Tín nguyện hạnh

 

Đức Phật đã tuyên bố lí do Ngài có mặt ở đời là chỉ ra cho chúng sanh thấy rằng cuộc đời này là khổ đau và giới thiệu con đường thoát khổ để đạt được hạnh phúc thật sự. Nhưng thật khó cho mọi người tin rằng “tâm bình thế giới bình”, rằng cuộc đời này sẽ tươi đẹp nếu tâm mình an tịnh. Người ta không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống thực tại nên phải đặt niềm tin ở một cuộc sống thần tiên nơi “non bồng nước nhược” xa xôi. Để đáp ứng ước nguyện ấy và cũng để dẫn dắt con người quay về với những giá trị hạnh phúc thực tại, đức Phật đã phương tiện giới thiệu cõi nước Cực Lạc, quốc độ của đức Phật A-di-đà, nơi không hề có khổ đau mà chỉ có an ổn và hạnh phúc thật sự. Những diễn giảng chi tiết về cõi nước Cực Lạc ấy được đức Phật trình bày trong Đại Vô lượng thọ kinh. Tuy nhiên, do vì văn kinh quá dài, rất khó để phổ cập trong nhân gian nên một vấn đề đã đặt ra là phải tóm lược nội dung kinh văn để dễ dàng trì tụng hằng ngày. Chính vì thực tế đó, chỉ sau Đại Vô lượng thọ kinh khoảng trên dưới một thế kỉ, bản kinh có tên Cực Lạc Trang Nghiêm (Sukhāvatīvyūhaḥ) hay A-di-đà kinh tiểu bản ra đời. Bản kinh ngắn gọn bằng Phạn bản này rất phổ biến ở Bắc Ấn Độ, nơi tín ngưỡng A-di-đà Phật thịnh hành. Sáu chữ “Nam-mô A-di-đà Phật” từ đó đến nay, càng ngày càng lan rộng, càng chứng tỏ được rằng vào thời mạt pháp, khi các giáo pháp khác bị lãng quên thì sáu chữ ấy sẽ còn lại để làm chỗ nương tựa và cứu vớt con người.

Phương pháp tu hành trong Kinh A-di-đà, bộ kinh trọng yếu và phổ biến nhất của Tịnh Độ tông, lấy Tín, Nguyện, Hạnh (trì danh) làm ba điều kiện chủ yếu quyết định sự thành công. Như một khách lữ hành phải chuẩn bị hành trang cho chuyến đi dài ngày của mình, Tín-Nguyện- Hạnh là ba món lương thực cho cuộc hành hương về Tịnh độ, như đỉnh lư đồng thiêu hương cúng Phật có ba chân, thiếu một đỉnh lư hương ngã đổ, người tu hành pháp môn Tịnh độ thiếu một trong ba điều này ắt không được tiếp dẫn vãng sanh. Nói đúng hơn người tu hành theo pháp môn này nhất định không thể thiếu một trong ba pháp nầy.

Trước tiên thuyết minh về tín, tín có sáu nghĩa: Tin tự, tin tha, tin nhơn, tin quả, tin sự, tin lý. Tin mình có Phật tánh, nhưng bị phiền não vô minh ngăn che mờ ám. Tin đức Phật A-di-đà có Phật tánh sáng suốt xây dựng cõi Cực lạc, có chư Thượng thiện nhơn câu hội tu học, giảng pháp, cảnh trí như ý, thắng diệu. Nhân Phát nguyện sinh cõi Cực lạc niệm Phật, giữ giới, làm các công đức lành…thì quả sẽ được tiếp dẫn vãng sanh, thành Phật….

Tín là điều kiện quan trọng và tất yếu phải có cho nên trong chúng ta hẳn đã từng bắt gặp rất nhiều những câu như là “Lòng tin là mẹ sanh các công đức lành!” hay “Phật pháp như đại hải, dĩ tín vi năng nhập”.

