Thăm “Nam thiên đệ nhất động”

Lối đi thoang thoảng hương hoa đại, bậc đá phủ rêu phong, những nhũ đá muôn hình muôn vẻ nằm sâu trong lòng động... Tất cả hiện lên vẻ đẹp thanh tịnh, ban sơ. Du ngoạn vào những ngày cuối hạ mới thấy chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)  chẳng hổ danh là“Nam thiên đệ nhất động".

Khác hẳn với cảnh tấp nập vào ngày hội đầu xuân, những con đò giờ lặng thinh gối mình dưới bến nước. Suối Yến bình lặng, xanh trong, nước vỗ nhè nhẹ vào mạn đò. Thi thoảng mới thấy một con đò đồng hành trên quãng đường dài 4km. Từ trên đò có thể ngắm những dãy núi trùng điệp, nối tiếp nhau chạy dài tít tắp hai bên bờ suối. Trong màu xanh ngút ngàn của núi non là những ngôi nhà ngói xập xệ. Không gian yên ắng, chỉ nghe thấy tiếng mái chèo nhịp đều khua nước. Đang là cuối hạ nên khách có cơ hội ngắm hoa súng nở hồng ven suối.

Vào mùa không lễ hội, bến Yến có hàng nghìn con đò tập kết - Ảnh: Tiến Thành
Vào mùa không lễ hội, bến Yến có hàng nghìn con đò tập kết - Ảnh: Tiến Thành
Du khách có thể vừa đi đò vừa ngắm hoa trên dòng suối.
Du khách có thể vừa ngồi đò vừa ngắm hoa trên dòng suối.

Điểm đến đầu tiên là đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, một ngôi đền nhỏ nằm dưới chân núi bên bìa phải của dòng suối Yến, cách bến đò khoảng 500m. Không phải mùa lễ hội nên không khí trong đền thanh tịnh, khói hương phảng phất chứ không nghi ngút như ngày hội. Thi thoảng, một tiếng chuông chùa ngân vang, rơi tõm vào hư không và sóng nước.

Sau 40 phút ngồi đò, chúng tôi có mặt ở chân núi Lão, nơi có chùa Thiên Trù – trung tâm của thắng cảnh Hương Sơn. Leo lên mấy trăm bậc đá uốn theo triền núi và những tán cây đại cổ thụ bên cổng tam quan lấm tấm phủ rêu là một ngôi chùa bề thế, có kết cấu hài hòa từ tam bảo, tiền đường đến nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách, các nhà kho… với đủ phương tiện sinh hoạt cho hàng trăm người nghỉ lại lễ Phật qua đêm. Đứng giữa sân chùa có thể cảm nhận được sự tráng lệ, kỳ vĩ của cảnh chùa, núi non… chẳng thua kém với Tử Cấm Thành ở Trung Quốc.

Từ chùa Thiền Trù rẽ phải, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến động Hương Tích. Dọc đường đi là những hàng quán bày bán đủ thứ như vòng đá, khánh ngọc, quạt giấy với ngô, khoai luộc bốc hơi nghi ngút, thơm phức. Đi chừng vài trăm mét thì bảng chỉ dẫn động Tiên Sơn hiện ra trước mặt. Lối lên động quanh co, phủ trắng hoa đại.  Mặt trời đứng bóng cũng là lúc chúng tôi đến cửa động Hương Tích. Cách đây 240 năm, chúa Trịnh Sâm đã du ngoạn qua đây và đề tặng dòng chữ “Nam thiên đệ nhất động”,  tức động đẹp nhất trời Nam.

Như một cái hàm rồng khổng lồ, thênh thang và sâu hun hút, ngay chính giữa động là hòn thạch nhũ lớn có tên là Đụn Gạo. Tưởng như người xưa đã đem những thứ như lợn mẹ, lợn con, đụn rơm, đụn gạo, quả bòng trái bưởi, cây bạc, cây vàng, khánh đá, cà sa nhũ Phật… vào hang động để thưởng ngoạn, và cất giữ muôn đời cho con cháu. Lại có dòng sữa mẹ ngày đêm tí tách rơi nhỏ giọt, làm cho không khí trong  hang lúc nào cũng mát lạnh.

 

Động Hương Tích với đụn gạo ở chính giữa cửa động - Ảnh: Tiến Thành
Động Hương Tích với đụn gạo ở chính giữa cửa động - Ảnh: Tiến Thành
Nhũ đá hình như cánh chim đại bàng ở động Tiên Sơn - Ảnh: Tiến Thành
Nhũ đá hình như cánh chim đại bàng ở động Tiên Sơn - Ảnh: Tiến Thành
Nhũ đá hình thù kỳ lạ trong động như núi cô, núi cậu, cây vàng… - Ảnh: Tiến Thành
Nhũ đá hình thù kỳ lạ trong động như núi cô, núi cậu, cây vàng… - Ảnh: Tiến Thành

Động Hương Tích cũng là điểm đến cuối cùng và xa nhất trong khu danh thắng Hương Sơn. Sau một hành trình dài leo núi, không khí mát lạnh cùng với những nhũ đá “long lanh như gấm dệt”  làm chúng tôi xua tan những mệt mỏi, lo âu. Cảm giác say đắm khi được thưởng ngoạn những “kỳ quan” của tạo hóa, hít hà hơi lạnh của đất trời thêm dâng đầy.

 

Đặng Hà - Đặng Hậu - Tiến Thành (Theo LĐO)