Kinh Duy Ma » Bài 11 » Phẩm 11: Bồ Tát - Phần 2

alt

 

 

Đức Phật dạy Bồ tát phương trên biết được giải thoát của Bồ tát ở Ta bà, nghĩa là muốn dạy người xuất gia cần phải biết sự giải thoát của người không xuất gia. An trụ thế giới giải thoát, thì được giải thoát; đó là chuyện thường. Nhưng sống trong thế gian không giải thoát, cũng được giải thoát; đó mới là giải thoát chân chính. Người được mệnh danh xuất thế gian thường rơi vào tâm chấp trước, tưởng rằng mình giải thoát, nghĩ mình là thầy; nhưng khi không được coi là thầy, thì việc khác rồi, tâm hết giải thoát liền.

 

Thậm chí có người quan niệm đơn giản rằng mình có cơm ăn, chỗ ở, không quan tâm cơm này từ đâu đến, nhà ở từ đâu có; nếu nghĩ thêm, sẽ không giải thoát. Không thể nghĩ như vậy được, vì người có chút lương tâm chắc chắn phải xót xa khi thấy người nông dân dầm mưa dãi nắng cực khổ cho mình có cơm ăn, thấy vật bị giết cho mình hưởng. Nếu nghĩ rằng tại nghiệp của họ như vậy, còn mình giải thoát thì cứ ăn, vật cứ chết. Chuyện ai nấy làm, không dính líu với nhau. Giải thoát như vậy chỉ có giới hạn và tạm bợ. Thực tế mối liên hệ giữa chúng ta với vật bị chết, với người nông dân, là nhân duyên phải còn.

 

Thanh văn tu giải thoát chỉ tạm thời, chưa giải quyết dứt khoát chuyện sinh tử. Thực tế không phải vậy, nhưng chúng ta gán ép cho nó để được giải thoát. Khi nhu cầu hàng ngày còn ràng buộc chặt chẽ thân tứ đại, chúng ta còn liên hệ với mọi người mà phủ nhận sự liên hệ này, là đã rớt qua ngụy biện.

 

Đức Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng khi hành giả đắc La hán phải thấy liên hệ của ba tụ này, phải nghĩ vì tôi ăn mà vật chết, vì tôi ăn mà người nông dân phải cực nhọc. Tâm từ bi phát xuất từ đó, nên đắc La hán phải phát tâm Bồ đề. Không phát được tâm Bồ đề, thuộc về hàng tăng thượng mạn. Bích Chi Phật tu pháp quán nhân duyên, thấy rõ chỉ khi nào không còn ăn mặc ở, nghĩa là chứng được chơn như thật tướng, mới đạt giải thoát hoàn toàn.

 

Vì vậy, cái nhìn của Bồ tát Hương Tích phiến diện và thực tế Phật dạy trong kinh Duy Ma có tính cách toàn diện, Đại thừa. Quyền Đại thừa thấy có hai thế giới riêng biệt và có sự phân công rõ rệt. Thật Đại thừa chỉ có một, không có hai, tùy từng chặng đường mà chúng ta tiến tu trên lộ trình giải thoát mà thôi.

 

Ngay trong thế giới Ta bà mới thật có Bồ tát. Ở thế giới khác, chỉ có Thanh văn thừa hay người được mệnh danh là Bồ tát, chỉ là Bồ tát quyền thừa, thuộc về Bồ tát tâm. Họ cũng nghĩ thương vật bị giết, thương người nông dân cực nhọc; nhưng vẫn thích ăn. Họ cho rằng chuyện ai nấy làm. Nói cách khác, họ biết việc cần làm, nhưng không chịu dấn thân. Trong khi Bồ tát thật Đại thừa phát tâm Bồ đề, thấy được hiện tượng xấu, phải nghĩ ra cách xóa bỏ hiện tượng này và đi vào cuộc đời để làm công việc xóa bỏ việc tệ xấu.

 

Bồ tát của kinh Duy Ma đạt đến tận và vô tận giải thoát. Còn giải thoát của Thanh văn một chiều, tức là có hai thế giới, tận là thế giới sinh diệt và vô tận là thế giới không sinh diệt. Thanh văn tu, diệt tận thế giới sinh diệt, để thế giới không sinh diệt hay Niết bàn hiện ra gọi là "Sinh diệt diệt, thời tịch diệt vi lạc".

