HOẰNG PHÁP ÐEM GIÁO LÝ ÐỨC PHẬT VÀO CUỘC ÐỜI

Truyền thông là một trong những phương tiện biểu đạt tư tưởng thông tin đến cho mọi người ; ngày nay nhân loại sử dụng nó như là một công cụ hữu hiệu nhất nhằm phục vụ trong tất cả các lãnh vực khác nhau trong đời sống. Có thể nói truyền thống ngày nay đã trở thành phương tiện ưu việt nhất ; nó là phương tiện phục vụ đắc lực cho con người trong việc chuyển tải thông tin đến cộng đồng xã hội. Ở Phật giáo, hoằng pháp, hay ngày nay gọi là truyền thông, cũng có một vai trò hết sức quan trọng trong sứ mệnh truyền bá giáo lý của Ðức Bổn Sư. Ðiều này được thể hiện từ khi Ðức Thế Tôn chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Mrigadâ nay là Sarnath) thuộc Vàranasi, độ năm anh em Kiều Trần Như (Ajnàkaundinaya). Sự kiện này được ghi trong kinh Chuyển Pháp Luân (Dharma-cakra pravartana : Pravartana : chuyển, Dharma-cakra : bánh xe pháp). Ở đây Ðức Phật đã trình bày hay bắt đầu quay bánh xe pháp; bánh xe pháp đã có sẵn rồi nhưng cần phải chuyển. Chúng ta có thể hiểu việc chuyển pháp luân như là một hành động nắm bánh xe xoay mạnh, khởi động để từ giây phút đó, giáo pháp của Ðức Phật tạo thành một dòng chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác mà chúng ta thường gọi là "Pháp luân thường chuyển" (bánh xe pháp luôn luôn chuyển động). Trong suốt quá trình trên 2.500 năm từ khi Ðức Phật thành đạo, đạo Phật được lan tỏa khắp nơi trên thế giới như một sức sống mãnh liệt mà Ðức Ðạo Sư đã trao truyền lại. Khi Ðức Phật đạt đến giác ngộ, Ngài đã nhận rõ về sự vật hiện tượng xuất thế gian nhưng khi Ngài bắt đầu chuyển bánh xe Pháp thì Ðức Phật bắt đầu phải dùng ý niệm và ngôn từ để chuẩn bị cho việc truyền đạt tư tưởng mà Ngài muốn nói. Ðiều này cho chúng ta một khái niệm, muốn truyền bá chánh pháp của Phật, việc trước tiên là ngôn ngữ và trình độ lý luận cần phải được trau dồi như một nhu cầu cần thiết không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay.

MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ HOẰNG PHÁP

1. Hoằng pháp : Nghĩa là "mở rộng ra làm cho giáo pháp của Phật được lan tỏa khắp nơi", hay nói cách khác, đem giáo lý của Ðức Phật đến với mọi người muốn tìm hiểu và ứng dụng lời Phật dạy để có một đời sống an lạc giải thoát giác ngộ. Hoằng pháp không có nghĩa chỉ là những buổi thuyết pháp trên pháp toà mà nó phải được thể hiện trong mọi sinh hoạt của con người qua nhiều phương tiện khác nhau : ngôn ngữ diễn đạt qua văn hoá nghệ thuật, in ấn kinh điển …. Làm sao cho giáo lý Ðức Phật đi vào đời sống của con người, biến thành chất liệu sống như con người cần không khí để thở; có như thế mới thực sự là một nền giáo lý có ích, thiết thực góp phần đưa con người thoát khỏi mọi khổ đau.

2. Hoằng pháp vi gia vụ (Hoằng pháp là việc nhà) : Tiêu chí trên lại càng khẳng định nhiệm vụ vô cùng bức thiết đối với hoàng pháp. Từ xưa các vị tổ sư đã thấy được vai trò hết sức quan trọng của hoằng pháp. Nó không phải chỉ thuần là một việc làm có tính "thời vụ"nhất thời mà phải có một kế sách lâu dài và nó phải gắn liền với đời sống của người con Phật, dù xuất gia hay tại gia.

Ðối với công tác hoằng pháp hiện nay lại càng cực kỳ quan trọng vì ở một giai đoạn nền KHKT phát triển, việc chuyển tải giáo lý vào đời sống đòi hỏi người làm công tác hoằng pháp phải nghĩ tới một phương thức truyền đạt thích hợp với thời đại vì "Phật pháp là bất định pháp". Chấp chặt những khuôn sáo cũ là tự mình làm cho mình lạc hậu; người khôn ngoan không bao giờ biểu hiện điều đó trong hoạt động của mình. Phật giáo lại không có một khuôn mẫu nhất địïnh nào mà tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của xã hội mà giáo lý của Ðức Phật có thể áp dụng khác nhau mà chúng ta gọi là "Tùy duyên, bất biến và bất biến tùy duyên". Ðây có thể nói là một nguyên lý đặc thù làm cho đạo Phật có thể đến bất cứ quốc gia nào mà không bị sự phản kháng một khi đạo Phật đặt chân lên quốc gia đó.

