Thư mùa sen nở

 

altAnh,
Bát Nhã vẫn còn đó cho chúng ta anh ạ! Trên con đường vào Damb'ri - Bát Nhã vẫn hiên ngang, sừng sững, như thách đố với tất cả những ai cố tâm nhấn nó chìm vào vực sâu cổ tích. Nếu có dịp về thăm nơi ấy, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được năng lượng an, và lành của gần 400 tu sĩ hầu như còn nguyên vẹn. Có khác chăng, là khác ở cảnh vật bên ngoài: điêu tàn hơn, hoang vắng hơn, lạnh lẽo hơn... Nhưng, Bát Nhã vẫn là Bát Nhã. Bát Nhã đang ở trong tim của mỗi con người chúng ta.

 

Chúng ta đã làm được một việc mà nếu như không có biến cố vừa qua, chắc chắn chúng ta không bao giờ nghĩ tới, và không bao giờ làm. Đó là đem Bát Nhã về nhà. Vâng! Bát Nhã bây giờ là hiện thân của từng nhóm tu học, song song với tổ chức, và hướng dẫn các khóa tu cho người trẻ tại chùa, tại nhà riêng của từng tăng thân một, và rãi rắc khắp nơi trên đất nước mình, không chỉ có ở thành thị mà ngay cả ở thôn quê cũng có Bát Nhã nữa anh ạ! Vô hình chung, không hẹn mà đến - không hạnh mà thành, đạo Bụt ứng dụng đã và đang tự nhiên đi vào gia đình, chùa viện, ... và thôn làng, giúp người lấy lại niềm vui, và hạnh phúc ngay từ bây giờ và ở đây.

Anh biết không, từ khi người Bát Nhã bị đánh đuổi, hằng ngày vào các buổi sáng đã vắng đi bóng dáng những chiếc áo nâu, và nón lá đi chầm chậm quanh co dưới hàng thông, khe suối, nương chè..., làm cho mọi người sống xung quanh ấy cảm thấy như thiếu vắng một cái gì đó rất thân thương. Nhưng em nghĩ, với thời gian những nuối tiếc, bồi hồi, ngậm ngùi, thương mến ấy rồi cũng sẽ qua đi, cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra như ngày nào. Duy chỉ có một điều mãi hằn sâu trong tâm của mỗi người, đó là hệ quả của một việc làm đáng tiếc vừa qua.

Từ ngày Bát Nhã không còn được như xưa, bác xe ôm quen thuộc than thở vì không có khách, từ sáng đến tối không chạy được cuốc nào hết! Không đủ tiền trang trãi chi phí gia đình, giải pháp đầu tiên của bác là bán đất. Nhưng khổ nỗi giá đất ở Damb'ri cũng rủ áo đi theo các thầy cô Bát Nhã. Từ 350.000đ/m tới (ngang 1m, dài 100m) bây giờ kêu 150.000đ/m không ai hỏi, thế là bế tắc... Chị bán hàng tạp hóa cũng chung số phận với bác xe ôm, nên dọn nhà đi, hỏi ra cũng không ai biết chị đã đi về đâu!... Rồi một số em bé không còn được đến trường mầm non nữa. Một số cô bảo mẫu khác thì mất việc. Giờ đây các bé phải theo ba, theo má ra đồng dang nắng, đội mưa lân la chơi bời dưới gốc cây, bờ suối,... Vì chính quyền đã giành lấy 27 nhà trẻ từ tay của chương trình Hiểu-Thương, không cho mình tiếp trợ nữa. Đã vậy, còn bắt ba má phải đóng tiền cơm cho mỗi bé là 300 ngàn đồng mỗi tháng thì bé mới được đến lớp. Ba mẹ nào không có tiền đóng thì bé không được đến trường nữa, và cô giáo thì không có trò để dạy, thế là thầy trò cùng nhau đi vào ngỏ tối... Thương bé đứt ruột, nhưng biết làm sao hơn phải không anh!

Trước đây Bát Nhã có khá nhiều khách tăng đến tham gia tu học, một thời gian sau họ về lại chùa và mang theo Bát Nhã cùng về, thế là ta có thêm một số Bát Nhã nữa mọc ra nơi trú xứ của các vị. Em biết chắc chắn một điều là: trong số những khách tăng ấy có một vị đã áp dụng pháp môn học được ở Bát Nhã cho giới trẻ rất thành công. Vị ấy tổ chức một tuần một lần vào mỗi tối Chủ nhật, và đã giúp cho nhiều em được chuyển hóa. Tiếng lành đồn xa, thế là giới trẻ kéo tới chùa ngày một đông trước sự vui mừng của thầy bổn sư, và sự ngỡ ngàng của những người lớn tuổi. Vì từ trước đến giờ người trẻ ở đó chưa từng đặt chân tới chùa bao giờ. Thỉnh thoảng thầy tổ chức tu xa một chuyến, nhất là trong dịp hè, thầy trò cùng nhau lên đường không ngại nắng mưa, sau một ngày tu học bên nhau cả thầy lẫn trò vừa mệt vừa vui, có lẽ người vui nhất và mệt nhất là thầy, nhưng thầy lại tình nguyện xin được "mệt" dài dài.