 

Từ trước đến kinh Duy Ma, chỉ có giải thoát một chiều, bằng cách tận thế giới hữu vi và sống trong vô tận của thế giới vô vi. Vì chúng ta thường quan niệm kẹt hữu vi làm sao giải thoát và bỏ vô vi cũng không giải thoát. Muốn giải thoát phải bỏ hữu vi, trụ vô vi.

 

Đến kinh Duy Ma, chuyển sang giai đoạn Bồ tát "Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi". Tại sao không trụ vô vi, không tận hữu vi? Hữu vi là pháp sinh diệt liên tục, cái này chết cái kia sinh, làm sao tận được. Từng con người sinh ra và từng con người lần lượt rời bỏ cuộc đời; nhưng thế giới này không mất chúng sinh, thế giới này không tận diệt.

 

Bồ tát nhìn thấy chân lý "Hữu vi bất tận". Trong khi Thanh văn thấy "Hữu vi tận", nên vào Niết bàn. Thanh văn thấy hữu vi là tận vì họ đeo kính cố chấp của nhị thừa, ăn cơm Hương Tích nhưng không tiêu hóa được giống như bệnh lờn thuốc, vi trùng không còn sợ thuốc nữa. Thuốc không còn hiệu lực hay Phật pháp không tác động cho họ, đến độ tu lâu trở thành tăng thượng mạn, nhất xiển đề. Người chưa phát tâm, gặp Phật pháp, thì phát tâm. Nhưng tu hư rồi, gặp Phật pháp chẳng thích thú gì, là lờn thuốc.

 

Hạng nhất xiển đề tận hữu vi mà thực tế hữu vi không tận. Họ phán rằng Chánh pháp trụ thế 500 năm, tượng pháp 500 năm, mạt pháp 1.000 năm; như vậy 2.000 năm tận thế. Kinh Pháp Hoa gọi họ là người uống lầm thuốc độc. Chúng ta sống cách Phật hơn 2.500 năm, mà rõ ràng Phật pháp "chưa tận" và tin tưởng chắc chắn rằng con cháu chúng ta còn nương theo sự nghiệp này phát triển hơn nữa.

 

Duy Ma khuyên Xá Lợi Phất hay Thanh văn đừng trụ vô vi. Vì hữu vi không tận, trụ vô vi chúng ta sẽ bị lạc hậu, tự chết và con em chúng ta sẽ thua cuộc đời.

 

Bồ tát bất trụ vô vi nhìn thẳng cuộc đời, phát triển khả năng, tri thức và hành động thích nghi. Trụ hữu vi là bỏ mặc cuộc đời, đóng cửa phòng lại ngồi yên chờ tận thế. Nhưng không tận thế, chúng ta sẽ khổ, con cháu sẽ chết khô; không chết khô cũng thành ăn mày, vì đã bị cuộc đời đào thải.

 

Duy Ma bằng bản tâm thanh tịnh thấy rõ thế giới không tận. Ngài mới khuyên đừng trụ vô vi. Tuy nhiên, đại chúng khó chấp nhận, nên Duy Ma rủ Bồ tát Văn Thù dẫn đại chúng đến vườn Yêm La thỉnh ý Đức Phật phán quyết xem pháp nào đúng. Sự kiện này nhằm nói lên ý gì?

 

Theo tôi, sau Phật Niết bàn, giáo lý được lưu truyền đời sau mang hai khuynh hướng Đại thừa và Tiểu thừa. Khuynh hướng Tiểu thừa chấp nặng hình thức, coi đó là truyền thống quý báu của đạo Phật không thể sửa đổi. Phật giáo Đại thừa không rập khuôn, chủ trương sinh hoạt gắn liền với cuộc đời, làm lợi ích cho mọi người.

 

Hai khuynh hướng này dẫn đến hai hậu quả, một là người tu sống thoát ly, không phù hợp với xã hội, trở thành lạc hậu. Họ không phát triển đạo pháp được và chính bản thân cũng không giải thoát. Hai là người tu thuận theo thế gian để phát triển đạo, nhưng càng phát triển càng cách xa truyền thống nguyên thủy. Hai quan điểm lý giải giáo lý Phật khác nhau như vậy, đưa đến mối hoài nghi cho mọi người. Và Duy Ma làm nhiệm vụ trình Phật xét xem mô hình nào đúng.

