Công an Việt Nam bắt giam một người Khmer Krom

Công an phường 6 thuộc thị xã Trà Vinh đã giam giữ một người Khmer Krom khoảng một tháng mà vẫn chưa xét xử. Người này là cựu trụ trì chùa Kampong Kasan ở Trà Vinh.

RFA photo

Các nhà sư Khmer Krom ở Phnom Penh, Campuchia (Ảnh minh họa)

Mong được xét xử

Các tổ chức nhân quyền Khmer Kampuchia Krom ở ngoài nước lên án mạnh mẽ về việc chính quyền Việt Nam giam giữ ông Thạch Sophon, cựu trụ trì chùa Kampong Kasan thuộc khóm 8, phường 6, thị xã Trà Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh vào ngày 29 Tháng 7 năm 2010 vừa qua vì nghi ngờ về vụ bắt giam người trái pháp luật và gây thương tích.

Ông Thạch Châu, anh rể ông Thạch Sophon cho Đài Á Châu tự do biết vào chiều ngày 24 tháng 8 rằng ông Thạch Sophon, 36 tuổi, cựu trụ trì chùa Kampong Kasan bị công an bắt vào lúc 11 giờ sáng ngày 29 tháng 7 vừa qua. Theo giấy thông báo của công an Phường 6 thuộc thị xã Trà Vinh, ông Thạch Sophon bị nghi ngờ có liên quan đến vụ giam giữ người trong nhà chùa trái pháp luật và gây thương tích trên người lúc ông còn trụ trì chùa:

Hiện nay (ông Thạch Sophon) đang trong trại giam huyện Châu Thành. Gia đình mong Tòa án xét xử sớm để biết kết quả ra sao vì lúc này gia đình, đặc biệt là người mẹ già rất buồn…

Anh rể ông Thạch Sophon

“Vụ bị bắt đó thế nào thì anh em trong gia đình không ai biết. Sau khi bị bắt người ta, (công an phường 6) gửi giấy thông báo, và trong giấy thông báo có ghi là do nhốt người trái phép và gây thương tích.”

Ông Thạch Châu cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến cựu trụ trì chùa gây thương tích và giam giữ người trái pháp luật là trước đây một tháng có một người Việt vào Chùa lúc 12 giờ đêm.

Ông nói, “không biết người đó ở đâu đến, nhưng khi hỏi vào Chùa làm gì thì không trả lời. Vì Chùa thường mất đồ, nhưng không bắt được chứng cớ nên thấy họ vào tưởng là ăn trộm. Sau đó đánh họ và bắt giữ lại đến sáng mới báo cho Công an.”

Ông Thạch Sophon bị công an nghi ngờ là có gây thương tích và giữ người trong chùa trái pháp luật sau khi ông đã hoàn tục được một tuần. Bên gia đình ông cho rằng công an phường 6 bắt giam người trái pháp luật, hơn nữa cả một tháng nay không xét xử và cũng không cho người thân đến thăm. Anh rể ông Thạch Sophon khẳng định rằng "hiện nay (ông Thạch Sophon) đang trong trại giam huyện Châu Thành. Gia đình mong Tòa án xét xử sớm để biết kết quả ra sao vì lúc này gia đình, đặc biệt là người mẹ già rất buồn…”

 

tim-sakhornvn-250.jpg
Nhà sư Campuchia Tim Sakhorn bị chính quyền VN mang xét xử năm 2007. Photo courtesy of Khmerization
Nhà sư Chearithy, sống trong một ngôi Chùa kế bên khẳng định với Đài Á Châu tự do rằng ông Thạch Sophon bị bắt vì công an nghi nghờ có liên quan đến phong trào người Khmer Krom ở ngoài nước chứ không phải vì giam giữ người trái pháp luật hay gây thương tích.

Nhà sư Chearithy cho biết thêm, tính đến này Công an đã giam ông khoảng 3 tuần lễ nhưng chưa xét xử.

Còn ông Thạch Setha, lãnh đạo tổ chức Cộng đồng Khmer Kampuchia Krom, cựu Thượng nghị sĩ gốc Khmer Krom tại Campuchia cho Đài Á Châu tự do biết vào chiều ngày 24 tháng 8 rằng người Khmer Krom không có phong trào chống Chính phủ Việt Nam.

Ông mong muốn Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Thạch Sophon:“Không có phong trào nào làm việc chống chính phủ Việt Nam cả. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông ấy vì ông ấy không có liên hệ với bất cứ phong trào người Khmer Krom nào ở nước ngoài hết.”

Không có phong trào nào làm việc chống chính phủ Việt Nam cả. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông ấy vì ông ấy không có liên hệ với bất cứ phong trào người Khmer Krom nào ở nước ngoài hết.

Ông Thạch Setha

 

Ngày 22 tháng 8 vừa qua, Liên Minh Khmer Kampuchia Krom có trụ sở tại Mỹ ra thông cáo khẳng định rằng, trước khi ông Thạch Sophon bị bắt, ông đã từng hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy và khuyến khích các tăng sinh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đi học tập ở nước ngoài, chẳng hạn trường Đại học ở Thái Lan. Ông cũng khuyến khích cho các tăng sinh tiếp nhận thông tin đa chiều.

Thông cáo còn ghi rằng tổ chức Liên Minh Khmer Kampuchia Krom yêu cầu Cộng đồng Quốc tế theo dõi chặt chẽ về vụ việc ông Thạch Sophon. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền người đang sống ở miền Nam và ông Thạch Sophon là người dân tộc tiểu số bản địa sống ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đài Á Châu tự do không thể xin ý kiến từ ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Ban Chỉ Huy Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vì điện thoại di động của ông có người khác bắt máy và nói ông mệt và đang ngủ.

Còn đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia thì nói chưa nhận được thông tin trên.