Khi Bát Nhã còn bình yên, hằng tháng tu sinh kéo về rất đông. Tuy mỗi một người đến với Bát Nhã đều có mục đích thầm kính và riêng tư khác nhau. Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu mục đích. Nhưng không ai tránh khỏi một điểm chung là đến đấy để được thư giản, an nghĩ, thực tập sống trong tỉnh thức, bồi dưỡng năng lượng hiểu thương... Rồi đến khi không còn chỗ đi về như thế nữa, họ lại quy tụ lại và đến với nhau, tự tổ chức tu học, bắt chước các thời khóa giống y như Bát Nhã đã làm trước đây. Cũng một tháng một lần Quán niệm, nào ngồi thiền, tụng kinh, thiền hành, ăn trong chánh niệm, nghe chuông, thở và cười... thật là lợi lạc và hạnh phúc anh ạ!

Còn ở những vùng xa, một số người cảm nhận được lợi lạc của pháp môn tỉnh thức (Hiện pháp lạc trú) nên cũng đã năn nỉ quý thầy ở chùa địa phương cho mở khóa tu một ngày Chủ nhật trong tháng. May mắn có chùa đồng ý, thế là Bát Nhã lại tiếp tục hiện thân tu tập chung với bổn đạo của chùa. Một vài nơi không tổ chức được thì cùng nhau alô bạn bè đồng tu tới tiếp sức, rồi khóa tu được viên mãn, nụ cười nở trên môi bao người, hạnh phúc trọn vẹn. Mầu nhiệm quá phải không anh!

Còn một chuyện này em mới nghe tăng thân kể lại. Anh còn nhớ ôn Phước Huệ không, bây giờ Thầy dành trọn ngày thứ Bảy trong tuần, cho dù có bận công việc gì Thầy cũng bỏ để hướng dẫn ngày quán niệm cho đạo tràng của chùa. Nghe tin này em thật sự xúc động, có một cái gì đó nghèn nghẹn trong tim và muốn khóc nhưng lòng lại tràn ngập niềm vui anh ạ. Em không ngờ chỉ có vài tháng ngắn ngủi che chở cho quý thầy cô Bát Nhã mà bây giờ Thầy lại đem pháp môn thiền quán và chánh niệm ra hướng dẫn cho mọi người. Nhớ lại thời gian trước đây Thầy phải chịu nhiều áp lực để bảo bọc che chở tăng thân... Thương Thầy quá anh nhỉ!

Vài tháng! một khoảng thời gian quá ngắn, nhưng biết bao nhiêu là kỷ niệm cho Thầy và cho Tăng thân phải không anh! Thầy cô Bát Nhã thì còn rất trẻ, tuy đã xuất gia nhưng tâm tánh trẻ con - rất dễ thương - vẫn còn sót nơi từng người. Chẳng hạn như đến giờ thỉnh chuông vào mỗi buổi chiều, các thầy cô trẻ thường giành nhau, thế là có một cô chạy đi mách: "Ôn ơi, sư chú giành thỉnh chuông với con kìa Ôn"... Thế là Thầy phải đứng ra dàn xếp bằng tình cảm của một người cha chăm sóc cho đàn con ngây thơ của mình. Cho nên tuy mệt mõi vì phải đối phó với các áp lực vô minh nhưng Thầy lại rất hạnh phúc được chung sống, che chở, đùm bọc đàn con thân yêu ấy... Giờ đây mọi người đã ra đi, chắc Thầy nhớ thương nhiều lắm! Và có lẽ Thầy cũng rất tự hào vì họ đã và đang đi tiếp con đường mà ngày xưa Thầy đã đi. Họ đi như một đàn chim non dấn thân vào vùng gông bão bằng đôi cánh hiểu thương.

 

Anh,

Những chuyện này em định để dành khi nào anh em mình hội ngộ quây quần bên Sư Ông, khi đó em mới kể cho mọi người cùng nghe. Nhưng ngày ấy có lẽ còn hơi xa, cho nên em chép ra đây một ít, tạm xem như món quà của người con, người em phương xa nhờ anh dâng tặng Sư Ông cùng Tăng thân nhân mùa tu học này dùm em. Em chúc anh có những ngày phép thật hạnh phúc bên cạnh Sư Ông và Tăng thân.

 

Mùa sen 2010.

Em của anh,

Tâm

http://phusaonline.free.fr