 

Đức Phật xác định Xá Lợi Phất đại diện lập trường Tiểu thừa hay Thanh văn thừa và Duy Ma tiêu biểu cho Đại thừa hay Bồ tát đạo, cả hai đều đúng. Ngài giải thích bằng cách đưa ra pháp môn "Tận và Vô tận giải thoát". Đức Phật cho biết từ trước Ngài dạy Thanh văn "Tận giải thoát", không dạy "Vô tận giải thoát". Ở thời kỳ nào áp dụng "Tận giải thoát" và giai đoạn nào cần tu "Vô tận giải thoát". Cả hai đều là pháp Phật. Tuy nhiên pháp Tận giải thoát dễ hiểu, dễ chấp nhận hơn. Nghĩa là muốn giải thoát, đương nhiên phải cắt đứt sự ràng buộc của thế gian, sợ luân hồi phải chấm dứt điều kiện tái sinh hay tránh cuộc đời. Pháp này dễ nghe, dễ làm và bước thứ nhất này ai cũng làm được.

 

Thành tựu đoạn đường đầu rồi, Đức Phật mới dạy thêm rằng giải thoát nói trên chỉ có tính cách tạm thời, không vĩnh viễn. Đó là Niết bàn phương tiện mà Đức Phật tạo ra cho Thanh văn. Vì vậy, đạt được pháp Tận giải thoát xong, Đức Phật dạy Thanh văn phải tiếp tục hành Bồ tát đạo để chứng Vô tận giải thoát của Bồ tát.

 

Thế giới Vô tận giải thoát thuộc thế giới vô vi, bất tư nghì, không nói được. Kinh Pháp Hoa diễn tả các pháp tướng thường tự vắng lặng là pháp Phật dạy Bồ tát, mà Thanh văn không thể biết; vì pháp ấy nằm ngoài ngôn ngữ, ngoài suy nghĩ, thuộc bí mật tạng. Bồ tát đồng cảm, đồng hạnh với Phật, mặc nhiên tự biết, ngang qua bản tâm thanh tịnh đạt được Vô tận giải thoát mới trực nhận pháp âm Phật.

 

Đức Phật khẳng định quá trình tu hành của Ngài đi từ Tận giải thoát đến Vô tận giải thoát. Ngài cho biết khi thành đạo, tìm được người thợ xây ngôi nhà ngũ ấm nghĩa là chứng được Tận hữu vi hay Tận giải thoát, cuộc đời không còn ràng buộc Ngài. Mọi liên hệ với cuộc đời không còn, Ngài không tái sinh hay chứng quả Vô sanh.

 

Sau khi thành đạo, Ngài quán nhân duyên, thấy rõ mối liên hệ chằng chịt giữa mọi người và họ tự làm khổ nhau. Muốn hết khổ, có Niết bàn, theo Phật, chúng ta phải biết chuyển đổi mối liên hệ xấu thành tốt. Làm thế nào để mọi người cùng hợp tác xây dựng với chúng ta; vì chúng ta biết rõ một cá nhân đơn lẻ làm việc không thể thành công.

 

Con đường chuyển hướng xây dựng, bước ra cuộc đời, tất yếu phải qua cửa Bồ tát đạo, phải ăn cơm Hương Tích, phải có sức chịu đựng và đủ trí khôn mới dấn thân vào đời. Cơm Hương Tích rất cần, hay pháp Phật tác động cho nghiệp và phiền não tiêu sạch. Đạt đến Tận giải thoát xong thì bước vào lộ trình Bồ tát đạo để cứu nhân độ thế, không khó.

 

Đức Phật xác định Ngài giáo hóa chúng sinh thành tựu công đức dễ dàng; vì Ngài đã trải qua vô số kiếp ra vào sinh tử, kiên nhẫn tu Bồ tát hạnh, tạo thành Báo thân Phật. Đến khi mọi việc không tác hại được Phật, tất cả đều diễn biến tùy ý Như Lai điều động, mới lên Niết bàn thật. Niết bàn này là giải thoát vô tận. Đức Phật không cần làm, mọi người tự làm, Phật sự tự thành. Thật vậy, Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn hơn 2.500 năm. Từ đó đến nay, từng thời kỳ, các vị danh Tăng nối tiếp ra đời ở khắp mọi nơi. Các Ngài diễn dịch giáo lý thích hợp với thời đó, làm sáng tỏ pháp Phật, nên đạo Phật không bao giờ lỗi thời.