Thế giới ngày nay trong xu thế toàn cầu hoá, nguyên lý trên lại càng tạo nên một sức mạnh trong việc truyền bá giáo lý đạo Phật đi vào cuộc đời. Nếu người phương Ðông xem đạo Phật như một tôn giáo thuần túy thì người phương Tây xem đạo Phật như một nghệ thuật sống, một phương thức làm cho con người thăng bằng về tâm thức mà các nhà tâm lý học gọi là stress, nó giải quyết những bế tắc của đời sống dư thừa về vật chất nhưng hụt hẫng về tinh thần. Ðạo Phật đến như một phương thuốc làm cho con người chạy đua về vật chất dừng lại nhằm ổn định, cân bằng trong đời sống.

Tinh thần của đạo Phật "Chúng sanh đa bệnh, Phật pháp đa phương" (Chúng sanh nhiều bệnh thì Phật pháp cũng có nhiều phương cách khác nhau để điều trị); từ đó chúng ta có thể thấy hoằng pháp là một phương thức không theo lối mòn, giáo điều cố định, Thiền sư Quảng Nghiêm bộc lộ trong bài thờ "Hưu hướng Như Lai".

….Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

…. Làm trai chí lớn tung trời thẳm

Sao dẫm chân theo chỗ Phật thành.

(Hư Trúc dịch)

Ða phương thức hoằng pháp là cách thực hiện việc truyền bá giáo lý đạo Phật không phải chỉ có pháp toà trong giảng đường mà được thực hiện qua nhiều phương tiện khác nhau qua tinh thần nhị khế (khế lý và khế cơ). Làm sao truyền bá tinh thần giáo lý phù hợp với nền tảng cơ bản của đạo Phật, không đi ngược lại với truyền thống mà Ðức Phật đã dạy. Khi giảng cho mọi người, chúng ta phải dùng ngôn ngữ diễn đạt và quán sát bổi cảnh chung của đối tượng nơi ta đang giảng, sau đó ta nghiệm xem giáo lý nào phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Không nên đem một mớ kiến thức Phật học rồi thao thao bất tuyệt, không cần biết hoàn cảnh địa phương đó người ta có chấp nhận hay không. Thuyết pháp như vậy gọi là biểu diễn ngôn ngữ và phô trương kiến thức, thực sự không khế lý.

Những pháp thoại mà ta trình bày phải được mọi người tiếp nhận qua ánh mắt cảm nhận của mọi người nghe. Người giảng pháp là người phải quán sát căn cơ đối tượng nào cần nói điều gì để họ có thế tiếp nhận dễ dàng, như vậy gọi là khế cơ. Truyền bá giáo lý đạo Phật luôn luôn mang hai nội dung khế lý và khế cơ, nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì buổi giảng đó xem như không thành tựu. Ví như một vị bác sĩ, khi cho thuốc cần phải xem mạch bệnh nhân trước để có cái gọi là định bệnh. Dùng một đoạn kinh ra đọc cho mọi người nghe không bỏ sót, một câu, một chữ đó không phải là giáo lý sống "hoạt ngữ" (ngôn ngữ sống), trái lại chúng ta gọi là"tử ngữ" (ngôn ngữ chết), vì nơi đó không đem đến cho người nghe niềm hỷ lạc, đó không phải là giáo lý của Ðức Phật. Cho nên không phải bất cứ kiến thức nào của mình cũng có thể nói, có thể trình bày bất cứ nơi nào và bất cứ ở đâu (?).

NGƯỜI TRUYỀN ÐẠT GIÁO LÝ ÐI VÀO CUỘC ÐỜI

Chúng ta biết rằng Phật giáo không phải là một lý thuyết suông hay một nền triết học như bao nền triết học trên thế giới, mà Phật học là một nền giáo lý thực nghiệm được thể hiện trong đời sống tâm linh nhằm giải quyết những bế tắc của tâm thức con người, giúp con người vượt lên trên mọi chấp trước để chấm dứt khổ đau. Chính vì tinh thần đó cho nên Thái Hư Ðại sư chia giáo lý ra làm hai : giáo lý ảnh tượng và giáo lý bản chất.

1. Giáo lý ảnh tượng : Những kinh điển của Phật dạy có tính cách kinh viện, hay nói cách khác, nền giáo lý đó được ghi bằng văn tự, nói bằng những ngôn ngữ của từng quốc gia. Nó được xem như một số kiến thức Phật học của một học giả không phải hành giả, đó là những nhà nghiên cứu, biết nhưng không ứng dụng thực hành. Qua đây mà giáo lý đạo Phật nêu lên 3 nguyên tắc gọi là Tam học (Văn học, tư học và tu học ).

