo. Đạo là một con đường tinh thần. Nếu thiếu một con đường tinh thần thì chúng ta thiếu rất là nhiều dù chúng ta có rất nhiều tiền, rất nhiều quyền năng, rất nhiều danh vọng.
Còn chữ Đức nữa. Đức là một năng lượng. Ngày xưa có người dịch chữ Đức là vertu. Vertu là một đức hạnh. Có người dịch là pouvoir. Pouvoir là một quyền năng. Trong đạo Phật có 3 cái đức mà chúng ta có thể chế tác được. Người tu là phải chế tác ra ba loại năng lượng. Người tu xuất gia cũng như người tu tại gia đều phải tập chế tác ra ba loại năng lượng đó.
Thứ nhất là Đoạn đức. Đoạn là chặt đứt, cắt đứt tất cả những đam mê, những thù hận, những tuyệt vọng của mình. Nếu không chặt đứt những đam mê, hận thù đó thì không thể nào có hạnh phúc được. Muốn chặt đứt những hận thù, si mê đó thì phải biết cách, phải có một con đường mới được. Phải có thầy, có bạn, có pháp môn thực tập đàng hoàng thì mới có thể chặt đứt được những sợi dây đam mê và hận thù trói buộc mình. Khi chặt đứt rồi thì mình trở thành một con người nhẹ nhàng, thanh thản.
Mình có một niệm đam mê thì mình khổ vì niệm đam mê đó. Các ông các bà đã từng có kinh nghiệm rồi. Ca dao của mình nói:
Vì gì một áng bèo mây
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi
Đó là vì có những đam mê mà mình sẽ lên xuống vì những đam mê đó. Nếu mình muốn không lên không xuống, thẳng một đường thì phải chặt đứt sự đam mê đó. Những hận thù cũng vậy. Hận thù nung đốt tâm can làm mình ăn không ngon, ngủ không yên, tìm mọi cách để trả thù. Đó là địa ngục. Đoạn đức là khả năng cắt đứt được tất cả những thứ đó mà nếu không có con đường thì làm sao cắt được. Đạo đem tới cái Đức.
Đức thứ hai là Trí đức. Trí đức là tuệ giác, tức là cái thấy sâu sắc về sự thực. Trong đạo Phật gọi là Trí tuệ Bát nhã. Trí đây không phải là kiến thức thâu lượm được trong khi mình đọc sách hay trong khi học hỏi ở nhà trường. Đó là kiến thức, không phải là tuệ giác. Kiến thức nếu biết sử dụng cũng có lợi, nhưng nếu mình bị vướng vào thì nó là những chướng ngại cho tuệ giác. Trong nhà Phật có thành ngữ là duy tuệ thị nghiệp, có nghĩa là: sự nghiệp duy nhất của nhà tu là tuệ giác. Tuệ giác ở đây là sự giác ngộ, là trí tuệ của Bụt, của Bồ tát. Nó có khả năng giúp mình cắt đứt phiền não và chế tác được những tình cảm cao thượng như từ, bi, hỷ, xả. Nếu hiểu duy tuệ thị nghiệp là sự chất chứa kiến thức là mình đã hiểu sai thành ngữ đó.  Duy tuệ thị nghiệp có nghĩa là sự nghiệp duy nhất của mình là phát khởi tuệ giác. Có tuệ giác rồi thì gỡ rối rất là mau. Mình tháo gỡ những khó khăn của mình rất mau và giúp người khác tháo gỡ khó khăn cũng rất mau.
Cũng như vị lương y khi nắm vững nghệ thuật của sự chẩn bệnh rồi thì bằng cách quan sát nghe ngóng, tìm ra được nguyên do và tháo gỡ cho người bệnh một cách mau chóng bằng cách cho một phương dược đúng với trường hợp đó. Nguồn năng lượng thứ hai mà người tu phải chế tác là trí đức. Đối với một người có tuệ giác thì tháo gỡ những vướng mắc, những cái kẹt kia rất dễ. Còn mình vì không có tuệ giác nên cứ đi vòng mà không bao giờ thoát ra được. Nhưng nếu gặp được minh sư chỉ cho một cái thì mình ra khỏi cái vòng lẩn quẩn kia liền lập tức. Cho nên cái đức thứ hai, năng lượng thứ hai, mà người tu chế tác là trí đức.
Đức thứ ba, uy quyền thứ ba, theo đạo Phật là Ân đức. Ân đức là khả năng tha thứ, thương yêu và chấp nhận. Khi mình có khả năng tha thứ, thương yêu và chấp nhận thì trong lòng mình là khỏe, hoàn toàn không có hận thù, không có trách móc. Tình thương yêu, sự tha thứ đó biểu hiện trong mắt mình, trong cách mình nhìn, trong cách mình nói năng. Khi mình nhìn bằng con mắt thương, mắt từ bi, khi mình nói bằng lời ái ngữ thì mình là người hưởng trước hết, tại vì nó làm cho thân tâm thư thái. Khi người kia thấy ánh mắt của mình, cảm thấy họ được tha thứ thương yêu thì người đó tiếp nhận được của mình rất nhiều ân đức.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn, nói về Đức Quan Thế Âm, có năm chữ từ nhãn thị chúng sinh có nghĩa là lấy con mắt thương yêu mà nhìn mọi người. Khi mình biết nhìn người khác bằng con mắt tha thứ và thương yêu thì mình khỏe trước nhất. Còn người kia cũng khỏe theo vì cảm thấy được thương yêu, tha thứ. Mắt thương nhìn cuộc đời là một phép hành xử rất tuyệt diệu của Đức Bồ tát Quan Thế Âm, không trách móc, không hận thù, chấp nhận, tha thứ và thương yêu. Đó là cách nhìn. Còn cách nói là dùng ái ngữ, dùng ngôn từ nhẹ nhàng, hòa ái để có thể giúp người thấy được con đường đi, giúp họ thoát khỏi mê lộ mà họ đang vướng mắc.
Khi mình có ba cái đức đó: Đoạn đức là cắt đứt những đam mê, hận thù, Trí đức là có được trí tuệ để hành xử, tháo gỡ và Ân đức là có khả năng chấp nhận, tha thứ và thương yêu thì lúc đó danh vọng và tiền bạc trở thành những dụng cụ rất tốt. Khi đó thì càng có nhiều tiền càng tốt, càng có nhiều danh càng tốt, càng có nhiều uy quyền càng tốt. Những thứ đó trở thành phương tiện để giúp người, để độ đời rất hay.

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH


                                             (Trích Pháp thoại Quyền năng và hạnh phúc)