 

Đức Phật không dụng công làm việc này, nhưng đệ tử của Ngài hay nói đúng hơn là công đức của Ngài đã làm. Tôi thường nghĩ những điều gì tốt đẹp của đời mình đem cúng dường Phật. Tác phẩm lý giải kinh điển của Phật ở khắp nơi trên thế giới, nhiều vô số, nhưng đều nói là của Phật. Và đặc biệt hơn nữa, những gì lý giải đúng, lý giải hay, mới là của Phật; những sai lầm, dở, bị coi như ngụy tạo.

 

Theo Phật bằng tâm niệm Đại thừa, nếu thật đắc đạo, hành giả phải hoàn toàn tốt. Điều sai xấu không thể gán cho hành giả. Đức Phật dạy rằng hoa sen không dính nước, Bồ tát không nhiễm trần. Hành giả xóa sạch một phần phiền não trong tâm, sẽ thấy một người xấu xa lánh mình. Một phần xấu của hành giả còn, một người xấu sẽ tự động đến với mình. Tâm hành giả thanh tịnh, thế giới thanh tịnh; đạo tràng vô tướng là như thế. Trên bước đường tu, tất cả xấu ác từ từ tan biến, những gì tốt đẹp dần dần quy tụ, hành giả đã tu đúng Bồ tát pháp.

 

Đức Phật Thích Ca sau khi hoàn tất quá trình Bồ tát đạo, cảm thành thọ mạng vĩnh hằng của Như Lai. Ngài không làm nữa, nhưng giáo pháp vẫn bất tận mấy ngàn năm và chúng ta tin chắc rằng mãi về sau cũng còn giá trị. Đức Phật hành Bồ tát đạo kết thành Báo thân. Từ Báo thân hội nhập lại cuộc đời, đưa vào các pháp, biến thành Pháp thân Phật. Nghĩa là giáo pháp trong sáng toàn bích của Phật, mẫu mực đạo đức thánh thiện của Phật tác động lợi lạc, chỉ đạo cuộc đời. Đến đây mở ra cánh cửa cho hành giả nào muốn xây dựng Vô tận giải thoát tất yếu phải đi theo lộ trình Bồ tát đạo của Đức Phật vạch ra.

 

Bồ tát Duy Ma tiêu biểu cho Bồ tát đạt được Vô tận giải thoát, hay thành tựu pháp "Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi". Giải thoát của Bồ tát Duy Ma là giải thoát không bỏ hữu vi, không trụ vô vi. Ngài vẫn sống ở thế giới hiện tượng sinh diệt, không bỏ nó. Đó là điểm quan trọng mà Bồ tát Hương Tích thán phục và kính nể Đức Phật Thích Ca cùng các Bồ tát ở Ta bà. Nếu cũng trụ vô vi, thì có khác gì Bồ tát Hương Tích.

 

Không trụ vô vi, không chấm dứt sinh hoạt ở thế gian, ngầm chỉ cho Đức Phật Thích Ca giải thoát ngay trên cuộc đời này, không tìm giải thoát ở thế giới xa xăm nào. Sau khi thành đạo, trong 49 năm hoằng hóa độ sinh, Đức Phật đến với mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Trong những hoàn cảnh khác nhau, Ngài đều mang lợi lạc cho tất cả và mọi người cũng phải nhìn nhận là Ngài giải thoát. Đức Phật giới thiệu cho Bồ tát Hương Tích giải thoát thật sự của Bồ tát Duy Ma, cũng nhằm chỉ sự hành đạo hoàn toàn tự tại của Đức Phật Thích Ca trên cuộc đời này.

 

Bồ tát Bất tận hữu vi sống với thế giới sinh diệt, thấy đúng thực tế và chấp nhận như vậy. Thực tế có người làm ruộng, có vật bị chết và có người ăn. Nếu không chấp nhận thực tế này, là rơi vào ảo giác, giống như Bồ tát Chúng Hương ở thế giới khác bước vào Ta bà, không biết gì về Ta bà. Bồ tát ở Ta bà phải biết việc thực tế của Ta bà. Nhìn thực tế này, Bồ tát nghĩ rằng từ khi mới phát tâm tu đạo giải thoát cho đến thành La hán, chúng ta ăn biết bao nhiêu cơm rau, không phải của một người, một nhà. Ăn cơm do đàn việt mang đến, nay nghe họ gặp khó khăn khổ sở, mà dửng dưng Niết bàn, thì quả thực vô lương tâm.