- Người đệ tử Phật trước tiên phải nghe, tìm hiểu giáo điển, xây dựng cho mình một kiến thức Phật học với những phương pháp tu tập khi tiếp nhận giáo điển với một tinh thần cởi mở, thao thức muốn tìm hiểu để biết rõ con đường mà mình sẽ đi và hướng dẫn người khác theo mình, gọi là Văn học (văn huệ). Ðiều đó được xác định qua tinh thần "đến để mà thấy, chớ không phải đến để mà tin".

- Sau khi nghe, nghiên cứu tìm hiểu, người học Phật phải có tư duy, quán sát những điều mình nghe, nghiên cứu tìm hiểu, dù điều đó được nghe qua lời dạy của Phật, các vị tổ sư hay các vị giảng sư nổi tiếng đương thời. Tất cả phải được sàng lọc của tư duy quán sát, nhằm thẩm xét giá trị đích thực trước khi ứng dụng vào đời sống. Ở một đoạn kinh, Ðức Phật đã dạy : "Ðừng tin tưởng một điều gì vì văn phong. Ðừng tin tưởng một điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền. Ðừng tin tưởng điều gì vì có được nhiều người nói đi nhắc lại. Ðừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Ðừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Ðừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Ðừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào chỉ có một uy tín của các thầy dạy các người. Nhưng chỉ tin tưởng những gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và kẻ khác. Chỉ có cái đó mới là mục đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chuẩn mực" (Anguttara Nikaya).

Ðiều nêu trên của Ðức Phật cho chúng ta, những người học Phật, phải biết đọng não tư duy, không bị niềm tin mù quáng, nghe theo một cách vô điều kiện. Ðó không phải là tinh thần Phật học và nó hoàn toàn không phù hợp với truyền thống giáo lý của đạo Phật. Có tư duy quán chiếu như vậy gọi là tư học (tư huệ).

- Suy tư quán sát nhận thấy đúng phù hợp với chính bản thân, điều tối quan trọng là ứng dụng vào đời sống để có một nguồn Pháp lạc, gọi là tu học (Tu huệ).

2. Giáo lý bản chất : Ðây là giáo lý của sự sống, nghe là hạt giống gieo vào đất, suy nghĩ, quán chiếu là tìm nơi chốn để gieo hạt giống đó và rồi người gieo hạt giống phải biết vô phân tưới nước cho hạt giống nẩy mầm : "Mưa xuân nhẹ hạt, đất tẩm ướt, Hạt đậu năm xưa hé miệng cười". Nghe mà không thực tập ứng dụng tu, chỉ là nói suông . Ðiều này các vị Tổ sư thường gọi là "Hạnh giải tương ưng", hay Vương Dương Minh (Trung Hoa) gọi là TRI HÀNH HỢP NHẤT (biết và làm phải đi đôi). Phật giáo không chấp nhận nói suông, tranh cãi, đàm luận vô ích, điều này trong một đoạn kinh, Ðức Phật được một Bà la môn chất vấn : Giáo lý của Ngài có Ngã hay không có Ngã ? Ðức Phật ngồi im lặng không trả lời, một lúc sau vị Bà la môn đó ra về, Ngài A Nan cảm thấy thắc mắc, bạch Phật : Bạch Ðức Thế Tôn, tại sao Phật không trả lời ? Ðức Phật nói : A Nan! Ông ấy đến đây hỏi ta nhằm mục đích tìm học thuyết chống đối hoặc ủng hộ, chớ không phải tìm pháp môn tu học. Nếu ta nói không có ngã, ông sẽ bị kẹt, mà nói có ngã ông cũng bị kẹt. Không trả lời mà ta im lặng là ta đã giúp cho ông không bị kẹt trong hý luận suông.

Như vậy, người truyền đạt giáo lý Ðức Phật phải là một hành giả mà không phải là học giả, vì qua thân, khẩu, ý của người hành giả tương hợp với nhau tạo sức thuyết phục cho người nghe. Nói nhưng không làm là một trong những nguyên nhân làm giảm đi tinh thần học Phật đối với mọi người khi tiếp cận với nền giáo lý đạo Phật. Qua hình ảnh của Ðức Phật đêm thành đạo sau khi ngồi thiền định suốt đêm, khi sao Mai bắt đầu mọc, buổi bình minh sắp ló dạng tinh sương, lúc đó cũng cảm nhận được nơi Ngài sự giác ngộ hoàn toàn và lời đầu tiên Ðức Phật thốt ra : "Tất cả mọi người đều có tuệ giác, vậy mà đời này sang đời khác, kiếp này sang kiếp khác, con người lại phải trôi lăn trong biển trầm luân khổ ải!". Câu nói đó phải chăng phát xuất nơi sâu thẳm của tâm thức hiện lên ? Ðiều đó lại càng chứng tỏ giáo lý đạo Phật là nền giáo lý nội quan.

 

THÍCH THIỆN BẢO

(Tuần-báo Giác-Ngộ số 63/2001)

http://farm4.static.flickr.com/3072/2960931805_461ca5fb8b.jpg?v=0