Độc Cô Cầu Bại

tôi từng cô đơn trong cuộc đờiĐộc Cô Cầu Bại là một nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Tôi đã nói rồi mà: Trung Quốc cũng có những người dễ mến. Phong và Xuân đều hiểu thế nào là “Độc Cô Cầu Bại” phải không? Vấn đề không phải là cái tên người này mà là có một người như thế trong đời sống hay không? Người kiếm khách ấy có phải là sáng tạo phẩm của nhà văn Kim Dung hay không?

Độc Cô Cầu Bại là một người rất giỏi kiếm thuật. Cả đời ông hình như chưa chiến bại trước tay ai cả. Ông ở trên đỉnh thế giới. Ông cô đơn và cô độc. Vì không có ai hiểu ông, không ai dám đến gần. Cho nên ông chỉ có một mình, ông luyện kiếm với một con chim, một con Thần Điêu. Tôi đã nhìn và tôi đã thấy những Độc Cô Cầu Bại trong đời thực Phong à! Họ giỏi và rất thông minh, rất có tài. Vì họ quá giỏi, quá thông minh nên không ai hiểu họ, không ai muốn đến gần họ. Họ trở nên trầm uất, suy nhược. Họ không biết cách điều phục những tâm hành của mình. Rất là tội nghiệp!

Tôi rất thương những người như thế vì tôi hiểu họ. Họ giống tôi. Tôi chỉ là một chàng trai khờ dại, chưa làm được một điều gì lớn lao, một việc gì cho ra hồn. Mẹ cha vẫn còn đang lo lắng cho tôi. Tôi không phải ở trên đỉnh thế giới. Tôi ở nơi thấp. Rất thấp. Dưới đáy xã hội. Nhưng tôi giống họ ở chỗ tôi rất cô độc. Phong và Xuân có biết không? Tôi rất cô độc. Nếu phải xé bức thư này đi thì tôi cũng chỉ cần Xuân nhớ bốn chữ ấy thôi. Tôi rất cô độc. Tôi có ít và tôi cũng nhấn mạnh: tôi có rất ít bạn. Tôi không muốn động chạm đến lòng thương của Xuân. Nhưng đó là sự thật. Và tôi cũng không dấu diếm: Tôi cũng đã từng khóc. Khóc vì cô độc…

Tôi cần hơi ấm. Tôi cần tình thương.

(Tôi không biết là ông tổng thống Mỹ, bà thủ tướng Đức có nói được câu đó không? Tôi nghĩ là đứng trước nhân dân, đứng trước Quốc Hội họ sẽ khó có thể nói được. Họ phải vững chãi họ phải quyết đoán. Tôi mới quen một người bạn. Anh làm cái nghề mà chắc ít ai muốn làm. Anh bán bánh xèo. Người ta gọi anh là anh Năm Bánh Xèo. Ấy vậy mà anh hạnh phúc. Anh có thể nói về hạnh phúc của anh cả ngày. “Mình cần vợ. Mình cần con. Mình cần tiền.” Anh có thể nói rất dễ dàng và hồn nhiên. Hạnh phúc đối với anh là bán hết bánh xèo và cuối tuần chở vợ con đi chơi công viên. Tình đời thật giản dị và lấp lánh làm sao! Cho nên một ngày kia Phong và Xuân cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy tôi đang quét rác trong một khách sạn hay bán bánh bèo, phụ anh Năm của tôi bán bánh xèo bên một bờ hồ nào đó.)


LỜI CUỐI

Trong quyển sổ tay bé nhỏ của tôi, có bốn câu thơ. Đó là bí kíp - tuyệt học võ môn của tôi. Trên bước đường hành tẩu giang hồ thì tôi chỉ cần bốn câu khẩu quyết ấy thôi. Tôi ôm lấy bốn câu thơ ấy như em bé thơ ôm lấy mẹ mình ngày đầu tiên đi học.