Người tu hành theo tông Tịnh Độ, trong tâm nhất định phải kiên định một lòng tin, tin rằng thật có thế giới Tây phương Cực Lạc, tin vào công đức y báo, chánh báo của đức Phật A-di-đà, tin vào sức bổn nguyện từ bi của đức A-di-đà, Ngài dùng pháp môn phương tiện để tiếp dẫn chúng sanh. Vì rằng, cõi Ta-bà là khổ, bản thân nghiệp lực phàm phu vốn có tự tính thanh tịnh, nên có thể dùng pháp môn niệm Phật thù thắng công đức rồi nhiếp tâm bất loạn, suốt đời chuyên niệm, đến lúc lâm chung sẽ được vãng sanh, quyết định không thối thất. Do vậy, trong kinh văn, sau khi thuyết minh về đức A-di-đà với đầy đủ y báo và chánh báo trang nghiêm, đức Phật dạy: “Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nghe kinh này và danh hiệu chư Phật thì những người đó sẽ được tất cả chư Phật hộ niệm, đều được bất thói chuyển nơi đạo vô thượng bồ-đề”. Kinh văn chỉ rõ ràng rằng: “Từ quốc độ này hướng về phương Tây qua mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc” và “hiện nay, ở cõi nước ấy, có đức Phật hiệu là A-di-đà đang thuyết pháp”. Điều này do chính đức Phật Thích-ca nói cho Tôn giả Xá-lợi-phất, 1250 vị thánh đệ tử, và rất nhiều trời, người có mặt trong buổi thuyết pháp ấy.

Ngài cũng biết rằng pháp ấy khó tin nên đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng: “Các ngươi nên tin nhận lời nói của ta và của chư Như Lai”, và như một lần khẳng định lại để chứng tín điều này, kinh văn tiếp: “Xá-lợi-phất! Tôn giả nên biết Thế Tôn đang ở trong cõi đời khó bảo và đầy năm thứ ô nhiễm mà làm được việc khó làm này: thành tựu tuệ giác vô thượng và vì hết thảy thế gian mà nói lên pháp khó tin này, điều đó thật là rất khó”.

Những tưởng rằng chúng ta không cần thuyết minh thêm về tín, hay nói khác hơn chúng ta không cần cố công giải thích vì sao pháp môn Tịnh độ lấy chữ tín đứng đầu, nói một cách nôm na, người tu hành theo pháp môn Tịnh độ như con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, mẹ con nhớ nhau thì đời đời không tách biệt, nói khác là có cảm có ứng, chư Phật ba đời thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu chúng sanh nhớ Phật niệm Phật thì Phật và chúng sanh gần nhau không khác.

Nếu bảo tín là điều kiện tối sơ quan trọng nhất cho hành giả tu hành pháp môn này, thì nguyện cũng là một điều kiện không thể thiếu để sinh về thế giới Cực Lạc. Nguyện như là ngọn lửa để nấu chín một nồi cơm, như ước mơ của một cậu học trò về giảng đường đại học, trước khi là sinh viên anh ta đã từng mơ về nó, ngày và đêm, có ước mơ anh ta mới nỗ lực hạ quyết tâm thi đỗ. Nguyện: Là mong muốn, thề nguyền cầu sanh Tây phương Cực lạc, ngày đêm ước mơ, ngày đêm nhớ nghĩ mong muốn sanh về. Có thể tạm chia nguyện gồm hai nghĩa:

- Mong muốn thiết tha sanh về Cực Lạc từng phút từng giây, đối chiếu vui khổ hằng ngày, như cõi Ta-bà đây có chướng duyên, thân ngũ uẩn thức dậy miệng hôi, cảnh trí đường phố bụi bậm; còn cõi Cực Lạc kia không có chướng duyên, thân liên hoa miệng thơm, đất bằng vàng, thảo mộc bằng châu, môi trường trong sạch, không có độc tố, v.v...

- Phát Bồ-đề tâm cầu thành Phật, xét thấy nơi cõi Ta-bà tu hành rất khó, ở cõi Cực lạc tu tiến dễ dàng, thuận tiện. Vâng lời đức Phật Thích-ca cầu sanh cõi Phật Tây phương, tu học cho kết quả; vâng lời đức Phật A-di-đà trở lại Ta-bà phụ tá đức Phật Thích-ca giáo hóa chúng sanh, xong rồi về Cực Lạc thế giới an dưỡng.

