Ăn chay mùa Vu lan

Mùa Vu lan, ngoài cúng cầu siêu cho gia tiên, nhiều nhà còn có mâm cơm chay (tiểu thực), được coi như báo hiếu tổ tiên, cha mẹ.

Ăn chay ở chùa

Mùa Vu lan, nhiều chùa đãi cơm chay từ đầu tháng 7. Món chay ở chùa đạm bạc, theo tôn chỉ không sát sinh, hướng đến mỹ thực. Tên các món chay thấm đẫm văn hoá giáo lý nhà Phật như: món khai vị tri túc, súp thập thiện, bánh hỏi nhẫn nhục, cà ri tứ đế, chả ram thiền định, lẩu trí tuệ, cơm chiên bát nhã, chè ngũ giới... Ở TP Hồ Chí Minh có những chùa lớn như chùa Viên Giác (Q. Phú Nhuận) cơm chay có nét mới, cỗ dọn ra như tiệc buffet, các món đựng trong chảo vuông inox như nhà hàng, ai muốn ăn món nào, tự lấy.

 

Khá đông người đến chùa Quán Sứ ăn chay nhân mùa Vu lan

Theo ông Nguyễn Văn Bản (Văn Cao, Hà Nội), đi ăn cơm chay ở các chùa, mâm cỗ chay thường có giò nạc, chả trứng, sườn nướng, gà luộc, canh măng... làm từ rau củ quả, đỗ tương, đỗ xanh. Cơm chay chùa có nét văn hóa đẹp là san sẻ, không phân biệt sang hèn. Các chùa làng vẫn giữ được nét đẹp chia sẻ, mùa cơm chay ít nhiều dân làng cũng góp công, góp của. Nhà nghèo góp công: gánh nước, chẻ củi, nhặt rau, nấu nướng..., người khá giả góp tiền của. Tới bữa ăn ngồi cùng bàn rất vui vẻ, thân ái.

Cơm chay nhà chùa giống nhau ở chỗ đạm bạc, không làm hư vị riêng, không làm theo ngã mặn, món chế biến đơn giản, nêm nếm tinh tế. Người sành ăn cơm chùa hay trộn chung nhiều món ăn mới ngon.

Cơm chay... nhà hàng

Cơm chay thị trường nhắm tới số lượng, hình thức món, không gian dễ chịu. Để thu hút thực khách, các món được sáng tạo tràn lan, nhập cả công nghệ sản xuất thực phẩm chay từ Đài Loan (Trung Quốc) về phục vụ thực khách. Chị Ngô Thanh Thúy (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, những người ăn chay có mục đích thường thích ăn chay rau dưa ngon  ở nhà. Họ không thích tới các nhà hàng chay bởi thật giả giống nhau, chưa kể là đồ chay đông lạnh có nhiều chất bảo quản.

"Dịp Vu Lan, ăn chay cũng là cách báo hiếu, báo ân. Theo quan niệm nhà Phật, tất cả chúng sinh đều luân hồi, vì nghiệp nên kiếp này đầu thai làm trâu, bò, gà, cá, chó...  Lễ Vu lan không ăn thịt cá là không sát hại chúng sinh, là một hình thức từ bi, đem tâm đức đó báo hiếu cha mẹ, người thân. Hơn thế, ăn chay càng nhiều càng tốt bởi ăn chay rất tốt, hợp khoa học, hợp văn hóa tâm linh, bảo vệ sự sống, môi trường sống,  giảm bớt độc hại, độc tố vào cơ thể..."

Đại đức Thích Giác Như - Hải Hòa

(Ủy viên Thường trực Ban Quản lý xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam; Chùa Phúc Khánh, Hà Nội)

Ở TPHCM, muốn ăn chay hạng sang thực khách tới đường Nguyễn Trãi, quận 5, có "có ăn chay máy lạnh", khu cơm chay Hiền Vương (đường Võ Thị Sáu). Khu phố cơm Tây balô như Zen có món chay Tây: poulet marengo... Ở Hà Nội, quận Hoàn Kiếm tập trung nhiều nhà hàng cơm chay, hàng nào cũng có sắc thái riêng: Cửa hàng Nàng Tấm ở Trần Hưng Đạo, quán Thành Tâm (Phó Đức Chính) nấu ăn kiểu nhà hàng (cơm cỗ), có cơm suất 20-30 nghìn. Quán chay Adiđà (270 Nghi Tàm), nhiều món ngon, không gian lịch sự và mang đậm chất dân tộc... Các quận khác đều có quán chay có tiếng như Cỗ chay Ly Ly (Trần Duy Hưng) có buffet chay, Tiệm ăn chay Âu Lạc (Đường Láng) có món phở chay khá ngon. Còn các quán chay bình dân khá nhiều như Nam An (phố Linh Lang, Hà Nội)  nấu ăn theo trường phái dưỡng sinh Ohsawa, cơm gạo lức, đồ ăn chay sẵn rất thu hút giới trẻ. Cơm chay Hà Thành ngõ 166 Kim Mã), ăn chay thường nhật, rất thu hút khách văn phòng. Quán Cơm chay Âu lạc, ngõ Văn Chương ăn theo kiểu bình dân...