“Cô đơn trong tích môn
Hãy ôm niềm hờn tủi
Ru nhẹ lời ca dao
Tuyết hoa rơi đầy núi”

nay con đã có tăng thânTôi đã từng như thế. Giờ đây tôi thấy tình trạng, đã chuyển biến được phần nào. Những câu thi kệ đơn sơ kia không biết bao lần đã giúp tôi gượng dậy. Đã biết bao lần tôi bấu víu vào đó để mà đứng lên. Tôi không ảo tưởng Đạo Bụt sẽ giúp tôi hoàn toàn thoát khỏi tình trạng cô độc, khổ đau. Tôi chỉ biết rằng tôi có một con đường sáng sủa. Tôi đã nhiều lần mê rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại mê. Nhiều lần tôi đã thoát nhưng rồi lại lạc. Tôi vẫn thường là con ngựa hoang quen đường cũ. Nhưng tôi cũng biết rằng Đạo Bụt – ánh sao Bắc Đẩu luôn có đó cho tôi. Nhìn lên trời cao, trong đêm sâu tăm tối, tôi mỉm cười được vì theo ánh sáng đó tôi sẽ xa những vũng lầy hôi tanh, nổi lên khỏi những con sông nhớp nhúa của dục vọng. Tôi biết rằng tôi đã có thêm bạn đồng hành. Từ cái ngày tôi gặp Phong và Xuân. Tôi biết ơn Phong và Xuân. Tôi biết ơn Làng Mây của tôi. Và tất cả những người dân của Làng – có thể có những vị tôi chưa bao giờ gặp mặt. Tôi biết ơn tất cả.

Tôi không còn giống như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi không còn “buồn khóc như buồn nôn”. Tôi không còn “buồn chết như buồn ngủ”. Tôi không còn đứng trên sông “nước đen sâu thao thức”. Tôi không còn “hét tên tôi cho nguôi giận”. Tôi không còn “gào tên tôi thảm thiết”. Tôi không còn “thèm giết tôi”. Vâng, có Phong, có Xuân, tôi không còn cô độc. Tôi đã có thể mỉm cười. Không phải là nụ cười cay đắng, nụ cười mỉa mai mà là nụ cười của một con người. Một con người được đi trong đoàn thể.

“Anh đi trong đoàn thể
chênh vai bạn đường ngất ngây
bặm môi nắm tay
chào đón cuộc đời sáng loá
mắt ai cười sao vỡ
đèn trăng rung sóng xô”

Tôi đã dùng những câu, những chữ trong bài thơ “Tình yêu giữa đám đông” của Thanh Tâm Tuyền. Rất nhiều những “ ” là của ông. Tôi chắc là ông đã thấy nụ cười “sao vỡ” của tôi rồi. Tôi có thể mỉm cười cho ông và ông cũng đang mỉm cười cho tôi nơi chín suối…


Những lời cuối tôi muốn nói với Xuân và Phong rằng. Tôi rất vui nếu hai bạn khi nhận được thơ tôi cũng hết lòng đọc thơ tôi. Lá thơ này ra đời trên một căn gác nhỏ trong một khu xóm nghèo của Sài Gòn. Lá thư này không ra đời trong sự êm ấm, bình an. Ngoài kia, cách nơi tôi đang viết chỉ vài gang tay, người ta đang chửi nhau. Họ đang dùng những phần sâu kín nhất của thân thể mà đối đáp với nhau. Có tiếng chén bể, có tiếng đập phá. Đây không phải là lá thư ra đời trong một xưởng gỗ. Nơi mà người ta có thể bào, đục, cắt, xén. Tôi không chơi chữ. Tôi rất nghiêm túc. Tôi cũng không phải là một phù thủy biến hoá với những con chữ của mình. Tôi là một con người. Và lá thư này như tôi đã nói: Tôi viết khi tôi ở rất thấp. Dưới đáy xã hội. Tôi đã viết hết lòng. Có trái tim tôi trong đây. Nếu Xuân và Phong cũng đọc hết lòng thì không cần phải kiếm tìm tôi. Hai bạn đã có trái tim tôi thì không cần phải biết tới Áo Trắng nữa. Chúng ta đã là anh em tốt của nhau.

Và thông điệp, những lời nhắn gửi cũng giản dị phải không? Tôi muốn được hiểu, muốn được thương. Và tôi xin lập lại. Tôi muốn được hiểu và được thương. Tôi muốn có anh, có chị.

Tôi không còn cô độc. Tôi đã có thêm những Phong và những Xuân. Và chắc chắn rằng tôi sẽ còn viết tiếp, viết hoài, viết mãi cho Phong, cho Xuân.

Thân ái!

Tâm Từ mở ra. Khổ đau khép lại.

 

Áo Trắng