Đã tin rằng Ta-bà là uế trược, “ba cõi vốn không an” và rằng Tịnh độ vốn thù thắng an vui và sự trợ lực của đức Di Đà là vi diệu, v.v... thì chúng ta sẽ một lòng cầu thoát ly cái khổ tử sanh ba cõi, nguyện đón nhận lòng từ của đức Di Đà nhiếp dẫn mà nhất tâm cầu sanh về cõi vô sanh diệt của Ngài. Nguyện theo lời dạy mà tu hành, lấy công đức niệm Phật của mình cảm ứng với bản nguyện của Phật, đới nghiệp vãng sanh, vĩnh thoát sanh tử.  Vậy nên kinh dạy: “Nếu người thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thì nên phát nguyện sinh về thế giới ấy”. Và, đức Phật cũng nhắc lại trong kinh rằng: “Xá-lợi-phất, nghe như vậy, chúng sanh nên phát nguyện sinh về Cực Lạc”, “ai nghe nói như vậy thì nên phát nguyện sinh về cõi nước ấy”.

Và, kinh văn còn khẳng định thêm rằng: “Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, mong sinh về thế giới của đức Phật A-di-đà, thì người ấy đối với tuệ giác vô thượng sẽ bất thối chuyển, đối với thế giới ấy thì hoặc đã sinh, đang sinh hay sẽ sinh về”. Nếu đã tin vào “Phật lực” có khả năng tiếp độ, tin vào “tự lực” có khả năng tịnh hóa thân tâm qua câu niệm Phật để “sinh về” Cực Lạc thì sẽ phát khởi tâm nguyện tu tập. Đó là điều hẳn nhiên như vậy!

Không dừng lại ở Tín và Nguyện, điều quan trọng là phải biến hai điều ấy thành hành động trải nghiệm thiết thực (Hạnh). Đó là thực hành niệm Phật, rũ bỏ mọi sự, chuyên tâm trì niệm siêng năng, liên tục không dứt cho đến khi dứt hẳn vọng tưởng, tâm tư lắng đọng, định tĩnh và thành tựu được tịnh nghiệp, tức sự thanh tịnh nơi ba nghiệp thân, khẩu và ý. Kinh nói: “Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe nói đến đức Phật A-di-đà, trì niệm danh hiệu Ngài từ một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hoặc là bảy ngày mà tâm được định chuyên nhất không loạn thì người ấy lúc lâm chung được thấy đức Phật A-di-đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mắt. Người ấy, lúc chết, tâm không điên đảo (chánh niệm) thì liền được vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà”.

Pháp môn niệm Phật phù hợp trong mọi hoàn cảnh, không hạn chế không gian và thời gian. Trong kinh A-di-đà, đức Phật tóm thâu vạn hạnh của Bồ-tát mà chỉ dạy một pháp môn tối ưu là Trì Danh Hiệu Phật thì vấn đề áp dụng tu tập trong cuộc sống trở nên dung dị, đơn giản. Pháp Trì Danh nhiếp tâm trong mỗi niệm hiện tiền là cách ngắn nhất để vượt tắt tam giới. Có một ví dụ như sau, hành giả theo thứ tự tu hành giải thoát như một con sâu đục từng đốt tre dọc theo thân cây lên đến ngọn để ra ngoài. Công việc này rất khó khăn và tốn nhiều công sức giống như hành giả phải theo tu tập để hàng phục phiền não tuần tự theo những cấp độ vi tế, tiệm đốn khác nhau, đó gọi là “thụ xuất tam giới”. Còn nếu con sâu đục ngang thân cây tre để ra ngoài thì rất mau cũng như hành giả dùng một niệm hiện tiền để vượt thoát ba cõi, thể nghiệm an lạc giải thoát trong từng phút giây hiện tại, đó gọi là “hoành siêu tam giới”. Vì vậy, cổ đức đã nhận định: “Niệm Phật là con đường tu hành nhanh tắt, pháp Trì Danh lại là con đường tắt trong các con đường tắt ấy”.