 

Vì vậy, khi đắc La hán phải phát tâm Bồ đề. Nhìn lại từng kiếp, thấy mối liên hệ giữa chúng ta và các loài chúng sinh quá mật thiết và thọ ơn của chúng sinh không thể nào kể xiết. Nếu dửng dưng với người mình mang ơn, chắc chắn không phải là La hán. Trước kia, tâm trí chưa sáng, không thấy điều ấy; nhưng đắc đạo rồi, phải thấy. Mục Kiền Liên thành La hán, thấy mẹ đọa địa ngục. Ngài nhớ rõ vì mình, mà mẹ Ngài làm những việc ác. Việc làm ác của bà Thanh Đề có liên hệ với sinh mệnh của Mục Kiền Liên, không thể lập luận rằng bà tự ý làm, Ngài không bảo; vì dù thuận hay nghịch đều là duyên có dính líu đến mình.

 

Đắc đạo nhìn thấy người thân của chúng ta nhiều đời đang sinh tử khổ đau từng phần dưới đủ dạng khác nhau, thấy trong tứ sanh lục đạo, tất cả các loài đều có liên hệ cha mẹ, anh em, bạn thù nhiều đời nhiều kiếp. Vì thế, thành đạt rồi, có khả năng, hành giả nghĩ đến cách cứu vớt họ để trả ơn tri ngộ trong hiện kiếp hay nhiều kiếp về trước. Như vậy gọi là phát tâm Bồ đề hành Bồ tát đạo.

 

Bồ tát phát tâm nhìn vào thực trạng xã hội có tâm trạng giống như Bồ tát Hương Tích nghe Đức Phật nói mối liên hệ của chúng ta với tứ sanh lục đạo trong nhiều đời. Các Ngài thấy Đức Phật nói có lý, nhưng nhập cuộc hay không để các Ngài về ra mắt Đức Phật Hương Tích và nghĩ lại đã.

 

Thành đạt quả vị La hán, tâm bừng sáng, thế giới quan hiện ra, thấy thế giới sinh diệt, các loài trôi lăn trong sinh tử. Từ đó, Bồ tát khởi ý niệm vào sinh tử, coi chốn sinh tử như là vườn tiêu dao của mình, là thế giới Niết bàn. Vào trần lao sinh tử mà kẹt sinh tử, không phải là Bồ tát. Vì vậy Bồ tát "Bất tận hữu vi", điều kiện tiên quyết phải đạt được A la hán vị, hết phiền não, vào đời mới không bị đời làm ô nhiễm. Phật tử chúng ta tự xác định lại xem đoạn sạch phiền não chưa. Nếu nhập cuộc với tư cách con người đầy đủ tham sân phiền não, chắc chắn sẽ chồng chất thêm phiền não nhiễm ô. Đối với hạng người này, xin cứ hướng Niết bàn đi thẳng.

 

Tuy nhiên, dù chưa là La hán, Bồ tát Duy Ma đã nhắc nhở chúng ta ở phần trước rằng những người ăn cơm Hương Tích chưa được quả Dự lưu, đến khi được quả vị này, cơm mới tiêu. Điều này nhằm nói lên rằng người chưa đắc đạo vẫn giáo hóa chúng sinh được, với điều kiện cơm Hương Tích chưa tiêu. Nghĩa là chúng ta sống trên cuộc đời gặp không biết bao nhiêu khó khăn buồn phiền, nhưng nhờ pháp Phật hằng hữu trong lòng, hóa giải tất cả buồn phiền, giúp chúng ta trụ giải thoát.

 

Kết luận

 

Phiền não bao vây Bồ tát bao nhiêu, các Ngài vẫn bước tới. Bồ tát lớn vững tiến dễ dàng và Bồ tát nhỏ vẫn có Phật pháp che tâm. Khi bị người tác hại, chúng ta liền tự nhớ hình bóng từ bi giải thoát của Phật, nhớ lời dạy cao quý của Ngài, mọi việc phiền muộn thế gian tự tiêu. Kinh ví pháp Phật như thuốc uống vào, bao giờ vi trùng chết, thì thuốc tan.

 

Chúng ta tu học, trầm mình trong giáo lý, mang pháp Phật vào lòng, đi vào trần thế. Giáp mặt với đời, chấp nhận phiền não, để cho thuốc Phật hóa giải, đưa chúng ta đến bờ giải thoát. Vấn đề quan trọng là cần kiếm cơm Hương Tích nuôi dưỡng thân tâm. Thiếu cơm Hương Tích, chúng ta cũng chỉ là kẻ ăn xin, đời đời lang thang trong sinh tử.

 

HT Thich Trí Quảng