Giữ lấy vẻ đẹp các ngôi chùa

Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những bài viết đề cập đến kiến trúc của một số ngôi chùa ở Việt Nam được trùng tu hoặc xây mới trong các năm đầu của thế kỷ 21.
Nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, và phần lớn tập trung phản ánh biểu hiện lai căng, kệch cỡm đang ngày một rõ nét. Dư luận bàn bạc nhiều tới chuyện cần sớm chấm dứt tình trạng trùng tu hàng loạt, không có định hướng cụ thể như hiện nay.

Nếu xét từ thực tế thì việc tu bổ chùa không phải bây giờ mới diễn ra. Ngay từ khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khi tình trạng đổ nát, xuống cấp của nhiều ngôi chùa ở miền bắc đã đến mức báo động, thì việc tu bổ trở nên cần thiết. Nhưng phải nói rằng, trong các năm gần đây, công việc trùng tu này ở nhiều nơi mang tính tự phát. Trong làng cũng như ngoài phố, chùa lớn cũng như chùa nhỏ, không nơi nào không có sự can thiệp các loại vật liệu xây dựng phổ biến hiện nay như: bê-tông cốt thép, gạch ngói, vôi ve... Tìm hiểu tại nhiều địa phương có thể thấy, quá trình tu sửa chủ yếu do địa phương tự bàn bạc và quyết định, ít có sự tham gia đóng góp ý kiến từ giới nghiên cứu và các kiến trúc sư. Nơi nào có sẵn kinh phí thì tu sửa luôn, nơi nào còn khó khăn thì vừa thuê thợ tháo dỡ, đục đẽo; vừa gửi thư hoặc cử người đi đến các vùng miền kêu gọi quyên góp xây chùa.

Trải qua mười mấy năm không ngừng tu bổ, tôn tạo, hầu hết các ngôi chùa ở Bắc Bộ đã có diện mạo khác hẳn. Tượng cũ bị vứt bỏ, thay thế bằng tượng mới chạm trổ sơ sài, quét sơn bóng loáng. Ngói cũ nhuốm màu thời gian gỡ ra, phủ kín bằng lớp ngói mới đỏ au. Cột cái, cột quân bị tháo rời, để dựng lên hàng cột bê-tông sơn mầu nâu giả gỗ vững chãi. Tháp chùa sửa sang lại, quét vôi trắng tinh, tô điểm thêm vài chữ đôi khi viết ẩu. Vậy là vẻ đẹp thanh tịnh, giản dị vốn có của một số ngôi chùa phai nhòa chỉ trong một quãng thời gian ngắn ngủi không khỏi khiến cho nhiều người thấy nuối tiếc, xót xa.

Bản chất của mỗi công trình kiến trúc trước hết là phản ánh tính chất sử dụng và ý nghĩa mà nó mang tải. Tôn giáo khác nhau, hình thức thể hiện trong kiến trúc cũng khác nhau. Ngôi chùa là công trình kiến trúc Phật giáo, do đó nó biểu hiện tinh thần của Phật giáo: gần gũi với con người và đưa con người gần gũi với thiên nhiên. Hàng nghìn năm nay, trong cảm nhận và ý thức của mỗi người, ngôi chùa nhỏ bé, bình dị và thân thương, phát triển theo hướng hòa nhập con người - thiên nhiên, thiên nhiên - con người. Thật tiếc, trong quá trình "làm mới" một số chùa chiền, nhiều người đã quên điều này. Ðể rồi như chúng ta đã thấy, khi chùa mới dựng lên, các đoàn hành hương truyền tai nhau những lời trầm trồ thán phục chùa ở vùng này to lắm, tượng ở chùa kia lớn lắm... Và nét cổ kính, trang nghiêm dần bị thế chỗ bằng sự phô trương xa hoa, lãng phí với những số tiền khổng lồ.

Trong lịch sử của người Việt, ngôi chùa không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng. Ðó còn là nơi đã ghi dấu biết bao giá trị văn hóa dân tộc, và trùng tu  là một phần để giữ lấy những giá trị  quý báu đó. Chính vì thế, cần xây dựng và thực thi các quy định đầy đủ, chi tiết trong việc bảo tồn cũng như xây mới chùa chiền, để giữ lấy và làm đẹp thêm các công trình kiến trúc mang nhiều ý nghĩa văn hóa vốn đã tồn tại từ bao đời nay.
Theo nhandanonline