Hành giả không cần băn khoăn vì tuổi già, sức yếu không kham nổi như sự tu tập theo các pháp môn khác, cũng không bận lòng vì mình còn bận lo toan cho cuộc sống, lại càng không tủi thân vì mình không được trau dồi kiến thức để tiếp nhận giáo lý thâm sâu, và hầu như không có một trở ngại đáng kể nào cho người niệm Phật. Trong bất cứ nghề nghiệp nào ta đều có thể niệm Phật mà không hề trở ngại cho công việc. Bất cứ ở đâu ta đều có thể niệm Phật mà không bị ràng buộc bởi một nghi thức nào. Tai điếc, ta vẫn có thể ghi nhớ bằng mắt. Mắt mờ, ta vẫn có thể nghe danh hiệu qua tai. Tại công sở, ta cũng niệm Phật được. Làm việc nhà, bế con, nuôi mẹ, v.v... ta cũng niệm Phật được. Khi vui, ta chào đón bằng câu niệm Phật. Lúc buồn, ta chia xẻ bằng câu niệm Phật. Gặp chuyện không như ý, ta nhớ đến đức tính từ bi qua câu niệm Phật để xoa dịu tâm sân, v.v... và trong mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần ta còn hơi thở thì ta đều có thể niệm Phật. Và bất cứ ai có thể nhất tâm niệm Phật đều được bình đẳng vãng sanh đúng như bản nguyện của đức A-di-đà.

Giữa chốn nhân gian, con người ta phải tiêu tốn cả đời, hy sinh không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để tìm kiếm cái gọi là “hạnh phúc”. Nhưng, những cảnh ngộ trái ý nghịch lòng giữa đời luôn đẩy con người đến những trạng thái bất an. Xét cho cùng, tâm lí bất an này phát sinh trên cơ sở của tham, sân, si. Do đó, con người luôn cảm thấy bất toàn khi nghĩ về nhân cách của mình. Giải quyết được vấn đề này, chúng sanh ở cõi Cực Lạc của đức Phật A-di-đà “không có sự khổ về thân cũng không có sự khổ về tâm mà chỉ thuần vô lượng những nhân tố của sự an lạc, hạnh phúc”. Nhưng, nhân tố của hạnh phúc ấy là do đâu? Nơi cõi Cực Lạc ấy, một ngày sáu lần, các giống chim quý luôn nói pháp mầu như về năm căn, năm lực, bảy chi phần bồ đề, v.v... làm cho tâm chúng sanh luôn nhớ tưởng về Phật, Pháp, Tăng. Như thế, chúng sanh cõi ấy luôn ý thức và thực hành rất nghiêm mật về 37 phẩm trợ đạo. Và dĩ nhiên, sẽ không có mầm mống của sự thối tâm vì “ngày đêm sáu thời” là diễn tả một sự liên tục không ngừng sống trong hương vị diệu pháp. Bên cạnh đó, cây cối và các vật dụng trang trí đều hòa trong làn gió nhẹ thành những tiết tấu làm vui đẹp lòng người và khiến cho họ hòa nhập với thể tánh của Tam bảo như kinh nói: “Khi nghe được những âm thanh đó liền an trú tâm (sự) nhớ tưởng Phật, nhớ tưởng Pháp, nhớ tưởng Tăng nơi thân”. An trú tâm trong hình ảnh đức Phật là an trú với thực tại. Giả sử đặt trường hợp của chúng ta hiện nay, chỉ một cái nhìn trìu mến của mẹ, một lời khuyên chí tình của anh em, bằng hữu cũng đủ làm ta chùn bước mà quay về, nếu được ở trong một bầu không khí luôn văng vẳng những âm thanh hòa nhã, êm dịu như vậy khích lệ tu hành thì hẳn chúng ta sẽ phấn khích đến mức “lông tóc dựng ngược”, dẹp mọi sầu lo để nỗ lực hướng về chân, thiện, mỹ. Hơn nữa, khi tâm năng niệm của ta và cảnh sở niệm là đức Phật đều vắng bặt thì lúc ấy hai phạm trù ngã và pháp đã hòa vào nhau thành một thể. Lúc ấy, giá trị thực của cuộc sống mới thực sự hiển bày, liễu xanh, hoa hồng đều cất lên tiếng nói trong ta. Bên cạnh đó, cõi Cực Lạc không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tức không có bóng dáng của tham, sân, si vì “cõi Phật  ấy, ngay cái tên ác đạo cũng không có, huống nữa là tồn tại ba đường ác”. Tuy có hình ảnh của muông thú nhưng chúng không do nghiệp báo sanh ra mà là do sự  hóa hiện của đức Phật.