Các món chay hầu hết làm theo giả mặn, giống thật đòi hỏi chế biến công phu: Món canh dưa cần có vài miếng tóp mỡ (nhái), món bánh bèo phải có tôm (nhái) rắc lên... Để phục vụ tại gia, còn có nhiều địa điểm đặt cỗ chay, thực phẩm chay phục vụ gia đình như quán Hương Thuỷ (Khu tập thể Trương Định), Cơm chay Hà Thành (Kim Mã)...

Theo Đại đức Thích Giác Như - Hải Hòa, Ủy viên Thường trực Ban Quản lý xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam (Chùa Phúc Khánh, Hà Nội), các món chay giả mặn là hình thức làm cho đẹp, biến tấu cái này thành cái kia giúp trẻ em, người mới tập ăn chay có cảm giác dễ ăn, quan trọng là nguyên liệu món chay làm bằng gì. Ví như ăn muối vừng, đĩa rau cảm giác ban đầu chưa quen sẽ không dễ nuốt, nên phải giả làm con chim, con cá để người ăn có cảm giác dễ ăn hơn. Thường thì không nên, nhưng đó là tư tưởng bước đầu, như trẻ con không muốn uống thuốc thì phải tìm cách làm cho nó uống. Hoặc mua đồ chơi cho trẻ để hướng dẫn trẻ học hành tốt hơn.

Ăn chay ở nhà

Ở nông thôn ăn rằm tháng 7 còn to hơn Tết Nguyên đán. Anh Lê Văn Ninh (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, ai đi làm ăn xa, tới rằm tháng 7 cũng về quê ăn rằm. Dịp này các bà, các mẹ tha hồ trổ tài làm những món chay từ những rau, củ, trái cây để đãi con cháu.

Làm cơm chay ở nhà thường là những món dễ làm, dễ ăn, nhưng cũng tốn công chế biến, sáng tạo để rau củ quả trở thành những món ăn sinh động: Gà cúng làm từ đỗ tương giống y gà thật. Canh mướp đắng nhồi thịt (thịt là mộc nhĩ, nấm hương, su hào) ăn không ngấy mà lạ miệng. Chả trứng chay xào củ cải rất hấp dẫn. Sườn bằng cùi dừa, xiên que nướng. Canh dưa chua với nấm hương tươi giả chân giò. Rồi các loại xôi gấc, xôi lạc, xôi đậu xanh, bánh nếp nhân đậu xanh, nhân vừng đen với dừa...  Muốn ăn món mới thì năng lên chùa, có món mới là học, về thực hành nấu cỗ Vu Lan cho con cháu ăn.

Nhà ở thành phố món chay đơn giản như các món mì, bún, miến với các loại rau tươi. Siêu thị, chợ có đủ món chay, tha hồ chọn lựa để làm món xào, luộc, nướng, kho, rán, muối chua, ăn sống cho bữa cơm chay. Phong phú nhất là các loại nấm tươi, đậu phụ, lạc, phù trúc, mề chay... Tráng miệng có các loại quả, rồi sữa chua, sữa tươi...

Theo chị Ngô Thanh Thúy, người dân ăn chay mùa Vu Lan không chỉ cầu siêu cho tiền nhân, cầu bình an cho đấng sinh thành... Ăn chay, thể dục điều độ, giúp đỡ mọi người là một cách sống đẹp, hợp đạo lý, đẹp lòng người, khoẻ và trong sạch. Dưới khía cạnh khoa học, ăn chay sẽ có sức khoẻ tốt, ít bệnh tật (nhất là bệnh về tim mạch, ung thư) và người ăn chay trường thường khỏa mạnh, dẻo dai và sống lâu hơn những người ăn thịt.

Hà Dương (ANTĐ)