Như vậy, trong xã hội đầy đủ thành phần ấy, người ta sống với nhau trong sự cảm thông sâu sắc. Sở dĩ, con người ta kì thị, ngược đãi lẫn nhau và gây khổ đau cho nhau là vì sự khác biệt về sắc tộc, bất đồng về ngôn ngữ, v.v... Còn ở đây, mọi thứ đều bình đẳng. Chim chóc, hoa lá, thiên nhiên và con người đều chung sống, hiểu nhau và khuyến khích nhau trong Phật pháp. Chúng sanh nào sanh về đó đều ở ngôi vị bất thối chuyển, quả vị của Bồ-tát đã đầy đủ công hạnh, tức là đã hoàn thiện nhân cách cá nhân. Họ với các bậc “thượng thiện nhân” sống chung một nơi. Và hình ảnh ấn tượng và cảm động nhất là đến giờ phút lâm chung của ta, đức Phật A-di-đà và toàn thảy chúng Bồ-tát, Thanh văn đều hiện ra trước mặt ta mà tiếp độ.

Đó là nói về cõi Cực Lạc. Nhìn về hiện thực bài kinh, ta thấy như một lời tâm sự, đức Thích-ca nói rằng: “Xá-lợi-phất! Ta thấy ích lợi như thế nên nói rằng: ai nghe nói như vậy thì nên phát nguyện sinh về cõi nước ấy”. Lo chúng ta sẽ rất thiệt thòi nếu không nghe và thực hành theo lời dạy chí thiết ấy, nên đức Phật đã ân cần lặp lại nhiều lần rằng hãy tin lời của Ngài. Cứ mỗi lần nghe lại một lời khuyến tín ấy, ta lại nghĩ đến tâm trạng của người mẹ hiền luôn phải đi theo nhắc nhở những đứa con thơ dại rằng: “nơi đó không an toàn!”, rằng “Mẹ sẽ chỉ cho con những chỗ tốt đẹp hơn, nơi đó thật sự thoải mái và tốt cho con”, và rằng: “Con ơi! Nếu con làm theo lời mẹ thì mọi người cũng sẽ khen ngợi con giống như mẹ vậy”… 

Cõi Cực Lạc là một bức tranh hoàn mỹ về một thế giới văn minh lý tưởng. Trước tiên, đối với hoàn cảnh xã hội đương đại, con người không thể chấp nhận được những tế toái trong hiện thực nên phải ước vọng về một xã hội lý tưởng, nơi ấy sẽ không có những đau khổ về vật chất (đau khổ về thân) và bức bách về tinh thần (khổ về tâm) như kinh nói: “Vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc”. Các khổ đau vì cảnh sanh, già, bệnh, chết của kiếp sống hiện tại cũng được giải quyết. Người ta hóa sanh từ hoa sen, thọ mạng vô lượng nên không có khái niệm già và chết. Bệnh tật thì hoàn toàn yên tâm vì nước trong các ao hồ đầy đủ tám đặc chất quý có thể hóa giải mọi vấn đề về sức khỏe, cảm thọ. Cuộc sống nơi ấy cũng sẽ không còn cái cảnh khổ sở bươn chải từng bát cơm, manh áo đến nỗi không dám ra tay làm một việc phước thiện, dù chỉ là một nghĩa cử đẹp gọi là “dón tay làm phúc”. Ở Tịnh độ, người ta được thỏa chí nguyện vì mỗi sáng, họ đều có thể đem hoa báu đi cúng dường khắp mười phương chư Phật, một ước nguyện mà đời sống hiện tại không có điều kiện để làm. Thay vì phải nghe những âm thanh không thuận tai, gây bao phiền não thì ở Tịnh độ, ngày đêm sáu thời đều nghe những âm thanh hòa nhã làm êm dịu lòng người, khiến mọi người hướng lòng về thiện pháp, v.v... Tất cả nội dung của thế giới lí tưởng là những giải đáp cho nỗi ưu tư khắc khoải của cuộc sống con người.

Cảnh Tịnh độ, như được trình bày trong kinh A-di-đà, chỉ hiện hữu chư vị Bồ-tát và Thanh văn làm ta liên tưởng đến nếp sinh hoạt thanh tịnh của chư tăng trong chốn Già lam. Tại đây, luôn vang vọng các âm thanh vi diệu của Thánh đạo khiến tâm thức lắng đọng, thuần tịnh. Hẳn đây cũng là một ý tưởng để chư Tổ chọn Kinh A-di-đà cho thời công phu chính mỗi ngày của Thiền môn.

Như vậy, nếu xét kĩ hơn, cõi Cực Lạc chính là hình ảnh cõi trần được tịnh hóa. Cho nên, ở một góc độ nào đó, người ta có thể tìm thấy Tịnh độ ngay trong cuộc sống hiện tại, ngay giữa thế giới bất toàn này. Vấn đề ở đây là “thiện căn ở tại lòng ta” vì nếu “người buồn” thì “cảnh có vui đâu bao giờ”. Duy thức tông nói “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, tất cả đều là biến hiện của tâm. Như một đường tròn lí tưởng của toán học, thực tế nó chỉ là một chuỗi của vô số điểm cách đều một tâm điểm, hoặc một đoạn phim sống động cũng chỉ là một chuỗi hình ảnh liên tiếp nhau. Cũng vậy, dòng tâm cũng chỉ là một chuỗi tâm thức sinh diệt trôi chảy không ngừng. Từ khi hành giả thực tập nhiếp đương niệm trong câu niệm Phật thì những tâm lí bất an dần tan biến, cho đến khi “nhất tâm bất loạn” thì đâu còn chỗ cho tham, sân, si hay những nguyên nhân gây bất an tồn tại. Chính lúc đó, tâm hành giả biết rõ một tâm thái tĩnh lặng, bình an thật sự, hay chính đó là tâm thanh tịnh của Phật. Tâm đã thanh tịnh thì ngay tại đây và chính lúc này ta đang sống trong Tịnh độ. Niệm trước, niệm sau liên tục trôi chảy đều như vậy tức là hành giả đã sinh trong Tịnh độ, đang sống trong Tịnh độ và sẽ sinh về Tịnh độ.

Giữa cuộc sống tương quan này, hạnh phúc chỉ có thể có khi mà chúng ta cảm nhận được những gì chúng ta có trong tầm tay và biết đủ với những gì ta có thể có trong tầm với của mình. Làm được như vậy là đồng thời, bằng khả năng và trong khả năng có thể của mình, một cách tự nhiên, chúng ta đã đem lại hạnh phúc không những chỉ cho những người thân quanh mình mà cả cho những người mình có duyên tương ngộ. Chính cái “ý thức về” làm đối tượng được ý thức đó hiện hữu, thì cũng vậy, danh hiệu đức Phật vang vọng trong đương niệm của ta thì lúc ấy ta đang có tâm Phật thanh tịnh trang nghiêm.

Phương pháp tu hành của Tịnh Độ Tông rất giản dị, tiện ích và tương thích cho mọi hoàn cảnh nên gọi là “dị hành đạo”. Chỉ chú tâm trì niệm một câu danh hiệu Phật gồm sáu chữ, không phải quán tưởng sâu xa, không phải nghiên cứu giáo điển cao siêu nhưng vẫn chứa đựng triết lí thâm sâu, vậy thì có còn pháp môn nào dung dị, giản đơn hơn?! Người ta chỉ cần có lòng tin, phát nguyện sanh về Tịnh Độ, trì niệm danh hiệu Phật thì có thể nương nguyện lực của Phật A-di-đà, sanh về cõi Cực Lạc của Ngài, không còn bị thối chuyển nữa. Và như vậy, tín, nguyện, hạnh là ba yếu tố thiết thân kiện toàn cho người tu hành pháp môn Tịnh độ này.

Nguồn Tập San Pháp Luân 33

 

Hải Nguyện